Học giả: Tập Cận Bình chỉ coi Giang Trạch Dân như đạo cụ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm 6/12, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tổ chức lễ truy điệu cho cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân, một số chi tiết trong điếu văn của ông Tập Cận Bình đã thu hút sự chú ý. Các học giả cho rằng, ông Tập đang diễn kịch cho nội bộ đảng xem, ông chỉ coi Giang như một đạo cụ để vượt qua cuộc khủng hoảng hiện tại của chế độ.

Sáng ngày 6/12, lễ truy điệu ông Giang Trạch Dân được tổ chức tại đại lễ đường ở Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình đã sử dụng hệ thống diễn ngôn của ĐCSTQ để ca ngợi ông Giang Trạch Dân.

Thị trường tài chính và chứng khoán Trung Quốc cũng tạm nghỉ 3 phút trong trong thời gian mặc niệm tại lễ truy điệu. Toàn Trung Quốc đóng cửa các khu giải trí công cộng trong một ngày; Tencent, NetEase và các nền tảng trò chơi khác cũng tạm dừng dịch vụ; nhiều khu nghỉ dưỡng và danh lam thắng cảnh ở Bắc Kinh bị đóng cửa.

Kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, Tập – Giang đấu đá luôn là tâm điểm chú ý, nhiều thân tín của Giang đã bị Tập hạ bệ dưới danh nghĩa chống tham nhũng.

‘Tập Cận Bình chỉ đang diễn kịch cho mọi người xem’

Học giả Trịnh Húc Quang (Zheng Xuguang) ở Mỹ là một chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc. Về việc ông Tập Cận Bình truy điệu cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân, ông Trịnh nói với The Epoch Times vào ngày 6/12 rằng, cuộc đấu tranh giữa các nhà lãnh đạo hàng đầu của ĐCSTQ là kiểu tuy đấu đá nhưng không làm mất thể diện của nhau.

Tình hình chính trị kinh tế trong nước xấu đi, giới nhà giàu Trung Quốc di cư và chuyển tài sản ra nước ngoài
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) bắt tay với cựu chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân trong buổi bế mạc Đại hội ĐCSTQ lần thứ 19 tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 24/10/2017. (WANG ZHAO / AFP via Getty Images)

Tập Cận Bình ca ngợi Giang Trạch Dân trong điếu văn, nhưng vẫn đề cập đến cái gọi là thời đại mới của Tập, nhấn mạnh rằng nhất định phải củng cố “Bốn ý thức”, kiên định với “Bốn tự tin” và đạt được “Hai bảo vệ”. Những thuật ngữ này của ĐCSTQ, ai nghe cũng biết rằng mục đích của chúng là để duy trì quyền lực của ông Tập Cận Bình.

Trong đó, “Bốn ý thức” gồm: ý thức chính trị, ý thức đại cuộc, ý thức cốt lõi, ý thức nói theo; “Bốn tự tin” gồm: tự tin vào con đường chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc, tự tin vào lý luận, tự tin vào chế độ, tự tin vào văn hóa; “Hai bảo vệ” gồm: bảo vệ địa vị cốt lõi của ông Tập trong trung ương ĐCSTQ và bảo vệ địa vị cốt lõi của ĐCSTQ tại Trung Quốc.

Học giả Trịnh Húc Quang nói rằng, trong lịch sử ĐCSTQ đã xác định ra ba cốt lõi. Đặng Tiểu Bình tự gọi mình là cốt lõi, rồi lại phong cho Giang Trạch Dân là cốt lõi, đến Tập Cận Bình lại tự đội lên chiếc vương miện “cốt lõi”. Ông Tập rõ ràng muốn tạo cho mọi người ấn tượng rằng, ông ta là người kế nhiệm Giang và đã gạt Hồ Cẩm Đào sang một bên.

Tại lễ bế mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ, cựu lãnh đạo Hồ Cẩm Đào bất đắc dĩ bị đưa ra khỏi hội trường, thế giới bên ngoài cho rằng động thái này có liên quan đến việc loại bỏ phe Hồ khỏi Bộ Chính trị Trung ương.

Ông Trịnh cho rằng, ông Tập Cận Bình đã loại bỏ phe Hồ từ trên xuống, nhưng ông ta vẫn chưa thể khiến toàn bộ hệ thống phục tùng mình. Vì vậy, Tập muốn sử dụng một Giang Trạch Dân đã chết để chèn ép Hồ. Khi ông Tập đề cao Giang trong bài điếu văn của mình, ông ta cũng đang đề cao chính mình.

