Phụ nữ thời xưa có bị xem nhẹ như quan niệm của thời nay?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Có một lối nghĩ phổ biến rằng người phụ nữ xưa chịu lễ giáo phong kiến, sống cuộc đời khổ cực như nô lệ. Đó là sự thực hay những tuyên truyền làm sai lệch lịch sử? Vậy người phụ nữ thời xưa có vai trò và cuộc sống như thế nào?

Kinh Thi có viết:

“Đào chi yêu yêu,

Chước chước kỳ hoa.

Chi tử vu quy,

Nghi kỳ thất gia.”

Dịch thơ:

Đào tơ mơn mởn xinh tươi,

Hoa hồng đơm đặc dưới trời xuân trong.

Hôm nay nàng đã theo chồng,

Nên bề gia thất ấm nồng thuận vui.

(Dịch giả: Tạ Quang Phát)

Từ 4 câu thơ này có thể thấy trên 3000 năm trước cổ nhân đã dùng những ca từ vô cùng chất phác và nhiệt tình để tả quang cảnh thiếu nữ xuất giá theo chồng. Phụ nữ sau khi xuất giá thì ở nhà giúp chồng dạy con trong khi người chồng thì lo gây dựng sự nghiệp bên ngoài, họ đồng cam cộng khổ tương thân tương ái một đời. Vốn dĩ đây là những hình ảnh rất đỗi bình thường và an lạc của cuộc sống trong xã hội phong kiến khi xưa. Tuy nhiên, xã hội ngày nay lại diễn giải sai lệch thành bi kịch bất bình đẳng của người phụ nữ.

Phụ nữ sau khi xuất giá thì ở nhà giúp chồng dạy con trong khi người chồng thì lo gây dựng sự nghiệp bên ngoài
Phụ nữ sau khi xuất giá thì ở nhà giúp chồng dạy con trong khi người chồng thì lo gây dựng sự nghiệp bên ngoài. (Ảnh minh hoạ)

Nhắc đến văn hoá truyền thống, nhiều người đều có ấn tượng rằng: Phụ nữ xưa kia sau khi lấy chồng thì không lai vãng xã hội bên ngoài, nhất cử nhất động đều bị đạo đức truyền thống trói buộc, sau khi gả chồng liền trở thành vật sở hữu của đàn ông, phải lao động cực khổ cả đời. Không chỉ có vậy, họ còn phải chịu nhẫn nhục, bất cứ khi nào cũng có thể bị ruồng bỏ.

Tuy nhiên đây có thực sự là hoàn cảnh địa vị của người vợ trong xã hội truyền thống không? Nếu như chúng ta có thể tĩnh tâm mà tìm hiểu những trang sử được lưu truyền từ ngàn năm qua, hoặc giả tìm kiếm những sự thật khác, thấu hiểu mối quan hệ vợ chồng trong xã hội truyền thống khi xưa, hiểu được chức trách của người vợ đối với gia đình... ắt hẳn chúng ta sẽ có cái nhìn khác.

Chồng nâng đỡ vợ, vợ trợ giúp chồng

Trong các điển cố xa xưa, mối quan hệ vợ chồng là mối quan hệ quan trọng nhất của con người. “Chu Dịch" viết: “Có trời đất mới có vạn vật, có vạn vật mới có nam nữ, có nam nữ mới có vợ chồng, có vợ chồng mới cha con, có cha con mới có quân thần, có quân thần mới có trên dưới, có trên dưới mới có lễ nghi". Mối quan hệ vợ chồng có thể gọi là mối quan hệ đầu tiên của con người và cũng là mối quan hệ quan trọng bậc nhất, căn bản nhất của xã hội. Sử Ký viết: “Quan hệ vợ chồng là mối quan hệ quan trọng trong luân thường đạo lý".

