Phật Mật Lặc Nhật Ba (P-1): Tại sao trải qua muôn ngàn thử thách vẫn không được sư phụ truyền Pháp

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio]- Phật Mật Lặc Nhật Ba (Milarepa) được người Tây Tạng tôn xưng là Ánh sáng Tuyết sơn, và trở thành thủy tổ của Bạch giáo Tạng Mật (phái Kagyupa). Đến cuối đời, theo yêu cầu của các đệ tử, Ngài đã kể lại câu chuyện tu luyện của mình, có thể nói là kinh thiên địa, khấp quỷ thần (Trời đất kinh, quỷ thần khóc).

Tiếp theo:

Bài viết dưới đây có nguồn gốc từ lời tự thuật của Tôn giả được ghi chép lại. Điều khiến cho mọi người không ngờ đến là, trước khi bước vào tu luyện, Milarepa là đại ác nhân từng dùng chú thuật giết người, bị người dân trong thôn cực kỳ căm hận. Vậy rốt cuộc là lý do vì sao?

Người phục thù đáng sợ

Năm 1052, Mật Lặc Nhật Ba ra đời ở một gia đình giàu có nhất thôn Gia Nga Trạch thuộc Tây Tạng. Ngài là người con độc nhất trong gia đình lúc ấy. Phụ thân rất vui khi đứa con đầu ra đời, nên đã đặt tên Ngài là Văn Hỉ. Văn Hỉ trở thành đứa trẻ rất may mắn trong thôn. Văn Hỉ lên bốn tuổi, gia đình lại đón thêm một thành viên mới là tiểu muội muội, đặt tên là Tỳ Đạt.

Đáng tiếc là khi Văn Hỉ lên 7 tuổi phụ thân vì bệnh mà qua đời. Trước khi lâm chung, phụ thân đã gọi Văn Hỉ và người bác và người cô của Văn Hỉ đến để nhờ chăm sóc cô nhi quả phụ. Đợi đến khi Văn Hỉ trưởng thành tề gia lập nghiệp rồi mới tiếp quản toàn bộ tài sản. Như vậy, là toàn gia tài lớn của gia đình nhà Văn Hỉ đã giao cho người bác và người cô tiếp quản. Không ngờ đến là người bác và người cô thấy tiền tài liền nảy sinh lòng tham, và không quan tâm đến những gì phụ thân của Văn Hỉ dặn dò, đã chiếm đoạt toàn bộ tài sản. Người bác và người cô không chỉ đối đãi không tốt với 3 mẹ con, còn nhẫn tâm bắt họ phải khổ lao làm việc ngày đêm.

Người bác và người cô không chỉ đối đãi không tốt với 3 mẹ con, còn nhẫn tâm bắt họ phải khổ lao làm việc ngày đêm. (Ảnh: Miền công cộng)

Từ lúc phụ thân qua đời, 3 mẹ con không có được một ngày nào được sống an ổn, thường xuyên sống những ngày không được bữa nào no bụng. Chớp mắt, Văn Hỉ 15 tuổi đã thành người trưởng thành rồi. Nhân cơ hội này, cậu quyết tâm lấy lại tài sản, xem như thoát khỏi những ngày sống khổ hạnh. Tuy nhiên, mỡ đến miệng mèo rồi thì làm sao có thể nhả ra được. Người bác, cô không chỉ không trả lại tài sản mà còn ức hiếp làm nhục 3 mẹ con. Mẹ của Văn Hỉ thề sẽ báo thù. Song, nói ra thì dễ, cô nhi quả phụ thì làm thế nào có thể để báo thù được đây.

Đi thăm hỏi khắp nơi, nghe nói có một người chuyên môn dạy vu thuật có thể hô mưa gọi gió, và giết người không để lại dấu vết. Ngậm đắng nuốt cay, người mẹ đã mang miếng đất của hồi môn đi bán. Để phục thù người bác và người cô, bà đã đưa tiền cho Văn Hỉ đi học chú thuật và phép giáng mưa đá xuống. Một thời gian ngắn, Văn Hỉ luyện pháp thuật đến mức rất lợi hại. Có một hôm, con trai người bác cử hành hôn lễ, Văn Hỉ nhìn thấy cả nhà người bác và người thân, tổng cộng hơn 30 người ngồi thành vòng tròn ăn tiệc. Văn Hỉ bắt đầu bắt quyết niệm chú, chỉ một lát liền linh nghiệm, tất cả người dự tiệc, từng người từng người lăn ra chết, chỉ lưu lại người bác và người cô. Mục đích, là muốn họ phải nếm trải cảnh người đầu bạc tiễn người đầu xanh.

Sự kiện này làm chấn động toàn bộ thôn làng. Khi biết tin Văn Hỉ đã ngấm ngầm dùng pháp thuật giết người, người dân trong thôn rất phẫn nộ quyết tâm truy lùng Văn Hỉ tính sổ. Văn Hỉ lại một lần nữa bắt quyết niệm chú, mây đen che kín bầu trời, trong khoảnh khắc, một trận mưa đá giáng xuống. Toàn bộ hoa màu của thôn làng chịu trận tuyết đá này đập tan nát. Thôn dân hận đến mức tột cùng mà vẫn phải cắn răng chịu đựng vì không thể đụng đến Văn Hỉ được.

