Chuyện liên kết dạy thêm, học thêm: Nhiều địa phương ban hành lệnh cấm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bước vào năm học 2023-2024, tình trạng dạy thêm, học thêm vẫn đang diễn ra phổ biến ở các trường. Nhiều tỉnh thành, biến tướng dưới nhiều hình thức khiến nhiều phụ huynh bức xúc. Nhiều địa phương đã mạnh tay yêu cầu các trường, giáo viên không tổ chức dạy thêm, học thêm, dạy liên kết với trung tâm bên ngoài dưới mọi hình thức.

Theo thống kê của Giám đốc Quỹ quốc gia đổi mới giáo dục Việt Nam, nhiều nước châu Á có tỷ lệ học sinh học thêm cao, như Trung Quốc có 73,8% học sinh tiểu học, 65,6% học sinh THCS và 53,5% học sinh THPT. Tỷ lệ này ở Hàn Quốc lần lượt là 87,9%, 72,5% và 60,5%; Nhật Bản là 15,9%, 65,2% và 24,8%; Azerbaijan 93,1% học sinh cuối cấp THPT; Mông Cổ 66% học sinh cuối cấp THPT; Singapore 97% học sinh phổ thông. Tuy nhiên, riêng Trung Quốc hiện cũng đang kiên quyết cấm dạy thêm, học thêm, kể cả dạy thêm trực tuyến.

Ở Việt Nam, nhiều địa phương cũng yêu cầu không dạy thêm, học thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, nghiêm cấm việc ép học sinh học thêm dưới mọi hình thức.

Cụ thể, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nam Định yêu cầu các trường THPT, các Phòng GD&ĐT chỉ đạo các trường trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các quy định về dạy thêm, học thêm theo các văn bản hướng dẫn hiện hành. Đồng thời nhấn mạnh, không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm. Học sinh có nhu cầu học thêm tự nguyện viết đơn xin học thêm và được gia đình đồng ý (cha mẹ học sinh hoặc người giám hộ trực tiếp ký vào đơn).

Đặc biệt, không dạy thêm, học thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống, dạy tiếng Anh. Không dạy quá 5 buổi/tuần đối với lớp 9, lớp 12 và không quá 4 buổi/tuần với các khối lớp còn lại ở cấp trung học; không dạy quá 4 tiết/buổi; không tổ chức dạy thêm, học thêm vào ngày Chủ nhật, ngày lễ và sau 17 giờ 30 phút các ngày trong tuần.

Trong khi đó, tại Nghệ An, Sở GD&ĐT tỉnh này quyết định tạm dừng việc liên kết dạy kỹ năng sống trong cơ sở giáo dục công lập, đồng thời rà soát các trung tâm, thẩm định chương trình dạy kỹ năng sống.

Sở GD&ĐT Phú Thọ cũng nghiêm cấm việc ép học sinh học thêm dưới mọi hình thức. Tuyệt đối không tổ chức dạy thêm đối với học sinh học buổi chiều 2 buổi/ngày, học sinh tiểu học (ngoại trừ trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống).

Sở GD&ĐT Thanh Hóa cũng có yêu cầu các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, dạy học làm quen với tiếng Anh nếu có tổ chức thì phải thực hiện ngoài giờ học chính thức, không được chèn vào giờ học chính khóa. Không vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm; không tổ chức theo lớp học chính khoá. Mức thu tối đa 12.000 đồng/học sinh/tiết học (mỗi tuần không quá 3 tiết học) đối với hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động ngoài giờ chính khoá.

Trong khi đó, Sở GD&ĐT tỉnh An Giang yêu cầu các trưởng phòng GD&ĐT chỉ đạo hiệu trưởng các trường tiểu học thực hiện nghiêm túc, đúng quy định về hoạt động nuôi giữ, chăm sóc học sinh ngoài giờ học chính khóa. Không tổ chức dạy thêm, học thêm dưới bất kỳ hình thức nào tại cơ sở nuôi giữ và chăm sóc học sinh.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến là không nên cấm vì nhu cầu học thêm của nhiều học sinh là vẫn có. Lệnh cấm của các tỉnh chỉ giải quyết được phần ngọn, có thể gây ra những phản ứng tiêu cực và việc học thêm lại có thể biến tướng. Vì thế, thay vì cấm, cần có quy định rõ ràng hơn và trường hợp nào có thể dạy thêm được một cách thực chất.

Ngoài ra, nhu cầu dạy thêm của một bộ phận giáo viên để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống hiện nay là có thật, nhất là giáo viên có chuyên môn hoặc những giáo viên khó khăn.

Việt Nam Giáo dục

Chuyện liên kết dạy thêm, học thêm: Nhiều địa phương ban hành lệnh cấm