Hiền hậu truyện (Kỳ 9): ‘Một đời yêu thương’ của Thành Cát Tư Hãn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong tâm thức của các bộ lạc Mông Cổ, Thành Cát Tư Hãn là vị Khả Hãn “Quang minh như nhật nguyệt, tấm lòng như đại hải”. Sự nghiệp trên lưng ngựa của ông lừng lẫy bao nhiêu thì tình yêu ông dành cho người vợ kết tóc xe tơ cũng mặn mà sâu đậm bấy nhiêu. Nàng chính là Quang Hiến hoàng hậu - Bột Nhi Thiếp.

Xem lại: Hiền hậu truyện (Kỳ 8): Phụ nữ dịu dàng là sức mạnh

Người vợ tào khang

Thành Cát Tư Hãn tên thật là Thiết Mộc Chân, thuộc thị tộc Bột Nhi Chỉ Cân trong bộ tộc Khất Nhan ở Mông Cổ. Cha ông là Dã Tốc Cai, thủ lĩnh của thị tộc Bột Nhi Chỉ Cân. Vào năm Thiết Mộc Chân lên 9 tuổi, Dã Tốc Cai đưa Thiết Mộc Chân đến bộ tộc nhà họ ngoại để tìm vợ cho con trai mình. Khi hai cha con mới đi được nửa đường thì gặp một người Hoằng Cát Lạt Thị, tên là Đức Tiết Thiện.

Đức Tiết Thiện thấy Thiết Mộc Chân có khí thế phi phàm, bèn hỏi rõ lai lịch và nói: “Đêm qua tôi mộng thấy một con Bạch Hải Thanh quắp lấy mặt trời và mặt trăng rồi bay đến thả vào tay tôi, đích thị là điềm báo cát tường. Hôm nay ông lại dẫn con trai đến đây, con trai ông thực là trong mắt có lửa, trên mặt có ánh sáng! Phải chăng giấc mộng của tôi ám chỉ chàng trai trẻ này nhà ông? Tôi có một đứa con gái yêu tên là Bột Nhi Thiếp, xin được hứa gả cho con trai ông”. Nói xong, Đức Tiết Thiện dẫn hai cha con Dã Tốc Cai về nhà mình.

Thiết Mộc Chân vừa nhìn thấy cô bé Bột Nhi Thiếp cũng có ánh sáng trên mặt và ánh lửa trong mắt giống như mình, liền vô cùng yêu thích. Hai đứa trẻ vô tư và hồn nhiên, quấn quýt bên nhau không rời.


Bột Nhi Thiếp lấy chồng xa mà không oán trách, không hối hận. Tranh vẽ từ Thư viện Quốc gia Berlin, Diez Albums (Ảnh: Khu vực công cộng)

Trên đường từ lễ đính ước trở về nhà, Dã Tốc Cai bị bộ lạc thù địch Tháp Tháp Nhĩ sát hại. Sau khi ông qua đời, gia đình Thiết Mộc Chân bị các bộ lạc khác lăng nhục và ức hiếp, rất nhiều người cùng quay lưng và ruồng bỏ. Một gia tộc hiển hách giờ chỉ còn nghèo xơ nghèo xác, hơn nữa lại thường xuyên bị kẻ thù truy sát.

Lại nói về Bột Nhi Thiếp. Sau khi Thiết Mộc Chân hay tin cha qua đời và phải gấp rút trở về nhà, nàng không còn nghe tin tức gì về vị hôn thê của mình nữa. Nhiều năm trôi qua, Thiết Mộc Chân lành ít dữ nhiều, sống hay chết vẫn chưa rõ ràng, nhưng nàng vẫn kiên định giữ gìn hôn ước. Mỗi năm đến ngày tế tự, nàng vẫn thành kính cầu khấn Thần linh bảo hộ cho chàng được bình an. Bột Nhi Thiếp gặp chàng từ năm nàng 10 tuổi, đến nay đã âm thầm chờ đợi ròng rã gần 10 năm trời.