Sách Trung Dung viết rằng: "Đạo người quân tử khởi đầu từ vợ chồng, đến khi xử lý các mối quan hệ gia đình hoàn mỹ thì sẽ thông đạt được Đạo của trời đất" (Quân tử chi đạo, tạo đoan hồ phu phụ, cập kỳ chí dã, sát hồ thiên địa). Ở đây cổ nhân xem mối quan hệ vợ chồng là khởi điểm để người quân tử tu dưỡng bản thân, mà cảnh giới cao thâm nhất của nó lại là sự tương thông chính đạo của trời đất. Vì mối quan hệ vợ chồng là nguồn gốc tạo ra mối quan hệ cha con, huynh đệ tỷ muội và thân tộc, cuối cùng tạo ra mối quan hệ của cả xã hội... nên trong gia tộc, nó là quan trọng nhất. Vợ chồng giữ đạo và bổn phận của mình mới có thể khiến gia đình hài hoà, gia phong đoan chính.

Hơn nữa, mối quan hệ vợ chồng là việc đại sự, liên quan mật thiết đến sự hưng thịnh, tồn vong của quốc gia. Cha con, huynh đệ, vợ chồng, gia đạo mà chính thì quốc gia, thiên hạ mới được an vui. Văn hoá Nho gia xếp mối quan hệ vợ chồng, cha con, quân thần, trưởng ấu, bạn bè... thành 5 đại nhân luân. Cũng như trong lý tưởng “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” thì tề gia phải ở trước trị quốc. Đạo vợ chồng là một trong những khía cạnh quan trọng nhất của tề gia. Một khi mối quan hệ vợ chồng đã quan trọng như vậy, cổ nhân làm sao có thể trọng nam khinh nữ cho được?

vợ chồng
Văn hoá Nho gia xếp mối quan hệ vợ chồng, cha con, quân thần, trưởng ấu, bạn bè... thành 5 đại nhân luân. (Ảnh minh hoạ)

Vậy cổ nhân định nghĩa về vợ chồng như thế nào? Sách Bạch Hổ Thông viết rằng: "Người chồng nghĩa là người nâng đỡ vợ, người vợ nghĩa là người trợ giúp chồng quản lý gia đình" (Phu giả, phù dã, thê giả, tề dã). Ý nói người chồng trong gia đình đóng vai trò chủ đạo và trung tâm, có trách nhiệm lãnh đạo và hỗ trợ trong gia đình, gánh vác sinh kế và gia phong, trật tự trong gia đình. Còn vợ là người có trách nhiệm tương trợ, đồng đẳng với chồng. Xem vậy thì thấy vợ chồng là một thể thống nhất, đồng lòng lo liệu mọi việc trong gia đình. Ngoài ra vợ cũng được gọi là “Phụ", nghĩa là "Phục": phục vụ, quản lý sự vụ gia đình, tức là có trách nhiệm chăm sóc, trông coi người trong nhà. Phụ nữ có chồng thường được gọi với hai tên gọi: Thê và Phụ, có thể hiểu là sự ngầm ám thị trách nhiệm của người phụ nữ trong hôn nhân (thê) và gia đình (phụ).

Phụ nữ làm chủ trong nhà, là tể tướng trong gia đình

Vợ chồng là một thể thống nhất, nhưng nam nữ có sự khác biệt, đặc tính và sở trường hai giới khác nhau, đây cũng chính là cái đạo nhất âm nhất dương. Đàn ông đại biểu cho dương cương, phụ nữ đại biểu cho âm nhu. Cổ nhân căn cứ vào đạo âm dương mà định ra luân lý “Nam tôn nữ ti", nam chủ đạo bên ngoài, nữ chủ đạo bên trong. Định nghĩa tôn, ti ở đây không thể hiểu đơn giản là cao quý và thấp hèn mà là trí huệ rút ra từ đạo lý trong cuộc sống của trời đất. Thiên thuộc dương ở trên là tôn, ý nói rằng đàn ông làm việc cần phải giống trời, cương trực, mạnh mẽ tự cường. Đất thuộc âm ở dưới được gọi là ti, nghĩa là phụ nữ phải giống như đất, cần trọng đức, bao dung nồng hậu với vạn sự vạn việc. Phúc đức tại mẫu, nữ nhân phải có lòng bao dung, gia đạo mới hưng thịnh.

