Khí cầu do thám của Trung Quốc đã bay khắp Đài Loan và Nhật Bản

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chương trình Panorama của đài BBC ngày 26/6 tiết lộ bằng chứng mới về chương trình khinh khí cầu do thám của Trung Quốc đang hoạt động ở châu Á, trong đó có nhiều bức ảnh cho thấy khinh khí cầu đã bay khắp Nhật Bản và Đài Loan.

Đài BBC đã hợp tác với công ty trí tuệ nhân tạo Synthetaic để thu thập một lượng lớn dữ liệu hình ảnh vệ tinh và phát hiện ra rằng nhiều bức ảnh cho thấy khinh khí cầu do thám Trung Quốc đã "bay khắp vùng Đông Á".

Người sáng lập Synthetaic, ông Corey Jaskolski, đã phát hiện ra bằng chứng cho thấy một quả khinh khí cầu đã bay qua miền bắc Nhật Bản vào đầu tháng 9/2021.

Đài BBC chỉ ra rằng hai bức ảnh do Cơ quan Khí tượng Đài Loan chụp cũng cho thấy một khinh khí cầu đã bay qua Đài Bắc vào cuối tháng 9/2021. Đài Bắc cho rằng đó là một khinh khí cầu thời tiết, nhưng sau khi so sánh chéo các bức ảnh với ảnh vệ tinh, các chuyên gia kết luận rằng bất kể xét về đường kính hay độ cao, khinh khí cầu này trông rất giống với quả khí cầu do thám đã bay qua lục địa Hoa Kỳ.

khinh khí cầu do thám trung quốc, vật thể bay không xác định, ufo
Các thủy thủ trục vớt một khinh khí cầu do thám tầm cao từ mặt nước ngoài khơi bờ biển Nam Carolina vào ngày 5/2. (Ảnh: Hải quân Hoa Kỳ)

Sự cố khí cầu từng ‘khuấy động’ quan hệ Mỹ - Trung

Cuối tháng 1/2023, một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc xuất hiện trên không phận nước Mỹ và sau đó bị bắn hạ ngoài khơi bờ biển nước này, sự cố từng gây ra căng thẳng chưa từng có trong quan hệ Mỹ - Trung. Vào thời điểm đó, chính quyền Trung Quốc cho biết thiết bị này là một "khinh khí cầu dân sự" đang tiến hành nghiên cứu khí tượng và "đã đi chệch khỏi lộ trình dự kiến" do bất ngờ bị gió thổi bay.

Tuy nhiên, chính quyền ông Biden đã thẳng thừng bác bỏ tuyên bố trên của Trung Quốc khi chỉ ra rằng những khinh khí cầu của Trung Quốc được trang bị để thu thập thông tin tình báo và khí cầu do thám được tìm thấy có "rất nhiều ăng-ten với chức năng định vị và thu thập thông tin”.

Hôm 3/2, Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ, Chuẩn tướng Pat Ryder, cho biết trong một cuộc họp báo rằng, "Chúng tôi hiểu rằng khinh khí cầu này đã vi phạm không phận Mỹ và luật pháp quốc tế, điều này là không thể chấp nhận được. Chúng tôi đã thông báo trực tiếp sự việc này tới quan chức Trung Quốc ở tất cả các cấp".

“Sự hiện diện của chiếc khinh khí cầu này trong không phận của Hoa Kỳ rõ ràng là vi phạm chủ quyền của Mỹ và luật pháp quốc tế. Điều này là không thể chấp nhận được”, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ nói với các phóng viên.

Hôm 5/2, Trung Quốc bày tỏ “sự bất bình và phản đối mạnh mẽ” trước việc Mỹ bắn hạ khinh khí cầu của nước này, đồng thời cho rằng, Washington đã “phản ứng thái quá” và “vi phạm nghiêm trọng thông lệ quốc tế”.

“Trung Quốc bày tỏ sự bất bình và phản đối mạnh mẽ việc Mỹ sử dụng vũ lực để tấn công thiết bị bay dân sự. Phía Trung Quốc đã nhiều lần thông báo cho Mỹ sau khi xác minh rằng khí cầu được sử dụng cho mục đích dân sự và [thiết bị này] tiến vào Mỹ với lý do bất khả kháng. Đó hoàn toàn là một tai nạn”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố đăng sáng 5/2, đài CNN đưa tin.

“Trung Quốc rõ ràng đã yêu cầu Mỹ xử lý vụ việc một cách bình tĩnh, chuyên nghiệp và kiềm chế. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ cũng tuyên bố rằng khinh khí cầu sẽ không gây ra mối đe dọa quân sự nào đối với lực lượng mặt đất”, tuyên bố cho hay.