Khi ấy, Văn Hỉ đã hoàn thành việc báo thù cho người mẹ. Khi nhìn thấy gia đình kẻ thù khổ đến mức không còn muốn sống, trong tâm Văn Hỉ rất vui mừng nhưng chỉ được một thời gian. Sau đó, trong nội tâm Văn Hỉ vô cùng hối hận và lo lắng. Biết rằng nhân quả báo ứng luôn chính xác nên Văn Hỉ ăn ngủ không yên, càng nghĩ càng hối hận. Vào thời điểm này, niệm đầu của Văn Hỉ muốn tu luyện chính Pháp càng ngày càng mạnh mẽ hơn.

Mật Lặc Nhật Ba được thượng sư nghênh đón

Nhờ cơ duyên, Văn Hỉ được một vị tôn giả chỉ dẫn rằng, hãy đi đến Trát Nhung tìm đến đại dịch sư Mã Nhĩ Ba (Marpa), hành giả Mật tông Tân phái, đệ tử chân truyền của vị đại hành giả Ấn Độ Na Lạc Ba (Naropa) để bái làm thầy. Vị tôn giả nói với Văn Hỉ rằng, đại dịch sư Mã Nhĩ Ba có Đại Pháp tu thành Phật ngay trong đời này. Nghe đến tên Mã Nhĩ Ba, Văn Hỉ vui mừng như phát cuồng, trong tâm thầm nghĩ, mình coi như đã được cứu rồi. Không chậm một khắc, Văn Hỉ lập tức lên đường.

Văn Hỉ vui mừng như phát cuồng, trong tâm thầm nghĩ, mình coi như đã được cứu rồi. Không chậm một khắc, Văn Hỉ lập tức lên đường. (Ảnh: Pixabay)

Đêm trước hôm gặp Văn Hỉ, đại sư Mã Nhĩ Ba nằm mơ thấy sư phụ Na Lạc Ba đưa cho mình một cái chàng kim cương bám đầy bụi trần. Đại dịch sư biết là sư phụ đang điểm hoá mình, nên không dám trễ nải. Sáng sớm hôm sau, đại dịch sư Mã Nhĩ Ba xưa này chưa từng làm ruộng, nhưng hôm đó đã đặc biệt căn dặn người vợ là Đạt Mi Ma chuẩn bị một bình rượu, rồi lấy dụng cụ ra cánh đồng làm ruộng.

Được một lát, Mã Nhĩ Ba liền nhìn thấy Văn Hỉ đang đi đến. Khi Văn Hỉ biết vị nông phu trước mặt mình chính là đại dịch sư Mã Nhĩ Ba, người mà mình ngày đêm mong ngóng, Văn Hỉ vội vàng hành đại lễ, biểu thị nguyện ý trao thân khẩu ý cho sư phụ, và thuật lại toàn bộ sự việc đã xảy ra. đại dịch sư Mã Nhĩ Ba gật đầu nói: “Thì ra là như vậy. Đem thân khẩu ý của bản thân cho sư phụ là lẽ đương nhiên. Tuy nhiên, ta không thể vừa cung cấp quần áo, ăn uống cho ngươi, lại vừa truyền Pháp cho ngươi. Hai điều này chỉ được chọn 1 mà thôi. Ngươi hãy suy nghĩ và chọn một thứ đi”.

Văn Hỉ quyết tâm tu Phật. Vì để cúng dường thượng sư, Văn Hỉ đã đi khắp nơi hành khất, và đem lúa mạch hóa duyên được đi đổi lấy một đèn lớn rất đẹp làm bằng đồng, và một số rượu thịt. Văn hỉ đem chúng cùng với một bao lúa mạch lớn còn lại đi cúng dường đại sư Mã Nhĩ Ba.

Đại sư Mã Nhĩ Ba nhận chiếc đèn, quan sát thật tỉ mỉ và rất cảm động. Đại sư nói: “Duyên khởi vô cùng tốt”.

Văn Hỉ liền mở miệng thỉnh cầu đại sư Mã Nhĩ Ba rằng muốn được học đại Pháp để trở thành Phật ngay trong đời này.

Tục ngữ có câu, phóng hạ đồ đao lập địa thành Phật. Đối với người từng dùng chú thuật để giết người, hiện giờ lại muốn tu Phật, đại sư Mã Nhĩ Ba có đem đại Pháp tu thành Phật truyền cấp cho Văn Hỉ không?

Khổ hạnh tiêu nghiệp

Đại sư Mã Nhĩ Ba nghe thấy liền nói: “Cái gì? Muốn đắc được đại Pháp tu thành Phật ngay trong đời này?”

