Văn võ toàn tài (1): Ngũ Tử Tư làm ruộng, tiến cử thích khách Chuyên Chư

Giúp NTDVN sửa lỗi

Công tử Quang nhận Ngũ Tử Tư làm thuộc hạ, Ngũ Tử Tư tiến cử Chuyên Chư. Chuyên Chư đến Thái Hồ học cách nướng cá, để tìm cách tiếp cận vua Liêu. Nhưng Ngũ Tử Tư nói với Công tử Quang rằng, có người có võ công cao cường xung quanh Vương Liêu, Công tử Khánh Kỵ, rồi cả Cái Dư và Chúc Dung phụ trách quân đội, và người có uy tín cực cao là Quý Trát, nếu những người này không rời khỏi vua Liêu, vụ hành thích sẽ không thành công. Vì thế Ngũ Tử Tư trở về Dương Sơn làm ruộng chờ cơ hội, lần này chờ đợi là bốn năm.

Ngũ Tử Tư làm ruộng

Ngũ Tử Tư đã trốn thoát khỏi nước Sở, sau khi trải qua muôn vàn gian khó, giữa đường phải thổi sáo xin ăn ở nước Ngô. Đáng lẽ Ngô Vương Liêu hứa sẽ phái quân báo thù cho Ngũ Tử Tư, nhưng sự việc bị Công tử Quang ngăn trở, nên Ngũ Tử Tư đã đưa Công tử Thắng về Dương Sơn làm ruộng.

Người sáng lập nước Ngô tên là Ngô Thái Bá. Có một chương riêng trong "Sử ký" viết về "Ngô Thái Bá thế gia". Ông là con trai của Chu Thái Vương. Chu Thái Vương lúc bấy giờ có ba người con trai, một người là Ngô Thái Bá, một người là Trọng Ung, người còn lại tên là Quý Lịch. Quý Lịch là người vô cùng hiền minh, con trai của ông là Cơ Xương, chính là Chu Văn Vương nổi tiếng sau này. Bởi vì Cơ Xương rất hiền hậu thông minh nên Quý Lịch gọi con trai mình là Thánh Tử Xương, có nghĩa là đứa con giống như một vị Thánh nhân.

Khi đó, Ngô Thái Bá và em trai Trọng Ung đã bỏ trốn để tránh vua Chu truyền ngôi cho mình. Bởi vì hai anh đều bỏ đi nên Quý Lịch có thể kế vị, rồi mới có thể truyền ngôi cho con trai mình là Cơ Xương. Vì vậy có thể nói, để một ngày nào đó Cơ Xương có thể lên ngôi, Chu Thái Bá và em trai Trọng Ung đã rời bỏ nước Chu lúc bấy giờ và đến định cư ở tỉnh Giang Tô.

Ngô Thái Bá đã cắt tóc và xăm hình để tránh kế vị ngai vàng sau này. Việc cắt tóc và xăm mình để thể hiện rằng ông sẽ không bao giờ làm vua nữa. Nhưng do ông là người hiền đức nên khi đến nơi đó, mọi người cũng đến quy phục ông. Như vậy, một quốc gia khác đã được thành lập ở nơi này, đó là nước Ngô.

Khi Ngũ Tử Tư đang làm ruộng ở nước Ngô, Công tử Quang đến đưa cho ông một ít tiền và gạo, nhận Ngũ Tử Tư làm thuộc hạ. Một ngày nọ, Công tử Quang hỏi Ngũ Tử Tư: Ông là một người rất tài năng, hãy nhìn nước Ngô xem có ai có thể so sánh với ông không.

Ngũ Tử Tư nói: Tôi đâu có là gì? Có một người tên là Chuyên Chư, là một dũng sĩ thực sự.

Công Tử Quang hỏi: Chuyên Chư là người như thế nào?

Tiến cử thích khách Chuyên Chư

Ngũ Tử Tư kể rằng:

Khi tôi mới đến đất Ngô, đến một nơi gọi là làng Mai, nhìn thấy một đại hán to khỏe như hổ đang đánh với một người đàn ông khác. Thấy ngay đây là một người rất dũng mãnh. Vào lúc hai người đang đánh lộn khó can, trong nhà đột nhiên vang lên một giọng nữ nhân, hét lên "Chuyên Chư thôi ngay!”

Đại hán lập tức kiềm chế cảm xúc, bỏ tay xuống rồi trở về nhà như không có chuyện gì xảy ra.

