Jack Ma thong thả ở nước ngoài khi ông Tập ra lệnh tăng cường giám sát công ty công nghệ tài chính

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khi Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, một lần nữa ra lệnh tăng cường giám sát nền kinh tế kỹ thuật số, thì tung tích ở nước ngoài của người sáng lập Alibaba là ông Jack Ma đã bị phanh phui. Vào ngày 21/6, Jack Ma được cho là đã có màn xuất hiện đầy ấn tượng tại Mallorca, Tây Ban Nha.

Jack Ma có thể tự do xuất cảnh vì đã hoàn toàn khiến Bắc Kinh yên tâm?

Ngày 22/6, tờ Mallorca Daily của Tây Ban Nha đưa tin, ông Jack Ma, người sáng lập Alibaba, đã xuất hiện tại một sân gôn địa phương. Trong ảnh, ông Jack Ma mặc áo sơ mi trắng và cầm gậy đánh golf. Vào ngày 21/6, người dân địa phương đã nhìn thấy siêu du thuyền có tên mã "Zen" của ông ở ngoài khơi bờ biển Calvia.

Tờ Sohu Technology của đại lục ngày 24/6 đưa tin ông JackMa xuất hiện ở nước ngoài với phong thái cao sang. Theo bài báo, vào tháng 10/2021, Jack Ma đã đầu tư 200 triệu USD để mua một chiếc du thuyền siêu sang có tên mã "Zen". Du thuyền của ông Jack Ma mất 4 năm để đón, dài tới 88,38m có thể chứa 16 khách du lịch và có 25 thành viên phi hành đoàn.

Mallorca là hòn đảo lớn nhất trong quần đảo Balearic của Tây Ban Nha, nằm ở phía tây Địa Trung Hải, là điểm du lịch, ngắm chim nổi tiếng.

Vào tháng 8/2021, sau khi ông Tập Cận Bình đặt vấn đề "Thịnh vượng chung" làm trọng tâm tại cuộc họp của Ủy ban Kinh tế Tài chính Trung ương của Đảng, các công ty công nghệ Trung Quốc đã phải lập tức chia sẻ tài sản của họ hoặc cam kết chia sẻ cho sáng kiến "Thịnh vượng chung" này. Đây cũng là thời điểm mà các công ty công nghệ lớn của Bắc Kinh bị chính quyền đàn áp: kiểm soát độc quyền, chuyển một phần sở hữu tư nhân sang sở hữu nhà nước, đưa chi bộ ĐCSTQ vào giám sát doanh nghiệp, cấm IPO ở nước ngoài,...

Hai tháng sau thời điểm ông Tập tuyên cáo về "Thịnh vượng chung", ông Jack Ma bất ngờ xuất hiện ở Hong Kong, Tây Ban Nha và Hà Lan. Hãng Reuters đưa tin, ngày 20/10/2021, du thuyền sang trọng riêng của Jack Ma "Zen" đã được thả neo gần Santa Ponsa, Mallorca. Báo này dẫn các nguồn tin truyền thông Tây Ban Nha cho biết ông Jack Ma đã đến quần đảo Balearic của Tây Ban Nha vào ngày 16/10, đi cùng với các doanh nhân và vệ sĩ.

Vào thời điểm đó, tờ South China Morning Post (Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng) có trụ sở tại Hong Kong, thuộc sở hữu của Alibaba, cho biết chuyến đi của ông Ma là một phần của "chuyến tham quan nghiên cứu các khu vực nông nghiệp và các công ty của Tây Ban Nha".

Yuan Hongbing, một luật gia có trụ sở tại Úc, nói với The Epoch Times vào ngày 28/10/2021: “Ông Jack Ma bị ông Tập Cận Bình coi là nhân vật quan trọng, một 'găng tay trắng' [ám chỉ tay sai đắc lực] của kẻ luôn muốn phá hoại nền tảng kinh tế của Trung Quốc. Đó là đối thủ chính trị số một của ông Tập là Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng. Vì vậy, ông Tập không thể trả tự do cho ông Jack Ma. Ông Jack Ma chỉ ra nước ngoài dưới sự giám sát chặt chẽ của Bắc Kinh".

Giang Trạch Dân không chỉ là đối thủ chính trị sống còn số một của ông Tập Cận Bình. Ông Giang còn là người đã ra lệnh, thiết kế chương trình đàn áp đẫm máu người tu luyện Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ và Tây Tạng. Ông ta được cho là đã ra lệnh cho quân đội bảo kê cho hoạt động mổ cướp tạng sống của các nhóm dân cư này, thúc đẩy ngành mổ ghép tạng của Trung Quốc trở thành ngành công nghiệp phát triển nhất thế giới, cũng đẫm máu nhất thế giới.

Xem thêm:

Ông Li Hengqing, một nhà kinh tế đang làm việc tại Hoa Kỳ, tin rằng Jack Ma hẳn đã bị hạn chế rời khỏi đất nước một thời gian trước. Nhưng hiện tại ông ấy có thể xuất cảnh, còn có một yếu tố quan trọng, có thể là do Jack Ma đã hoàn toàn khuất phục ĐCSTQ. Ông ấy đã mất đi giá trị [với phe Tăng Khánh Hồng].

Ảnh hưởng chính trị của các công ty công nghệ 'trở về con số 0'?

