Hải quân Mỹ đối đầu với sự trỗi dậy của hải quân Trung Quốc như thế nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld từng bị giới truyền thông chỉ trích gay gắt với phát biểu: “Quý vị ra trận với đội quân mà quý vị có, không phải đội quân mà quý vị có thể muốn hoặc mong ước có sau này”. Nhưng ông ấy đã đúng, và câu châm ngôn tức thời của ông chắc chắn được áp dụng cho phản ứng của nước Mỹ đối với các cuộc tấn công bất ngờ ngày 11/9.

Quý vị chắc chắn sẽ tham chiến với một lực lượng hải quân có năng lực ở thời điểm hiện tại, chứ không phải lực lượng hải quân với năng lực sau 8 đến 12 năm nữa.

Đóng tàu, huấn luyện hạm đội hải quân và không quân, hiện đại hóa các căn cứ hỗ trợ hạm đội và các hoạt động bảo trì. Tất cả những điều này cho thấy việc tạo ra một hạm đội chiến thắng trong thời chiến là một nhiệm vụ phức tạp và tốn thời gian.

Liệu có khả năng xảy ra một trận hải chiến giữa Mỹ và Trung Quốc hay không? Hiện tại Hoa Kỳ đang ở trong một thời điểm "dễ bị tổn thương" liên quan đến Trung Quốc.

Vào năm 2021, Cựu Tư lệnh Tác chiến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Đô đốc Phil Davidson đã cảnh báo Ủy ban Quân vụ Thượng viện rằng chính quyền Trung Quốc đang "đẩy mạnh tham vọng soán ngôi Hoa Kỳ" và nước này có thể tiến hành một cuộc tấn công trong vòng 6 năm tới, tức là vào năm 2027.

Ông Davidson, người chỉ huy sẽ chiến đấu trong cuộc chiến đó, cho rằng nước Mỹ vẫn chưa chuẩn bị sẵn sàng để giành chiến thắng trong cuộc chiến với Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương.

Thượng nghị sĩ Roger Wicker đã phục vụ trong Ủy ban Quân vụ Thượng viện trong nhiều năm. Ông Wicker cũng tận mắt chứng kiến sức mạnh của lực lượng Hải quân của Trung Quốc mở rộng trong khi Hải quân Hoa Kỳ thu hẹp lại. Vào năm 2017, ông đã cố gắng hồi sinh ngành đóng tàu thương mại và hải quân bằng một đạo luật nhằm nâng cao năng lực của ngành hàng hải Hoa Kỳ.

Vào ngày 3/5/2023, ông Wicker đã có một bài phát biểu trước Thượng viện, bắt đầu bằng một lời cảnh báo thẳng thừng: “Hôm nay, tôi đến trước Thượng viện để thảo luận về năng lực của Hải quân Hoa Kỳ trong việc ngăn chặn xung đột ở Thái Bình Dương. Khi hải quân của Trung Quốc phát triển, thì hải quân của Hoa Kỳ lại bị thu hẹp lại - và chúng ta sắp hết thời gian để nghiêng cán cân sức mạnh về phía Hoa Kỳ và để đảm bảo rằng khả năng răn đe không thất bại ở Tây Thái Bình Dương”.

Năng lực răn đe. Danh tướng huyền thoại của Đế chế La Mã Scipio Africanus từng đánh bại chỉ huy quân sự Hannibal của người Carthage, đã nói thế này: “Nếu muốn hòa bình, hãy chuẩn bị cho chiến tranh”. Cuộc chiến ở Tây Thái Bình Dương sẽ là một trận hải chiến. Ông Wicker tin rằng các lực lượng Hoa Kỳ không thể chứng minh sức mạnh quân sự áp đảo và sự sẵn sàng cần thiết để thuyết phục các nhà lãnh đạo Trung Quốc rằng họ sẽ thua trong cuộc chiến với Mỹ.

