Singerie - "Trò con khỉ" hay Tôn Ngộ Không ở Châu Âu?

Giúp NTDVN sửa lỗi

“Singerie” là một thể loại nghệ thuật thị giác mô tả những con khỉ bắt chước hành vi của con người, chúng thường ăn mặc thời trang kèm theo một chút châm biếm nhẹ nhàng. Thuật ngữ này có nguồn gốc từ tiếng Pháp có nghĩa là "trò khỉ". 

Mặc dù có lịch sử lâu đời, nhưng thể loại này lại phát triển mạnh với phong cách Rococo vào thế kỷ 18.

Lịch sử

Nghệ thuật khỉ mô phỏng người có lẽ có từ thời Ai Cập cổ đại. Nhà sử học Cyril Aldred phát hiện rằng vào giai đoạn cuối của Vương triều Ai Cập thứ 18 người ta đặc biệt hứng thú với chủ đề này. Trong suốt thời kỳ Trung cổ ở châu Âu, khỉ được coi là "biểu tượng của người thấp kém" và được sử dụng để giễu nhại khuyết điểm của con người, chúng thường xuất hiện để minh họa bên lề các bản thảo cổ.

Những cảnh hài hước của những chú khỉ trong trang phục và hoàn cảnh con người bắt nguồn từ một thể loại hội họa Flemish vào thế kỷ 16 và được phát triển thêm vào thế kỷ 17. Thợ khắc Flemish Pieter van der Borcht đã giới thiệu chủ đề khỉ mô phỏng người vào khoảng năm 1575 trong một loạt ấn bản. Có thể thấy loạt ấn bản này chịu ảnh hưởng lớn từ tác phẩm “Hai con khỉ” năm 1562 của Pieter Bruegel the Elder. Loạt ấn bản này sau đó được phổ biến rộng rãi, và chủ đề này đã được các nghệ sĩ Flemish khác ưa thích, đặc biệt là những người ở Antwerp như Frans Francken Trẻ, Jan Brueghel Già và Jan Brueghel Trẻ, Sebastiaen Vrancx, Jan van Kessel Già.

David Teniers Trẻ trở thành người thực hiện chính của thể loại này và thúc đẩy nó cùng với em trai của mình là Abraham Teniers. Hai anh em cung cấp nhiều tác phẩm đáp ứng thị hiếu của thị trường nghệ thuật và do đó có công trong việc truyền bá thể loại này ra bên ngoài Flanders. Vào cuối thế kỷ 17, các nghệ sĩ như Nicolaes van Verendael, người được biết đến chủ yếu với tư cách là họa sĩ tĩnh vật hoa cũng bắt đầu vẽ khỉ.

Singerie trở nên phổ biến trong giới nghệ sĩ Pháp vào đầu thế kỷ 18. Nhà thiết kế và trang trí người Pháp Jean Berain Già đã đưa những hình tượng khỉ mặc quần áo vào trang trí trên tường, nhà thiết kế nội thất hoàng gia André Charles Boulle đã sử dụng chúng trong các tác phẩm của mình, họa sỹ Watteau cũng vẽ bức “Thợ điêu khắc khỉ”, thậm chí có một bài phê bình nghệ thuật nói một cách dí dỏm rằng các nghệ sỹ đang “bắt chước” tự nhiên. Mặc dù có nguồn gốc lâu đời, nhưng rõ ràng, phải đến khi ở Pháp, chủ đề nghệ thuật này mới đạt bước nhảy vọt, ngay như cái tên “singerie” mà người ta biết đến ngày nay cũng là từ tiếng Pháp đã đủ để minh chứng cho điểm này.

Bức “Thợ điêu khắc khỉ” của Antoine Watteau. Nguồn: Wikimedia, phạm vi công cộng

Một “Dàn nhạc khỉ” (tiếng Đức: Affenkapelle) đã được sản xuất bởi hãng sứ Meissen (hãng sứ nổi tiếng của Đức mà nhà máy sản xuất được đặt tại thị trấn Meissen), sau đó được sao chép bởi hãng sứ Chelsea và các hãng khác. Cảm hứng của hãng sứ đến từ loạt trang trí “Grande Singerie” và “Petite Singerie” theo phong cách Rococo mà Christophe Huet đã sử dụng ở lâu đài Château de Chantilly, Pháp. Họa sĩ Pháp Andieu de Clermont cũng được biết đến với những singerie mà nổi tiếng nhất là trang trí trần của Phòng Khỉ tại Khách sạn Đảo Khỉ, nằm trên Đảo Khỉ ở Bray-on-Thames, nước Anh. Khách sạn này được xây dựng vào những năm 1740 bởi Charles Spencer - Công tước Đệ tam của Marlborough - và bắt đầu đón khách từ năm 1840.