Ngũ Tử Tư cảm thấy rất kỳ lạ, đại hán này sức địch vạn người, vì sao giọng nói của một người phụ nữ lại khiến hắn phải phục tùng như vậy?

Thế nên Ngũ Tử Tư đã hỏi những người xung quanh, bởi vì ông nhận định rằng “Khuất ư nhất nhân chi hạ, tất thân ư vạn nhân chi thượng” (chỉ cúi mình trước một người, thì tất phải là kẻ đứng thẳng trước vạn người), hàng xóm cho hay, Chuyên Chư chỉ sợ một người duy nhất là mẹ anh ta. Không phải anh thực sự sợ hãi, chỉ là anh vô cùng hiếu thảo với mẹ mình, là người trượng nghĩa thấy việc bất bình liền ra tay. Nhưng ngay cả khi anh ấy tức giận, chỉ cần mẹ gọi một tiếng, anh ấy sẽ dừng lại ngay lập tức, đây gọi là: “Văn mẫu mệnh tắc chỉ” (dừng lại ngay khi nghe lệnh của mẹ).

Ngũ Tử Tư cảm thấy người này rất khác biệt, vừa hiếu thảo vừa có nghĩa khí nên đã đến kết bạn với Chuyên Chư. Sau này, ông và Chuyên Chư kết nghĩa anh em, Ngũ Tử Tư lớn tuổi hơn một chút.

Sau khi nghe kể về Chuyên Chư, Công tử Quang đã đến thăm Chuyên Chư tại nhà. Gia đình Chuyên Chư rất nghèo, ông là một người bán thịt, tức là một người mổ bò lợn. Khi đó, Công tử Quang đưa cho Chuyên Chư một ít tiền và gạo, đối xử rất tốt với mẹ ông, thường xuyên đến nhà thăm nom.

Chuyên Chư chỉ sợ một người duy nhất là mẹ anh ta. (Tranh Blue Hsiao - Epoch Times)

Một thời gian sau, Chuyên Chư hỏi Công tử Quang: “Tôi là dân thường, tại sao ngài, một người có chức tước và địa vị xã hội cao như vậy, lại đến thăm tôi?”

Công tử Quang nói: “Ta muốn làm một việc lớn, đó là ám sát vua Ngô Liêu”.

Chuyên Chư hỏi Công tử Quang hai câu. Câu hỏi đầu tiên là tại sao vua nước Ngô nên là ngài chứ không phải là vua Liêu?

Bởi vì không phải là ngài mua tôi bằng tiền, thì tôi có thể làm mọi thứ cho ngài mà bất chấp nguyên tắc. Không phải như vậy!

Câu hỏi đầu tiên của Chuyên Chư là liệu điều này có đúng về mặt đạo nghĩa hay không. Sau đó, Công Tử Quang đương nhiên giải thích rằng, lẽ ra chú ba của tôi phải truyền ngôi cho tôi, nhưng ông ấy đã truyền lại cho con trai ông ấy, nên tôi mới chính là vua nước Ngô.

Chuyên Chư hỏi câu thứ hai, được ghi trong “Đông Chu liệt quốc”, ông nói: “Tại sao không để các vị cận thần không bình tĩnh nói chuyện với nhà vua, nói rõ mệnh lệnh của tiên đế để vua thoái vị, sao phải tự đi tìm kiếm khách, làm tổn hại đến đức hạnh của tiên vương?"

Ý tứ là, đành rằng ngài là người kế vị, tại sao không để các cận thần thương lượng, để vua tự thoái vị? Tại sao ngài lại phải tự mình chuẩn bị thích khách? Chẳng phải làm tổn thương cha của ngài cũng như cha của nhà vua sao?

Công tử Quang nói rằng Vương Liêu là người "tham lam và không muốn nhượng bộ", nếu tôi đến gặp ông ta để bàn việc này, ông ta không những không thoái vị, mà còn bắt đầu nghi ngờ, rồi phát sinh hiềm khích, ông ta sẽ nghĩ cách hại tôi, vì vậy tôi không thể thương lượng điều đó với Vương Liêu.

Chuyên Chư nói: “Được rồi, nếu vậy thì tôi lại có vấn đề khác với mẹ tôi. Tôi biết nếu đi ám sát Vương Liêu, nhất định sẽ không sống sót. Nhưng mẹ đã già, tôi rất muốn chăm sóc mẹ đến già. Vì lẽ đó, thân thể hiện tại của tôi không thể hoàn toàn giao cho Công tử sử dụng được.”

