Bé 11 tuổi cứu thành công em trai bị đuối nước

Giúp NTDVN sửa lỗi

Em trai bị trượt chân rơi xuống ao nước gặp nguy hiểm, chị gái 11 tuổi đã dũng cảm cứu sống em mình bằng những kiến thức đã học được trên tivi. Đó là các động tác hỗ trợ - ép tim - thổi ngạt.

Sự việc xảy ra ngày 2/8 tại trú tại huyện Phú Xuyên, Hà Nội, khi hai chị em đang chơi ở gần ao nước gần nhà thì bất ngờ người em trai 10 tuổi trượt chân ngã xuống ao.

Một lúc sau, người chị không thấy em trai đâu vội lặn xuống ao tìm kiếm. Vì biết bơi nên chị gái thành công vớt được em trai lên chỉ trong vòng 2 phút.

Nhưng lúc này, người em đang trong nguy kịch, thân thể tím tái, mềm nhũn, bất tỉnh nên người chị đã vận dụng kiến thức học được ở trường và xem trên tivi, như hô hấp nhân tạo, ấn lồng ngực, của người đuối nước.

Khi ấn tim được 2 lần thì em trai nói được nhưng rất nhỏ, nên người chị tiếp tục ấn thì em trai mở to mắt ra nhìn.

Một lúc sau, người lớn đến giúp đỡ, đã đưa bé trai đến Bệnh viện Nông nghiệp Hà Nội.

Lúc đến bệnh viện, bé trai tỉnh táo, người bớt tím tái, được hỗ trợ thở oxy, dùng thuốc lợi tiểu do bị phù phổi cấp. Khoảng 3-4 tiếng sau, bé khó thở, sốt cao liên tục, ôxy máu giảm còn 80-85%, bác sĩ phải đặt ống nội khí quản và chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai.

Tại đây, các bác sĩ kiểm tra bệnh nhân bị viêm phổi, phù phổi, cho dùng thuốc an thần và thở máy. Sau một ngày điều trị, tình trạng bé tiến triển tốt hơn, chỉ số ôxy trong máu cải thiện. Sau đó, bé đã tỉnh táo hoàn toàn, và có thể tự thở.

Các bác sỹ nhận định, nếu người bị đuối nước không được cấp cứu đúng cách thì sau khoảng 5 phút là bệnh nhân có thể ngừng thở, ngừng tim dẫn đến các di chứng nặng nề hoặc tử vong.

Các bác sỹ cũng khuyến cáo người dân, khi có người bị đuối nước, mọi người cần đánh giá hiện trường và mức độ an toàn cho bản thân, gọi thêm người hỗ trợ càng nhanh càng tốt.

Sau khi đưa nạn nhân lên bờ thì cho nằm ở tư thế nghiêng, đánh giá có bị ngưng thở, ngưng tim hay không. Sau đó làm thông thoáng đường thở nạn nhân và tiến hành thổi ngạt, ép tim, đồng thời gọi thêm người hỗ trợ.

Các bác sĩ cũng lưu ý rằng không được dốc ngược nạn nhân lên và chạy, vì khi dốc ngược nước rất dễ trào ngược vào đường thở, nếu nạn nhân bị suy hô hấp thì tình trạng có thể diễn biến nặng hơn. Đồng thời phải đảm bảo cấp cứu người đuối nước ngay tại chỗ trước, sau khi ổn định mới chuyển bệnh nhân đi, bởi vì nếu họ đang ngừng thở, ngừng tim mà đưa đi luôn thì chắc chắn bệnh nhân sẽ có di chứng hoặc tử vong.

Việt Nam Xã hội

Bé 11 tuổi cứu thành công em trai bị đuối nước