Trong gần 10 năm ấy, Thiết Mộc Chân cho dù phải dốc sức làm việc phụ giúp gia đình, nhưng cũng không quên lời hứa hôn năm nào với Bột Nhi Thiếp. Cuối cùng, đến năm 18 tuổi, cậu mang theo lương thực và hành trang, vượt qua ngàn dặm xa xôi, đi bộ mấy ngày trời dọc theo sông Khắc Lỗ Luân tìm đến nhà của Bột Nhi Thiếp.

Cha mẹ nàng biết rõ gia thế Thiết Mộc Chân đã suy bại, nhưng không một lời chê bai hay có ý thoái hôn. Ngược lại, họ vẫn vui vẻ gả con gái yêu của mình cho Thiết Mộc Chân.

Kết hôn với chàng là phải theo chồng viễn giá, phải sống những tháng ngày cực khổ, túng thiếu. Kết hôn với chàng là phải rời bỏ cuộc sống an nhàn và sung túc trước kia… Nhưng nàng không oán không hận, mà vẫn dành cho chàng tình yêu trong sáng như thuở ban đầu. Mối lương duyên ấy như món quà vô giá Trời ban trong quãng thời gian tồi tệ nhất cuộc đời của Thiết Mộc Chân.

Thiết Mộc Chân cứu vợ

Vào một đêm mùa hè khi đôi vợ chồng trẻ vừa mới kết hôn, người Miệt Nhi Khất vì muốn trả mối thù năm xưa nên đã bất ngờ đánh úp vào lều trại của Thiết Mộc Chân. Trong lúc hỗn loạn, những trai tráng trong nhà lần lượt nhảy lên ngựa và trốn thoát. Còn Thiết Mộc Chân, vì mải đưa mẹ già và đứa em gái nhỏ tuổi chạy vào trong núi mà không còn để ý tới thê tử của mình.

Nữ hầu gái đưa Bột Nhi Thiếp trốn vào trong tấm màn vải trên chiếc xe bò kéo, nhưng không may trục xe lại gãy, Bột Nhi Thiếp bị bắt và trở thành chiến lợi phẩm của người Miệt Nhi Khất.

Chín tháng sau, Thiết Mộc Chân vì sốt sắng muốn cứu vợ nên đã liên minh với Trát Mộc Hợp và Vương Hãn, cùng nhau phát động cuộc chiến lần thứ nhất trong cuộc đời ông.


Quân Mông Cổ chinh chiến. Tranh vẽ từ Diez Albums trong Thư viện Quốc gia Berlin (Ảnh: Khu vực công cộng)

Mặc dù đã giải cứu thành công người vợ yêu dấu, nhưng Thiết Mộc Chân vẫn không hết đau lòng và dằn vặt về lỗi lầm của bản thân mình. Nhắc đến Bột Nhi Thiếp, ông luôn thấy nhói đau trong tim và hổ thẹn với nàng. Từ đó, ông đã dành cả một đời yêu thương và trân trọng để bù đắp cho nàng.

Bột Nhi Thiếp hoàn toàn không oán trách, vẫn một lòng yêu chồng như trước đây. Tình cảm sâu đậm giữa hai người khiến họ vượt qua những chông gai và thử thách trong những ngày chiến loạn.

Giúp chồng dựng xây cơ nghiệp

Sử sách chép rằng, Bột Nhi Thiếp “Trạch tâm uyên tĩnh, bẩm đức nhu gia” (giữ lòng sâu tĩnh, bẩm sinh đã ôn nhu đức hạnh). Nàng không chỉ hiền thục và có tấm lòng nhân ái, mà còn thông minh tuyệt đỉnh, trí tuệ hơn người. Trong quá trình khai sáng đế quốc của Thành Cát Tư Hãn, mấy lần bước ngoặt trọng đại đều có dấu ấn của Bột Nhi Thiếp.

Thiết Mộc Chân và Trát Mộc Hợp từng là huynh đệ thân thiết không rời, giống như anh em chân liền chân, tay liền tay. Sau này, khi lực lượng của Thiết Mộc Chân từng bước lớn mạnh, Trát Mộc Hợp lại có ý thay lòng. Một lần, trong lúc di cư vào đầu mùa hạ, Trát Mộc Hợp đã nói với Thiết Mộc Chân: “Nếu chúng ta đóng trại ở gần núi thì chỉ thích hợp chăn thả ngựa, nếu đóng trại ở gần khe nước thì chỉ thích hợp chăn thả dê, cừu”.