Có tin đồn rằng Alibaba và Ant đang "tách ra". Vào tháng 10/2020, sau khi ông Jack Ma có bài phát biểu trên Bến Thượng Hải, chỉ trích sự giám sát tài chính của các cơ quan chức năng, Tập đoàn Alibaba liên tục bị các quan chức ĐCSTQ "bắn tỉa". Cuối năm 2020, Jack Ma đã bị kiểm tra, giám sát, kiểm toán tứ bề về các vấn đề tài chính.

Sau đó, kế hoạch niêm yết của Ant Group bị dừng khẩn cấp. Ngày 10/4/2021, chính quyền Bắc Kinh đã áp dụng khoản phạt khổng lồ 18,2 tỷ nhân dân tệ (CNY) đối với Alibaba.

Tờ Wall Street Journal và các phương tiện truyền thông khác đã đưa tin rằng Boyu Capital, được thành lập bởi cháu trai của Giang Trạch Dân là Giang Chí Thành (con trai của Giang Miên Hằng), nắm giữ cổ phần của Ant theo cách vòng vo thông qua quỹ đầu tư tư nhân "Beijing Jingguan"; Zhaode Investment nắm giữ cổ phần của Ant. Một cuộc điều tra của chính quyền Bắc Kinh đã phát hiện ra rằng một số phe nhóm có mối liên hệ chặt chẽ với giới tinh hoa ĐCSTQ (gia tộc Giang và Tăng) được thành lập thông qua cổ phần của họ trong Ant Group sẽ đặt ra một "thách thức tiềm tàng" đối với ông Tập.

Reuters dẫn lời một số người quen thuộc với vấn đề này vào ngày 17/4 năm nay nói rằng khi Ant Group đối diện với cuộc điều tra từ bốn cơ quan quản lý tài chính lớn của Trung Quốc, các nhà chức trách Trung Quốc đã đưa ra tín hiệu vạch ra ranh giới rõ ràng giữa Ant Group và Jack Ma. Dưới áp lực từ các cơ quan quản lý Trung Quốc, Ant Group đang tìm kiếm các phương án để người sáng lập Jack Ma bán cổ phần của mình và từ bỏ quyền kiểm soát công ty. Người ta nói rằng Jack Ma thực sự kiểm soát hơn 50% cổ phần của Ant Group.

Nguồn tin cũng nói rằng bất kỳ thỏa thuận liên quan nào của Ant Group đều cần có sự gật đầu của chính quyền Bắc Kinh.

Ông Li Daokui, một nhà kinh tế Trung Quốc, tiết lộ tại một diễn đàn đầu tư vào ngày 3/6 năm nay rằng Ant Group từng khiến các nhà lãnh đạo ở "cấp cao nhất" khiếp sợ vì mối quan hệ cá nhân phức tạp và sâu rộng cũng như ảnh hưởng chính trị của nó. Nhưng giờ đây, ảnh hưởng chính trị của các công ty công nghệ đã "bằng không".

Ông Lou Jiwei, Giám đốc Ủy ban Đối ngoại của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc và là cựu Bộ trưởng Tài chính, gần đây đã tiết lộ rằng "cuộc điều tra và việc tạm dừng niêm yết một nền tảng dữ liệu tài chính thực chất là để ngăn ngừa rủi ro hệ thống trước và trong sự kiện này".

Xé nhỏ các ông lớn công nghệ tài chính: Chia để trị

Vào ngày 22/6, ông Tập Cận Bình đã chủ trì cuộc họp của Ủy ban Cải cách sâu rộng, nơi đã xem xét và thông qua kế hoạch tăng cường giám sát các công ty công nghệ thanh toán quy mô lớn. Cuộc họp một lần nữa nhấn mạnh rằng để lành mạnh hóa thị trường tài chính, cần phải tăng cường giám sát các công ty công nghệ tài chính, giám sát các nền tảng công nghệ tham gia vào các tổ chức tài chính.

Bình luận về động thái này, Reuters (22/6) đưa tin rằng các quan chức Trung Quốc không muốn thấy quyền lực tập trung vào tay các tập đoàn tư nhân. Các công ty mẹ Alibaba và Ant đang dần tách ra và tìm kiếm các hoạt động kinh doanh mới một cách độc lập. Ant Financial và Alibaba cũng đã trở thành đối thủ cạnh tranh.

Tang Jingyuan, một nhà báo tự do, hôm 23/6 cho biết điều này vẫn nhằm mục đích giám sát và làm suy yếu các công ty độc quyền quy mô lớn đa dạng như Alibaba, đó là "sự giảm bớt [quy mô] tài chính". Đánh giá từ các thông tin đại chúng hiện nay, các cơ quan chức năng vẫn đang có xu hướng cưỡng bức chia tách doanh nghiệp, nghiêm cấm đa dạng hóa ngành, chia thành nhiều doanh nghiệp độc lập và phân tán, cắt đứt hợp tác, thậm chí liên kết với nhau và khuyến khích thiết lập các mối quan hệ cạnh tranh.

Ông Gong Shengli, một nhà kinh tế học độc lập ở đại lục, nói với The Epoch Times vào ngày 23/6 rằng có thể rất khó để Ant và Alibaba trở nên lớn hơn bây giờ. Ông cho biết "Bây giờ, các tập đoàn đó đã [hoặc sẽ có] vốn nhà nước có cổ phần chi phối, mọi hành động đều do vốn nhà nước thao túng hay điều hành, và do họ (chính phủ) quyết định".

Quang Nhật

(Theo Vision Times)



BÀI CHỌN LỌC

Jack Ma thong thả ở nước ngoài khi ông Tập ra lệnh tăng cường giám sát công ty công nghệ tài chính