Có thể bạn chưa hiểu hết về Chu Du: Bậc anh hùng khí độ quảng đại

Giúp NTDVN sửa lỗi

Có lẽ do ảnh hưởng của “Tam quốc diễn nghĩa”, nên nhiều người cho Chu Du là ‘tâm địa hẹp hòi’, ‘đố kỵ tài năng’, nhưng lịch sử chân thực lại khác, Chu Du không những có tướng mạo anh tuấn, phong cách nho nhã, đầy ắp thi thư, tinh thông binh pháp, thông hiểu âm luật, mà còn có khí lượng quảng đại, tuổi còn trẻ nhưng đã là bậc hùng tài đại lược, cho nên mới được Lưu Bị gọi là “Vạn nhân chi anh” (Bậc anh tài trong cả vạn người).

Sông dài băng chảy về đông
Sóng trào cuốn hết anh hùng xưa nay
Mờ mờ lũy cũ phía tây
Tam phân Xích Bích hùng tài Chu Lang
Sụt mây đá loạn ngổn ngang
Ba đào cuồng nộ tràn lan vỡ bờ
Ngàn ngàn cột tuyết lặng lờ
Bức tranh sông núi như thơ rạng ngời
Bao nhiêu hào kiệt một thời
Tài xưa Công Cẩn tuyệt vời biết bao
Tiểu Kiều mới cưới hôm nào
Anh hùng tư cách ra vào ung dung
Quạt là khăn lụa thong dong
Phá tan giặc mạnh đương trong nói cười
Giặc kia khói diệt tro bay
Trên sông nước cũ hồn ai trở về

(Bản dịch phanlang)

Lời từ “Niệm nô kiều - Xích Bích hoài cổ” của đại văn học gia Tô Thức đời Tống nhắc đến Chu Lang: “Tư thế anh hùng, quạt lông khăn lụa, vẫn nói cười trong cảnh lửa cháy buồm đổ khói bay.” Chính là một nhân vật tiêu biểu thời Tam Quốc: Đại tướng Chu Du - Chu Công Cẩn của Giang Đông Tôn Quyền.

Vị Nho tướng quạt lông khăn lụa

Trong “Tam quốc chí” ghi chép, Chu Du sinh ra trong một gia đình thuộc dòng thế gia đại tộc ở huyện Thư thuộc Lư Giang tỉnh An Huy ngày nay, ông nội của ông là Chu Cảnh, ông chú là Chu Trung đều từng làm Thái úy Đông Hán (một trong chín tước khanh), phụ thân của ông là Chu Dị từng làm Lạc Dương lệnh, có thể nói đó là một thế gia hiển hách.

Chu Du “trường tráng hữu tư mạo”, nghĩa là thân hình cao lớn, tráng kiện, dung mạo tuấn mỹ. Không chỉ vậy, Chu Du còn giỏi cả văn lẫn võ.

Theo sử sách ghi chép, thời trẻ Chu Du đã tinh thông âm luật, chơi thạo đàn cầm, cho dù sau khi uống ba chén rượu, nghe người ta tấu đàn có chút sai sót đều nhận ra ngay, quay lại nhắc nhở, chỉ ra chỗ sai. Do tướng mạo anh tuấn, nên các nữ nhạc công muốn Chu Du để mắt, nên thường cố ý chơi sai nhạc. Vậy nên nhân gian lưu truyền câu: “Khúc hữu ngộ, Chu Lang cố” (khúc nhạc sai, Chu Du ngoảnh đầu lại).

Thời trẻ Chu Du đã tinh thông âm luật, chơi thạo đàn cầm. (Tranh zhengjian)

Từ sau thời Ngụy Tấn, điển cố “Chu lang cố khúc” thường được các đại văn hào dẫn dùng trong các tác phẩm văn học, thơ ca, hý kịch v.v. Thi nhân Lý Đoan đời Đường trong bài “Thính tranh” (nghe đàn tranh) có viết:

Gảy chiếc đàn tranh với phím vàng,
Nõn nà tay ngọc lướt dịu dàng.
Muốn được Chu Lang năng ngoảnh lại,
Mấy phen cố ý lỗi cung đàn.

(Bản dịch Nguyễn Thị Bích Hải)

Chu Du nho nhã tinh thông âm luật, về quân sự ông cũng là một tài năng phi phàm.