Thiết Mộc Chân không hiểu ý, bèn quay về lều trại hỏi mẹ. Nhưng mẫu thân không lên tiếng, mà chỉ có Bột Nhi Thiếp đáp lời: “Nghe nói Trát Mộc Hợp có mới nới cũ, phải chăng đã đến lúc ông ấy chán ghét chúng ta rồi? Nghe ông ấy nói, hẳn là có ý tính toán với chúng ta. Thiếp nghĩ chúng ta không nên hạ trại ở đây, trong lúc di chuyển dễ hợp dễ tan như thế này, nên gấp rút lên đường ngay trong đêm thì hơn!”.

Bột Nhi Thiếp chỉ một câu đã nói rõ ý đồ của Trát Mộc Hợp. Thiết Mộc Chân sực tỉnh, nhanh chóng khởi hành ngay trong đêm, đến nơi khác đóng doanh.

Sự thật đã chứng minh rằng đây là thời cơ tốt nhất để rời khỏi Trát Mộc Hợp, nếu không rất có thể sẽ bị thôn tính. Sau này, Thiết Mộc Chân lớn mạnh không gì ngăn cản được, ông từng bước, từng bước xây dựng nên cơ đồ bá nghiệp, giữa quân đội của Thiết Mộc Chân và Trát Mộc Hợp cũng nhiều lần xảy ra chiến tranh.


Thành Cát Tư Hãn đăng quang, tranh vẽ từ “Sử Tập” (Jami al-Tawarikh) (Ảnh: Khu vực công cộng)

Lại nói, thời ấy Shaman giáo rất hưng thịnh, các Vu sư (thầy tế) cũng vì thế mà chiếm một vị trí quan trọng trong lòng người Mông Cổ. Có một Vu sư Shaman giáo tên là Khoát Khoát Xuất, tính tình kiêu căng, cuồng vọng. Ông ta có dã tâm chia rẽ tình cảm giữa Thành Cát Tư Hãn và em trai của ông là Cáp Tát Nhi, sau đó lại công khai hạ nhục em trai nhỏ tuổi của Thành Cát Tư Hãn.

Nên xử trí Khoát Khoát Xuất như thế nào đây? Thấy chồng nhất thời vẫn chưa quyết đoán, Bột Nhi Thiếp rơm rớm nước mắt nói: “Họ sỉ nhục anh em của chàng như thế thì còn ra thể thống gì nữa? Chàng giống như cột trụ đá của gia đình ta, nếu cột trụ đổ xuống thì họ sẽ để người khác tới thống trị chăng”. Lời nhắc nhở của nàng giúp Thành Cát Tư Hãn hiểu rằng cần phải diệt trừ Khoát Khoát Xuất.

Cũng từ đó, Thành Cát Tư Hãn đã thoát khỏi sự can thiệp của các Vu sư, tiến thêm một bước then chốt để đạt tới hoàn toàn độc lập về quân sự và chính trị.


Tranh vẽ Bột Nhi Thiếp (Ảnh: Khu vực công cộng)

Bột Nhi Thiếp sinh hạ bốn người con trai và năm người con gái. Vì gia đình, nàng phải thắt lưng buộc bụng, chịu mọi khổ cực nuôi các con khôn lớn. Cũng vì lo cơm áo cho chồng cho con, nàng đã không ít lần để bản thân chịu đói.

