Hà Nội: Kinh doanh ế ẩm, nhiều chủ cửa hàng trả lại mặt tiền kinh doanh 

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mặc dù đại dịch Covid-19 đã được đẩy lùi nhưng không ít chủ cửa hàng tháo chạy khỏi các mặt bằng cho thuê vì tình trạng kinh doanh ế ẩm, thua lỗ kéo dài mà giá thuê mặt tiền lại quá cao.

Nhiều chủ nhà ế khách thuê

Dạo quanh khu phố cổ Hà Nội một vòng, rất dễ nhận thấy cảnh những căn nhà đang đóng cửa, tìm khách thuê mặt bằng, dù sở hữu những mặt tiền đẹp như mơ như ở phố Mã Mây, Hàng Bông...Nơi đây vốn là những con phố sầm uất, hút khách tìm thuê mở điểm kinh doanh nhất Thủ đô.

Chủ một mặt tiền trên phố Hàng Bông nói: “Có nhiều người gọi điện hỏi thuê, người thì bán hàng thời trang, người thì muốn bán đồng hồ hoặc hàng lưu niệm. Tuy nhiên, cứ sau khi nghe tôi báo giá thì ậm ừ hoặc hẹn đến xem mà không thấy đến nên gần nửa năm nay, mặt tiền này vẫn chưa có khách thuê".

Cùng chung số phận, dọc các con phố được mệnh danh là “kinh đô thời trang” hút khách nhất Hà Nội như: Chùa Bộc, Đặng Văn Ngữ, Nguyễn Trãi…, nhiều cửa hàng cũng đồng loạt treo biển xả hàng, thanh lý, đại hạ giá để sang nhượng cửa hàng.

Liên tục đăng tin cho thuê mặt tiền trên các diễn đàn. Anh N.V.A - chủ mặt tiền trên phố Chùa Bộc cho hay: Sau khi khách kinh doanh quần áo trả mặt tiền để chuyển sang địa điểm khác, anh hiện đang tìm khách thuê mặt tiền 1 tầng, diện tích 80m2 với mức giá 25 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, dù đã giảm tiền thuê so với trước nhưng hiện mặt tiền này vẫn chưa có khách chốt cọc.

Sở hữu mặt bằng kinh doanh rộng 100m2, anh Trần Thế Huy (phố Tô Hiệu, quận Cầu Giấy) cũng đang giảm giá treo biển cho thuê nhiều tháng nay nhưng vẫn chưa có khách thuê.

Anh Huy chia sẻ: "Mình đang có một mặt tiền kinh doanh rộng 100m2 tại quận Cầu Giấy, nếu ai có vốn nhiều, đầu tư làm ăn, mở dịch vụ ở đây sẽ không lo thiếu vắng khách".

Sở hữu mặt bằng kinh doanh trên đường Trường Chinh (quận Đống Đa, Hà Nội), chị Nga cũng đang treo biển tìm người thuê lại mặt tiền.

Cũng theo chị Nga, trước đây giá thuê mặt tiền tại đây dao động từ 35 - 70 triệu đồng/tháng. Chị Nga cũng sẵn sàng đưa ra nhiều phương án ưu đãi cho khách thuê như giảm giá mặt tiền, chấp nhận thu tiền theo tháng cho đến khi tình hình kinh doanh của người thuê khởi sắc.

Tuy nhiên, dù có nhiều phương án ưu đãi lượng khách đến hỏi thuê rất ít và hiện chị Nga vẫn chưa thể chốt được hợp đồng cho thuê diện tích nói trên.

Đáng nói, không chỉ tại các mặt tiền vàng trên phố cổ giá đắt đỏ không có người thuê mà ngay đến cả các trung tâm thương mại, tòa nhà văn phòng, chợ truyền thống cũng chịu chung số phận.

Các chủ kinh doanh cũng ế khách

Chị Như Lộc (chủ một cửa hàng thời trang nam trên phố Hồ Đắc Di) cho biết, sau dịch Covid-19, doanh thu của cửa hàng rơi vào tình cảnh lao đao. Nhờ việc livestream bán hàng trên các sàn thương mại nên cũng cân bằng lại được. Tuy nhiên từ đầu năm nay, tình trạng ế khách diễn ra tại cả cửa hàng và trên các sàn điện tử. Chị chia sẻ: "Tôi phải chi trả 30 triệu đồng/tháng cho tiền thuê mặt bằng, chưa kể vốn nhập hàng, thuê sinh viên, chi phí điện nước. Doanh thu cửa hàng hiện nay phụ thuộc nhiều vào các nền tảng online. Tình hình này nếu kéo dài thêm vài tháng nữa tôi sẽ phải chuyển cửa hàng qua địa điểm giá rẻ hơn chứ như thế này không trụ nổi".

Chị Nguyễn Thị Nga - chủ tiệm đồ lưu niệm, đồ lụa phố Hàng Gai cho biết, do vẫn còn ít khách nước ngoài đến Hà Nội nên việc kinh doanh vẫn gặp khó khăn. Tuyến phố này hàng hóa chủ yếu bán cho khách du lịch nhưng giờ dù hoạt động bình thường nhưng vẫn ít khách, phải đợi khi khách du lịch tăng thu nhập mới có thể khá hơn.

Theo các chủ cửa hàng, do lượng khách hàng ít nên chọn phương án đóng cửa để tiết giảm chi phí. “Dân của mình rất tinh, cứ khi bán được hàng là ào ào mở cửa. Nhưng giờ mở ra không có người hỏi trong khi lại phải chi phí tiền điện, tiền thuế, tiền nhân viên và bao nhiêu chi phí khác nên thà đóng cửa còn hơn” - 1 chủ cửa hàng trên phố Hàng Gai cho biết.

Một số nhân viên cho biết, dịch vụ mua sắm trên các sàn thương mại điện tử phát triển là lý do khiến lượng khách tới tận nơi chọn mua quần áo giảm đi khá đáng kể. Nếu có chủ yếu là khách vãng lai.

Theo nhiều chuyên gia bất động sản, tình trạng cho thuê mặt bằng, nhà phố tại khu vực trung tâm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đang rơi vào tình trạng ế ẩm do chủ cho thuê vẫn cố giữ mức giá cao khi nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn sau đại dịch COVID-19.

Trong thời gian tới, nếu tình trạng này vẫn tiếp tục kéo dài, các chủ đầu tư sẽ thiệt hại lớn khi nhiều địa điểm kinh doanh trên tuyến phố sẽ không thể hòa vốn doanh thu, nặng nề hơn là có thể nằm dưới điểm hòa vốn.

Tuyết Nhi (tổng hợp)

Việt Nam Kinh tế

Hà Nội: Kinh doanh ế ẩm, nhiều chủ cửa hàng trả lại mặt tiền kinh doanh