Cuối thời Đông Hán, quần hùng nổi dậy. Phá Lỗ tướng quân Tôn Kiên khởi binh thảo phạt, phế bỏ tiểu đế quyền thần Đổng Trác, đồng thời chuyển gia tộc đến huyện Thư. Con trai Tôn Kiên là “Tiểu bá vương” Tôn Sách cùng tuổi với Chu Du, hai người chí thú tương hợp, thân thiết như anh em. Chu Du còn tặng một ngôi nhà lớn cho Tôn Sách cư trú, đồng thời “Thăng đường bái mẫu, hữu vô thông cộng” (Bái lạy mẹ Tôn Sách, tất cả đều của chung). Sau đó Chu Du cùng Tôn Sách hợp binh chinh phạt, thẳng tiến một đường, xưng bá Giang Đông.

Khi ấy, một thế lực hùng mạnh là Viên Thuật cũng rất hâm mộ tài năng của Chu Du, mời ông tới làm tướng dưới trướng của mình (khi đó trên danh nghĩa thì Tôn Sách vẫn lệ thuộc Viên Thuật). Chu Du nhận định Viên Thuật không phải là người có khí phách lớn, nên mượn cớ thoái thác để về bên Tôn Sách. Tôn Sách nghe tin Chu Du trở về, liền đích thân ra đón, đồng thời phong Chu Du làm Kiện Uy Trung Lang tướng, cho nắm giữ hai ngàn người cùng năm mươi ngựa tốt. Năm ấy, Chu Du mới hai mươi tư tuổi, được người Ngô tôn sùng, gọi ông là “Chu Lang”.

Từ đó về sau, Chu Du phò tá Tôn Sách chinh phạt tứ xứ, khi chiếm được đất Hoàn, lấy được hai chị em kiều nữ quốc sắc thiên hương. Tôn Sách lấy cô chị, Chu Du lấy cô em, thật đúng là lang tài nữ mạo (Trai tài gái sắc), thành giai thoại truyền tụng một thời.

Sau khi Tôn Sách bị ám sát, Chu Du lấy thân phận là tướng hộ vệ cùng Trường sử Trương Chiêu phò tá cho em trai Tôn Sách là Tôn Quyền. Trương Chiêu phụ trách việc triều đình, Chu Du đảm nhận quân cơ bên ngoài, chặn ngoại địch, mở rộng cương thổ. Khi ấy có câu rằng: “Nội sự chưa rõ hỏi Trương Chiêu, ngoại sự chưa tường hỏi Chu Du”.

Chu Du lòng trung sáng rõ, cầm quân tài giỏi, tiêu diệt cả vạn giặc cướp, đẩy lùi quân đội của Lưu Biểu. Năm 208, sau khi Tôn Quyền quyết định thảo phạt Giang Hạ, Chu Du được phong làm Tiền Bộ Đại Đô Đốc.

Khí độ phi phàm, phong cách cao nhã

Trong “Tam quốc diễn nghĩa”, Chu Du bị miêu tả như một người đố kỵ với tài năng của Gia Cát Lượng, tâm địa hẹp hòi, nhiều lần lập mưu đưa Khổng Minh vào chỗ chết. Nhưng sự thực của lịch sử lại khác, cái gọi là Chu Du hận Khổng Minh, Khổng Minh ba lần chọc giận Chu Du, cho đến Chu Du cảm khái kêu Trời: ‘Ký sinh Du, hà sinh Lượng’(đã sinh ra Chu Du, sao còn sinh ra Gia Cát Lượng), xong rồi chết, hoàn toàn đó là hư cấu thêu dệt mà ra. Thực sự Chu Du có khí độ phi phàm, tấm lòng rộng mở, phong cách cao nhã.

“Tam quốc chí” ca tụng Chu Du: “Tính độ khôi hồng, đại suất vi nhân…thực kỳ tài dã” (khí độ rộng lượng, là người cởi mở bao dung…thực là bậc kỳ tài). Ông kính đãi hiền sĩ, được chúng nhân yêu kính. Ghi chép trong “Giang biểu truyện” về Chu Du và đại tướng Trình Phổ lại càng làm rõ thêm chuyện này.

