Việc chính trị nên là lừa gạt hay lấy đức phục người?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Xã hội ngày nay thật lắm các loại tệ nạn, đủ các hình thức tội phạm, trong đó "tham nhũng" được ví như "giặc nội xâm". Trên bình diện thế giới, có những nước lớn cậy sức mạnh lấn át, ức hiếp nước nhỏ. Nhân loại đều mong mỏi xã hội yên bình dựa trên nền tảng pháp trị. Nhưng nếu chỉ dựa vào pháp luật mà không đề cao nền chính trị nhân bản, dùng nhân đức thu phục nhân tâm thì có lẽ khó mà đạt được mong ước này.

Sức mạnh quân sự được xây dựng trên nền móng nhân đức

Nước Tống những năm đầu thời kỳ Xuân Thu được xem như là một cường quốc hùng mạnh, còn nước Tào khi ấy chỉ là một nước nhỏ nhưng lại không chịu phục tùng. Thế là Tống Tương Công chỉ huy quân đội bao vây tứ phía. Đại thần Tử Ngư nói với Tống Tương Công rằng:

“Chu Văn Vương nghe nói nước Sùng đạo đức hỗn loạn nên đem quân đi chinh phạt, đánh liên tiếp 30 ngày nhưng nước Sùng vẫn không chịu hàng. Chu Văn Vương cho quân rút về trong nước, tu thân dưỡng tính sau lại đem quân đi đánh. Người nước Sùng cảm nhận được đức hạnh cao thượng của Chu Văn Vương nên mang lễ vật cống nạp xin hàng. Bây giờ quân vương (ý nói Tống Tương Công) ngài e rằng đức hạnh vẫn còn khiếm khuyết? Như vậy mà chinh phạt nước Tào thì có thể làm gì được họ đây? Chi bằng hãy về nước mà xem lại đức hạnh của mình trước, nếu như xác thực là không còn khiếm khuyết thì khi ấy đem quân đến đánh cũng chưa muộn”.

Tề Tương Công nghe xong liền học Chu Văn Vương rút quân về nước đóng cửa tu thân dưỡng tính, kính đức, trọng già yêu trẻ.

(Nguồn: "Tả truyện")

Đạo đức trong xã hội lại có sự ảnh hưởng to lớn đến như vậy, có thể vì nó mà gây chiến tranh nhân họa, nhưng nó cũng lại có trách nhiệm gánh vác gìn giữ hòa bình.
Đạo đức trong xã hội lại có sự ảnh hưởng to lớn đến như vậy, có thể vì nó mà gây chiến tranh nhân họa, nhưng nó cũng lại có trách nhiệm gánh vác gìn giữ hòa bình. (Ảnh: Shutterstock).

Sau này nước Tống quốc có chinh phục nước Tào hay không thì lịch sử không thấy ghi chép. Tuy nhiên, câu chuyện thật thú vị. Đạo đức trong xã hội lại có sự ảnh hưởng to lớn đến như vậy, có thể vì nó mà gây chiến tranh nhân họa, nhưng nó cũng lại có trách nhiệm gánh vác gìn giữ hòa bình.

Tuân Ngô người nước Tấn dẫn binh chinh phạt Tiển Ngu, bao vây nước Cổ. Có người nước Cổ tạo phản, bí mật đến liên hệ với Tuân Ngô muốn dâng thành sang hàng để được trọng thưởng. Tuân Ngô từ chối không nhận, tùy tùng của ông thấy vậy nói: "Không cần dùng đến quân đội mà có được thành, việc tốt như vậy tại sao lại không làm?”.

Tuân Ngô đáp:

“Nếu như có người đem thành ấp của chúng ta đi tạo phản, chúng ta nhất định sẽ hận người ấy thấu xương tủy. Bây giờ người khác tạo phản mang thành sang hàng, chúng ta làm sao có thể vui mừng thưởng cho phản đồ của nước Cổ, loại người mà chúng ta căm ghét? Như vậy sau này chúng ta làm sao có thể tạo dựng uy tín? Còn nếu như không thưởng cho kẻ phản đồ nước Cổ, như vậy chúng ta thành kẻ thất tín với hắn, vậy làm sao khiến người khác tin tưởng? Sức mạnh đủ thì công đánh, đánh không được thì rút lui, lượng sức mà làm. Chúng ta không thể vì muốn chiếm được thành mà tiếp cận kẻ gian ác, làm như vậy chính là làm điều thất đức, điều mất đi còn lớn hơn nữa".