“Trung Quốc sẽ kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty có liên quan, đồng thời bảo lưu quyền đưa ra các phản ứng cần thiết hơn nữa”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết thêm.

Sự cố khinh khí cầu do thám Trung Quốc hiện diện tại không phận Mỹ hồi đầu năm đã gây náo động chính trường Washington và khiến nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ, ông Antony Blinken, hủy chuyến thăm đến Bắc Kinh. Chuyến thăm này vốn được hy vọng sẽ hàn gắn mối quan hệ đang rạn nứt Mỹ - Trung.

Phía Bắc Kinh nói rằng phương tiện bay vào Mỹ là "khinh khí cầu dân sự, vì mục đích khoa học, và toàn bộ sự việc là không cố ý và đơn lẻ".

Đáp lại, ông John Culver, một cựu chuyên gia phân tích Đông Á của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), nói với chương trình Panorama rằng "đó không phải là một vụ việc đơn lẻ mà đã hoạt động cách đây 5 năm rồi". Ông tiết lộ rằng khinh khí cầu do thám của Trung Quốc được thiết kế đặc biệt cho các nhiệm vụ đường dài, và nhiều khả năng các phương tiện bay của Trung Quốc do kinh khí cầu chuyên chở đã "bay vòng quanh Trái Đất".

Tờ Washington Post trước đó dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết một trong những căn cứ khinh khí cầu do thám của Trung Quốc được đặt tại đảo Hải Nam và Bắc Kinh đã tìm kiếm các tiền đồn quân sự ở các quốc gia láng giềng trong một thời gian dài. Bài báo cho biết Trung Quốc đã cập nhật công nghệ tiên tiến cho các khí cầu do thám này nhằm giám sát các căn cứ quân sự gần đó của Đài Loan, Nhật Bản, Ấn Độ, Việt Nam và Philippines.

Vụ khinh khí cầu do thám Trung Quốc xâm phạm không phận Mỹ đã khiến các nước nâng cao cảnh giác về tác động của khinh khí cầu tầm cao đối với chủ quyền và an ninh quốc gia.

Đài Loan tuyên bố sẵn sàng bắn rụng khinh khí cầu Trung Quốc

Ngày 13/2, một quan chức quốc phòng Đài Loan cho biết, quân đội Đài Loan sẵn sàng bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc nếu chúng gây ra mối đe dọa đối với an ninh của hòn đảo. Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục gia tăng áp lực quân sự, ngoại giao và kinh tế đối với Đài Loan.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Bloomberg, ông Tôn Lập Phương (Sun Li-fang), phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết, Đài Loan sẽ áp dụng các biện pháp thích hợp đối với các mối đe dọa mới, "bao gồm cả việc bắn hạ các mối đe dọa, tùy theo mức độ quan ngại".

"Bộ Quốc phòng Đài Loan có các quy tắc [quy định về hành động] đáp trả quân sự và chúng tôi sẽ tiếp tục sửa đổi các quy tắc này một cách kịp thời để ứng phó với các mối đe dọa mới như khinh khí cầu do thám của Trung Quốc", ông Tôn Lập Phương nói với hãng tin này.

Tờ Financial Times đưa tin, Trung Quốc đã thả “hàng chục” khinh khí cầu do thám vào không phận Đài Loan trong những năm gần đây và những vụ xâm nhập như vậy diễn ra với tần suất ít nhất mỗi tháng một lần, theo lời các quan chức cấp cao Đài Loan giấu tên.

“Sự việc này diễn ra rất thường xuyên, lần gần nhất chỉ cách đây vài tuần”, một quan chức Đài Loan cho biết.

Theo phân tích của hãng tin Newtalk, Trung Quốc đã thực hiện hoạt động giám sát quân sự đối với Đài Loan trong một thời gian khá dài với việc các máy bay không người lái của Trung Quốc thường xuyên bay qua các căn cứ quân sự trên các hòn đảo xa xôi của Đài Loan.

Bài báo lập luận rằng mối đe dọa quân sự của Trung Quốc đối với Đài Loan không phải là mới mẻ. Ngoài việc tăng cường cảnh báo trước sự xâm nhập của quân đội Trung Quốc vào vùng nhận dạng phòng không, Đài Loan nên phản ứng kiên quyết nếu một khinh khí cầu tầm cao của Trung Quốc đi vào không phận Đài Loan, ngay cả khi điều đó có nghĩa là bắn hạ khinh khí cầu. Vì điều này liên quan đến chủ quyền và an ninh quốc gia, Đài Bắc phải có biện pháp đối phó thích hợp.

Huyền Anh tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Khí cầu do thám của Trung Quốc đã bay khắp Đài Loan và Nhật Bản