Hoàng cung Thiên tử ở vì sao gọi là Tử Cấm Thành?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đời Minh, Vĩnh Lạc năm thứ 4 nhuận tháng 7, Minh Thành Tổ hạ chiếu khởi công xây dựng cung điện Bắc Kinh, trải qua 15 năm, đến tháng giêng năm Vĩnh Lạc thứ 19 thì hoàn thành, là nội cung của thiên tử, chu vi 6 lý 16 bộ [1], cũng được gọi là Tử Cấm Thành. (Minh sử - Địa lý chí nhất).

Từ đó, Tử Cấm Thành thường trực là hoàng cung của hoàng đế hai triều Minh - Thanh, là nơi thiên tử phụng mệnh Trời cai trị thiên hạ. Vậy tên gọi "Tử Cấm Thành" này có nguồn gốc từ đâu?

"Tử Cấm Thành" truyền đạt lại cội nguồn tư tưởng văn hóa Trung Hoa, vốn từ rất xa xưa.

Trước tiên lần ngược theo Sử Ký. Căn cứ “Sử ký - Thiên quan thư”: "Tinh hữu thượng trung hạ tam viên", bầu trời sao theo thiên văn Trung Quốc cổ đại có 3 ranh giới lớn: Thượng Cung, Trung Cung, Hạ Cung. Trong đó "Trung Cung" cũng gọi là "Tử Cung".

Căn cứ theo “Sử ký chính nghĩa” giải thích, "Tử Cung" là nơi ở của Thiên Hoàng Đại Đế.

Trương Hành – quan Thái sử lệnh, nhà thiên văn học thời Đông Hán – có viết sách "Linh hiến", nói rõ những điều cốt yếu về tinh viên, tinh tú… trên trời. Ông nói: "Sao, thể sinh thuộc đất, tinh phát thuộc trời. Tử cung là nơi ở của Đế Hoàng", còn nói thêm rằng "Tử Cung Viên có 15 ngôi sao... Thứ nhất là sao Tử Vi, là chỗ ngồi của Thái Đế, nơi thường ở của Thiên Tử" .

Trương Hành đã chỉ ra rằng "Tử Cung là nơi ở của Đế Hoàng", "nơi thường ở của Thiên Tử". Theo Trương Hành xem xét, thì giữa tinh tú trên trời và sự việc của con người trên đất là có tương ứng, sao trời mà mọi người nhìn thấy không phải chỉ là hình thể ngôi sao đơn thuần, mà trong đó "thể sinh thuộc đất, tinh phát thuộc Trời", hình thể ngôi sao là tồn tại vật chất, nhưng tinh thần của nó là ở không gian "Trời", vật chất và tinh thần là một thể liên đới.

Vì vậy, chúng ta đi từ văn hóa truyền thống để giải thích, Vĩnh Lạc đế xây dựng "Tử Cấm Thành" ở Bắc Kinh, là để đối ứng với “Tử Cung” – nơi ở của Đế Hoàng trên Trời, điều này thể hiện tinh tế một dạng tinh thần Thiên - nhân hợp nhất của vũ trụ quan, sinh mệnh quan truyền thống trong văn hóa Trung Hoa.

Từ ghi chép trong những tư liệu sách sử kể trên, chúng ta biết được chữ “Tử” trong "Tử Cấm Thành" là đối ứng với “Tử Cung” – nơi ở của Đế Hoàng trên trời, vậy còn "Cấm" là biểu thị ý gì?

Thành quách cung điện (cung thành, đại nội) của Thiên tử là nơi Thiên tử phụng thiên thừa vận, vốn dĩ trang nghiêm, vì vậy không được tùy ý ra vào, là "thành cấm" canh gác nghiêm ngặt. Trong các câu thơ "Triêu giá thủ cấm thành" của Tống Nhan Diên thời Nam Triều, "Đông phong tiết khí cận thanh minh - Xa mã tranh lai mãn cấm thành" của Trương Tịch thời Đường, "Bách quan bái biểu cấm thành khai" của Diêu Hợp thời Đường, thì "cấm thành" được nói đến chính là để chỉ cung thành của hoàng đế.

Phần quan trọng nhất trong cung thành là nơi đặt Thái Miếu và nơi thực thi chính sự của Thiên tử, còn gọi là Minh Đường. Thái Miếu ở phía trước, sau đó mới là Thái Thất, cấu tạo hình dạng cũng là đối ứng với Tử Cung trên trời.”Minh Đường âm dương lục” có viết: "Quy cách của Minh Đường, có nước bao quanh, nước chảy ngược chiều kim đồng hồ giống như tên Trời, bên trong có Thái thất giống Tử cung." (Xem《Tùy thư. Quyển 49. Liệt truyện thứ 14》).