Công tử Quang nói rằng: “Tôi cũng biết ông là người hiếu thảo, mẹ ông đã già rồi. Tôi hứa với ông, nếu việc ám sát vua Liêu thành công, tôi sẽ đối đãi với mẹ ông như mẹ tôi, coi con trai của ông như con ruột của tôi”.

Chuyên Chư suy nghĩ một lát rồi nói: “Được rồi, tôi lại hỏi ngài một vấn đề nữa, muốn ám sát Liêu vương thì nhất định phải có khả năng đến gần ông ấy, vậy vua Liêu thích cái gì? Tôi phải có thứ gì đó phù hợp với sở thích của ông ấy”.

Công tử Quang nói ‘Hảo vị’, nghĩa là Vương Liêu đặc biệt thích ăn đồ ăn ngon.

Chuyên Chư lại hỏi ông ấy thích ăn gì nhất. Công tử Quang nói “cá ngon nướng”, tức là ông ấy thích ăn cá nướng. Chuyên Chư nói rằng tôi muốn sẽ rời xa ngài một thời gian. Công tử Quang hỏi đi đâu. Chuyên Chư nói: Tôi đi học cách nướng cá từ người khác.

Chuyên Chư rời đi, đến bên bờ Thái Hồ học cách nướng cá, trong ba tháng đã thành thạo kỹ năng nướng cá. Chuyên Chư có thể là một người rất thông minh, bởi vì anh đã mổ lợn, bò, có thể có một số kinh nghiệm trong việc nấu nướng, nên anh ta cũng có nhiều nét độc đáo khi nướng cá. Ai đã từng ăn món cá nướng của anh đều bảo mùi vị rất ngon.

Sau đó Chuyên Chư quay trở lại với Công tử Quang, lúc này kỹ năng nướng cá của anh đã rất xuất sắc, anh ấy hỏi Công tử Quang liệu đã có thể tiến hành đại sự được chưa.

Công tử Quang đã thảo luận việc này với Ngũ Tử Tư, nhưng Ngũ Tử Tư nói rằng điều đó chưa thể thực hiện được. Tại sao? Vì xung quanh Vương Liêu có vài người xuất sắc, chúng ta khó địch lại được họ.

Người đầu tiên là con trai của Vương Liêu, tên là Khánh Kỵ. Trong “Đông Chu liệt quốc ký” có nói rằng Khánh Kỵ là người “xương thịt nhẹ nhàng, chạy nhanh hơn ngựa phi, nhanh nhẹn như Thần, sức địch vạn người." Cơ bắp và xương của Khánh Kỵ cứng như sắt thép, nếu có con chim nào bay qua trước mặt thì anh ta có thể tóm bắt được. Tay không có thể giết mãnh thú, người như vậy luôn ở bên cạnh vua Liêu, theo sát không rời, giống như Đổng Trác luôn có Lã Bố bên cạnh. Nếu không đối phó được Lã Bố thì không có cách nào giết Đổng Trác. Đó là sự thật. Khánh Kỵ là người đầu tiên khó vượt qua.

Người thứ hai không thể giải quyết được là hai người em trai của Vương Liêu, một người tên là Cái Dư và người còn lại tên là Chúc Dung. Họ là hai vị đại thần của nước Ngô, nắm binh phù trong tay, quân đội của đất nước nằm dưới sự kiểm soát của họ, nếu chúng ta muốn giết vua Liêu, hai em trai của ông ta nhất định sẽ dùng quân đội nổi loạn. Đây cũng là một việc khó.

Người thứ ba khiến chúng ta phải đắn đo về mặt đạo đức là Diên Lăng Quý Tử. Như bài trước đã nói, Thọ Mộng muốn truyền ngôi cho Quý Trát. Quý Trát là chú thứ tư của Vương Liêu và Công tử Quang. Người này có đạo đức rất cao thượng, với những chuyện bề tôi giết vua như thế, nếu có Quý Tử (tức Quý Trát) ở đó, ta sẽ không dám làm, ông ấy cũng sẽ không cho phép làm điều đó.

Công tử Quang suy nghĩ thấy rất có lý nên nói, thôi được rồi, mời ông về tiếp tục làm ruộng, thế là Ngũ Tử Tư lại quay lại làm ruộng.

