WHO dự đoán số ca ung thư mới sẽ tăng 77% vào năm 2050

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo báo cáo được Cơ quan Nghiên cứu về Ung thư (IARC) - thuộc Tổ chức Y tế Thế giới WHO công bố hôm 2/2, số ca ung thư mới trên toàn cầu dự kiến sẽ tăng trong ba thập kỷ tới, nguyên nhân do các yếu tố như tăng cân và sử dụng thuốc lá.

IARC cho biết trong báo cáo:

"Hơn 35 triệu ca ung thư mới được dự đoán vào năm 2050, tăng 77% so với 20 triệu ca ước tính trong năm 2022.

Tỷ lệ mắc ung thư ngày càng tăng trên toàn cầu phản ánh cả việc dân số già đi và tăng trưởng, cũng như sự thay đổi trong việc tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ của con người, một số trong đó liên quan đến phát triển kinh tế xã hội.

Thuốc lá, rượu bia và béo phì là những yếu tố chính dẫn đến tỷ lệ mắc ung thư ngày càng tăng, trong khi ô nhiễm không khí vẫn là một yếu tố nguy cơ môi trường quan trọng".

IARC ước tính sẽ có 9,7 triệu người chết vì ung thư trong năm 2022, ngoài 20 triệu ca mới mắc bệnh. Khoảng 1 trên 5 người được ước tính sẽ phát triển ung thư trong đời, với khoảng 1 trên 9 nam giới và 1 trên 12 phụ nữ tử vong vì bệnh này.

Mười loại ung thư chiếm khoảng hai phần ba số ca mắc mới và tử vong do ung thư vào năm 2022. Ung thư phổi là bệnh phổ biến nhất trên toàn cầu, tiếp theo là ung thư vú ở nữ giới, ung thư đại tràng, ung thư tuyến tiền liệt và ung thư dạ dày.

Báo cáo cho biết: "Việc ung thư phổi một lần nữa trở thành bệnh phổ biến nhất có thể liên quan đến việc sử dụng thuốc lá liên tục ở châu Á".

Nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở những người mắc ung thư là ung thư phổi, khiến gần 1/5 số bệnh nhân tử vong. Ung thư đại tràng là nguyên nhân gây tử vong thứ hai, tiếp theo là ung thư gan, ung thư vú và ung thư dạ dày.

Đối với phụ nữ, ung thư vú là phổ biến nhất và là nguyên nhân chủ yếu nhất gây tử vong do ung thư.

Báo cáo của IARC được công bố vài tuần sau báo cáo khác của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS) dự đoán số ca ung thư mới ở Mỹ lần đầu tiên sẽ vượt quá hai triệu trong năm nay, tương đương với khoảng 5.500 ca bệnh mới mỗi ngày.

Trong báo cáo của mình, ACS cho biết: "Xu hướng này phần lớn bị ảnh hưởng bởi sự già hóa và tăng trưởng dân số, cũng như sự gia tăng chẩn đoán 6 trong số 10 bệnh ung thư phổ biến nhất - bao gồm vú, tuyến tiền liệt, nội mạc tử cung, tuyến tụy, thận và khối u ác tính. (4 loại ung thư hàng đầu còn lại là ung thư phổi, đại tràng và trực tràng, bàng quang và ung thư hạch không Hodgkin)".

"Theo dự báo, trong năm 2024, Hoa Kỳ sẽ có hơn 611.000 người tử vong vì ung thư. Điều này tương đương với hơn 1.600 ca tử vong do ung thư mỗi ngày."

Tỷ lệ ung thư gia tăng

Theo báo cáo của ACS, mặc dù một số loại ung thư nhìn chung không tăng nhưng tỷ lệ mắc bệnh lại tăng ở một số phân nhóm nhất định.

Ví dụ, ung thư đại trực tràng ở những người dưới 35 tuổi, ung thư miệng liên quan đến HPV, ung thư gan ở phụ nữ và ung thư cổ tử cung ở phụ nữ trong độ tuổi từ 30 đến 44 đều đang gia tăng.

