Đều là danh tướng, vì sao một người phúc cao lộc hậu, một người đời đời làm heo?

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio] - Thời Bắc Tống có hai vị tướng quân họ Tào, cả hai đều có công danh và quyền uy lẫy lừng, nhưng kết cục lại khác nhau một trời một vực. Câu chuyện ấy đã xảy ra như thế nào?

Làm tướng quân không lạm sát, con cháu đều hiển đạt

Tào Bân (931-999), tự Quốc Hoa, là người huyện Linh Thọ, phủ Chân Định (nay là huyện Linh Thọ, thành phố Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc) là tướng quân khai quốc thời Bắc Tống.

Một ngày, Tào Bân gặp một vị cao nhân giỏi về tướng thuật là Trần Đoàn lão tổ. Trần Đoàn lão tổ xem tướng cho ông và nói: “Tôi thấy trên mặt ông xương Biên Thành đầy đặn, ấn đường rộng, mắt dài và sáng, điều ấy nói lên rằng ông thời trẻ sẽ được hưởng phú quý. Nhưng tiếc là má gầy còn miệng thì rủ xuống, e là những năm cuối đời không có phúc. Tôi khuyên ông nếu xuất binh tác chiến thì nên mở cho đối phương một con đường sống, đừng nên đuổi cùng giết tận, như thế mới mong tăng thêm một chút phúc đức lúc cuối đời”.

Tào Bân lắng nghe lời khuyên của Trần Đoàn lão tổ và bày tỏ cảm tạ.

Khi Tào Bân dẫn quân đi đánh nước Thục, chiếm được Toại Ninh, các tướng sĩ bộ hạ của ông đều chủ trương giết hết dân chúng trong thành, nhưng Tào Bân không đồng ý, ông còn ra lệnh nghiêm cấm tàn sát dân thường. Hễ thấy binh sĩ bắt được đàn bà con gái nhà lành, ông lại yêu cầu phải bảo vệ cẩn thận, tuyệt đối không được có hành vi gian dâm thất lễ.

Sau khi chiến sự kết thúc, những phụ nữ có gia đình được thả cho về, còn những cô nương chưa kết hôn đều được Tào tướng quân giúp họ chuẩn bị lễ vật, và chọn người hôn phối. Dân chúng trong thành thấy Tào tướng quân có nhân có nghĩa, ai nấy đều tỏ lòng tôn kính.


Tranh vẽ Tào Bân(Ảnh: Internet)

Năm Khai Bảo thứ bảy (năm 974), Tào Bân phụng mệnh hoàng đế đem quân đi thảo phạt Giang Nam. Ông đóng quân trường kỳ vây thành, nhưng không tiến công, hy vọng vua nước Nam Đường là Lý Dục sẽ hàng phục. Đến khi sắp chiếm đóng thành trì, Tào Bân đột nhiên đổ bệnh mà không rõ duyên cớ. Ông nói với các tướng lĩnh: “Bệnh của ta không cần thuốc men, mà chỉ cần các vị thành tâm phát thệ rằng, sau khi chiếm được thành trì sẽ không lạm sát một mạng người vô tội. Được vậy, bệnh của ta sẽ tự nhiên khỏi hẳn”.

Các tướng lĩnh vâng lời, cùng thắp hương thề với trời đất rằng, vào ngày công chiếm Giang Nam sẽ không tùy ý sát hại một người nào.

Khi quân Tống ồ ạt tiến vào thành, Lý Dục cùng với hơn một trăm đại thần trong triều đến trước quân doanh đầu hàng. Tào Bân lấy lễ đối đãi, mời Lý Dục vào cung thu xếp hành lý trước khi trở về Biện Kinh, còn Tào Bân cùng với các kỵ binh thì canh giữ bên ngoài cung điện. Một tướng sĩ nói nhỏ với ông: “Lý Dục vào cung rồi, nếu xảy ra chuyện gì bất trắc thì chúng ta phải làm sao?”.

Tào Bân cười và đáp: “Lý Dục vốn nhu nhược không quyết đoán, đã đầu hàng thì nhất định sẽ không thể tự sát”.

Sau đó, Lý Dục và các đại thần Nam Đường đều được bảo toàn tính mệnh, dân chúng trong thành cũng tránh được nạn binh đao. Từ khi Tào Bân xuất quân cho đến khi khải hoàn, binh sĩ ai nấy đều sợ phục, không dám làm điều sằng bậy.

Sau khi thắng lợi trở về, Tào Bân có cơ hội gặp lại Trần Đoàn lão tổ. Trần Đoàn lão tổ nói: “Mấy năm trước tôi xem tướng cho ông, thấy má gầy còn miệng thì rủ xuống, lúc ấy tôi cho rằng ông sẽ không được hưởng phúc cuối đời. Nhưng giờ thì tướng mặt ông đã thay đổi, góc miệng đầy đặt, mặt mũi kim quang tụ diệu, tất có phúc lộc và được kéo dài tuổi thọ, có thể nói là hậu phúc vô lượng”.

Tào Bân hỏi: “Như thế nào gọi là kim quang tụ diệu?”.

Trần Đoàn Lão Tổ đáp: “Kim quang là ánh sáng của đức, có sắc tím rực rỡ. Người có âm đức thì trên mặt hiện kim quang, lông mày có ánh sáng, trong mắt thấy thần quang, phát ra hào quang, sắc diện có điềm quang. Khí ấy ngoài thì sáng mà trong thì thấu triệt, không chỉ được hưởng tuổi thọ cao mà còn tạo phúc lâu dài cho con cháu sau này”.