Chúng ta biết rằng, trong Tử Cấm thành có kênh Nội Kim Thủy Hà dẫn nước bao quanh thành, nước chảy ngược chiều kim đồng hồ đối ứng với Dải Ngân Hà vắt qua nhóm sao Tử Vi Viên. Vậy Minh Đường ở đâu trong Tử Cấm Thành?

“Minh Đường” của Tử Cấm Thành được xây trên điểm cao nhất chính giữa trong thành. (pixabay)

Trong Tử Cấm Thành mà Vĩnh Lạc Đế xây dựng, Minh Đường được xây trên vị trí cao nhất ở trung tâm thành. Điện Phụng Thiên (điện Thái Hòa) chính là Thái Miếu, là nơi chính giữa trong thành, điện đường tối cao, là nơi thiên tử cử hành lễ đăng quang, tiếp nhận chúc tụng; đằng sau có điện Hoa Cái (đối ứng với sao Hoa Cái của nhóm sao Tử Vi Viên, vào thời Gia Tĩnh khi xây lại sau vụ cháy thì gọi là điện Trung Cực, Thuận Trị năm thứ 2 đổi tên thành điện Trung Hòa), chính là Minh Đường Thái Thất, là nơi thiên tử thi hành chính sự.

Cấu tạo hình dạng cửa của điện này lấy từ “Minh Đường” được nói tới trong “Đại Đới lễ ký”, đối ứng với Tử Cung trên trời, mặt bằng là hình vuông, nóc đơn hình tứ giác uốn cong, mái lợp bằng ngói lưu ly màu vàng, chính giữa là chóp đồng mạ vàng. Điện rộng và dài bằng 3 gian, 4 mặt đều có hành lang, lát gạch vàng ở 4 cổng. Đằng sau là điện Cẩn Thân (điện Bảo Hòa).

Tuy nhiên Thiên tử "theo phép đặt Tử Vi ở giữa, lập Minh Đường mà thi hành chính sự" không chỉ là mô phỏng theo biểu tượng sao trời, mà quan trọng hơn là thể hiện tinh thần cốt lõi của văn hóa truyền thống: Thuận Thiên hành hóa.

Nói cách khác, việc thi hành chính sự của thiên tử trong việc cắt đặt quan lại, giáo hóa bách tính ắt phải hiểu rõ Đạo Trời, thế thì mới thuận theo thiên thời, không làm trái đạo tự nhiên, âm dương điều hòa, mà nuôi dạy được thiên hạ.

“Tùy thư - Chí đệ thập tứ - Thiên văn thượng” cũng biểu đạt tinh thần như vậy: Thiên tử "nếu theo phép đặt Tử Vi ở giữa, lập Minh Đường mà thi hành chính sự, y theo phân phó mà điều hành đất nước, thể theo các sao trời mà cắt đặt quan lại, làm tất phải thuận thời, giáo hóa không nghịch lại hoàn cảnh, thế thì có thể đạt được đạo biến hóa, đạt được cái kỳ diệu của âm dương hòa hợp."

 

Minh Đường Tử Cấm Thành, bên phải là điện Trung Hoà – là nơi thiên tử thi hành chính sự. (shutterstock)

Từ Vĩnh Lạc Đế xây dựng Tử Cấm thành, bất kể là tên gọi hay hình dạng cấu tạo, đều là tương ứng với Tử Cung – nơi ở của Thiên Hoàng Đại Đế - trên Trời, đâu đâu cũng là biểu dương nội hàm của văn hóa thần truyền truyền thống Trung Hoa và tư tưởng Thiên - nhân hợp nhất. Tinh thần "thuận Trời thì được điều hay" tỏa sáng lấp lánh như sao trên vòm trời cao rộng lớn.

Tác giả: Dung Nãi Gia - Epochtimes

Hữu Đức biên dịch

Chú thích:

[1] “Tôn Tử toán kinh” có viết: "300 bộ là 1 lý" (theo quy chế nhà Chu). 1 bộ: Bước ra một chân gọi là "Khuể", lại một chân bước về phía trước, thì tính là 1 bộ. 1 bộ 6 xích, 300 bộ là 1 lý. Đổi thành hệ mét, 1 xích thời Chu khoảng 0.231m, 1 bộ tương đương 138.6 cm, 1 lý tương đương với 415.8 m.



BÀI CHỌN LỌC

Hoàng cung Thiên tử ở vì sao gọi là Tử Cấm Thành?