Trách nhiệm cụ thể của vợ chồng trong cuộc sống liên quan đến bổn phận trong ngoài khác nhau. Phận làm chồng lo liệu việc bên ngoài. Quân vương thì phải tận lực trị quốc để quốc phú, dân cường. Quan lại thì phải thủ trung giữ tín, phụ tá giang sơn. Tướng sĩ thì phải nam chinh bắc phạt, bảo vệ quốc gia. Người dân thì phải sớm tối chuyên cần đánh cá, trồng cây. Phận làm vợ ở nhà thì phải cẩn trọng giữ đạo phụ nữ, giúp chồng dạy con, lo liệu nhà cửa, giữ gìn tài sản, gia quy lễ nghĩa trong gia đình.

Trong cuốn Lễ Ký có viết: "Đàn ông không nói chuyện trong nhà, phụ nữ không nói chuyện ngoài xã hội" (Nam bất ngôn nội, nữ bất ngôn ngoại). Đàn ông không được quá bận tâm việc trong nhà mới có thể chuyên tâm phát triển sự nghiệp bên ngoài. Phụ nữ không được can dự công việc của chồng bên ngoài mới có thể chuyên tâm việc nhà, chăm sóc gia tộc và cũng là để chồng yên tâm làm việc.

Có thể nhiều người cho rằng phụ nữ xưa kia sống như vậy, tất cả là vì chồng mà sống, không có tí giá trị nào cho bản thân. Kỳ thực không phải, vua vì quốc gia mà lao tâm, quan vì quốc kế, dân sinh mà nhọc lòng, bách tính vì gia đình mà cực khổ, có người đàn ông nào sống vì bản thân? Đây chẳng phải hoàn toàn trùng hợp với mỹ đức trong văn hoá truyền thống hay sao? Làm người thì phải biết sống vì người khác, không có vị tư cá nhân. Vả lại phụ nữ so với đàn ông thì mềm mại tinh tế, họ khéo léo, thích hợp chăm lo mọi việc trong nhà, là trái tim của gia tộc.

Phụ nữ
Phụ nữ xưa dưới chăm sóc chồng con, trên tận hiếu cha mẹ. (Ảnh minh hoạ)

Cổ nhân thường ví mối quan hệ vợ chồng tựa mối quan hệ quân thần, chồng là chủ gia đình được ví như vương chủ còn vợ là tể tướng trong nhà. Cho nên vai trò người vợ quản lý trong gia đình cũng được gọi là “chủ mẫu", biểu thị sự bình đẳng nam nữ như nhau, nhận được sự kính trọng của cả gia tộc. Mà dạy con lại cần một người vợ hiền lương thục đức mới có thể dạy bảo ra thế hệ sau: "Con trai quân tử, con gái hiền lương". Đây lại càng là vấn đề coi trọng vận mệnh quốc gia đại sự. Cho nên nói có hiền nữ mới có hiền thê, có hiền thê mới có hiền mẫu, có hiền mẫu mới có hiền tử. Có câu: “Đằng sau sự thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng người phụ nữ tài ba" là ý như vậy . Khi nam nhân lập đức, lập công, lập tín, lưu danh sử sách, người phụ nữ phía sau lại có tác dụng không gì sánh được đối với việc truyền thừa văn hoá truyền thống, đạo đức. Như vậy có thể nói người vợ là đại thần quan trọng của người chồng, cũng là chỗ nương tựa trên phương diện ăn mặc của mọi người trong nhà, người vợ sao có thể không nhận được sự coi trọng của chồng, của gia đình?