Tiến sĩ Yuhong Dong, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và người phụ trách chuyên mục của The Epoch Times, cho biết sự gia tăng bệnh ung thư cổ tử cung và miệng có thể bắt nguồn từ hoạt động tình dục tăng cao.

Bà nói: “Trong những thập kỷ gần đây, mọi người có xu hướng quan hệ tình dục sớm khi còn trẻ và có nhiều bạn tình, điều này có thể làm tăng khả năng nhiễm HPV”.

“Các chuyên gia y tế đều thừa nhận rằng HPV là một loại virus gây ung thư. Vai trò của HPV trong việc gây ung thư chủ yếu là do các protein gây ung thư của nó. Những protein này phá vỡ cơ chế chống lại khối u của cơ thể, dẫn đến sự nhân lên của tế bào nhanh chóng và không kiểm soát được”.

Báo cáo của ACS cũng chỉ ra rằng "bệnh nhân ung thư đang trẻ hóa". Năm 1995, những người từ 65 tuổi trở lên chiếm 61% số ca chẩn đoán. Tỷ lệ này giảm xuống còn 58% trong giai đoạn 2019-2020.

"Ngược lại, số lượng người trong nhóm tuổi từ 50 đến 64 đang tăng lên trong cả tổng dân số và dân số mắc bệnh ung thư".

Trong ba nhóm tuổi - từ 65 trở lên, 50 đến 64 và dưới 50 - tỷ lệ mắc ung thư nói chung chỉ tăng trong nhóm sinh năm 1995-2020, nhóm dưới 50 tuổi.

Chênh lệch tỷ lệ mắc ung thư

IARC nhận thấy một sự tương phản đáng kể giữa các quốc gia có Chỉ số Phát triển Con người (HDI) cao và thấp. Các quốc gia có thu nhập cao thường nằm trong nhóm HDI cao, trong khi các quốc gia có thu nhập thấp thường xếp hạng thấp hơn trong chỉ số này.

Tác động của sự gia tăng ung thư "sẽ không được cảm nhận đồng đều giữa các quốc gia có mức HDI khác nhau. Những người có ít nguồn lực nhất để quản lý gánh nặng ung thư sẽ phải chịu gánh nặng ung thư toàn cầu," ông Freddie Bray, trưởng bộ phận giám sát ung thư tại IARC, cho biết.

Cơ quan này đưa ra ví dụ về ung thư vú để nhấn mạnh sự chênh lệch giữa các quốc gia HDI cao và thấp. Ở các quốc gia giàu có, một trong hai phụ nữ dự kiến sẽ được chẩn đoán mắc ung thư vú trong đời, cao hơn nhiều so với tỷ lệ một trong 27 ở các quốc gia nghèo.

Tỷ lệ tử vong do ung thư vú ở các quốc gia HDI cao là một trên 71, thấp hơn các quốc gia HDI thấp, tỷ lệ này là một trên 48.

Tiến sĩ Cary Adams, người đứng đầu Liên minh Kiểm soát Ung thư Quốc tế, cho biết: "Mặc dù đã có những tiến bộ trong việc phát hiện sớm ung thư và điều trị, chăm sóc bệnh nhân ung thư, nhưng vẫn tồn tại sự chênh lệch đáng kể về kết quả điều trị ung thư, không chỉ giữa các khu vực thu nhập cao và thấp trên thế giới mà còn trong từng quốc gia".

Ông kêu gọi các chính phủ "ưu tiên chăm sóc ung thư" và đảm bảo rằng mọi người đều có quyền truy cập vào "các dịch vụ giá cả phải chăng, chất lượng cao".

Theo Naveen Athrappully - The Epoch Times
Bảo Vy biên dịch

Naveen Ahrappully là một phóng viên tin tức đưa tin về các sự kiện kinh doanh và thế giới tại The Epoch Times.



BÀI CHỌN LỌC

WHO dự đoán số ca ung thư mới sẽ tăng 77% vào năm 2050