Aspirin ức chế sự lây lan của ung thư di căn, giảm 21% tỷ lệ tử vong

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một đánh giá toàn diện chỉ ra rằng những bệnh nhân dùng aspirin có nguy cơ mắc các loại ung thư khác nhau tương đối thấp hơn.

Aspirin là một loại thuốc được sử dụng rộng rãi và lâu đời với lịch sử phong phú. Ngoài công dụng phổ biến là giảm đau, chống viêm và chống đông máu, một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng những bệnh nhân ung thư dùng aspirin liều thấp hàng ngày còn giảm 21% tỷ lệ tử vong. Hơn nữa, có bằng chứng về vai trò của aspirin trong việc ngăn ngừa ung thư di căn.

Ung thư là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn cầu. Chỉ riêng năm 2020, trên toàn thế giới có khoảng 19,3 triệu ca ung thư mới và gần 10 triệu ca tử vong. Theo thống kê, cứ 6 ca tử vong thì có 1 ca là do ung thư. Các loại ung thư phổ biến nhất bao gồm vú, phổi, đại trực tràng, tuyến tiền liệt và dạ dày.

Vào tháng 11 năm 2023, các nhà nghiên cứu từ Đại học Cardiff ở Vương quốc Anh đã công bố một đánh giá toàn diện trên Tạp chí Ung thư Anh (BJC), trong đó cho biết aspirin có khả năng làm giảm tỷ lệ tử vong do ung thư, ngăn ngừa sự lây lan của ung thư di căn và giảm thiểu các biến chứng mạch máu. Đánh giá bao gồm cả bằng chứng thuận lợi và không thuận lợi, phân tích kỹ lưỡng lý do căn bản đằng sau việc sử dụng aspirin trong điều trị ung thư.

Tác động của Aspirin đối với tỷ lệ tử vong do ung thư

Nghiên cứu này đã tổng hợp kết quả từ 118 nghiên cứu quan sát, bao gồm khoảng 1 triệu bệnh nhân ung thư. Kết quả cho thấy, việc uống aspirin liều thấp mỗi ngày (75 hoặc 81 miligam) có liên quan đến việc giảm 21% tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân.

Một nghiên cứu trên các bệnh nhân ung thư tuyến tụy từng trải qua phẫu thuật chỉ ra rằng những người dùng aspirin có tỷ lệ sống sót sau ba năm là 61,1%, so với 26,3% ở những người không dùng nó.

Vai trò của Aspirin trong việc giảm sự lây lan của ung thư di căn

Cơ chế hoạt động chính của aspirin là ức chế enzym cyclooxygenase (COX). COX đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành prostaglandin, một con đường then chốt trong truyền tín hiệu ung thư. Tuy nhiên, tác dụng chống ung thư của aspirin còn vượt xa điều này.

Nghiên cứu gần đây cho thấy, cơ chế chống ung thư của aspirin có mối liên hệ với quá trình trao đổi năng lượng, vốn liên quan đến sự nhân lên của tế bào ung thư, viêm liên quan đến ung thư cũng như hoạt động gây ung thư do tiểu cầu.

Di căn hay sự lan truyền của ung thư là một nguyên nhân chính gây tử vong, tiểu cầu đóng vai trò quan trọng trong quá trình này. Aspirin có thể ức chế sự kết tập tiểu cầu, do đó giảm sự lan truyền của tế bào ung thư. Tổng quan toàn diện trong BJC cho thấy aspirin có thể giảm nguy cơ di căn ung thư từ 38% đến 52%.

Ngoài ra, aspirin còn đóng vai trò thúc đẩy sửa chữa DNA. Sai lầm có thể xảy ra trong quá trình sao chép DNA, và cơ thể người sở hữu một cơ chế sửa chữa các sai sót này. Khi chức năng này bị ảnh hưởng, nó có thể dẫn đến phát triển ung thư. Nghiên cứu đã chứng minh rằng aspirin có thể tăng cường cơ chế sửa chữa DNA, do đó ngăn ngừa ung thư trực tràng không có polyp di truyền (hội chứng Lynch) và có thể cả các loại ung thư khác.

Tranh cãi xung quanh Aspirin trong điều trị ung thư

Vai trò của aspirin trong nghiên cứu ung thư vẫn còn gây tranh cãi, chủ yếu là do lo ngại về nguy cơ chảy máu gia tăng. Một bài báo do Reuters đăng ngày 14 tháng 6 năm 2017 với tiêu đề “Aspirin gây ra 3.000 ca tử vong do chảy máu ở Anh mỗi năm” (Tạm dịch: “Daily Aspirin Causes 3,000 Deaths From Bleeding in Britain Every Year”) đã được phổ biến rộng rãi trên internet và phương tiện truyền thông.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu lưu ý rằng nghiên cứu tiền cứu này, bao gồm 3.166 bệnh nhân lớn tuổi, thiếu nhóm đối chứng, khiến việc đánh giá chính xác tác động độc lập của aspirin đối với chảy máu gây tử vong là rất khó khăn.

Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng việc tăng nguy cơ chảy máu ở bệnh nhân ung thư cao tuổi và suy nhược là một vấn đề nguy hiểm thực sự. Tuy nhiên, thay vì chỉ tập trung vào tần suất chảy máu, nên chú ý nhiều hơn đến mức độ nghiêm trọng của nó, vì những trường hợp chảy máu nghiêm trọng nhất mới là nguyên nhân gây tử vong.

Các nhà nghiên cứu đã tổng hợp dữ liệu từ 11 thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng, bao gồm hơn 100.000 người tham gia, cả các trường hợp chảy máu gây tử vong. Dữ liệu cho thấy nguy cơ chảy máu do aspirin tăng 55%. Tuy nhiên, trong số những bệnh nhân bị chảy máu sau khi dùng aspirin, chỉ có 4% tử vong. Ngược lại, nhóm đối chứng dùng giả dược có tỷ lệ tử vong do chảy máu lên tới 8%. Điều này cho thấy chảy máu do aspirin chủ yếu là nhẹ.

Dựa trên mức độ an toàn tương đối của Aspirin, các nhà nghiên cứu kết luận rằng nó nên được xem xét như một biện pháp phòng ngừa ung thư. Mặc dù có bằng chứng cho thấy Aspirin có thể giảm sự lây lan của ung thư di căn và việc áp dụng sớm liệu pháp Aspirin sau khi chẩn đoán ung thư sẽ tăng cường hiệu quả, nhưng vẫn cần thêm các thử nghiệm ngẫu nhiên để đưa ra kết luận chắc chắn hơn.

Peter Elwood, giáo sư danh dự tại Đại học Cardiff, tuyên bố trong một thông cáo báo chí: “Với độ an toàn tương đối và tác dụng thuận lợi của nó, việc sử dụng aspirin như một phương pháp điều trị bổ sung cho bệnh ung thư là hoàn toàn hợp lý”. Ông nói thêm rằng aspirin không đắt, có sẵn ở hầu hết mọi quốc gia và việc sử dụng rộng rãi có thể mang lại lợi ích trên toàn thế giới.

Aspirin làm giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư khác nhau

Một đánh giá toàn diện được công bố trên tạp chí nổi tiếng Annals of Oncology vào năm 2020 chỉ ra rằng những bệnh nhân dùng aspirin có nguy cơ mắc các bệnh ung thư khác nhau tương đối thấp hơn.

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành một phân tích toàn diện tất cả các nghiên cứu quan sát về aspirin và ung thư đường tiêu hóa được công bố cho đến tháng 3 năm 2019, bao gồm hơn 150.000 trường hợp. Kết quả cho thấy, so với những bệnh nhân không sử dụng aspirin, những người thường xuyên dùng aspirin:

  • Giảm 27% nguy cơ mắc ung thư ruột kết.
  • Giảm 33% nguy cơ mắc ung thư tế bào vảy thực quản.
  • Giảm 39% nguy cơ mắc ung thư tuyến xơ của thực quản và tâm vị dạ dày.
  • Giảm 36% nguy cơ mắc ung thư dạ dày.
  • Giảm 38% nguy cơ mắc ung thư đường mật-gan.
  • Giảm 22% nguy cơ mắc ung thư tuyến tụy.

Tuy nhiên, không có thay đổi đáng kể nào về nguy cơ mắc ung thư đầu cổ.

Đối với ung thư đại trực tràng, dùng liều aspirin hàng ngày từ 75 đến 100 miligam có thể giảm nguy cơ 10%, trong khi liều 325 miligam hàng ngày có thể giảm nguy cơ 35%.

Rủi ro tiềm ẩn khi dùng Aspirin

Aspirin là thuốc chống viêm không steroid (NSAID) được sử dụng để điều trị đau, viêm hoặc viêm khớp từ nhẹ đến trung bình. Nó cũng có thể làm giảm nguy cơ đau tim, đột quỵ và cục máu đông.

Theo Cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia Vương quốc Anh (NHS), trẻ em dưới 16 tuổi không nên dùng aspirin nếu không có đơn thuốc của bác sĩ. Nguyên nhân bắt nguồn từ sự nghi ngờ về mối liên hệ tiềm ẩn giữa aspirin và hội chứng Reye ở trẻ em. Hội chứng Reye là một bệnh hiếm gặp nhưng nghiêm trọng có thể gây tổn thương não và gan.

Đối với những người có tiền sử sau đây, việc tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng aspirin là vô cùng quan trọng: Dị ứng với aspirin hoặc thuốc giảm đau tương tự, loét dạ dày, huyết áp cao, rối loạn tiêu hóa, chảy máu kinh nguyệt nhiều, tai biến mạch máu não gần đây, hen suyễn hoặc bệnh phổi, rối loạn đông máu, bệnh gan hoặc thận, bệnh gout.

*Lưu ý: Bài viết này chỉ mang tính tham khảo, không đưa ra hướng dẫn về thuốc, bất kỳ ai cũng nên tham khảo ý kiến của người có chuyên môn trước khi sử dụng thuốc.

Theo Ellen Wan - The Epoch Times
Hoàng Tuấn biên dịch

Ellen Wan đã làm việc cho phiên bản tiếng Nhật của The Epoch Times từ năm 2007.



BÀI CHỌN LỌC

Aspirin ức chế sự lây lan của ung thư di căn, giảm 21% tỷ lệ tử vong