Thủy Hử: Giấc mộng kỳ lạ của Tống Giang

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong truyện Thủy Hử, Tống Giang từ chỗ đề thơ phản loạn ở lầu Tầm Dương, do người khác tố cáo nên bị bắt nhốt vào ngục. May mắn thay ông được anh hùng Lương Sơn cướp pháp trường, mới được cứu sống. Trước đó Tống Giang không muốn vào rừng làm cướp, nhưng rồi ông bất đắc dĩ, cuối cùng phải lên Lương Sơn.

Tống Giang vì cứu cha và em, ban đêm lén trở lại Tống gia thôn, mới biết quan phủ đang truy nã ông về quy án. Ông vội vàng quay đi, nhưng vẫn bị binh sĩ tuần tra phát hiện. Tống Giang vì để tránh bị truy bắt, phải chạy vào một ngôi miếu cổ, ông nhảy lên bàn thờ để ẩn náu.

Triệu Năng, Triệu Đắc mang theo khoảng 40, 50 người, cầm theo đuốc soi sáng như ban ngày. Đột nhiên nổi lên một trận thần phong, thổi tắt đuốc, Triệu Năng cho rằng, mình đã đắc tội với Thần linh nên bị trừng phạt, không dám tiếp tục tìm kiếm, liền rời đi. Tống Giang may mắn được Thần linh phù hộ, thoát khỏi tai ương mà không gặp nguy hiểm gì.

Tống Giang nằm mộng, được nữ Thần truyền Thiên thư

Tống Giang đã có một giấc mơ kỳ lạ trong ngôi miếu này. Ông theo một đồng tử mặc áo xanh đến một tòa cung điện Thần Tiên. Cửu Thiên Huyền Nữ nói với Tống Giang rằng, ông vốn là Tinh Chủ trên Trời, bởi vì chưa dứt tâm ma, chưa tu trọn Đạo nên Ngọc Đế tạm thời trừng phạt, giáng ông xuống trần.

Cửu Thiên Huyền Nữ truyền cho ông ba quyển Thiên thư, để ông thay Trời hành đạo, "làm chúa phải hết lòng trung nghĩa, làm tôi phải hết sức yêu dân, bỏ tà theo chính". Đồng thời nói với ông bốn câu Thiên ngôn: "Ngộ Túc trùng trùng hỉ, phùng Cao bất thị hung. Ngoại di cập nội khấu, kỷ xứ kiến kỳ công". (Gặp Túc vui trùng trùng, gặp Cao chẳng phải hung. Giặc ngoài lẫn giặc trong, bao lần lập kỳ công)

Tống Giang sau khi tỉnh lại, phát hiện trong miệng vẫn còn mùi rượu thơm, ăn táo Tiên vẫn còn hạt trong tay, sờ lại trong tay áo quả thật có Thiên thư. Bốn câu thiên ngôn của Cửu Thiên Huyền Nữ, ông vẫn nhớ như in.

Trong mộng, Cửu Thiên Huyền Nữ còn đoán trước tương lai sau này của toàn bộ Lương Sơn. "Ngộ Túc trùng trùng hỉ", câu này là nói đến quý nhân Tống Giang sẽ gặp, chính là Điện tiền Thái Úy Tú Nguyên Cảnh. Túc Nguyên Cảnh là người nhân hậu, từng hai lần giải nguy cho Lương Sơn, ứng với “Gặp Túc vui trùng trùng".

Hai lần khó khăn, lần đầu xuất hiện trong hồi thứ năm mươi chín, Tống Giang dẫn mọi người đi Hoa Châu cứu viện Sử Tiến và Lỗ Trí Thâm. Trên đường tình cờ gặp Túc Thái úy đang trên đường dâng hương ở Hoa Sơn. Anh hùng Lương Sơn bắt được ông, giam lỏng, mặc áo mũ của đám người Thái úy, mượn dùng Nghi trượng, mạo danh họ mà tiến vào Hoa Châu, cuối cùng không đánh mà thắng, cứu được Sử Tiến và Lỗ Trí Thâm. Lần thứ hai ở hồi thứ tám mươi mốt, may mắn được sự trợ giúp đắc lực của Túc Thái úy, toàn bộ Lương Sơn được chiêu an.

"Gặp Cao chẳng phải hung", "Cao" là chỉ Thái Úy Cao Cầu. Người này là gian thần của Đại Tống, từng dẫn đại quân đến thảo phạt Lương Sơn. Từ hồi 78 đến hồi 80 của truyện Thủy Hử, Cao Cầu tiến đánh Lương Sơn, ba lần đều bại trận. Cao Cầu bại trận bị bắt làm tù binh, kết quả này đối với Lương Sơn cũng không phải chuyện xấu, ngược lại trở thành cơ hội để anh hùng Lương Sơn được triều đình chiêu an. Vì vậy mới nói: "Phùng Cao bất thị hung". “Giặc ngoài lẫn giặc trong”, giặc ngoài (ngoại di) là chỉ nước Liêu ở phương Bắc; giặc trong (nội khấu) là chỉ Vương Khánh ở Hoài Tây, Điền Hổ ở Hà Bắc, Phương Lạp ở Giang Nam.

"Bao lần lập kỳ công", sau khi anh hùng Lương Sơn được chiêu an, giúp triều đình thảo phạt đại Liêu, tiêu diệt Vương, Điền, Phương, ba ‘giặc trong’, lập được chiến công hiển hách.