Đại sư không những không đồng ý, trái lại còn mắng nhiếc Văn Hỉ: “Ngươi đã tạo ra nhiều tội nghiệp lớn thế này, lại muốn dễ dàng có được đại Pháp mà ta đã không tiếc sinh mệnh một mình đến Ấn Độ, dùng vàng để cúng dường thượng sư mới có được tâm yếu khẩu quyết mới đắc được. Làm gì có cái lý ấy. Quả là trò cười”.

Đại sư không những không đồng ý, trái lại còn mắng nhiếc Văn Hỉ. (Ảnh: Pixabay)

Như một chậu nước lạnh hắt vào tim, Văn Hỉ thất vọng vô cùng, khóc không thành tiếng. Ngày hôm sau, đại sư Mã Nhĩ Ba đến trước mặt Văn Hỉ, vui vẻ hiền hòa nói với Văn Hỉ rằng: “Hôm qua ta nói chuyện với ngươi, không tránh khỏi có chút hung, chớ tức giận nhé. Ta thấy ngươi thân thể cường tráng, ta dự định xây dựng một ngôi nhà bằng đá hình tròn trên đỉnh núi phía Đông để cất giữ kinh thư. Nếu ngươi có thể xây cho ta, xong rồi ta sẽ truyền Pháp cho ngươi”.

Văn Hỉ nghe xong rất phấn khích đến mức muốn nhảy tưng tưng, liền chạy đi làm ngay.

Tuy Văn Hỉ có thân thể cường tráng hơn một người bình thường, nhưng đơn độc một mình xây dựng một ngôi nhà, mà mỗi một vật liệu, mỗi tảng đá đều từ dưới núi mấy dặm vác lên đỉnh núi, việc này làm Văn Hỉ khổ không kể xiết.

Khó khăn lắm mới xây được một nửa ngôi nhà. Hôm đó, thượng sư Mã Nhĩ Ba đến nói với Văn Hỉ rằng: “À, hôm đó, ta nghĩ chưa thấu đáo nên đã ra quyết định sai, xây ở chỗ này không tốt. Ngươi hãy mang đá và vật liệu trở về vị trí cũ đi”.

Văn Hỉ nghe xong ngây đơ cả người, không còn cách nào khác, đành bên vác từng khúc gỗ, từng tảng đá xuống núi.

Sau đó, thượng sư lại dẫn Văn Hỉ đến đỉnh núi phía tây. Thượng sư trải một bản vẽ trên mặt đất rồi bảo Văn Hỉ xây nhà theo bản vẽ. Tuy nhiên, Văn Hỉ không ngờ đến là mới làm xong một nửa, thượng sư lại đến và nói rằng, làm căn nhà lần này lại sai rồi, giúp ta san bằng nó đi rồi mang các vật liệu về lại vị trí cũ. Làm việc không đúng ý chủ nhân, mệt đến chết cũng chẳng có công. Văn Hỉ chỉ còn cách san bằng căn nhà mới làm được một nửa.

Thượng sư thấy Văn Hỉ có sức lực rất lớn, nên gọi Văn Hỉ là Đại Lực. Lần này, thượng sư lại dẫn Văn Hỉ đến đỉnh núi phía bắc và nói rằng: “Đại Lực này, mấy hôm trước ta uống say lời nói ra không rõ ràng. Hiện tại, ngươi ở đây xây cho ta cái phòng đi”.

Văn Hỉ không vội vàng làm ngay mà quay lại nói: “Lần này sư phụ phải suy nghĩ thật kỹ mới được”.

Thượng sư quả quyết rằng: “Hôm nay ta không uống rượu nên đã suy nghĩ rất kỹ rồi. Ngươi mau đi làm căn nhà cho ta căn nhà hình tam giác đi”.

Như vậy, Văn Hỉ khởi công xây nhà lần ba. Nhưng mới xây được một phần ba thì thượng sư lại chạy đến. Thượng sư nói: “Đại Lực, căn nhà này là ai kêu ngươi xây vậy?”

Văn Hỉ nghe vậy liền vội vàng trả lời: “Đây là thượng sư đích thân căn dặn đó”.

Thượng sư gãi đầu nói: “Thật không. Sao ta lại không nhớ nhỉ?”.

Văn Hỉ nói: “Lúc đó, con lo sợ xảy ra việc này nên đã vặn hỏi rất kỹ là sư phụ nghĩ kĩ chưa ạ. Sao bây giờ sư phụ lại nói không nhớ vậy?”

Thượng sư nói: “Hừm, có ai làm chứng khi đó không? Ở một nơi phong thủy xấu thế này lại xây căn nhà hình tam giác, ngươi rắp tâm muốn hại chết ta sao. Nếu ngươi thực sự muốn cầu chính Pháp thì phải nghe lời của ta mà san bằng căn nhà này ngay và vác tất cả các vật liệu xuống núi”.