Năm Hàm Bình thứ hai (năm 999), nghe tin Tào Bân mắc bệnh, hoàng thượng đã đích thân đến thăm hỏi, ngài lại tận tay pha thuốc và ban cho ông vạn lượng bạc. Tháng 6 năm ấy, Tào Bân tạ thế, hưởng thọ 69 tuổi. Hoàng thượng đích thân đến khóc viếng, sau này hễ có ai nhắc đến ông, ngài đều rưng rưng rơi lệ.

Quả nhiên như Trần Đoàn lão tổ tiên đoán, Tào Bân những năm cuối đời sống trong cảnh thanh bình hưởng thọ. Sau khi tạ thế, ông được triều đình truy phong là Tế Dương quận vương, vợ ông là Cao Thị được tặng hàm Hàn Quốc phu nhân, con cháu đều được làm quan. Sau này, triều đình giáng chiếu cho ông được phối thờ trong miếu Thái Tổ, đến năm Bảo Khánh thứ hai (năm 1226), Tào Bân vinh dự trở thành một trong 24 công thần được Tống Lý Tông cho vẽ tranh để treo ở gác Chiêu Huân.

Trong các con trai của Tào Bân, con cả là Tào Vĩ, con thứ là Tào Tông, con thứ ba là Tào Xán đều là nhất đại danh tướng, con út cũng được truy phong vương tước, con cháu đều hưng thịnh.

Tàn sát cả thành, đời đời làm heo, con cháu phải lưu lạc xin ăn

Giống như Tào Bân, Tào Hàn (924-992) cũng là võ tướng những năm đầu thời Bắc Tống. Thời trẻ khi còn làm tiểu lại ở quận, Tào Hàn đã tỏ ra là một người hống hách bạo ngược, chuyên quyền độc đoán, không được lòng dân.

Khi triều đình ra chiếu chinh phạt Nam Đường, Tào Hàn được lệnh dẫn quân tiên phong đến Kinh Nam trước, sau đó chiếm đánh Trì Châu. Sau khi bình định thành Kim Lăng, Giang Châu Quân hiệu Hồ Đức và Nha tướng Tống Đức Minh giữ thành Giang Châu, cùng kháng cự. Tào Hàn dẫn binh tiến đánh, ròng rã suốt 5 tháng mới chiếm được thành. Sau đó ông đã cho quân tàn sát cả thành, giết chết 800 quân Nam Đường, cướp được vô số vàng và lụa. Lấy cớ là đem 500 tượng Thiết La Hán ở chùa Đông Lâm về kinh thành, Tào Hàn đã điều động vài trăm chiếc tàu chiến cỡ lớn để chở những thứ đã cướp được về triều. “Tống Sử” bình luận: Tào Hàn giết những binh lính đã đầu hàng, tàn sát Giang Châu, vô cùng tàn nhẫn.

Không lâu sau khi Tào Hàn chết, con cháu đại đa số đều trôi dạt tứ xứ, lưu lạc xin ăn.

“Hiện Quả Tùy Lục” chép rằng: Vào những năm Vạn Lịch triều Minh, một người Tô Châu tên là Lưu Tích Nguyên đến Quý Châu làm quan khảo thí, trên đường đi qua Hồ Quảng, ông từng mộng thấy một người đến trước mặt và nói:

“Tôi là tướng Tào Hàn triều Tống, trước kia vì cúng dường hòa thượng một bữa ăn chay và nghe giảng kinh nửa ngày, nhờ đó tích được thiện duyên, đến thời Tống được làm tướng quân. Nhưng khi tấn công Giang Châu, tôi đã tàn sát quân và dân trong thành, tạo nghiệp rất nặng, vì thế tôi đời đời kiếp kiếp phải đầu thai làm lợn để trả nợ nghiệp. Ngày mai ngài thấy con lợn nào đầu tiên bị giết mổ thì đó chính là tôi. Tôi và ngài có thể tương ngộ ở đây âu cũng là duyên phận, vậy xin ngài hãy cứu tôi một mạng”.

Lưu Tích Nguyên giật mình tỉnh dậy, nhận ra ông đang ở khu đồ tể. Khi trời sáng, người trong lò mổ khiêng ra một con lợn, tiếng kêu của nó thảm thiết chấn động khắp xa gần. Lưu Tích Nguyên liền bỏ tiền mua con lợn này, và đem về nuôi ở Phóng Sinh Đường. Mỗi khi có người hô một tiếng “Tào Hàn”, con lợn ấy liền ngẩng đầu lên như muốn đáp lời. Rất nhiều người đi qua đây đều được tận mắt chứng kiến, tận tai nghe thấy sự việc kỳ lạ này.

Tào Bân và Tào Hàn cùng làm quan nhà Tống nhưng kết cục lại không như nhau. Tào Bân nhân từ yêu dân, tích được âm đức, không chỉ bản thân được hưởng phúc thọ mà con cháu đều hiển đạt. Còn Tào Hàn tàn bạo lại thích chém giết, tội nghiệp nặng nề, do đó kết cục thê thảm, sau khi chết làm lợn bị giết thịt, con cháu trôi dạt tứ xứ xin ăn. Người xưa vẫn nói: “Thiện có thiện báo, ác có ác báo”, quả chí lý thay!

Minh Hạnh
Theo Tịnh Âm - Sound of Hope

Tài liệu tham khảo:

“Tống Sử”
“Lịch Sử Cảm Ứng Thống Ký”
“Hiện Quả Tùy Lục”



BÀI CHỌN LỌC

Đều là danh tướng, vì sao một người phúc cao lộc hậu, một người đời đời làm heo?