Trình Phổ là bậc lão thần của Đông Ngô, từng cùng Tôn Kiên nhiều lần vào sinh ra tử, lập được nhiều chiến công hiển hách. Ông thấy Chu Du gia thế hiển đạt, tuổi trẻ tài cao nên trong lòng có phần không vui, cậy là công thần đời trước, nên hay biểu thị coi thường, lăng nhục, làm mất mặt Chu Du. Đối với việc này, Chu Du không những không ôm hận, mà còn càng thêm phần cung kính mà đối đãi Trình Phổ, giữ nhẫn, đặt lợi ích quốc gia lên trên, làm cho Trình Phổ cảm động, càng thêm kính trọng Chu Du. Trình Phổ nói với người xung quanh: “Kết giao với Chu Công Cẩn, như được uống mỹ tửu ngon ngọt, say sưa lúc nào cũng không biết nữa.”

Có thể làm cho lão thần tâm cao khí ngạo Trình Phổ tâm phục khẩu phục mà có lời khen ngợi, đủ thấy tấm lòng cùng nhân cách của Chu Du cao rộng tới mức nào, người như vậy sao lại có thể đố kỵ Gia Cát Lượng?

Trong sử còn ghi, Tưởng Cán du thuyết Giang Đông, nhưng không lay động được Chu Du, quay về báo lại với Tào Tháo rằng, Chu Du “Phong cách cao nhã, không ngôn từ tả được”.

Còn khi Lưu Bị tới Kinh Khẩu mượn Kinh Châu, từng bàn về Chu Du với Tôn Quyền, khen rằng: “văn võ trù lược, vạn nhân chi anh” (văn võ sách lược, là bậc anh tài trong cả vạn người). Ngoài ra, Chu Du còn cho Lưu Bị mượn hai nghìn quân, đây là điều mà một người tâm địa hẹp hòi không thể làm được.

Trong “Dung tề tùy bút” của Hồng Mại thời Nam Tống còn viết, các tướng soái cầm quân từ cổ đến nay, rất ít người không tự cao tự đại, đố kỵ với kẻ hơn mình, nhưng “Tôn Ngô tứ anh tướng” (bốn tướng tài Đông Ngô) là Chu Du, Lỗ Túc, Lã Mông và Lục Tốn lại không phải là người như thế, dẫn chứng điển hình là Chu Du đã ra sức tiến cử Lỗ Túc. Thêm vào là trong lời từ của đại văn hào thời Tống Tô Thức, thì có thể khẳng định rằng, ít nhất là ở thời Tống, hình tượng Chu Du vẫn vô cùng chân chính, nhưng bắt đầu từ thời nhà Nguyên, thì hình ảnh Chu Du đã bị sai lệch, đồng thời ảnh hưởng đến hậu thế.

周瑜(图片:清代《三国演义》插图)
Chu Du - tranh vẽ "Tam quốc diễn nghĩa" đời Thanh. (Miền công cộng)

Đại chiến Xích Bích, Chu Du hiển lộ anh hùng

Trong lịch sử,trận đại chiến Xích Bích nổi tiếng lấy ít thắng nhiều đã đưa tài năng quân sự của Chu Du lên một tầm cao mới, cũng để lại tiếng thơm ngàn năm. Bởi vì trận Xích Bích có tính quyết định thế cục chân vạc của ba nước, không có Chu Du, không thể thắng trận Xích Bích, thậm chí cũng sẽ không có trận Xích Bích. Bởi vì khi đó Gia Cát Lượng phò tá Lưu Bị, về cơ bản là không đủ thực lực để chiến thắng quân Tào.

Mùa Xuân năm 208, Chu Du dẫn đại quân chiếm lĩnh Giang Hạ. Tháng 9, đại quân Tào Tháo đoạt được Kinh Châu. Quân đội Đông Ngô dàn trận Giang Nam, quân đội Tào Ngụy dàn trận ở Giang Bắc, đại chiến sắp nổ ra. Tào Tháo mang hùng tâm thống nhất thiên hạ, dẫn 80 vạn quân muốn thôn tính Đông Ngô.