Phân tích nguyên nhân ông Hồ Cẩm Đào 'bị xốc nách' khỏi phiên bế mạc Đại hội 20
Một nhân viên nhấc tay ông Hồ Cẩm Đào và mời ra ngoài trong khi phiên bế mạc Đại hội 20 của ĐCSTQ hôm 22/10/2022 vẫn đang diễn ra. (Kevin Frayer/Getty Images)

Tiến sĩ chính trị Lâm Tùng (Lin Song), một chuyên gia truyền thông ở Úc, nói với The Epoch Times vào ngày 6/12 rằng, lời ca tụng của ông Tập Cận Bình dành cho Giang Trạch Dân có thể không chỉ đơn giản như trên bề mặt. Đó chỉ là tập quán của ĐCSTQ, về cơ bản họ sẽ cố gắng duy trì sự tôn trọng đối với các cựu lãnh đạo, ít nhất là ngoài mặt.

Ví dụ, khi Đặng Tiểu Bình trở lại nắm quyền, ông ta vẫn ca ngợi Mao Trạch Đông và yêu cầu mọi người không được thảo luận về những sai lầm của thời Cách mạng Văn hóa, và còn dập tắt những tiếng nói chống lại Mao.

Ông Lâm cho rằng, Tập Cận Bình chỉ đang làm theo lệ của ĐCSTQ và ca ngợi nhà lãnh đạo tiền nhiệm một chút, nhằm xoa dịu các phe phái khác trong ĐCSTQ và ổn định tình hình chung. "Tập Cận Bình chỉ đang diễn kịch cho mọi người xem", ông nói.

Tập làm rầm rộ về cái chết của Giang, dùng Giang làm đạo cụ

Một đám cháy bùng phát ở Urumqi, Tân Cương vào ngày 24/11 và gây thương vong nghiêm trọng là hệ quả của chính sách phong tỏa hà khắc. Sau đó, "phong trào giấy trắng" đã nổ ra ở nhiều nơi ở Trung Quốc do người dân không hài lòng với việc phong tỏa và kiểm soát xã hội quá mức.

Vào tối ngày 26/11, người dân Thượng Hải đã tập trung trên đường Trung lộ Urumqi, hô vang các khẩu hiệu như "Đảng Cộng sản [Trung Quốc] hạ đài" và "Tập Cận Bình hạ đài" (nghĩa đen của từ “hạ đài” là bước xuống sân khấu, ở đây hiểu là bước xuống vũ đài chính trị; nghĩa bóng là giao lại chính quyền cho dân).

Phong trào này sau đó đã bị chính quyền áp chế, và nhiều người biểu tình được cho là đã bị bắt, hiện chưa rõ con số cụ thể. Ngay sau khi cuộc biểu tình nổ ra, Bắc Kinh đã tuyên bố về cái chết của cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân, việc này làm dấy lên suy đoán rằng chính quyền đang cố gắng chuyển hướng sự chú ý của công chúng.

Liệu ‘Phong trào Giấy trắng’ có phải là thiên nga đen của Bắc Kinh?
Hôm 28/11/2022, người dân Bắc Kinh cầm giấy trắng biểu tình phản đối chính sách Zero Covid. (Michael Zhang/AFP via Getty Images)

Ông Trịnh Húc Quang cho rằng, một khi Giang Trạch Dân qua đời, những người trong đảng từng đặt hy vọng vào Giang sẽ đột ngột mất đi nơi dựa dẫm. Ngược lại, cái chết của Giang lại trở thành quân bài để ông Tập vượt qua cơn khủng hoảng do chính sách Zero Covid gây ra.

"Đầu tiên tại bệnh viện ở Thượng Hải, các cán bộ địa phương tiễn biệt Giang một lần, [tân Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị] Thái Kỳ còn tới 'áp tải' thi thể của Giang về Bắc Kinh. Thi thể của Giang được vận chuyển từ Sân bay Hồng Kiều (Thượng Hải) đến Sân bay Tây Giao (Bắc Kinh), sau đó được đặt trong Bệnh viện Đa khoa Quân đội Giải phóng Nhân dân (Bệnh viện 301), rồi đưa đến [nghĩa trang] Bát Bảo Sơn. Chúng đồng nghĩa với việc thi thể của ông ta được tiễn biệt nhiều lần, đây là một động thái rất kỳ lạ, tôi nghĩ gia đình Giang có thể rất không vui, [Tập Cận Bình] coi ông ta như một đạo cụ".