Thượng sư nói: “Hừm, có ai làm chứng khi đó không? Ở một nơi phong thủy xấu thế này lại xây căn nhà hình tam giác, ngươi rắp tâm muốn hại chết ta sao. (Ảnh: Pixabay)

Đại Lực lúc này có thể nói là muốn khóc mà không ra nước mắt. Bởi vì, bản thân nôn nóng muốn mau chóng xây xong nhà, nên sau lưng đã bị những cạnh sắc của đá làm cho trầy thành mấy vết lõm, mới vừa lành sẹo. Nhưng do làm công việc thục mạng này, vết thương cũ chưa lành hẳn vết thương mới đã xuất hiện rồi, chỉ có thể chịu đau mà làm việc tiếp.

Tuy nhiên, Văn Hỉ đã không nói chuyện này cho ai biết. Chỉ nhờ sư mẫu giúp mình nói với thượng truyền Pháp cho mình. Thượng sư Mã Nhĩ Ba nghe được sự việc này, đã gọi Văn Hỉ và truyền Tam quy Ngũ giới thông thường cho Văn Hỉ. Đồng thời, còn lấy cuốn truyện ký của thượng sư Na Lạc Ba tu hành khổ hạnh giảng cho Văn Hỉ nghe. Nghe xong cuốn truyện ký của thượng sư Na Lạc Ba tu hành khổ hạnh, Văn Hỉ cảm động khóc chảy nước mắt. Trong tâm nảy sinh tín tâm kiên định tu luyện, thầm thề rằng: “Tất cả những lời của thượng sư, mình đều sẽ nghe theo làm theo. Hết thảy khổ hạnh mình đều sẽ vượt được”.

Một mình xây lầu 10 tầng

Qua mấy ngày, thượng sư Mã Nhĩ Ba cùng Văn Hỉ đi ra ngoài phố tản bộ. Đi được một lúc, đại sư quay người lại nói với Văn Hỉ rằng: “Ở nơi này ngươi xây cho ta một tòa lầu 10 tầng hình vuông, yên tâm lần này ta sẽ không bảo tháo dỡ nữa. Xây xong ta sẽ truyền cho ngươi khẩu quyết”.

Văn Hỉ trải qua mấy lần như vậy nên đã thông minh hơn nhiều, liền chạy đi tìm sư mẫu làm nhân chứng. Hai bên xác nhận xong, Văn Hỉ bắt đầu bắt tay vào khởi công.

Khi làm móng cho căn nhà, vừa lúc có 3 đệ tử của thượng sư Mã Nhĩ Ba đến. Thấy Văn Hỉ đầu đầy mồ hôi, họ liền hào hứng giúp đỡ xây cùng, Văn Hỉ cũng rất vui mừng. Thế là cả ba người cùng làm giúp Văn Hỉ. Họ chuyển rất nhiều tảng đá to từ dưới núi lên trên núi để xây móng nhà. Căn nhà mới làm xong tầng 2, đại sư thấy những tảng đá được vận chuyển đến, liền nghiêm giọng hỏi: “Những tảng đá này lấy ở đâu?”

Văn Hỉ nhí nhí đáp rằng: “Đó là Nga Đông và Cang Thái giúp con vác lên đây ạ”.

Thượng sư Mã Nhĩ Ba nghiêm giọng mắng: “Còn không mau phá vỡ căn phòng này cho ta và đem hết đá xuống núi”.

“Chẳng phải sư phụ đã thề sẽ không tháo dỡ căn nhà đó sao” - Văn Hỉ vội vàng nói.

“Hừm, Nga Đông, Cang Thái là đệ tử của ta, sao có thể làm người hầu cho ngươi. Hơn nữa, ta chỉ là muốn ngươi đem tất cả những tảng đá chúng vận chuyển đến về chỗ cũ thôi”.

Văn Hỉ không biết làm thế nào nữa, đành tháo dỡ 2 tầng lầu, rồi lại tháo dỡ móng, rồi cõng từng tảng đá lớn xuống núi. Chuyển xong chỗ đá đó, toàn thân Văn Hỉ đầu đầy mồ hôi, thở hổn hển.

Thượng sư lại nói với Văn Hỉ: “Bây giờ ngươi hãy mang những đá này về lại nơi xây để làm móng”.

Văn Hỉ mở to mắt ra, quả thực không dám tin vào tai mình: “Chẳng phải sư phụ nói không cần những tảng đá này sao?”

“Đúng rồi, ta là không muốn ngươi nhờ người khác giúp đỡ chuyển đá, phải tự ngươi vận chuyển. Ngươi không được lợi dụng người khác”.

Văn Hỉ đành phải gắng sức, một mình lại vận chuyển những tảng đá lớn đó lên núi. Khó khăn lắm mới xây đến tầng thứ 7, lưng của Văn Hỉ bị trầy xước một mảng rất lớn. Đúng lúc này, có một đệ tử tìm đến đại sư Mã Nhĩ Ba thỉnh cầu quán đỉnh thắng dược kim cang.

Trong tâm Văn Hỉ thầm nghĩ, mình xây bao nhiêu căn nhà thế này, thượng sư nhất định sẽ quán đỉnh cho mình. Thế là không nghĩ nhiều, Văn Hỉ đã đi đến và ngồi ở trong phòng quán đỉnh.

