Thơ: HỒNG LÂU MỘNG TỈNH (*)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngoảnh lại thấy chữ tình như mộng; Càng xuất siêu càng rộng đường tu. Hư mà thực; Thực mà hư!... Hồng lâu tỉnh giấc, Thần đưa về trời...

Hải đường, thược dược, phù dung...
Trăm hoa khoe sắc muôn vùng tốt tươi
Bông hé nụ, đóa thẹn cười
Bướm ong phiêu phất lả lơi đi về...

Khi đài các
Lúc phòng the
Gió lay rèm trúc, đèn hoe bóng tà
Lụa là rất mực kiêu sa
Đêm xuân một giấc thu ba nghiêng thành(1)
Tưởng rằng gặp hội yến anh
Một cơn gia biến tan tành khói mây...
...
Bão quật lá rung cây xơ xác
Bầy thiên nga nháo nhác đòi phen!
Lầu khuya hiu hắt không đèn
Lối xưa...
người vắng...
rêu nhoèn bước chân!...

Đoái phụ mẫu giục lần khoa cử
Ngẫm gia môn tư lự khói nhang
Mộng hồng lâu!
Luống bẽ bàng!
Công hầu khanh tướng buộc ràng kiếp nhân!...

Thoắt Ngọc quý(2) bỏ trần theo Giác
Cùng Tiên nhân cưỡi hạc vân du
Lánh xa lầu các lu bù
Thông reo cổ tích, gió ru Hoàng Đình!...
...
Ngoảnh lại thấy chữ tình như mộng
Càng xuất siêu càng rộng đường tu
Hư mà thực
Thực mà hư!...
Hồng lâu tỉnh giấc, Thần đưa về trời...
...
Khóc người
rong ruổi
cuộc chơi!...
Lợi danh một kiếp
Luân hồi ức(3) năm!...

Tích xưa nhắn nhủ phàm trần
Nhớ câu 'phản bổn quy chân'(4) mà về...

FB: Vô danh cư sỹ
___________

(*) 'Hồng lâu mộng tỉnh': Tỉnh mộng lầu hồng. [Thức tỉnh giấc mộng lầu hồng].

(1) 'Thu ba nghiêng thành': Tả đôi mắt của người thiếu nữ, long lanh như làn sóng nước mùa thu [thu ba], với vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành. Trong thi phẩm "Truyện Kiều", đoạn tả về vẻ đẹp của nhân vật Thúy Kiều, đại thi hào Nguyễn Du cũng có viết:
"Làn thu thủy nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh
Một hai nghiêng nước nghiêng thành
Sắc đành đòi một, tài đành họa hai"...
[Trích: "Truyện Kiều" - Nguyễn Du].

(2) 'Ngọc quý' - Phiên âm Hán Việt tức là 'Bảo Ngọc': Trong kiệt tác "Hồng Lâu Mộng" [tác giả: Tào Tuyết Cần và Cao Ngạc], một trong số "Tứ đại danh tác" của văn học truyền thống phương Đông có kể về cuộc đời của Giả Bảo Ngọc, nguyên vốn là một vị Thần mang tên Thần Anh thị giả, vì duyên phàm chưa đoạn nên phải tạm chuyển sinh xuống nhân gian 'dạo chơi', lại giáng sinh trong gia đình họ Giả vốn là dòng dõi thế phiệt trâm anh. Bảo Ngọc từ nhỏ đã sống trong tột đỉnh giàu sang quyền quý, với biết bao Tập nhân, mỹ nữ, tiểu thư khuê các v.v.. vây quanh bầu bạn... Tuy nhiên, một ngày kia Bảo Ngọc chợt tỉnh "Giấc mộng Hồng lâu", nhận ra nguồn gốc sinh mệnh của mình, chàng không từ mà biệt, lặng lẽ đi theo Mang Mang đạo sỹ và Diều Diều chân nhân lánh tục tìm lành, tu Tiên đắc Đạo...

(3) 'Phản bổn quy chân': Diễn giải theo câu chữ bề mặt là: Quay trở về với bản nguyên và ý nghĩa chân chính [đích thực] của sinh mệnh... Tuy nhiên, trong Phật Pháp câu này có thể còn mang theo rất nhiều nội hàm thâm sâu khác nữa.

(4) 'Ức năm': 1 ức năm tương đương với 100 triệu năm. Tuy vậy, trong văn cảnh của thi phẩm này thì một ức năm là tượng trưng cho một khoảng thời gian đằng đẵng trôi qua - vô cùng dài lâu, chứ không nhất định là một con số tuyệt đối chính xác.



BÀI CHỌN LỌC

Thơ: HỒNG LÂU MỘNG TỈNH (*)