Được khải thị trong mộng, viên quan phá án những vụ án mất tích kinh động

Giúp NTDVN sửa lỗi

Câu thành ngữ “ám vô thiên nhật” nghĩa là tăm tối không thấy ánh sáng trên trời, dùng để ví xã hội đen tối, không có ánh sáng của đạo lý. Những thời kỳ xã hội đen tối, thường vẫn có những viên quan xử án như Thần, đem lại ánh sáng công lý cho người dân. Trong lịch sử cũng đã có những ghi chép về họ, tuy nhiên lịch sử còn có ghi chép về những trợ lực từ cõi vô hình, giúp thanh quan phá án, khiến người ta không khỏi kinh ngạc thốt lên “mắt Thần như điện”.

Những năm Khang Hy triều Thanh (1662-1722), trước khi Chu Huy Ấm được bổ nhiệm làm Tuần phủ Quảng Đông, có rất nhiều thương khách qua lại đến quan phủ báo các vụ án oan người chết không tìm thấy xác. Rằng có rất nhiều thương nhân từ xa đến làm ăn buôn bán, nhưng bỗng nhiên bặt vô âm tín. Hơn nữa, sống không thấy người, chết không thấy xác, thậm chí cả nhóm mấy người cùng đi thì toàn bộ cũng bặt vô âm tín, nhiều người tự nhiên mất tích như thế này. Cứ như thế, trong nha môn án tích tụ chồng chất, nhưng không thể nào điều tra nổi, không thể nào trinh thám phá án được.

Ban đầu, khi họ tố cáo lên quan, quan ohur còn đi khắp nơi đưa công văn truy tìm manh mối, nhưng khi hồ sơ những vụ án như thế này tích tụ lại cao như núi, đồng thời do lực bất tòng tâm, nên sau này quan phủ mũ ni che tai, không nghe, không hỏi, cứ để đấy không lý gì đến.

Sau khi Chu Huy Ấm đến nhậm chức, ông lật xem hồ sơ các vụ án cũ, phát hiện ra vấn đề rất nghiêm trọng. Bởi vì những người mất tích có họ tên trong các hồ sơ ít nhất là trên trăm người, còn những vị khách từ xa đến, không có người nhà, người quen báo án, thì không biết là bao nhiêu.

Sau khi xem hồ sơ, Chu Huy Ấm kinh hãi vô cùng, trong tâm lo lắng cho những người chết oan uổng mà không được minh oan này, ông quên ăn quên ngủ, ngày đêm suy nghĩ, đi thăm khắp các quan lại đồng liêu và các thuộc hạ, cũng không tìm được manh mối nào.

Chu Huy Ấm kinh hãi vô cùng, trong tâm lo lắng cho những người chết oan uổng mà không được minh oan này, ông quên ăn quên ngủ, ngày đêm suy nghĩ. (Ảnh qua Secretchina.com)
Chu Huy Ấm kinh hãi vô cùng, trong tâm lo lắng cho những người chết oan uổng mà không được minh oan này, ông quên ăn quên ngủ, ngày đêm suy nghĩ. (Ảnh qua Secretchina.com)

Trăm phương ngàn kế cũng đành bó tay, hết cách, Chu Huy Ấm bèn thành kính trai giới giữ mình thanh khiết, tắm gội xông hương, sau đó đến miếu Thành Hoàng lễ bái Thần Thành Hoàng, nói ra những khó khăn trong lòng. Sau đó dùng bữa chay, ăn xong, Chu Huy Ấm buồn ngủ và ngủ một giấc, bỗng thấy một viên quan cầm cái hốt đi vào.

Chu Huy Ấm hỏi: “Ngài là ai vậy?”

Người đó nói: “Ta là Thành Hoàng họ Lưu”.

“Ngài có thể nói cho tôi điều gì không?”

Người đó nói 16 chữ: “Tóc mai tuyết rủ, trên trời sinh mây, trong nước gỗ trôi, trên tường có cửa”.

Nói xong, người đó liền ra đi.

Sau khi tỉnh lại, Chu Huy Ấm không biết 16 chữ đó là ý nghĩa gì, ông trăn trở suy nghĩ thâu đêm. Bỗng nhiên ông ngộ ra rằng: “Tóc mai tuyết rủ là Lão, trên trời sinh mây là Long, trong nước gỗ trôi là Thuyền, trên tường có cửa là Hộ. Đó chẳng phải là nói “Lão Long thuyền hộ” (nhà thuyền Lão Long) đó sao”.

Phía đông bắc tỉnh Quảng Đông có hai con đường giao thông huyết mạch, một đường là Tiểu Lĩnh, một đường là Lam Quan, đầu nguồn của 2 tuyến đường đều khởi nguồn từ bến đò Lão Long, sau đó đi qua Quảng Đông ra biển. Các thương gia, nhà buôn lớn ngoài tỉnh đều qua bến đò này rồi theo 2 tuyến đường này đến Quảng Đông.

Thế là Chu Huy Ấm sai người bí mật đến bến đò Lão Long bắt những người chèo thuyền, lần lượt bắt được hơn 50 người. Không dùng nhục hình, chúng đã tự khai nhận.

Thì ra nhóm cướp này núp danh nghĩa chèo thuyền, lừa thương khách lên thuyền, sau đó cho thuốc mê vào nước trà, khiến thương khách hôn mê bất tỉnh. Bon chúng lục lọi lấy tiền tài, sau đó mổ bụng và nhét đá vào, khâu lại rồi ném xuống đáy sông. Sự tình của những người chết oan đó thê thảm khiến người ta kinh hãi.

Bao nhiêu vụ án tích tụ tồn đọng đã nhiều năm, đã được Chu Huy Ấm minh oan, người dân xa gần đều hân hoan, những gia quyến của những người chết đều cảm tạ. Chu Huy Ấm được mọi người tôn kính gọi là Chu Công. Chu Công phá án như Thần, thực chất là được Thần trợ giúp, chứ nào có ba đầu sáu tay gì. Chỉ là trong tâm ông, từng giờ từng phút đều nghĩ đến nỗi thống khổ của bách tính, và thành tâm cầu xin Thần trợ giúp, do đó Thần cảm ứng được.

Còn những vị quan tai to mặt lớn, ra ngoài thì có quân sĩ đao kiếm mở đường, trở về chỉ biết hưởng thụ, tuy ở nơi cao sang, nhưng nội tâm xấu ác, thì cũng có khác nhà thuyền Lão Long đâu.

Tường Hòa
Theo Visiontimes



BÀI CHỌN LỌC

Được khải thị trong mộng, viên quan phá án những vụ án mất tích kinh động