Hôn lễ làm gốc, nữ giáo làm trọng

Khởi nguồn từ khi Chu Công sáng chế ra Lễ Nhạc, nội hàm và trình tự của hôn lễ truyền thống vô cùng phong phú và thâm hậu. Mặc dù có sự biến hoá, trải qua nhiều thay đổi, giản lược qua các triều đại nhưng đại đa số đều không rời khỏi nội dung cơ bản của Tam Thư Lục Lễ. Tam thư là chỉ Sính thư, Lễ thư và Nghênh thân thư. Sính thư là giấy viết định thời gian việc thành hôn, được coi như bản khế ước đính hôn. Lễ thư là giấy viết các việc khi làm hôn lễ cho nhà gái, giấy có viết số lượng và tên gọi các lễ vật. Nghênh thân thư là giấy ghi thời gian đón dâu chính thức. Lục lễ là chỉ Nạp thái (lễ đặt vấn đề hôn nhân, dạm ngõ), Vấn danh (lễ hỏi tên tuổi, giờ sinh để đi xem tuổi), Nạp cát (lễ tiếp nhận xem tuổi hai bên, đính hôn), Nạp trưng (lễ nhận lễ vật), Thỉnh kỳ (lễ định ngày cưới), Nghênh thân (lễ rước dâu). Tam Thư, Lục Lễ đều được thực hiện trước lễ Nghênh thân. Chính là danh chính ngôn thuận, nam nữ kết hợp, xác định danh phận. Trên thì liên quan đến tế lễ, dưới thì liên quan đến đại sự cho nên hôn lễ chính là lấy lễ làm gốc. Cổ nhân mấy nghìn năm đều giữ gìn hình thức lễ nghĩa căn bản trong hôn lễ truyền thống này.

Trong hôn lễ có rất nhiều liên kết có thể phản ánh sự coi trọng và kỳ vọng vào người vợ. Ví như nạp thái, vấn danh, nạp cát, nạp trưng. Khi ước hẹn thời gian và các loại lễ tiết, nhà trai đều phải cử hành trong nhà thờ bên nhà gái, dưới sự chứng giám của tổ tiên, biểu thị sự cung kính, cẩn trọng. Trong ngày nghênh thân, người chồng phải đích thân vì vợ mà dắt xe kiệu hoa, sau khi dắt 3 vòng mới do phu xe dắt ngựa, biểu thị sự tương kính tương thân giữa hai vợ chồng. Vợ chồng cùng nhau uống rượu đựng trong hai nửa quả bầu hồ lô, gọi là “Rượu hợp cẩn", biểu sự vợ chồng là nhất thể đồng tâm, cùng nhau bước đi.

Khi bước về nhà chồng, sáng sớm ngày hôm sau, tân nương cần phải thực hiện phụ lễ. Tân nương sau khi tắm rửa sạch sẽ, trịnh trọng bái kiến bố mẹ chồng, hoàn thành một số lễ tế bái, biểu thị tấm lòng khiêm cung hiếu thuận. Sau khi hành lễ xong, bố mẹ chồng từ bậc thềm phía Tây từ đường bước xuống, tân nương từ bậc thềm phía Đông (Đây là bậc thềm dành cho chủ nhân đứng tiếp khách. Ngày xưa nghênh tiếp nhau, khách ở thềm phía tây, chủ ở thềm phía đông), bước xuống biểu thị việc tân nương từ nay sẽ tiếp nhận trọng trách gánh vác công việc quản lý gia đình. Trong Lễ Ký viết rằng những lễ nghĩa này đều là kỳ vọng tân nương có thể làm được “Thuận", tức là hiếu thuận với trưởng bối, hoà ái gia nhân, có như vậy gia nghiệp mới có thể thịnh vượng.

Cổ nhân kỳ vọng rất lớn vào vai trò của người vợ trong gia đình. Giáo dục nữ đức chính là vấn đề bắt buộc trong cuộc đời nữ nhân. Thời cổ đại, thiếu nữ 10 tuổi là bắt đầu cần phải học cử chỉ, hành vi giống như một người phụ nữ trưởng thành có gia đình: trồng dâu, nuôi tằm, dệt sợi, cũng như kỹ năng may vá, lễ tiết và một số quy tắc tế thực, vị trí sắp đặt. Trước khi kết hôn 3 tháng còn cần được huấn luyện nghiêm ngặt, hiểu rõ công dung ngôn hạnh. Học xong còn cần phải thông qua các phương thức kiểm tra của tổ tiên, biểu thị đức hạnh nhu thuận đã đầy đủ, có thể xuất giá theo chồng làm phụ nữ chân chính.