Một bức tượng sứ trong “Dàn nhạc khỉ”. Nguồn: Wikimedia, phạm vi công cộng.

Singerie tiếp tục nổi tiếng vào thế kỷ 19 và các nghệ sĩ sau đó đã thành công trong thể loại này bao gồm Zacharie Noterman, Emmanuel Noterman, Charles Verlat, Sir Edwin Henry Landseer, Edmund Bristow, Alexandre-Gabriel Decamps, Charles Monginot và Paul Friedrich Meyerheim .

Thành công không xuất hiện ngẫu nhiên, mà là sự kế thừa và hội tụ của cả trăm năm

Như trên đã nói, singerie phát triển nhảy vọt ở nước Pháp trong thời kỳ Rococo, sau đó lan tỏa ra khắp châu Âu. Và nền móng của bước tiến này chính là loạt trang trí “Grande Singerie” và “Petite Singerie” của Christophe Huet tại lâu đài Château de Chantilly. Tuy nhiên, nếu truy tìm nguồn gốc thì thành công của Christophe Huet không chỉ là dấu chấm sang trang mở đầu một thời kỳ mới, mà còn là dấu chấm tổng kết của cả một giai đoạn lịch sử nghệ thuật mấy trăm năm tại châu Âu.

Hai đặc điểm nổi bật trong tác phẩm của Christophe Huet là singerie và chinoiserie. Singerie là loại hình nghệ thuật chủ đề khỉ mô phỏng người, như chúng ta đã biết, còn chinoiserie là gì? Chinoiserie có thể hiểu là phong cách phỏng Trung Hoa, cũng chính là cách hiểu hay sự bắt chước, mô phỏng lại của châu Âu về những truyền thống nghệ thuật của Trung Hoa, đặc biệt là trong các lĩnh vực như nghệ thuật trang trí, thiết kế vườn, kiến trúc, văn học, sân khấu kịch và âm nhạc. Xuất hiện lần đầu vào thế kỷ 17, xu hướng này đã được phổ biến hóa trong thế kỷ 18 do sự gia tăng buôn bán với Trung Quốc và Đông Á.

Hai chú khỉ với bối cảnh phỏng Trung Hoa trong loạt trang trí “Grande Singerie”. Nguồn: Wikimedia, phạm vi công cộng

Vậy Christophe Huet đã kế thừa những đặc điểm trên từ đâu? Gần nhất, là từ bốn người: François Desportes (1661-1743), Jean-Baptiste Oudry (1686-1755), Antoine Watteau (1684-1721), Claude Audran III (1658-1734).

François Desportes (nhiều bằng chứng cho thấy là người trực tiếp đào tạo Christophe Huet) là họa sỹ Pháp chuyên vẽ động vật, tĩnh vật, và hoạt cảnh săn bắn. Thầy của François Desportes là Nicasius Bernaerts - một họa sỹ Flemish người Antwerp (cái nôi của singerie). Nicasius Bernaerts sống phần lớn thời gian ở Paris, đồng thời phục vụ Vua Louis XIV và hoàng gia.

Jean-Baptiste Oudry là họa sĩ, thợ điêu khắc, thợ trang trí thảm theo phong cách Rococo, thầy của ông là Nicolas de Largillière - một họa sĩ Pháp dành phần lớn thời gian niên thiếu tại Antwerp. Largillière làm việc tại Viện hàn lâm Pháp. Năm 1709, Largillière đã vẽ bức chân dung gia đình Vua Louis XIV.

Antoine Watteau là bậc thầy đương thời, rất nổi tiếng với các hoạt cảnh đậm chất sân khấu miêu tả cuộc sống dưới thời Vua Louis XIV. Ông cũng chính là tác giả bức tranh “Thợ điêu khắc khỉ” mà chúng ta đã nhắc đến ở trên. Antoine Watteau từng có thời gian làm việc tại xưởng của Claude Audran II - họa sỹ, thợ điêu khắc của gia tộc Audran trứ danh. Thầy của Claude Audran II là Charles Le Brun - họa sĩ cung đình vĩ đại của Vua Louis XIV.

Claude Audran III là cháu họ của Claude Audran II. Ông là người hợp tác và chỉ dạy Christophe Huet trang trí Căn phòng Vàng trong lâu đài Château d'Anet vào năm 1733 theo yêu cầu của Nữ công tước xứ Maine. Trước đó, năm 1709, Claude Audran III đã trang trí một bức singerie tại lâu đài Château de Marly cho Vua Louis XIV.