Bốn năm làm ruộng, từ năm 519 TCN đến năm 515 TCN. Vào năm 515 TCN, một sự kiện lớn đã xảy ra ở nước Sở: Sở Bình Vương qua đời vì bệnh tật. Khi tin tức truyền đến nước Ngô, Ngũ Tử Tư đấm ngực dậm chân, khóc lớn. Công tử Quang thấy thật kỳ quái, hỏi rằng: Sở Bình Vương không phải là kẻ mà ông căm hận nhất sao, bây giờ hắn ta chết rồi sao ông lại khóc?

Ngũ Tử Tư nói rằng: Vì không thể tự tay giết hắn, để hắn được chết trên giường thay vì bị tôi giết.

Sau khi Ngũ Tử Tư nghe tin Sở Bình Vương đã chết, ông đã không ngủ ba ngày ba đêm. Ông cũng đi vòng quanh phòng trong ba ngày ba đêm, và nảy ra mưu kế. Ông chạy tới gặp Công tử Quang và nói, nếu bây giờ chúng ta muốn giết vua Ngô, chúng ta có cơ hội rất tốt. Lợi dụng tang lễ của Sở, Ngô xuất quân tấn công Sở. Bởi vì Sở và Ngô thường xuyên xảy ra một số xích mích nhỏ ở biên giới. Ngũ Tử Tư nói rằng chúng ta lợi dụng nước Sở có tang, người vừa kế vị là Thái tử Trân, lúc đó chỉ mới khoảng mười tuổi, còn là trẻ con. Hơn nữa, Tể tướng nước Sở lúc bấy giờ là Nang Ngõa, là một người rất tham lam và không giỏi đánh trận.

Ngũ Tử Tư nói rằng chúng ta sẽ lợi dụng việc vua còn bé, đại thần vô năng, trong nước có tang lễ để tấn công nước Sở. Nhưng Công tử không thể đi, ai sẽ ra trận? Hãy để Cái Dư và Chúc Dung, hai em trai của vua Ngô, xuất binh đánh Sở, điều này chẳng phải là đã đẩy họ đi xa sao? Sau đó để Quý Trát đi sứ quan sát tình hình nhà Tấn, làm một số công tác ngoại giao. Đồng thời, phái Công tử Khánh Kỵ đến nước Trịnh và nước Vệ để liên quân tác chiến.

Bằng cách lợi dụng tang sự để tấn công nước Sở, Công tử Khánh Kỵ bị điều đi, hai người em trai của vua Ngô cũng bị điều ra trận, người có đạo đức cao thượng là Quý Trát, cũng bị đẩy đi. Trong một lần ra tay, tất cả những người xung quanh Vương Liêu đều bị đẩy đi, vua Liêu bị cô lập, đây là cơ hội tốt để ám sát ông ta.

Công tử Quang nói: Nếu Vương Liêu muốn ta dẫn quân thì sao?

Ngũ Tử Tư nói: Dễ thôi, cứ giả vờ như bị ngã xe sái khớp chân thì họ sẽ không phái ông đi nữa.

Kết quả là Công tử Quang vừa nói với Vương Liêu kế sách đó, Vương Liêu cũng là một người rất kiêu ngạo nên đã nghe ngay theo lời ông ta, cử Cái Dư, Chúc Dung và Quý Trát lên đường, nhưng ông ta không phái Khánh Kỵ đi. Khánh Kỵ vẫn ở bên cạnh Vương Liêu.

Kết quả khi Cái Dư và Chúc Dung đưa quân tấn công Sở thì họ đã bị đánh bại. Khi văn thư khẩn cấp được gửi về nước Ngô, vua Liêu quyết định cử Thái tử Khánh Kỵ đến nước Trịnh và nước Vệ để liên quân, nên cả bốn người đã rời đi cùng một lúc.

(Còn tiếp)

Chương Thiên Lượng - NTD
Thái Bình biên dịch từ:

Chương trình lịch sử quy mô lớn của Đài truyền hình NTD (Tân Đường Nhân) "Tiếu đàm phong vân" do Giáo sư Chương Thiên Lượng chủ trì: Tập 4 - Văn võ toàn tài (1)

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Văn võ toàn tài (1): Ngũ Tử Tư làm ruộng, tiến cử thích khách Chuyên Chư