hôn lễ xưa
Hôn lễ làm gốc, nữ giáo làm trọng. (Ảnh: Wikipedia)

Phụ nữ ngoài giáo dục nữ đức, ngôn truyền thân giáo ra, trong lịch sử còn xuất hiện rất nhiều sách quy phạm đạo đức, ngôn hạnh của phụ nữ, tiêu biểu như: Liệt Nữ Truyện, Nữ Tứ Thư. Có thể nhiều người cho rằng như vậy là trói buộc và đối xử phân biệt với nữ nhân, nhưng trên thực tế, cổ nhân cho rằng mối quan hệ vợ chồng lý tưởng phải là “Phu nghĩa, phụ thuận" (Là chồng thì phải dùng ân, dùng nghĩa để đối đãi với vợ, là vợ thì phải thuận theo chồng). Tuân Tử nhìn nhận rằng đàn ông cần làm được: "Dốc sức lập công danh nhưng không phóng túng, hết sức gần gũi vợ nhưng biết phân biệt giới hạn" (Trí công nhi bất lưu, trí lâm nhi bất biện), nghĩa là phải tận lực tạo dựng công danh nhưng không được phóng túng dâm loạn, tận lực gần gũi thân thiết với vợ nhưng lại cần có giới hạn nhất định. Đàn ông làm được chọn chữ nghĩa, phụ nữ tự khắc cũng sẽ phu xướng phụ tòng, trở thành vợ hiền dâu thảo, chu đáo dịu dàng.

Có thể ai đó thắc mắc về việc cổ nhân luôn nhấn mạnh vấn đề đức hạnh của phụ nữ nhưng lại ít nhắc đến vấn đề đức hạnh của đàn ông. Có phải vì đàn ông chủ yếu lo việc bên ngoài, còn quan hệ vợ chồng, các việc trong nhà không phải là vấn đề trọng tâm mà đàn ông phải bận tâm? Trên thực tế, những kinh điển, sử sách mênh mông như biển chẳng phải tuyệt đại đa số đều răn dạy, quy phạm lời nói hành vi và đạo đức của người đàn ông đó sao? Một người đàn ông hiền đức đầy đủ nhân-nghĩa-lễ-trí-tín ắt cũng sẽ là một người chồng, người con, người cha tốt.

So ra, những sách viết về nữ đức là khá ít ỏi, chả trách khi Từ Hoàng Hậu viết cuốn Nội HuấnNữ Tứ Thư Chi Nhất đã phải thốt lên rằng: “Độc nữ giáo vị hữu toàn thư" (duy chỉ có sách dạy nữ nhân là không đầy đủ). Cho nên chúng ta lại càng phải cảm tạ những kinh thư được lưu truyền thế này, để cho phụ nữ trong thiên hạ ngày nay có thể tìm về với nữ đức trong văn hoá truyền thống.

Đọc sách thánh hiền lưu lại, chúng ta không khỏi giật mình phát hiện trong văn hoá truyền thống và đạo đức, đạo vợ chồng chính là điểm khởi đầu quan trọng trong mối các quan hệ từ gia đình tới quốc gia, vai trò của người vợ trong gia đình lại là điều không thể thay thế. Nhà có vợ chăm sóc đó chính là phúc phận lớn nhất trong gia đình. Sự coi trọng và yêu cầu đối với phụ nữ trong văn hoá truyền thống có cũng có thể khiến phụ nữ ngày nay phải có cái nhìn sâu sắc hơn đối với trách nhiệm và bổn phận của mình.

Khải Chính (biên dịch)

Tác giả: Cổ Ngôn
Theo: epochtimes.com



BÀI CHỌN LỌC

Phụ nữ thời xưa có bị xem nhẹ như quan niệm của thời nay?