Nói xong, ông cho người giết chết phản đồ nước Cố, chỉnh đốn quân binh phòng vệ, tiếp tục bao vây nước Cổ 3 tháng. Nước Cổ lại có người tỏ ý xin hàng, Tuân Ngô cho gọi người đó vào nói: “Từ nét mặt của các ngươi mà nhìn, các người vẫn đủ cơm canh để ăn, hãy quay về mà tu bổ lại thành quách các người".

Sứ quân của Tuân Ngô nói: “Có thể đoạt được thành nhưng không chiếm lấy lại liên luỵ quân nhân bách tính, hao tổn tài vật, trở về biết nói sao với quốc quân?”.

Tuân Ngô đáp: “Chiếm được thành là chuyện nhỏ, để dân chúng hiểu được đạo nghĩa mới là chuyện lớn. Chiếm được thành mà khiến nhân dân buông lỏng thì hòng có ích gì? Lấy được thành đồng thời khiến muôn dân hiểu được đạo nghĩa mà trung thành không một lòng hai dạ, như vậy chẳng phải tốt nhất sao?”.

Sau này đợi khi người của Cổ quốc hết sạch lương thảo không còn đồ ăn, sức cùng lực tận, Tuân Ngô mới hạ lệnh phá thành mà không cần giết một người nào!

(Nguồn: "Tả truyện")

Sau này đợi khi người của Cổ quốc hết sạch lương thảo không còn đồ ăn, sức cùng lực tận, Tuân Ngô mới hạ lệnh phá thành mà không cần giết một người nào!
Sau này đợi khi người của Cổ quốc hết sạch lương thảo không còn đồ ăn, sức cùng lực tận, Tuân Ngô mới hạ lệnh phá thành mà không cần giết một người nào! (Ảnh: Shutterstock).

Từ những điển cố trên tối thiểu có thể nêu lên được 2 vấn đề. Một là bất luận trong xã hội nào, thời bình hay thời chiến, đều thực thi và thể hiện đạo nghĩa, là quá trình hồng dương đạo nghĩa. Nếu như làm trái lại, khiến đạo nghĩa bị tổn thất thì đều không nên làm. Hai là kết cục của chiến tranh, chiến thắng không chỉ là thể hiện ở sự thắng lợi nơi chiến trận mà còn cần phải bao gồm cả phương diện đạo đức cao thượng, khiến cho bên địch thủ phải tâm phục khẩu phục, khiến cho nhân tâm theo về, có như vậy mới được gọi là chiến thắng đúng nghĩa.

Sức mạnh của nền chính trị dùng đức phục người

Tương tự như vậy, có thể khẳng định một điều rằng, người làm chính trị nếu như không thể lấy đạo đức làm gốc mà thi hành chính sự thì mãi mãi sẽ không đem lại kết quả tốt đẹp. Cổ nhân giảng nhân nghĩa và lợi ích là một, mãi mãi không thể làm trái lại. Muốn có lợi ích lâu dài thì cần phải có nhân tâm.

Khổng tử từng giảng: “Vi chính dĩ đức" (Ý tứ là dùng đạo đức làm nguyên tắc trị vì quốc gia. Trích: "Luận Ngữ - Vi chính"). Khổng Tử cho rằng vấn đề căn bản của chính trị chính là vấn đề đạo đức, người làm chính trị cần phải lấy đạo đức làm gốc rễ. “Vi chính dĩ đức" chính là dùng đạo đức để chính trị hoá, dùng đạo đức cao để làm tiêu chuẩn đo lường việc tốt và xấu, việc nên và không nên làm trong quá trình thực thi chính trị, hay nói cách khác chính trị chính là quá trình lấy đạo đức cảm hoá nhân tâm.