108 anh hùng Lương Sơn giương cao ngọn cờ “thế Thiên hành Đạo” (Ảnh: Thủy Hử liên hoàn họa)
Hảo hán Lương Sơn giương cao ngọn cờ “thế Thiên hành Đạo” (Ảnh: Thủy Hử liên hoàn họa)

Tiều Cái trong mộng báo tai nạn, chỉ rõ người chữa trị

Trong hồi thứ 60 truyện Thủy Hử, Tiều Cái tấn công chợ Tăng Đầu, trúng tên độc phải bỏ mình. Từ đó, ông thường báo mộng cho Tống Giang.

Tống Giang vì cứu Ngọc Kỳ Lân Lư Tuấn Nghĩa, vây đánh Đại Danh phủ của Lương Trung Thư, một trận đánh mấy ngày, nhưng không phá được thành.

Tống Giang trong mộng, bỗng nhiên gặp được Tiều Cái. Bởi vì hai người âm dương cách biệt, Tống Giang tỏa ra dương khí, Tiều Cái không dám lại gần, chỉ có thể hét lên: "Người anh em, ngươi không trở về, còn đợi đến khi nào?"

Tống Giang kinh ngạc, thế là liền đứng dậy nhận lỗi. Ông cho rằng Tiều Cái lần này hiển linh, là bởi vì oan khuất mà chết, Tống Giang chưa từng vì ông mà báo thù hay tế bái, vì vậy ông hiển linh khiển trách.

Tiều Cái an ủi ông, nói rằng không phải là vì nguyên nhân này mà đến, mà vì để nói cho ông: "Hiền đệ có tai nạn huyết quang trăm ngày, chỉ có Địa Linh Tinh ở đất Giang Nam mới có thể cứu được”.

Tiều Cái muốn Tống Giang sớm lui binh, đó mới là thượng sách.

Tống Giang tỉnh lại, thì ra là giấc mộng Nam Kha. Ông mời quân sư Ngô Dụng đến giải mộng. Hai người còn thương nghị chưa xong binh sự, thì ngày hôm sau Tống Giang đột nhiên ngã bệnh. Sau lưng của ông có một cái nhọt độc. Tiều Cái không chỉ báo rằng Tống Giang có nạn, mà còn chỉ điểm chỗ mê cho ông, nhắc nhở rằng chỉ có Địa Linh Tinh mới thể cứu ông. Quả nhiên, Địa Linh Tinh An Đạo Toàn sau khi đến Lương Sơn, rất nhanh chóng đã trị chữa khỏi cho Tống Giang. Dưới sự nhắc nhở của Tiều Cái, Tống Giang mới có thể qua được một lần kiếp nạn.

Trương Thuận thác mộng báo tang, anh linh làm thủy Thần

Trương Thuận ứng với Thiên Tổn Tinh, giữ chức thủ lĩnh thủy quân. Khi anh hùng Lương Sơn thảo phạt Phương Lạp, Trương Thuận tử trận ở hồ nước ngoài Dũng Kim Môn, Hàng Châu.

Đêm ấy, sau khi cùng Ngô Dụng nghị sự trong doanh trướng, Tống Giang đột nhiên cảm thấy tinh thần mệt mỏi, thế là nằm trên bàn ngủ thiếp đi. Bỗng một trận gió lạnh thổi đến, Tống Giang trong mộng đứng dậy nhìn thấy một người, toàn thân đầy máu. Người kia lấy việc hy sinh tính mệnh để báo đáp ân trọng như núi của Tống Giang, vì vậy đã đến từ biệt. Tống Giang vừa thấy, đúng là người anh em tốt Trương Thuận. Tống Giang khóc lớn một tiếng, từ trong mộng khóc mà tỉnh lại.

Đợi khi trời sáng, nhận được tin tức, Trương Thuận quả thật đã tử trận. Tống Giang nhất thời khóc ngất đi. Hằng ngày ở Lương Sơn, Trương Thuận là một người tốt, đối xử với mọi người như huynh đệ. Vì vậy mọi người đều cảm thấy tiếc thương trước sự ra đi của ông.

Sau khi hảo hán Lương Sơn công phá thành Hàng Châu, con của Phương Lạp là Phương Thiên Định lên ngựa chạy trốn. Chạy đến chân núi Ngũ Vân, đột nhiên từ dưới sông xuất hiện một người, trong miệng còn ngậm một thanh đao lớn. Người này là Trương Hoành, anh trai của Trương Thuận. Phương Thiên Định ở trên ngựa thấy rõ ràng, lập tức quất ngựa bỏ chạy. Nhưng cho dù quất ngựa như thế nào, con ngựa vẫn đứng yên bất động, giống như có người đang giữ lại dây cương. Trương Hoành một đao giết chết hắn, rồi leo lên chiến mã của hắn mà phi đến trước mặt Tống Giang. Xuống ngựa vừa khấu bái Tống Giang vừa khóc: "Tiểu đệ là Trương Thuận"

Thì ra Trương Thuận sau khi tử trận, linh hồn không tan đi, vẫn luôn phiêu đãng trong nước, gặp được Chấn Trạch Long Quân ở Tây Hồ, được Long Quân cho làm Kim Hoa Thái Bảo. Trương Thuận liền ở lại làm Thần ở Long Cung. Trong trận Tống Giang công thành, Trương Thuận mượn cơ thể của anh trai Trương Hoành để giết chết Phương Thiên Định.

(Nguồn tham khảo "Thủy Hử Truyện")

Đức Nhân
Theo Visiontimes

Văn hoá Văn học


BÀI CHỌN LỌC

Thủy Hử: Giấc mộng kỳ lạ của Tống Giang