Dưới sự giáo dưỡng của nàng, bốn người con trai từ lúc chỉ cao đến hông ngựa, đã nhanh chóng trở thành những tên tuổi làm mưa làm gió khắp các lục địa Á, Âu vào thế kỷ 13-14. Con cháu của nàng chia nhau thống lĩnh Tứ đại Hãn quốc: Con trai trưởng Truật Xích ở khu vực thảo nguyên Khâm Sát, sau này thành Hãn quốc Khâm Sát; Con thứ hai Sát Hợp Đài làm chủ lãnh thổ cũ của Tây Liêu, gọi là Hãn quốc Sát Hợp Đài; Con thứ ba Oa Khoát Đài được phân lãnh thổ cũ của Nãi Man, sau này là Hãn quốc Oa Khoát Đài; Con trai út Đà Lôi quản lý lãnh thổ ban đầu của Mông Cổ, tức Hãn quốc Y Nhi. Từ đó, thành tựu nên bản đồ lãnh thổ rộng lớn của Đế quốc Mông Cổ. Sau khi Thành Cát Tư Hãn băng hà, con trai thứ ba kế thừa Hãn vị, con trai của con thứ tư là Hốt Tất Liệt kiến lập triều Nguyên. Như vậy, với lãnh thổ rộng lớn của Đế quốc Mông Cổ, Bột Nhi Thiếp có thể được coi là “quốc mẫu” của một nửa thế giới.


Thành Cát Tư Hãn phân chia lãnh thổ cho các con trai (Ảnh: Khu vực công cộng)

“Quang minh như nhật nguyệt, tấm lòng như đại hải”

Cũng giống như những người vợ, người mẹ, và nàng dâu khác, Bột Nhi Thiếp chăm lo chu đáo cho chồng, trên thì hiếu thuận với mẹ già, dưới thì quan tâm và yêu thương các em.

Phần lớn thời gian Thành Cát Tư Hãn xông pha nơi chiến trường, đại bản doanh nằm sâu trong thảo nguyên đều giao cho Bột Nhi Thiếp cai quản. Nàng sắp xếp ngăn nắp hết thảy mọi việc trong nhà. Thậm chí có một lần, nhờ sự trầm tĩnh và tài năng tổ chức phi phàm của mình, nàng đã một mình chỉ huy người già, phụ nữ và trẻ nhỏ đẩy lùi cuộc tập kích bất ngờ của người Trác Nhĩ Kỳ, giúp gia viên tránh khỏi tai ương.

Bột Nhi Thiếp là người vợ kết tóc thuở tào khang mà Thành Cát Tư Hãn cả đời yêu thương và sủng ái. Vì tình yêu với nàng, và cũng vì sợ ảnh hưởng đến tình cảm phu thê mà phải rất lâu về sau ông mới nạp thêm thê thiếp. Khi ông vẫn còn do dự chưa quyết thì có một vị đại thần mở lời với Bột Nhi Thiếp, sau đó Thành Cát Tư Hãn mới có đủ can đảm rước tiểu thiếp về doanh. Lúc mới hay tin, nàng nghẹn ngào khóc nức nở, nhưng vì người chồng mà nàng yêu thương và trân trọng nhất đời, cuối cùng Bột Nhi Thiếp cũng lặng lẽ chấp nhận.

Trong bộ tiểu thuyết lịch sử “Thành Cát Tư Hãn” của Du Trí Tiên và Chu Diệu Đình, câu chuyện này được mô tả rất sinh động. Dưới đây là đoạn lược trích:

Thiết Mộc Chân tiếp tục nói: “Bột Nhi Thiếp là vợ được người cha tôn kính của tôi đi nói cưới cho tôi, hiện nay Bột Nhi Thiếp là mẹ của bốn đứa con tôi. Từ nhiều năm qua, chúng tôi chung chịu hoạn nạn, cùng vào sinh ra tử, cảm tình giữa nhau rất đặc biệt. Chính vì vậy mà nhiều năm qua tôi không hề nghĩ tới chuyện cưới vợ lẽ cũng như chuyện nạp thiếp”.

Các tướng đưa mắt nhìn nhau.

Thiết Mộc Chân cũng cười và nói: “Đừng nói chi là 300 người, trong lần bình định người Tháp Tháp Nhi này. Tôi không ngờ lại cưới được hai phi tử là Dã Toại và Dã Tốc Can. Chỉ với hai người phi tử đó mà tôi đã cảm thấy khó ăn nói với Bột Nhi Thiếp trong lần trở về này”.

Bác Nhi Truật ra hiệu cho mọi người im lặng, nói: “Ý của Khả Hãn là…”

Thiết Mộc Chân nói: “Tôi muốn trong số các vị tướng lãnh, sẽ có một vị tách ra về trước, để tạo sự thông cảm đối với đại phi Bột Nhi Thiếp”.