Mỗi một nhà tư tưởng lại thể hiện "Vi chính dĩ đức" một cách khác nhau. Khổng Tử gọi là “Hữu đạo”, Mạnh Tử lại gọi là “Nhân trị", Mặc Tử lại có “Kiêm ái", còn Tuân Tử lại là “Vương trị", tất cả đều là lấy đạo đức làm nền tảng.

Có nhiều bằng chứng cho thấy chữ “Đức - 德" được ứng dụng từ thời Tây Chu, hơn nữa lại liên quan rất nhiều đến chính trị. Ngay cả trong Kim Văn, người ta cũng dễ dàng phát hiện nhiều chữ đức, nó ghi chép nguyên do Trụ Vương vì thất đức mà mất nước, còn Chu Văn Vương lại có công to đức lớn mà có được phúc lành của Thượng Đế ban cho. Trong các buổi lễ trang nghiêm long trọng với các gia tộc lớn nhỏ, Chu Văn Vương luôn nhấn mạnh vấn đề tầm quan trọng của đạo đức trong việc củng cố chính trị. Sự kết hợp chặt chẽ giữa đạo đức và chính trị không phải là một hiện tượng đặc biệt của văn hóa truyền thống Á Đông, nhưng nhờ hệ thống hoá chúng mà có được địa vị cao, được tôn sùng. Đây cũng không phải là điều tự nhiên mà là sự kết hợp mật thiết trong tiến trình lịch sử lâu dài.

Khổng Tử cho rằng vấn đề căn bản của chính trị chính là vấn đề đạo đức, người làm chính trị cần phải lấy đạo đức làm gốc rễ.
Khổng Tử cho rằng vấn đề căn bản của chính trị chính là vấn đề đạo đức, người làm chính trị cần phải lấy đạo đức làm gốc rễ. (Ảnh: Epoch Times).

Từ thời đầu, gia tộc họ Chu chỉ là một bang nhỏ, sức người, sức vật đều thua kém nhà Thương nhưng dần dần lại trở thành gia tộc mà “Thiên hạ 3 phần có được 2” để cuối cùng "thế Thiên hành đạo", tiêu diệt nhà Thương, dùng đức trị dân, có được cả Trung Nguyên. Đây không chỉ là sự vận dụng chiến lược, sức mạnh quân sự, chính trị mà còn là quá trình “Thiên hạ quy nhân" (thiên hạ quy về nhân đức).

Khi Vũ Vương thảo phạt nhà Thương, cả Trung Quốc vẫn là một vùng lãnh thổ hoang sơ rộng lớn với sự cai quản nhỏ lẻ của các bang chư hầu, tuy nhiên sau khi thảo phạt sự tàn bạo của nhà Thương, nhờ vào đức hạnh của mình, nhờ vào chủ trương tôn dương nhân đức, lấy cái lợi của dân làm gốc mà nhà Chu đã trở thành triều đại lâu dài nhất lịch sử Trung Quốc.

Thiết nghĩ dẫu cho thời thế có thay đổi, xã hội có xoay vần thì vạn thế trường tồn vẫn phải lấy nhân đức làm gốc. Gia đình không lấy đức dạy con ắt con tàn cháu bại; gia tộc không lấy đức để dung hòa ắt sẽ trên dưới bất đồng, trong ngoài xung khắc; quốc gia không thể lấy đức phục dân ắt sẽ bị dân chống lại mà suy tàn.

Lịch sử chính là vị thầy vĩ đại của nhân loại, nhìn nhân biết quả, nhìn việc biết người. Bất kể cá nhân nào, tập thể nào, cũng như quốc gia nào, chế độ nào nếu như không thể thượng tôn nhân đức, lấy dân làm gốc thì tất yếu sẽ lụi tàn.

Tiếc thay, bài học thì nhiều nhưng thi hành được lại chẳng có bao nhiêu…

Vũ Minh (biên dich)

Tác giả: Lục Chân

Theo: Zhengjian.org



BÀI CHỌN LỌC

Việc chính trị nên là lừa gạt hay lấy đức phục người?