Dưới áp lực của quân đội Tào Ngụy, phía Đông Ngô xuất hiện hai phe, chủ chiến và chủ hòa. Phái chủ hòa cho là Tào Tháo danh chính ngôn thuận, quân lực lại quá mạnh, Đông Ngô không chịu nổi một trận. Nhưng Chu Du lại cực lực chủ chiến kháng Tào. “Tam quốc diễn nghĩa” miêu tả Gia Cát Lượng dùng lời lẽ hạ nhục quần nho, rồi Chu Du bị trúng mưu kích tướng của Gia Cát Lượng, là có khác với sử thư. Chính sử ghi lại rằng, Chu Du cố gắng từ chối ý kiến chủ hòa, đồng thời phân tích rõ ràng khúc chiết.

Đầu tiên ông nói với Tôn Quyền: “Tướng quân là bậc hùng tài thần vũ, được kế thừa oanh liệt của cha ông, cát cứ Giang Đông rộng hàng ngàn dặm, quân binh tinh nhuệ, anh hùng lạc nghiệp, đáng tung hoành thiên hạ”.

Chu Du còn chỉ ra rằng, quân Tào không quen thủy chiến, lại thêm mùa đông rét buốt, ngựa thiếu cỏ ăn, binh sĩ thì đường xa mỏi mệt, không quen thổ nhưỡng, nhất định sẽ sinh bệnh, đó chính là điều đại kỵ trong binh pháp. Ông nói tiếp với Tôn Quyền, quân Tào không đáng sợ, ông chỉ cần lĩnh 5 vạn tinh binh là đảm bảo thắng lợi. Tôn Quyền nghe xong vui mừng nói: “ 5 vạn tinh binh thì chưa có đủ ngay, nay hãy chọn lấy 3 vạn, nhờ ông cùng Tử Kính, Trình Công lên trước nghênh địch.”

Chu Du tuân lệnh, nhận chức Chủ Soái Tả Đô Đốc, dẫn binh ngược dòng Trường Giang lên phía tây, chuẩn bị hợp quân với Lưu Bị, cùng đối phó với quân Tào.

Trận chiến sau đó đã chứng minh cho tài năng quân sự trác việt, nhãn quang độc đáo, cùng mưu lược quả cảm của Chu Du. Ông dẫn 3 vạn thủy quân đối mặt với 15 vạn đại quân của Tào Tháo, lấy một chọi năm, lúc nói lúc cười mà làm quân địch ‘tan tành mây khói’.

Sử ghi, Tôn Quyền, Lưu Bị hợp quân xong, tại Xích Bích gặp ngay quân tiên phong của Tào Tháo. Chu Du chỉ huy quân đội đánh trận, quân Tào không quen thủy chiến, lại thêm binh sĩ chưa quen với khí hậu, nên liên quân đã giành thắng lợi. Sau đó, quân Tào một mặt huấn luyện thủy quân, mặt khác để giải quyết vấn đề quân bộ miền bắc không quen thủy chiến, nên hạ lệnh dùng xích sắt buộc chặt các thuyền lại với nhau.

Tướng quân Hoàng Cái kiến nghị với Chu Du: “Nay quân Tào đã cho buộc chiến thuyền, chúng ta sẽ dùng hỏa công đánh chúng.”

Chu Du thấy đây là kế hay, cho Hoàng Cái viết thư cho Tào Tháo giả hàng, còn ước định thời gian đầu hàng. Tào Tháo xem thư, thấy đến như lão thần Hoàng Cái còn viết thư đầu hàng, thì phá Tôn Quyền chỉ cần một ngày là xong. Sau đó, Chu Du chuẩn bị cho Hoàng Cái 10 chiến thuyền, bên trong chứa đầy lưu huỳnh cùng cỏ khô tẩm dầu mỡ, bên trên dùng vải dầu che kín, lại buộc đằng sau mỗi chiến thuyền một chiếc xuồng nhỏ.

Đêm hôm ước định đầu hàng ấy, Thiên Thượng tương trợ cho nổi lên một trận gió đông nam. Khi đoàn thuyền còn cách quân Tào chừng hai dặm, Hoàng Cái hạ lệnh tất cả các thuyền châm lửa, rồi cùng quân sĩ nhảy xuống thuyền nhỏ cắt thừng tách ra, chiến thuyền bốc lửa ầm ầm lao tới đốt cháy quân Tào cùng chiến thuyền. Cuối cùng quân Tào đại bại, tử thương quá nửa.

