Những mỹ nhân ‘Sắc đành đòi một tài đành họa hai’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một lần trong lúc nhàn đàm, Tào Tháo bày tỏ ngưỡng mộ tàng thư trong nhà xưa của Thái Văn Cơ. Thái Văn Cơ nói, trong nhà vốn có 4 nghìn quyển sách, trải qua mấy lần chiến loạn, đã bị mất hết. Tào Tháo lộ rõ vẻ thất vọng sâu sắc. Thái Văn Cơ thấy vậy nói vẫn có thể nhớ, thế là nàng dựa vào trí nhớ viết ra 400 chương, không sai một chữ...

Thái Văn Cơ

Thái Văn Cơ, tên Diễm, tên gốc là Chiêu Cơ, là con gái của Thái Ung, một học giả lớn đời Đông Hán. Nàng vốn giỏi thơ phú, lại giỏi hùng biện và âm luật.

Thái Văn Cơ đã hoàn thành đại trước tác “Tục Hán Thư” gồm 400 quyển. Ngoài ra cô đã để lại khúc nhạc “18 nhịp kèn Hồ” (Già Hồ thập bát phách) bồi hồi, xúc động lòng người. Cô còn để lại một thi phẩm “Bi phẫn thi”, một bài thơ trường thiên tự truyện thể ngũ ngôn đầu tiên trong lịch sử thơ ca Á Đông.

Minh họa Thái Văn Cơ trong Hoa lệ châu tụy tú. (Ảnh: Wikipedia)
Minh họa Thái Văn Cơ trong Hoa lệ châu tụy tú. (Ảnh: Wikipedia)

Thái Văn Cơ từ nhỏ đã chịu ảnh hưởng của người cha là Thái Ung - một đại văn hào, nhà thư pháp danh tiếng lẫy lừng. Cô học rộng, giỏi văn, thơ, phú, còn giỏi hùng biện và âm luật, từ nhỏ đã để tâm đến các điển tích, xem hết kinh sử, đồng thời có chí cùng với cha sửa, viết tiếp Hán Thư, lưu danh sử xanh.

Những năm cuối đời Đông Hán, xã hội loạn lạc, sau đó Hung Nô xâm chiếm Trung Nguyên, Thái Văn Cơ bị bắt đưa về Nam Hung Nô, bị gả cho vua Hung Nô, chịu nỗi đau khổ của cuộc sống dị tộc, dị hương, dị tục. Cũng may 12 năm sau, Tào Tháo thống nhất miền Bắc, nghĩ tới lời dạy của ân sư Thái Ung, Tào Tháo đã dùng rất nhiều vàng chuộc lại Thái Văn Cơ.

Sau khi Tào Tháo chuộc lại Thái Văn Cơ, và gả nàng cho Đổng Tự. Sau đó Đổng Tự phạm phải tội chết, Thái Văn Cơ đi tìm Tào Tháo xin cho Đổng Tự. Lúc đó Tào Tháo đang yến tiệc mời các công khanh danh sĩ, ông bèn nói với các tân khách rằng: “Con gái Thái Ung ở bên ngoài, hôm nay cho mọi người được chiêm ngưỡng”.

Thái Diễm xõa tóc, chân trần, khấu đầu thỉnh tội, nói năng rành mạch rõ ràng, tình cảm khổ đau chua xót, tất cả các tân khách đều cảm động. Nhưng Tào Tháo lại nói: “Nhưng giấy giáng tội đã phát đi rồi, làm sao đây?”.

Thái Diễm nói: “Ngựa tốt trong chuồng ngựa của ngài có hàng nghìn hàng vạn, sĩ tốt dũng mãnh cũng không đếm xuể, vẫn còn tiếc một con tuấn mã để cứu một sinh mệnh đang chờ chết sao?”. Tào Tháo cuối cùng đã bị Thái Văn Cơ làm cho cảm động, đã tha chết cho Đổng Tự.

Một lần trong lúc nhàn đàm, Tào Tháo bày tỏ ngưỡng mộ tàng thư trong nhà xưa của Thái Văn Cơ. Thái Văn Cơ nói, trong nhà vốn có 4 nghìn quyển sách, trải qua mấy lần chiến loạn, đã bị mất hết. Tào Tháo lộ rõ vẻ thất vọng sâu sắc. Thái Văn Cơ thấy vậy nói vẫn có thể nhớ, thế là nàng dựa vào trí nhớ viết ra 400 chương, không sai một chữ.

Văn Cơ cũng giỏi thư pháp, văn bút của nàng khắc đời Tống “Thuần hóa các thiếp” vẫn được lưu giữ. Cả đời Thái Văn Cơ, đặc biệt sau khi trở về Hán, đã kế thừa chí cha, soạn viết “Tục hậu Hán thư”, đã có cống hiến trác việt cho nền văn hóa cổ đại Á Đông.

Ban Chiêu

Ban Chiêu còn có tên là Cơ, tự Huệ Ban, là con gái của nhà sử học Ban Bưu đời Đông Hán, là em gái của Ban Cố và Ban Siêu. Cô học rộng tài cao, lấy Tào Thọ, là người cùng quận, nhưng sớm phải ở góa.