Không ngờ, khi đại sư Mã Nhĩ Ba thấy Văn Hỉ thì sắc mặt đại sư liền sa sầm xuống: “Ngươi xây căn nhà cỏn con mới được có mấy ngày, mà lại vọng tưởng đắc được quán đỉnh và khẩu quyết, thứ mà ta khổ hạnh đến Ấn độ mới có được. Có cúng dường thì ngươi mang ra đây, không có thì đừng ngồi chỗ ta quán đỉnh mật thừa áo nghĩa”.

khi đại sư Mã Nhĩ Ba thấy Văn Hỉ thì sắc mặt đại sư liền sa sầm xuống: “Ngươi xây căn nhà cỏn con mới được có mấy ngày, mà lại vọng tưởng đắc được quán đỉnh và khẩu quyết,... (Ảnh: Pixabay)

Đại sư nói xong, Văn Hỉ còn chưa phản ứng thì đại sư đã giơ tay tát mạnh hai cái, khiến Văn Hỉ nổ đom đóm mắt. Thượng sư nổi giận đùng đùng, tóm tóc Văn Hỉ và lôi ra khỏi cửa, miệng mắng chửi: “Cút đi”.

Lúc này, Văn Hỉ tuyệt vọng. Đến đêm một mình một thân lăn qua lăn lại, trằn trọc không ngủ được, cảm thấy bản thân chịu đủ mọi ức hiếp và tuyệt vọng, liền nghĩ: “Coi như đã xong, đi tự sát thôi, một cái là xong tất cả”.

Xây khách sạn lớn

Ngày hôm sau, thượng sư lại tìm đến Văn Hỉ và nói: “Đại Lực, ngươi tạm thời không cần phải xây lầu nữa, hãy đi xây giúp ta một khách sạn lớn có hình dáng thành lầu, phải có 12 cột trụ, bên cạnh còn có một cái nhà khách, làm xong ta sẽ truyền cho ngươi quán đỉnh và khẩu quyết.

Thấy sự tình có chuyển biến, trong tâm Văn Hỉ lại lóe lên một hy vọng, và bắt đầu đi xây khách sạn. Lúc xây sắp xong thì lại có một đệ tử đến cầu thượng sư quán đỉnh mật tập kim cang.

Lúc này, sư mẫu đã lén lén nhét cho Văn Hỉ một túi bơ, một cuộn vải, và một cái chiếc đĩa bằng đồng để làm đồ cúng dường. Sư mẫu dặn, lần này thì chắc chắn sẽ được quán đỉnh.

Văn Hỉ vui sướng như phát cuồng, liền vội vàng đem theo đồ cúng dường chạy đến vị trí cầu Pháp trong Phật đường. Không ngờ thượng sư nhìn thấy những đồ trong tay của Văn Hỉ thì lạnh lùng nói: “Hừm, mấy cái này, bơ là của người A cúng dường ta, vải là của người B cúng dường ta, đĩa đồng là của người C cúng dường cho ta. Ngươi giỏi đấy, lấy đồ của ta cúng dường cho ta, trên đời còn đạo lý này không hử?”.

Đại sư nói xong liền đứng dậy đạp Văn Hỉ ngã nhào, sau đó đá Văn Hỉ ra khỏi Phật đường.

Xấu hổ đến mức chỉ mong đất nứt ra để chui xuống đất cho rồi, Văn Hỉ nghĩ: “Thế này còn sống nữa làm gì chết đi cho rồi”.

Văn Hỉ lại khóc hết một đêm. Sáng sớm hôm sau, thượng sư lại tìm đến Văn Hỉ và thúc giục: “Ngươi mau đi làm cho cho xong khách sạn và nhà lầu, khi khánh thành ta sẽ truyền chính Pháp và khẩu quyết cho ngươi”.

Trải qua muôn ngàn gian nan khổ cực, cuối cùng Văn Hỉ cũng hoàn thành việc xây dựng khách sạn. Lúc này, trên lưng Văn Hỉ lại có thêm một cái nhọt độc có 3 cái ngòi mủ. Thịt hoại tử và máu mủ giống như bãi bùn.

Trải qua muôn ngàn gian nan khổ cực, cuối cùng Văn Hỉ cũng hoàn thành việc xây dựng khách sạn. (Ảnh: Pixabay)

Sư mẫu nhìn thấy cái nhọt độc trên lưng Văn Hỉ thì trong tâm cảm thấy thương xót chảy nước mắt, liền vội vàng cùng với Văn Hỉ tìm đến đại sư Mã Nhĩ Ba, và cho thượng sư xem vết thương.

Thượng sư gọi Văn Hỉ đến bên, xem các nhọt độc trên lưng Văn Hỉ rồi nói: “Chí tôn Na Lạc Ba phải trải qua 12 tiểu khổ hạnh và 12 đại khổ hạnh, nghiêm trọng hơn ngươi không biết gấp bao nhiêu lần. 24 đại tiểu khổ nạn, Ngài đều nhẫn chịu vượt qua được. Bản thân ta cũng là phải xem nhẹ sinh mệnh, không tiếc tài sản đến hầu phụng thượng sư Na Lạc Ba. Nếu ngươi thật sự muốn cầu chính Pháp thì đừng có làm những việc tạo vẻ bộ dạng thế này, chớ giả bộ làm kẻ đáng thương, hãy mau đi xây cho xong ngôi nhà đó đi”.