Cũng theo phát biểu của ông Wicker: "Sự trỗi dậy của Hải quân Trung Quốc đặt ra mối đe dọa trực tiếp đối với hòa bình và an ninh quốc tế. Khả năng thống trị các tuyến hàng hải quan trọng của họ đánh vào trọng tâm của nền kinh tế thị trường và tự do của châu Á cũng như trên toàn thế giới. Trong vài phút hôm nay, tôi sẽ phác thảo mối đe dọa đó, sự thiếu chuẩn bị của Hoa Kỳ, và điều cần làm để ngăn chặn Trung Quốc hành động vô trách nhiệm”.

Ông Wicker trích lời ông Alfred Thayer Mahan, nhà lý luận Hải quân Hoa Kỳ: “Bất cứ ai làm chủ con sóng đều sẽ thống trị thế giới”. Sau đó ông nói thêm: “Bắc Kinh hiểu rằng một lực lượng hải quân hùng mạnh là một bước cần thiết trong hành trình thống trị khu vực của họ”.

Thượng nghị sĩ mô tả một cuộc chiến sống còn vì quốc gia. Vào cuối năm 1992, tác giả bài viết này đang phục vụ với tư cách là cố vấn chiến tranh chiến lược tại Văn phòng Đánh giá tổng quát (Office of Net Assessment) của Bộ trưởng Quốc phòng. Ông Andrew Marshall lúc đó là Giám đốc Văn phòng Đánh giá tổng quát của Lầu Năm góc, đã thử thách các chuyên gia tư vấn của mình bằng một thử nghiệm tư duy dài hạn: Làm thế nào Hoa Kỳ có thể chiến đấu và giành chiến thắng trong cuộc chiến vì sự tồn vong của quốc gia trước Trung Quốc vào khoảng năm 2020 hoặc 2025?

Chúng tôi đã suy nghĩ rất nhiều và đã làm rất nhiều điều - nhưng bấy nhiêu đó vẫn chưa đủ. “Sự thiếu hụt thân tàu” - sự khan hiếm tàu chiến và tàu hỗ trợ - là có thật. Ông Wicker chỉ ra rằng vào năm 2030, Trung Quốc sẽ có hạm đội 440 tàu chiến. Còn Hải quân Mỹ? Có lẽ là 290.

Ông Wicker đã đào sâu vào các chi tiết cụ thể của chiến tranh hải quân hiện đại, chẳng hạn như số lượng hệ thống phóng thẳng đứng mang tên lửa (VLS, còn được gọi là ô phóng thẳng đứng) mà các tàu Trung Quốc sẽ mang theo. Các bệ phóng này "là công cụ tấn công chính của bất kỳ lực lượng hải quân nào”. Theo một nghiên cứu gần đây, Bắc Kinh sở hữu nhiều bệ phóng thẳng đứng hơn cả Hoa Kỳ và các đồng minh cộng lại”.

Ông Wicker sau đó đã chỉ trích chương trình đóng tàu của chính quyền ông Biden là không thỏa đáng, đồng thời cáo buộc chương trình này “trao quyền kiểm soát Tây Thái Bình Dương cho nhà độc tài Tập Cận Bình và hạm đội của ông ta”.

Những lời lẽ “thô mà thật” và hành vi hung hăng của Trung Quốc đã chứng minh điều đó.

Hoa Kỳ nên làm gì để thu hẹp khoảng cách năng lực hải quân? Tuần tới, tác giả sẽ thảo luận về các khuyến nghị và lựa chọn khác của ông Wicker.

Quan điểm thể hiện trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Theo The Epoch Times

Lam Giang biên dịch

Tác giả Austin Bay là đại tá đã nghỉ hưu của Lực lượng Dự bị Quân đội Hoa Kỳ, là tác gia, là nhà báo, đồng thời là giảng viên về chiến lược và lý thuyết chiến lược tại Đại học Texas–Austin. Cuốn sách mới nhất của ông có tựa đề “Cocktails from Hell: Five Wars Shaping the 21st Century” (Cocktail từ địa ngục: 5 cuộc chiến định hình thế kỷ 21).



BÀI CHỌN LỌC

Hải quân Mỹ đối đầu với sự trỗi dậy của hải quân Trung Quốc như thế nào?