"Thi thể của Mao Trạch Đông không được chôn cất trong lòng đất, còn thi thể của Giang thì bị chuyển qua chuyển lại", ông Trịnh nói, có thể ông Tập đã cố tình làm như vậy, dùng 6 ngày tưởng niệm để dập tắt phong trào giấy trắng.

Bài điếu văn nhắc đến sự kiện 4/6/1989 hai lần

Bài điếu văn của ông Tập Cận Bình đã đề cập đến sự kiện ngày 4/6/1989 (thảm sát Thiên An Môn) ít nhất hai lần. Ông Tập gọi đó là một "sóng gió chính trị nghiêm trọng" và cho rằng Giang đã bảo vệ chế độ, nhưng lại tránh đề cập đến chiến dịch bức hại Pháp Luân Công do Giang phát động.

Ông Trịnh Húc Quang cho rằng, Giang Trạch Dân có cơ hội lên nắm quyền là nhờ sự kiện ngày 4/6, và đó là một kiếp nạn mang tính sinh tử trong lịch sử của ĐCSTQ. Toàn bộ hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô đã sụp đổ, cho nên các lãnh đạo ĐCSTQ sau này đều cho rằng hành động trấn áp ở Thiên An Môn năm 1989 là để duy trì sự thống trị của họ.

Ông Trịnh nói rằng, cuộc đàn áp Pháp Luân Công là điều vô cùng tồi tệ mà Giang Trạch Dân gây ra, và đó là vấn đề về đức tin.

Giang Trạch Dân thăng tiến chóng mặt nhờ tận lực thảm sát ở quảng trường Thiên An Môn
Nhờ dốc lòng ủng hộ và chỉ đạo vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989, Giang Trạch Dân đã không ngừng thăng tiến trong sự nghiệp sau đó. (Ảnh: NTDVN tổng hợp)

Bài điếu văn của ông Tập không chỉ đề cập đến "sóng gió chính trị nghiêm trọng ở nước ta vào thời điểm chuyển giao mùa xuân và mùa hè năm 1989", mà còn đề cập đến việc Giang Trạch Dân “phản đối cuộc nổi loạn".

Tiến sĩ Lâm Tùng chỉ ra rằng, cách dùng từ của ông Tập không đồng nhất, bởi vì năm đó ĐCSTQ gọi phong trào dân chủ ở Bắc Kinh là cuộc “nổi loạn”, nhưng về sau, để giảm bớt sự chỉ trích từ trong và ngoài nước, họ đã sửa thành “sóng gió” và bỏ cách gọi “nổi loạn”.

Ông Lâm cho rằng, việc ông Tập Cận Bình dùng cả hai cách gọi cho thấy, có thể ông ta sử dụng cụm từ nhẹ nhàng như "sóng gió" là để đối phó với những lời chỉ trích; mặt khác lại dùng từ “nổi loạn” để làm nguôi những người theo đường lối cứng rắn trong đảng, và cũng là để đe dọa các cuộc biểu tình ngày một gia tăng của nhân dân.

Liên quan đến việc bài điếu văn không nêu bất kỳ gợi ý nào về cuộc đàn áp Pháp Luân Công trong thời Giang cầm quyền, ông Lâm nói rằng Giang Trạch Dân là nhà lãnh đạo đã ra lệnh đàn áp Pháp Luân Công vào thời điểm đó, và Tập Cận Bình không có lý do gì để đổ vỏ cho Giang Trạch Dân. Mặt khác, những gì Tập Cận Bình đang phải đối mặt không chỉ là vấn đề Pháp Luân Công, mà còn là làn sóng phản đối khổng lồ đã và đang nổi lên ở nhiều nơi nhằm chống lại việc phong tỏa và xét nghiệm quá mức.

“Tập Cận Bình hiện đang phải đối mặt với quá nhiều oán hận sâu sắc từ công chúng, có thể nói rằng ông ấy đang bị quá tải, lo thân mình còn chưa xong”, ông Lâm nói.

Đông Phương

Theo The Epoch Times tiếng Hoa



BÀI CHỌN LỌC

Học giả: Tập Cận Bình chỉ coi Giang Trạch Dân như đạo cụ