Văn Hỉ nhẫn chịu đau đớn, lại chuyển 7 bao cát lớn lên đỉnh núi.

Vết thương sau lưng đau cắt vào tim gan, đau đớn khó mà nhẫn chịu nổi. Văn Hỉ đành phải nghỉ dưỡng thương vài ngày để lành. Khi vết thương ở lưng sắp lành thì thượng sư lại đến hối thúc: “Đại Lực, hãy mau đi làm xong nhà đi”.

Kế sách của sư mẫu

Một ngày, Văn Hỉ chuẩn bị đi làm việc thì sư mẫu liền bảo cậu qua một bên ghé tai thầm thì. Thì ra việc Văn Hỉ vì muốn cầu chính Pháp mà đã chịu mọi nỗi khổ cực, sư mẫu đều nhìn thấy hết. Sư mẫu rất nôn nóng, vì muốn để thượng sư sớm truyền chính Pháp cho Văn Hỉ, sư mẫu cùng Văn Hỉ diễn một màn kịch, cố tình tìm một nơi mà thượng sư có thể nhìn thấy, và để Văn Hỉ giả thu dọn hành lý, vừa khóc lóc vừa cầm thức ăn khô, còn sư mẫu vừa kéo Văn Hỉ vừa lớn tiếng nói: “Lần này ta nhất định sẽ bảo thượng sư truyền Pháp cho ngươi, đừng có ra đi, đừng ra đi”.

Hai người lôi kéo qua lại làm thượng sư chú ý.

Sư mẫu liếc qua thấy thượng sư đi đến, liền nói với thượng sư rằng: “Đại Lực ở đây không đắc được chính Pháp, đang muốn đi nơi khác tìm cầu sư”.

Không để sư mẫu nói xong, thượng sư quay đi và trở lại với cây roi da, nhằm lên thân Văn Hỉ đánh tới tấp một chập. Văn Hỉ ngã xuống đất, nằm co ro, để roi da giáng xuống thân, không dám động đậy. Thượng sư bước đến gần, giật lại thức ăn khô trong tay của Văn Hỉ và mắng: “Kẻ khốn kiếp này, muốn cút thì hãy cút sớm đi, lại còn dám lấy thức ăn khô của ta đi. Đây là đạo lý gì vậy?”

Văn Hỉ tự biết là bất kể làm thế nào cũng không thể chống lại uy lực của thượng sư. Chỉ còn cách ngậm ngùi đi về phòng khóc một trận, rồi lại tiếp tục cõng đá chuyển gỗ lên núi.

Văn Hỉ chỉ còn cách ngậm ngùi đi về phòng khóc một trận, rồi lại tiếp tục cõng đá chuyển gỗ lên núi.

Hồng bảo ngọc của sư mẫu

Qua một thời gian lại có người đem theo rất nhiều đồ cúng dường để xin quán đỉnh. Lần này, sư mẫu hạ quyết tâm, đem một viên đá quý hồng bảo ngọc của nhà mẹ đẻ tặng cho Văn Hỉ, mang đi cúng dường thượng sư. Đứng trước mặt Văn Hỉ và sư mẫu, thượng sư hỏi kỹ càng Hồng bảo thạch này từ đâu đến. Khuôn mặt thượng sư nộ sắc hiển lộ, liền cầm viên hồng bảo ngọc để lên đầu, và nói: “Đạt Mi Ma, bà nghĩ sai rồi, tất cả của bà đều là của ta. Viên hồng bảo ngọc này cũng là của ta. Đại Lực, ngươi có tài sản gì đem ra đây ta sẽ quán đỉnh cho ngươi. Viên hồng bảo ngọc này vốn là của ta, không thể coi là ngươi cúng dường cho ta được”.

Mọi người bên cạnh đều rất đồng cảm với Đại Lực, đều cầu xin thượng sư giúp cậu. Văn Hỉ lẳng lặng cúi đầu nghĩ ngợi, trong lòng còn có một chút ảo tưởng. Không ngờ rằng thượng sư nổi giận, từ trên bảo tọa nhảy xuống, vừa đá vừa đạp lên người Văn Hỉ, rồi giẫm lên đầu Văn Hỉ. Lúc này, Văn Hỉ chỉ cảm giác một màn đen trước mắt và ngã xuống đất.

Thượng sư không vì thế mà đã thôi, tức giận đến cực điểm, thuận tay lấy roi da ra đánh đen đét vào lưng Văn Hỉ.

Văn Hỉ thương tích đầy mình, đau khổ khóc một đêm, tự nghĩ: “Mình ngày ngày ngoài nỗi thống khổ ra, chẳng đắc được cái gì cả, chi bằng một cái là xong hết, tự sát cho xong”.