Anh trai Ban Cố trước tác “Hán thư”, "Bát biểu"“Thiên văn chí”, các bản thảo lộn xộn, nhưng chưa xong thì đã qua đời. Ban Chiêu liền nối chí anh, một mình hoàn thành Biểu thứ 7 (Bách quan công khanh biểu) và Chí thứ 6 (Thiên văn chí) và bộ “Hán thư”. Ái mộ tài năng của nàng, hoàng đế Hán Hòa Đế mấy lần triệu vào cung, lệnh hoàng hậu và quý nhân bái làm thầy, gọi là Tào Thái Cô. Ban Chiêu giỏi phú tụng, sáng tác ra tác phẩm “Đông chinh phú”“Nữ giới”.

Ban Chiêu là một phụ nữ cổ đại bác học đa tài, phẩm đức cao đẹp, cô là nhà sử học, cũng là nhà văn, còn là nhà chính trị tài hoa. Sau khi xuất bản “Hán thư”, được đánh giá rất cao, các học giả tranh nhau truyền tụng, hóc búa nhất trong “Hán thư” là biểu thứ 7 “Bách quan công khanh biểu”, và chí thứ 6 “Thiên văn chí”, hai phần này đều do cô độc lập hoàn thành. Nhưng Ban Chiêu vẫn khiêm tốn điền tên anh trai Ban Cố. Học vấn Ban Chiêu rất thâm sâu, đại học giả đương thời là Mã Dung để xin được Ban Chiêu thỉnh giáo đã quỳ ở dưới gác của Đông quán tàng thư, lắng nghe Ban Chiêu giảng giải!

Là nhà sử học và nhà văn nữ đầu tiên, tên tuổi của Ban Chiêu đã lưu danh sử xanh, rạng rỡ cõi nhân gian.

Chân dung Ban Chiêu.
Chân dung Ban Chiêu. (Ảnh: Wikipedia)

Lý Thanh Chiếu

Lý Thanh Chiếu, nữ từ nhân đời Tống (giao thời Nam - Bắc Tống), hiệu là Dị An cư sĩ. Cô được ca ngợi là “Thiên cổ đệ nhất tài nữ”.

Lý Thanh Chiếu là tài nữ hiếm có thời cổ đại Trung Quốc, cô giỏi thư, họa, am hiểu khắc chữ, tinh thông thơ từ. Các tác phẩm từ của cô vô đối một thời, lưu truyền thiên cổ, được ca ngợi là “Từ gia nhất đại tông” (Bà tổ của từ khúc).

Từ khúc của cô chia làm thời kỳ đầu và thời kỳ sau. Thời kỳ đầu phần lớn viết về cuộc sống du nhàn, thường miêu tả về tình yêu, cảnh vật tự nhiên và phô diễn vẻ đẹp của vần điệu. Thời kỳ sau phần lớn là than thở thân thế, gợi tả nỗi nhớ quê hương, hoài cổ, tình cảm bi thương...

Nhân cách cũng như các tác phẩm của cô khiến cho người ta sùng kính: Cô vừa có đức tính hiền thục của nữ nhi, lại có đức tính cương nghị của bậc tu mi nam tử, vừa có lòng cảm khái phẫn thế của người thường, lại có đủ lòng yêu nước cao thượng. Lý Thanh Chiếu không chỉ có tài hoa trác việt, học vấn uyên thâm, mà còn có lý tưởng cao xa, hoài bão hào hùng. Các tác phẩm từ của cô bút lực phóng khoáng, phong cách hào sảng hồn hậu, đã tạo nên một phong cách độc đáo trên từ đàn đời Tống, từ đó có ảnh hưởng lớn đến các từ nhân như Tân Khí Tật, Lục Du và các từ nhân hậu thế. Thành tựu nghệ thuật siêu xuất của cô được các văn nhân đời sau ca ngợi và đánh giá rất cao.

Tranh vẽ Lý Thanh Chiếu của Thôi Thác (崔错) đời Thanh. Wiki
Tranh vẽ Lý Thanh Chiếu của Thôi Thác (崔错) đời Thanh. (Ảnh: Wikipedia)

Thượng Quan Uyển Nhi

Thượng Quan Uyển Nhi, cũng gọi là Thượng Quan Chiêu Dung, là nữ quan, thi nhân, hoàng phi đời Đường, và là cháu của Thượng Quan Nghi. Thượng Quan Nghi vốn là tể tướng đương triều, vì bí mật theo lệnh vua soạn chiếu phế truất Võ Hậu mà bị Võ Hậu hại chết. Sau khi Thượng Quan Nghi bị tội chết, cô theo mẹ Trịnh Thị bị đày vào cung đình làm nữ tỳ. Năm 14 tuổi, nhờ thông minh lại giỏi văn chương nên được Võ Tắc Thiên trọng dụng.

