Năm đầu tiên Trung Quốc có hơn 10 triệu sinh viên tốt nghiệp, áp lực việc làm chưa từng có

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bộ Giáo dục Trung Quốc công bố, dự kiến sẽ có khoảng 10,76 triệu sinh viên tốt nghiệp các trường cao đẳng và đại học trên cả nước trong mùa hè năm nay. Do tình hình dịch bệnh cùng nền kinh tế không mấy lạc quan, năm 2022 có thể là năm có áp lực việc làm lớn nhất trong lịch sử, một giáo sư kinh tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc nhận định.

Truyền thông Đại lục đưa tin gần đây rằng, số sinh viên tốt nghiệp cao đẳng và đại học ở Trung Quốc năm nay đã tăng 1,67 triệu so với năm ngoái, tăng 18,37%, xác lập kỷ lục mới về cả quy mô lẫn số lượng. Trong năm 2022, sẽ có khoảng 16 triệu lực lượng lao động mới tại các khu vực thành thị của Trung Quốc, lại là một mức cao kỷ lục mới trong nhiều năm qua.

Quan chức Trung Quốc: Nhiệm vụ ổn định và đảm bảo việc làm "vô cùng khó khăn"

Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Trung Quốc, ông Vương Huy (Wang Hui), Vụ trưởng Vụ Sinh viên Cao đẳng và Đại học thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc, cho biết, do nhiều yếu tố như dịch bệnh… nên vấn đề việc làm của sinh viên sau khi ra trường sẽ phức tạp và nghiêm trọng, nhiệm vụ ổn định và đảm bảo việc làm cũng "vô cùng khó khăn".

Giáo sư kinh tế Tăng Tương Tuyền (Zeng Xiangquan), Giám đốc Viện Nghiên cứu Việc làm của Đại học Nhân dân Trung Quốc, cũng thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông nước này rằng, "năm 2022 có thể là năm có áp lực việc làm lớn nhất trong lịch sử đối với các sinh viên tốt nghiệp cao đẳng và đại học".

Ông Tăng cho biết, trong khi số lượng sinh viên tốt nghiệp tăng cao kỷ lục, áp lực do tăng trưởng kinh tế đi xuống lại gia tăng, thêm vào đó là tác động của dịch bệnh và ảnh hưởng từ các yếu tố bất định như xung đột Nga - Ukraine, vậy nên thị trường lao động của Trung Quốc sẽ chịu áp lực vô cùng lớn.

Hai nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc là ông Tập Cận Bình và ông Lý Khắc Cường đã nhiều lần nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc làm ổn định trong nước. Gần đây, trong hội nghị chuyên đề với các chuyên gia và doanh nhân vào ngày 7/4, hay trong buổi tọa đàm với một số lãnh đạo chính quyền địa phương ở tỉnh Giang Tây hôm 11/4, ông Thủ tướng Lý Khắc Cường đều nhấn mạnh vấn đề “ổn định việc làm”; rằng ổn định việc làm là một trong hai yếu tố quan trọng để nền kinh tế Trung Quốc có thể vận hành ổn định và bình thường.

Chuyên gia chỉ ra nguyên nhân khó tìm việc

Một báo cáo do Nomura Holdings, ngân hàng đầu tư lớn nhất Nhật Bản, công bố gần đây đã chỉ ra rằng, nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực đi xuống nghiêm trọng nhất kể từ khi đại dịch bùng phát.

Ông Ngô Cự Minh (Wu Jumeng), cựu Giám đốc Văn phòng Các vấn đề Quốc tế của Đại học Tân Thế (Shih Hsin University) Đài Loan, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với VOA rằng, một trong những lý do dẫn đến tình trạng khó tìm việc ở Trung Quốc là thị trường việc làm và kết cấu cung cầu của sinh viên mới tốt nghiệp không ăn khớp.

Ví dụ, ngành chế tạo sơ cấp thiếu lao động nhưng sinh viên tốt nghiệp đại học lại không muốn ứng tuyển; hay sinh viên đại học muốn tham gia vào lĩnh vực sản xuất công nghệ cao, nhưng trên thực tế, khả năng phát triển ngành công nghiệp này của Trung Quốc lại không đủ.

Ngoài ra, sau năm 2018, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã thúc đẩy nhiều chuỗi cung ứng dịch chuyển sang Đông Nam Á. Thêm vào đó là sự tăng cường giám sát của chính phủ trong các ngành như bất động sản, giáo dục khiến thị trường bị thắt chặt. “Luật Chống Độc quyền” và chính sách “thịnh vượng chung” cũng khiến các công ty Internet sa thải lượng lớn nhân viên và cắt giảm tuyển dụng, v.v.

Sinh viên đã tốt nghiệp chuyển sang 'thi công chức' hoặc tham gia 'việc làm linh hoạt'

Ông Tiêu Hoành Chung (Xiao Hengzhong), trợ lý giáo sư tại Trung tâm Giáo dục Tổng hợp thuộc Đại học Liên hợp Quốc gia Đài Loan, nói với VOA rằng, vấn đề khó tìm việc làm của sinh viên tốt nghiệp cao đẳng và đại học ở Trung Quốc đã bắt đầu xuất hiện từ cuối thế kỷ trước. Đến nay vấn đề này vẫn chưa được cải thiện mà ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Nhiều sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm nên đã quay ra nộp hồ sơ thi công chức, nhưng thi công chức chưa hẳn đã dễ dàng.

Ông Ngô Cự Minh tiết lộ rằng, tỷ lệ chọi trong kỳ thi công chức năm nay ở Trung Quốc là 1 trên 68, thậm chí mức độ cạnh tranh trong một số cơ quan pháp luật còn là 1 trên 200 đến 300. Mặt khác, đãi ngộ phúc lợi của công chức Trung Quốc cũng đang bị cắt giảm, nhìn chung bị cắt từ 20 đến 30% lương, áp lực tại nơi làm việc cũng rất cao.

Với 200 triệu người tham gia vào "việc làm linh hoạt", dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm thanh niên từ 16 đến 24 tuổi của Trung Quốc vào tháng 7/2021 là 16,2%. Mặc dù ngoại giới nhìn chung nghi ngờ rằng số liệu thống kê này đã bị chính quyền động tay, nhưng từ các dữ liệu liên quan vẫn có thể thấy rằng tình hình việc làm của Trung Quốc khá ảm đạm.

Ông Ngô nói rằng, trên thực tế việc làm linh hoạt là không có công việc. Cái gọi là "việc làm linh hoạt" thường được dùng để chỉ các nhân viên tạm thời hoặc lao động hợp đồng ngắn hạn. Nhìn chung các vị trí này có phúc lợi kém, công việc cũng không ổn định. Do đó, theo ông, những người này có khả sẽ năng trở thành "giai cấp vô sản" mới và "dân nghèo mới" của Trung Quốc.

Đông Phương

Theo NTD tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Năm đầu tiên Trung Quốc có hơn 10 triệu sinh viên tốt nghiệp, áp lực việc làm chưa từng có