Qua những nhân vật trên, chúng ta có thể thấy tất cả hội tụ về thời đại Vua Louis XIV. Đây là thời đại Paris và nước Pháp trở thành kinh đô văn hóa, nghệ thuật, giao thương của châu Âu. Các họa sĩ Flemish đổ về đây để phát triển sự nghiệp, đồng thời họ đã mang theo và truyền bá nghệ thuật singerie. Ngoài ra thời đại Vua Louis XIV cũng là lúc tinh hoa phương Đông, đặc biệt là Trung Hoa, lan tỏa tại phương Tây hơn bao giờ hết.

undefined
Louis XIV trong vai Apollo trong vở ballet Royal de la Nuit (1653). Phạm vi công cộng.

Được truyền cảm hứng bởi kho tàng nghệ thuật và triết lý phong phú của Trung Hoa cổ đại, vào năm 1685, Vua Louis XIV đã phái sáu nhà truyền giáo Dòng Tên đi khám phá đất nước này, làm đổi thay diện mạo lịch sử kể từ đó. Mặc dù Vua Louis XIV đã là một hình tượng hoàn hảo cho các bậc quân chủ Âu Châu, nhưng các nhà truyền giáo của ông sớm được diện kiến một vị vua vĩ đại khác, đó là Hoàng đế Khang Hy. Thực tế là vào năm 1688, Vua Louis XIV đã viết một bức thư gửi đến Hoàng đế Khang Hy:

“Đức Ngài cao quý, Người hùng mạnh nhất, Thân vương nhân từ nhất, Người bạn đáng mến nhất của chúng tôi, cầu Chúa ban phước lành cho Quý Ngài. Chúng tôi được biết rằng, Đức Ngài mong muốn có bên cạnh mình, ngay trong Lãnh thổ cai trị của Ngài, một lượng lớn những người có học thức, am hiểu các môn khoa học của Âu Châu, vài năm trước chúng tôi đã quyết định phái sáu nhà Toán Học tinh thông các bộ môn của chúng tôi đến bái kiến Ngài, để giải thích cho Ngài những điều mà Ngài cảm thấy hiếu kỳ nhất về Khoa Học, đặc biệt là những tri thức về Thiên Văn Học của Viện Hàn Lâm Danh Tiếng được thành lập tại kinh đô Paris tốt lành của chúng tôi"

Người bạn chân thành, và đáng mến nhất của Ngài, Louis.”

Khi quay về Pháp, các nhà truyền giáo của Vua Louis XIV mang theo những món quà của Hoàng đế Khang Hy. Vua Louis XIV kinh ngạc khi nhìn thấy những báu vật này, ông đã khởi xướng niềm đam mê trong việc mô phỏng nghệ thuật và văn hóa Trung Hoa - “chinoiserie” - tại mọi giai tầng của xã hội Pháp.

Nói vui một chút, có lẽ Vua Louis XIV đã góp công lớn trong việc khiến người phương Tây ngày nay thích “Tây Du Ký” đến thế. Thực vậy, chúng ta hãy thử liên tưởng. Khỉ sinh hoạt như người, cộng với tính chất Trung Hoa, còn có hình ảnh nào khác ấn tượng hơn Tôn Ngộ Không? Mặc dù những bản dịch trọn bộ đầy đủ của “Tây Du Ký” xuất bản ở châu Âu khá muộn, năm 1942 với bản tiếng Anh, năm 1991 với bản tiếng Pháp, nhưng có lẽ rất nhiều nhà buôn, nhà truyền giáo, nhà thám hiểm của phương Tây đã biết và lan tỏa tác phẩm này từ vài trăm năm trước. Và biết đâu được, có khi Vua Louis XIV cũng đã nghe kể hoặc đọc tác phẩm này cũng nên.

Ngày nay, “Tây Du Ký” và Mỹ hầu vương Tôn Ngộ Không đã không còn xa lạ với thế giới. Trên sân khấu, dù chẳng cần diễn đạt dài dòng, khán giả phương Tây cũng dễ dàng hiểu và tán thưởng những tiết mục liên quan đến Vua Khỉ đến từ châu Á. Nếu được chứng kiến điều này, không biết các họa sỹ Flemish cách đây vài thế kỷ sẽ cảm thấy thế nào?

Một tiểu phẩm có Vua Khỉ Tôn Ngộ Không của Đoàn Nghệ thuật Shen Yun "Thu phục Sa Tăng".

Hữu Đức



BÀI CHỌN LỌC

Singerie - "Trò con khỉ" hay Tôn Ngộ Không ở Châu Âu?