Tổng chỉ huy trận Xích Bích là Chu Du, hiển lộ tư thế anh hùng, đánh thắng trận then chốt, uy danh chấn Tam quốc. Ngay cả Tào Tháo là người hiếm khi thua trận, sau khi về tới Hứa Đô, còn buồn bã thốt lên: “Ta thua trận này cũng đáng rồi!”. Điều này đủ để thấy sự thán phục của Tào Tháo đối với mưu lược xuất sắc của Chu Du. Nhưng các tích truyện về Gia Cát Lượng được thuật trong “Tam quốc diễn nghĩa” như ‘thuyền cỏ mượn tên’, rồi ‘đăng đàn mượn gió’ thì chưa hề nhìn thấy ghi trong chính sử.

Sao sáng vụt tắt

Sau đại chiến Xích Bích, Lưu Bị nhân cơ hội Chu Du giằng co với Tào Nhân ở Giang Lăng, xuất binh đoạt lại bốn quận phía nam Kinh Châu. Để gia cường liên minh Tôn - Lưu, Tôn Quyền đã hứa gả em gái mình cho Lưu Bị. Chu Du dự liệu Lưu Bị sau này sẽ thành đại sự, nên khuyên Tôn Quyền giữ Lưu Bị ở lại Đông Ngô, nhưng Tôn Quyền không nghe theo.

孫權稱帝時說:「孤非周公瑾,不帝矣。」(圖片:網絡/〔唐〕閻立本/希望之聲合成)
Tôn Quyền nói, nếu không có Chu Du thì ông không thể lên ngôi Hoàng đế. (SOH tổng hợp)

Tiếp sau, Chu Du lại khuyên Tôn Quyền nhân lúc Tào Tháo vừa bại trận mà tiến đánh Ích Châu, đoạt lấy Ba Thục, rồi kết minh với Tây Lương Mã Siêu đoạt Tương Dương, tiến công Tào Tháo. Tào Tháo phá rồi thì còn lo gì Lưu Bị. Mưu lược này gần trùng với mưu của Khổng Minh. Tôn Quyền khen hay, cho Chu Du quay về Giang Lăng chỉnh đốn binh mã.

Năm 210, trên đường về Giang Lăng, Chu Du mắc trọng bệnh, nhưng ông vẫn gắng gượng về đến Ba Khâu, kiểm duyệt quân binh. Sau đó đại quân Đông Ngô xuất phát, nhưng không lâu sau đó, Chu Du bệnh nặng qua đời, dương quang vụt tắt, năm ấy ông mới 36 tuổi.

Tôn Quyền nghe tin dữ, lòng vô cùng buồn khổ, khóc lớn: “Công Cẩn có tài năng phò tá, nhưng đoản mệnh qua đời, sau này ta biết cậy nhờ ai?”

Tôn Quyền tự thân mặc áo tang, rồi tới Vu Hồ đón đưa linh cữu của Chu Du, hạ táng tại đất Ngô.

Năm 229, Tôn Quyền xưng đế. Sau khi xưng đế, Tôn Quyền nói với các công khanh: “Cô phi Chu Công Cẩn, bất đế hỹ”, nghĩa là nếu không có Chu Du thì ông không thể lên ngôi Hoàng đế.

Viên Hoằng thời Đông Tấn có viết trong “Tam quốc danh thần tán tự” ( thứ tự các danh tướng được tán tụng trong Tam quốc) rằng: “Công Cẩn anh đạt, lãng tâm độc kiến.”; “Trác trác nhược nhân, diệu kỳ Xích Bích.” (Công Cẩn là bậc anh hùng, tâm sáng có một; là bậc trác việt, Trận Xích Bích diệu kỳ).

Tuy Chu Du qua đời khi còn rất trẻ, nhưng Trường Giang cuồn cuộn sóng, luôn khắc ghi vóc dáng vị anh hùng thuở trước, vẫn nói cười trong cảnh chiến thuyền lửa bốc ngút trời buồm đổ khói bay.

Thái Bình
Theo Epochtimes



BÀI CHỌN LỌC

Có thể bạn chưa hiểu hết về Chu Du: Bậc anh hùng khí độ quảng đại