Mộc Hoa Lê xung phong nói: “Để tôi đi thử một lần vậy!”

Ngay trong đêm hôm đó, Mộc Hoa Lê đã trở về đến vùng đất cũ của Thiết Mộc Chân tại núi Cổ Liên Lặc Cổ.

Mộc Hoa Lê từ ngoài cửa bước vào với nét mặt và y phục hết sức phong trần, lên tiếng chào.

Bột Nhi Thiếp lo lắng hỏi: “Này Mộc Hoa Lê tướng quân, đang đêm khuya như thế này mà ông còn lặn lội trở về, phải chăng có chuyện gì quan trọng xảy ra?”

Mộc Hoa Lê nói: “Tôi có một chuyện với muốn nói cho đại phi biết, đồng thời, cũng muốn báo với đại phi một chuyện không vui. Tôi chưa kịp suy nghĩ, nên nói chuyện vui trước hay là nên nói chuyện không vui trước?”

Bột Nhi Thiếp không khỏi ngơ ngác. Sau một lúc suy nghĩ, bà đáp: “Vậy thì ông hãy nói chuyện không vui trước đi nào!”

Mộc Hoa Lê nói: “Đại Hãn không chịu nghe lời khuyên của các tướng, nên đã say mê hai mỹ nữ người Tháp Tháp Nhi, bằng lòng nhận hai người làm đệ Nhị và đệ Tam phi tử”.

“Cái gì?! Thế còn chuyện vui?”

Mộc Hoa Lê đáp: “Đại Hãn không nghe theo lời khuyên của các tướng, bị hai mỹ nữ người Tháp Tháp Nhi lôi cuốn đến say mê, nên đã thu họ làm đệ Nhị và đệ Tam phi tử”.

Bột Nhi thiếp hoang mang không thể hiểu được.

Mộc Hoa Lê đáp: “Khả Hãn trước kia chỉ yêu có một người đàn bà là đại phi, bây giờ ông ấy lại cùng một lúc yêu đến hai ngươi đàn bà. Điều đó đối với đại phi là điều không vui. Trước kia chỉ có một mình đại phi là ngươi đàn bà lo lắng cho Khả Hãn, hôm nay lại có thêm hai người đàn bà nữa phụ với đại phi để cùng lo cho Khả Hãn, vậy tất nhiên đó là chuyện vui rồi!”

Bột Nhi Thiếp ngã xuống giường khóc òa lên, tiếng khóc nghe hết sức đau đớn.

“Ngay từ năm mới lên chín, tôi đã đính hôn với anh ấy - Bột Nhi Thiếp hồi ức lại chuyện mấy mươi năm về trước - Lúc bấy giờ anh ấy còn là một thằng bé, thấy chó cũng sợ, thường đi theo sau lưng tôi, dính liền nhau như hình với bóng. Chúng tôi cùng đi cắt lông cừu, cùng đi bắt kế ngựa, cùng đùa giỡn bên bờ hồ. Thuở đó, tôi chưa biết gì là tình yêu nam nữ, mà chỉ thấy giữa tôi với anh ấy có một tình thương hồn nhiên, dù một khắc cũng không muốn xa rời. Về sau gia đình anh ấy gặp nạn, phải trở về nhà suốt chín năm. Trong vòng chín năm đó, không ngày nào đêm nào mà tôi không nhớ thương đến anh ấy. Chính cha tôi vì quá sốt ruột, nhất là vì lời yêu cầu của tôi, nên đã gạt bỏ tục lệ của người ở đồng cỏ, bằng lòng để cho Thiết Mộc Chân đến bộ lạc Hoằng Cát Thích thành hôn với tôi. Sau đó cha mẹ tôi còn đưa tôi về đến bờ sông Onon để hoàn thành việc hôn nhân với anh ấy. Thế nhưng hương thơm của ly rượu mừng chưa bay hết mùi, thì kẻ thù của anh ấy đã cướp tôi đi suốt chín tháng, khiến tôi phải sống suốt chín tháng trong nhớ mong và đau khổ. Chính anh ấy đã cứu tôi ra, nhưng giữa tôi và anh ấy không còn tình yêu hồn nhiên như trước, mà chỉ còn tôn trọng nhau qua tình vợ chồng. Tôi vừa liên tiếp sinh cho anh ấy mấy đứa con trai, vừa phải nuốt ngược những dòng lệ của mình vào bụng. Bộ tôi không khổ sao? Thế mà ngày nay anh ấy chẳng những tìm thêm đàn bà, mà còn tìm một lúc đến hai người! Đại để trong một tương lai không xa, anh ấy sẽ vứt bỏ tôi như một chiếc giày cũ đã rách chăng?”