Sáng hôm sau, có người gọi Văn Hỉ bảo thượng sư muốn gặp. Văn Hỉ cho là thượng sư sẽ truyền Pháp cho mình, liền tức tốc chạy đến. Vừa gặp Văn Hỉ, thượng sư nói: “Hôm qua không quán đỉnh cho ngươi, trong tâm ngươi có phải rất buồn phải không? Khởi tà kiến rồi phải không?”

Văn Hỉ vội vàng nói: “Tín tâm của con đối với thượng sư chưa bao giờ dao động. Con nghĩ rất lâu rồi, do nghiệp lực của con quá lớn”.

Văn Hỉ trong tâm bị tổn thương, vừa nói vừa khóc. Thượng sư vừa nghe liền nổi đóa lên: “Ở trước mặt ta khóc lóc mà không thành tâm sám hối, là đạo lý gì vậy? Cút ra ngoài ngay”.

Văn Hỉ bỏ đi

Bị thượng sư đuổi đi, Văn Hỉ như người mất hồn, tâm nghìn vạn dao cắt, vô cùng thống khổ: Nói ra cũng lạ, lúc mình tạo nghiệp học phí và cúng dường ta đều có cả, tại sao khi mình muốn học chính Pháp thì thành ra người nghèo rớt như thế này. Trên người chẳng có thứ gì đáng giá, học phí cũng không có, vật cúng dường cũng không có. Nếu mình còn một nửa số tiền lúc trước, thì mình đã thuận lợi có được khẩu quyết và quán đỉnh rồi.

Văn Hỉ nghĩ đi nghĩ lại, rồi cắn răng quyết định rời đi, cả thức ăn cũng không mang, xuống núi cũng chẳng quay đầu lại nhìn. Giữa đường đi bụng đói sôi sùng sục, đành phải xin ăn dọc đường. May mắn gặp được một người hảo tâm dẫn đi niệm kinh. Trong lúc Văn Hỉ niệm kinh, thấy Thường Đế Bồ Tát vì để cầu chính Pháp đã nhất quyết móc tim mình ra. Văn Hỉ cảm thấy cái khổ và oan ức của mình chả là cái gì, thế là quay người trở về.

Văn Hỉ cảm thấy cái khổ và oan ức của mình chả là cái gì, thế là quay người trở về. (Ảnh: Pixabay)

Nói đến thượng sư, sau khi Văn Hỉ đi rồi, sư mẫu nói: “Ông đã đuổi một kẻ thù lớn đi rồi, giờ đây ông có lẽ rất vui rồi”.

Thượng sư nói: “Bà nói ai vậy?”

Sư mẫu: “Hừ, biết rõ còn hỏi, chính là Đại Lực, người mà ông đã chuyên tạo ra thống khổ cho cậu ấy đó”.

Thượng sư nghe thấy bỗng chốc sắc mặt trắng bệch, khóc như mưa, song thủ hợp thập hướng lên trời cầu nguyện và nói rằng: “Bẩm các thượng sư khẩu thụ truyền thừa các đời, xin các Ngài hãy để đứa đồ đệ tốt có thiện căn đó quay trở về”.

Nói xong thượng sư cúi đầu im lặng không nói gì.

Văn Hỉ đã trở về, sư mẫu thấy Văn Hỉ vừa vui mừng vừa lo lắng, vội vàng bảo Văn Hỉ đi bái kiến thượng sư. Thượng sư thấy Văn Hỉ liền nói: “Ngươi không nên nóng vội, không được nghĩ lung tung. Nếu hết lòng cầu Pháp thì phải vì Pháp xả bỏ tính mệnh bản thân. Ngươi mau thay ta đi làm một căn nhà có 3 tầng lầu đi. Làm xong thì ta sẽ quán đỉnh cho ngươi. Lương thực của ta không nhiều, không thể để ngươi ăn hoài vậy được. Nếu tâm ngươi chịu không được thì đi ra ngoài khuây khỏa, có thể tùy ý lúc nào đi cũng được”.

Văn Hỉ lẳng lặng không nói gì, bèn đến gặp sư mẫu nói: “Con đã ra bên ngoài đã lâu, rất nhớ mẫu thân ở quê. Con định về nơi cố hương, mong thượng sư và sư mẫu bình an vô sự, bách sự cát tường".

Nói xong, Văn Hỉ xách túi hành lý chuẩn bị rời đi.

Giông tố qua đi trời quang mây tạnh

Sư mẫu thấy vậy liền ngăn Văn Hỉ lại, bảo Văn Hỉ ở lại vài hôm để bà nghĩ cách. Một hôm, nhân thượng sư dự yến tiệc, nhân lúc mọi người đều uống sau, sư mẫu rón rén đi lấy cái hộp để con dấu, và tự tay viết ra một bức thư giả, đóng dấu lên, và lấy tín vật của thượng sư, gói lại, rồi đưa cho Văn Hỉ. Sư mẫu bảo Văn Hỉ đến gặp Lạt ma Nga Ba cầu Pháp.