Thượng Quan Uyển Nhi phụ trách quản lý các sắc chỉ của vua nhiều năm, có danh là “Cân quắc tể tướng” (Tể tướng nữ nhi). Thời Đường Trung Tông, cô được phong làm Chiêu Dung, quyền thế càng lớn, có địa vị trọng yếu trong chính đàn và văn đàn. Từ đó với thân phận hoàng phi cai quản nội cung và chính lệnh, văn cáo triều đình, bà từng kiến nghị mở rộng thư quán, tăng thêm học sĩ. Trong thời gian này, bà chủ trì phong nhã, thay mặt cung đình đánh giá văn thơ trong thiên hạ một thời, các quan làm từ phần lớn tập trung về nhà bà. “Toàn Đường thi” còn lưu giữ lại 32 bài thơ của Uyển Nhi...

Lại nói, năm mới chào đời, ông nội Thượng Quan Nghi do nghị luận việc phế lập Võ Hậu mà chịu tội chết, cha bà là Đình Chi cũng chết theo. Uyển Nhi theo mẹ bị đày vào cung làm nô tỳ. Thượng Quan Uyển Nhi tư chất thông minh, nhanh nhẹn, thời niên thiếu ở trong cung đình đã xuất hiện đầy tài năng. “Cảnh Long văn quán ký” có chép: “Uyển Nhi 14 tuổi, thông minh mẫn tiệp, kiến thức sâu rộng, tài hoa vô tỷ. Thiên Hậu nghe danh đã thử thách, cô vung bút liền thành, như là đã biết từ lâu”.

Thượng Quan Uyển Nhi không chỉ văn từ giỏi, mà rất sáng suốt trong các việc thư lại, nên được Võ Tắc Thiên tín nhiệm, được tham dự phê duyệt tấu chương, và khởi thảo các chính lệnh, trở thành nhân vật chính trị trung tâm của vương triều Võ Chu.

Thượng Quan Uyển Nhi thể hiện rõ nét phong thái thơ ca của thời đại, trở thành bà tổ sáng tác của thể “Thượng Quan thể”. Trên cơ sở của “Thái lệ nhật tân”, bà đã rót thêm vào cái khí cương kiện và tâm cảnh rộng mở, thúc đẩy chuyển đổi thơ ca thời Đường: từ thơ ca cung đình thời Sơ Đường sang thơ ca đỉnh cao thời Thịnh Đường. Thượng Quan Uyển Nhi với thân phận nữ lưu mà ảnh hưởng đến văn phong một thời, là bậc kỳ tài hiếm có trong lịch sử văn học cổ đại.

là bậc kỳ tài hiếm có trong lịch sử văn học cổ đại.
Thượng Quan Uyển Nhi là bậc kỳ tài hiếm có trong lịch sử văn học cổ đại. (Ảnh: Wikipedia)

Tiết Đào

Tiết Đào là nữ thi sĩ đời Đường, tự Hồng Độ, người Trường An (Tây An, Thiểm Tây ngày nay). Cha Tiết Đào là Tiết Vân, làm quan đất Thục, sau khi chết, vợ con lưu lạc cư ngụ ở Thục. Thời thơ ấu cô theo cha trú ngụ ở Thành Đô. Lên 8, 9 tuổi Tiết Đào đã biết làm thơ. Cha mất sớm, mẹ ở góa, hai mẹ con nương tựa nhau mà sống, cuộc sống cực kỳ túng quẫn, năm 16 tuổi bị rớt xuống lạc tịch (tầng lớp tiện dân), sau khi thoát khỏi lạc tịch, cả đời không lấy chồng. Cuối cùng định cư ở Hoán Hoa Khê.

Tiết Đào tư dung diễm lệ, hoạt bát thông tuệ, 8 tuổi biết làm thơ, am hiểu âm luật, giỏi biện luận trí tuệ, chuyên thơ phú, đa tài đa nghệ, là nữ thi nhân nổi danh đương thời. Tương truyền Tiết Đào từng ở Hoán Hoa Khê, làm các giấy hoa tiên màu hồng viết thơ, người đời sau bắt chước làm theo, gọi là giấy “Tiết Đào tiên”. Công viên Vọng Giang Lâu ở Thành Đô ngày nay khu lăng mộ Tiết Đào.

Tiết Đào tư dung diễm lệ, hoạt bát thông tuệ, 8 tuổi biết làm thơ... (Ảnh: Wikipedia)
Tiết Đào tư dung diễm lệ, hoạt bát thông tuệ, 8 tuổi biết làm thơ... (Ảnh: Wikipedia)

Tiết Đào có giao lưu ca xướng với các thi nhân nổi tiếng đương thời như Nguyên Chẩn, Bạch Cư Dị, Trương Tịch, Vương Kiến, Lưu Vũ Tích, Đỗ Mục, Trương Hỗ v.v. Những năm cuối đời, bà thích làm trang phục nữ đạo sĩ, xây dựng Ngâm Thi Lâu ở Bích Kê Phường, sống những ngày sau cuối đầy thanh tĩnh.

Hoàng Mai



BÀI CHỌN LỌC

Những mỹ nhân ‘Sắc đành đòi một tài đành họa hai’