Một lúc sau, Bột Nhi Thiếp mới lau nước mắt, nói: “Ông hãy trở về nói với anh ấy…”

Mộc Hoa Lê đáp: “Tôi biết phải nói với Khả Hãn những gì rồi (...) Tôi sẽ nói với Khả Hãn là đại phi bảo: "Trước kia Dã Tốc Cai cha chúng ta chỉ là một thủ lĩnh của một bộ lạc, thế mà còn có một bà vợ bé, nay Thiết Mộc Chân là Khả Hãn, tất nhiên cần phải có nhiều vợ hơn. Việc Thiết Mộc Chân phái người đến thông báo trước việc này, hoàn toàn là không cần thiết. Vì người làm vợ luôn luôn phải phục tùng chồng, cũng như bá tánh trong bộ lạc phải phục tùng Khả Hãn, đó là cái lý tất nhiên. Với địa vị là đại phi, tôi rất vui mừng khi thấy Khả Hãn tìm được những người phi tử vừa ý. Tôi đang chuẩn bị những căn lều mới cho những người phi tử của Khả Hãn đây!".

Bột Nhi Thiếp thở dài, nói: “Lời nói của ông đúng lắm, vậy cứ nói cho Khả Hãn như thế đi!”.

Mộc Hoa Lê nhanh chóng trở về đoàn quân của Thiết Mộc Chân để phục mệnh.

Thành Cát Tư Hãn rong ruổi trên lưng ngựa, chinh chiến khắp Á Âu, sau mỗi lần thắng trận lại đưa thêm mỹ nữ và giai nhân về hậu cung. Đối với một nữ nhân đã cùng chồng trải qua hoạn nạn, nào có ai nguyện ý chia sẻ tình yêu với những cô gái khác khi chồng vừa mới xây dựng được cơ đồ? Nhưng Bột Nhi Thiếp lại làm được nhờ tấm lòng khoan dung và đại lượng. Nàng vẫn để hai quý phi ở bên cạnh Thành Cát Tư Hãn trong các cuộc chinh chiến, còn bản thân thì một mình ở lại tư doanh, lặng lẽ cô đơn tịch mịch. Nàng cũng dựng cho các hậu phi mỗi người một Oát Nhĩ Đóa (cung trướng của người Mông Cổ), đồng thời điều hòa tốt mối quan hệ trong hậu cung.


Tranh vẽ từ Diez Albums (Ảnh: Khu vực công cộng)

Bột Nhi Thiếp luôn sống ở Đệ nhất Oát Nhĩ Đóa - chính cung của Thành Cát Tư Hãn. Nàng là chánh cung hoàng hậu, từ thuở thiếu thời cho đến lúc tuổi cao sức, nàng vẫn nhận được sự kính trọng và yêu thương lớn nhất của Thành Cát Tư Hãn, địa vị cao quý mà không một hậu phi nào có thể sánh bằng.

Sau khi Bột Nhi Thiếp qua đời, Nguyên thế tổ Hốt Tất Liệt truy thụy bà là Quang Hiến hoàng hậu, sau lại được Nguyên Vũ Tông Hải Sơn truy thêm thụy hiệu, gọi là Quang Hiến Dực Thánh hoàng hậu.

Minh Hạnh
Theo Tô Minh Chân - Epoch Times

Tài liệu tham khảo:

  • “Nguyên sử”, Minh Tống Liêm
  • “Mông Cổ bí sử”, Dư Đại Quân dịch

 

 

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Hiền hậu truyện (Kỳ 9): ‘Một đời yêu thương’ của Thành Cát Tư Hãn