Phân tích: Tại sao gần đây ông Tập Cận Bình thường xuyên đi khảo sát các khu kinh tế ven biển?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Gần đây, việc ông Tập thường xuyên đi kiểm tra các khu kinh tế ven biển như Thượng Hải, Giang Tô, và cả lần đi dự lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Đặc khu Kinh tế Thâm Quyến trước đó, đã gây nhiều chú ý.

Truyền thông Trung Quốc đưa tin, vào ngày 12/11, ông Tập Cận Bình đã phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 30 năm mở cửa và phát triển Phố Đông ở Thượng Hải. Ông nói rằng Phố Đông phải đi sâu vào việc cải cách hệ thống cải tiến khoa học công nghệ, đột phá một lượng lớn bộ phận máy cốt lõi, đồng thời tung ra một lượng lớn sản phẩm cao cấp.

Ông Tập Cận Bình cũng nhấn mạnh rằng phải xây dựng một "mô hình phát triển mới xoay quanh công cuộc duy trì tăng trưởng kinh tế nội tuần hoàn (lưu thông nội bộ) và tuần hoàn kép (thị trường nội địa và thị trường bên ngoài thúc đẩy lẫn nhau)".

Sau chuyến đi đến Thượng Hải, ông Tập đã đến Giang Tô để thị sát sự phát triển tổng hợp của đồng bằng sông Trường Giang. Các kênh truyền thông chính thức đã đưa tin rầm rộ về chuyến đi này. Cách đây không lâu, ông Tập Cận Bình đã đến thăm Quảng Đông và dự lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Đặc khu kinh tế Thâm Quyến.

Về vấn đề này, Đài Châu Á Tự do (RFA) dẫn lời các học giả phân tích và cho rằng việc ông Tập Cận Bình thường xuyên tham gia các hoạt động kỷ niệm và kết hợp đi khảo sát có ba ý nghĩa sau:

Thứ nhất, "thực tế là trước tình hình quan hệ Trung-Mỹ ngày một xấu đi, [việc ông Tập] đi khảo sát ba khu vực có nền kinh tế thịnh vượng nhất và công nghệ tiên tiến nhất Trung Quốc có vẻ như là muốn tìm hiểu một chút tình hình thực tế để thể hiện phong thái ‘đối đầu cứng rắn với Mỹ’ trong nội bộ đảng".

Thứ hai, việc ông Tập tiếp xúc trực tiếp với các quan chức cấp cao ở đồng bằng sông Trường Giang, chẳng hạn như ở Thượng Hải, thực chất là một cuộc mặc cả, giao quyền cho các quan chức địa phương để đổi lấy sự ủng hộ.

Thứ ba, ông Tập coi những khu vực phát triển này là cơ sở cầm quyền của cá nhân và muốn chuẩn bị cho nhiệm kỳ kế tiếp.

Ông Tống Dương (Song Yang), một học giả Trung Quốc sống lâu năm tại Mỹ, phân tích rằng theo truyền thống của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), nếu trong một khoảng thời gian ngắn mà lãnh đạo cao nhất thường xuyên đến các địa phương để khảo sát, điều tra và nghiên cứu thì rất có thể mối quan hệ giữa chính quyền trung ương và địa phương có vấn đề; ngoài ra, người giữ quyền lực cao nhất có thể đang ấp ủ một chính sách quan trọng nên đi đến địa phương để điều tra, nghiên cứu và tìm hiểu, v.v.

Nhà bình luận các vấn đề thời sự Lưu Duệ Thiệu (Liu Ruishao) nói với Apple Daily rằng, vì ĐCSTQ bị ngoại giới nghi ngờ về mức độ mở cửa của họ, nên ông Tập Cận Bình đã đến thăm Thâm Quyến và Thượng Hải để lấy lại lòng tin của ngoại giới. Tuy nhiên, ĐCSTQ chỉ đơn giản là mở cửa nền kinh tế chứ thể chế của nó không có chút thay đổi nào, trong những năm gần đây, đời sống người dân Trung Quốc ngày càng sa sút, cộng với việc chính quyền thu nạp các doanh nghiệp tư nhân vào biên chế, thúc đẩy chính sách “tuần hoàn kép”, nên lại càng khó giành được lòng tin của ngoại giới.

Thông cáo của Phiên họp toàn thể lần thứ năm của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ cũng đề cập rằng, chính sách kinh tế “tuần hoàn kép” do ông Tập Cận Bình xúc tiến đã chính thức trở thành chiến lược kinh tế trong tương lai của chính quyền này.

Ông Trịnh Trung Nguyên (Zheng Zhongyuan), cây bút chuyên đề của tờ Vision Times, cho rằng việc ông Tập nhiều lần nhắc đến "nội tuần hoàn", rồi sau đó lại đề cập đến "tuần hoàn kép" với "nội tuần hoàn" làm chủ chốt, cho thấy rốt cuộc thì Trung Quốc vẫn chủ yếu phụ thuộc vào tiêu dùng trong nước. Nhưng hiện nay người dân Trung Quốc đã tiêu hết tiền tiết kiệm vào việc mua nhà, đặc biệt là dưới tác động của dịch bệnh, họ chỉ có thể duy trì một cuộc sống tối thiểu, thì lấy đâu ra tiền để tiêu?

Ông Ngô Minh Đức (Wu Mingde), cựu Phó chủ tịch cấp cao của công ty dịch vụ tài chính Bank of America, nói với truyền thông Hong Kong rằng, thực chất "nội tuần hoàn" là tự lực cánh sinh và không kiếm được tiền của người nước ngoài. Nền kinh tế của ĐCSTQ chắc chắn sẽ trượt dốc không phanh và mức sống của người Trung Quốc cũng sẽ giảm mạnh. Ông mô tả "tuần hoàn kép" là một con đường một đi không trở lại, và giới chức sắc Trung Quốc sẽ lại bế quan tỏa cảng để tranh đấu nội bộ nhằm chuyển dịch sự chú ý.

Đông Phương

Theo NTD tiếng Trung

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Phân tích: Tại sao gần đây ông Tập Cận Bình thường xuyên đi khảo sát các khu kinh tế ven biển?