Lúc này, Văn Hỉ tuy cảm thấy không ổn, nhưng những sự việc xảy ra cho đến nay, đành phải theo hạ sách này thôi. Văn Hỉ đi ngày đêm mang theo thư tín và tín vật đi đến nơi ở của Lạt ma Nga Ba. Thấy tín vật của thượng sư Mã Nhĩ Ba, Lạt ma Nga Ba không nghĩ ngợi gì, liền truyền lại khẩu quyết và quán đỉnh cho Văn Hỉ. Văn Hỉ chiểu theo pháp tu hành, nhưng vẫn không cảm nhận được gì.

Nhưng cuối cùng thì giấy cũng không gói được lửa, không bao lâu Lạt ma Nga Ba nhận được bức thư khẩn của thượng sư Mã Nhĩ Ba, trong thư viết rằng: “Hãy mau mang kẻ ác Văn Hỉ ấy về chỗ ta”.

Văn Hỉ về đến nơi, thượng sư Mã Nhĩ Ba nổi trận lôi đình, dường như toàn bộ ngôi nhà đều bùng nổ. Mọi người sợ đến mức như không dám thở. Văn Hỉ quỳ ở đó sợ run cầm cập. Ngay cả sư mẫu ngày thường vẫn bảo hộ giúp đỡ Văn Hỉ còn suýt nữa bị đánh. Mấy lần Văn Hỉ cầu Pháp đều không đắc, hy vọng cuối cùng cũng tan tành mây khói. Cảm thấy tội nghiệt của mình quá nặng, Văn Hỉ đã bất chấp tất cả, chạy ra ngoài rồi rút con dao găm ra tự sát. May mắn thay, Lạt ma Nga Ba bên cạnh đã ôm chặt lấy Văn Hỉ, khổ tâm khuyên can: “Tự sát là đại tội, nhất định không được làm như vậy”.

Các Lạt ma chạy lên chạy xuống khuyên Văn Hỉ cầu xin thượng sư, cảnh tượng rối loạn.

Trải qua một cơn giông tố này, đại sư cuối cùng cũng trầm tĩnh lại, thở một hơi dài và bảo các Lạt ma hãy triệu Văn Hỉ đến, nói là sẽ truyền Pháp cho nó. Văn Hỉ nghe xong không dám tin vào tai mình.

Đại sư cuối cùng cũng trầm tĩnh lại, thở một hơi dài và bảo các Lạt ma hãy triệu Văn Hỉ đến, nói là sẽ truyền Pháp cho nó. (Ảnh: Pixabay)

Nhưng lần này là quả thực là thật. Thì ra thượng sư Mã Nhĩ Ba cố ý làm ra vẻ nổi trận lôi đình lần này là để giúp Văn Hỉ tiêu đi tội nghiệp. Theo như nghiệp lực của Văn Hỉ, phải trải qua 9 lần đại thống khổ đại nạn mới tiêu sạch được, sẽ không còn trong lục đạo luân hồi nữa.

Tiếc thay, sư mẫu quá mềm lòng, làm giả ấn tín đưa cho Văn Hỉ, khiến cho Văn Hỉ vẫn còn dư lại một chút nghiệp lực chưa tiêu được. Mà Lạt ma Nga Ba đã truyền thụ khẩu quyết và quán đỉnh cho Văn Hỉ, như vậy, thượng sư cũng không còn cách nào khác để tiêu đi chỗ nghiệp lực đó. Thế nên thượng sư mới phải nổi trận lôi đình như vậy. Vậy là đại bộ phận tội nghiệp của Văn Hỉ đã trải qua vô số khổ nạn lớn nhỏ mà được tiêu trừ hết.

Vì vậy, thượng sư Mã Nhĩ Ba nói: “Từ nay trở đi, ta sẽ gia trì cho con, truyền cấp cho con khẩu quyết tâm yếu bí mật nhất của ta. Đại Lực, lần này con có thể thực sự vui mừng rồi”.

Văn Hỉ thầm nghĩ: “Đây là mơ hay là thực vậy. Nếu là mơ thì mình hy vọng vĩnh viễn không bao giờ tỉnh lại”.

Văn Hỉ vui mừng đến mức nước mắt tuôn ra như suối. Vừa khóc vừa hành lễ bái thượng sư. Cuối cùng, đại sư Mã Nhĩ Ba đã thọ ký cho Mật Lặc Nhật Ba, khích lệ, an ủi, khen ngợi, và đã truyền thụ hết tất cả cho Văn Hỉ. Bởi vậy, nói theo lời của Phật Mật Lặc Nhật Ba là: “Từ đó về sau ta đi trên con đường hạnh phúc là tu luyện chính Pháp”.

(Xem tiếp Phần 2)

Huy Hải
Theo SoundofHope



BÀI CHỌN LỌC

Phật Mật Lặc Nhật Ba (P-1): Tại sao trải qua muôn ngàn thử thách vẫn không được sư phụ truyền Pháp