Chuyên gia: Sự cố khí cầu đẩy quan hệ Mỹ - Trung đến bờ vực, hâm nóng quan hệ Mỹ - Đài Loan

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, Vương Nghị, đã gọi việc Hoa Kỳ bắn hạ một khinh khí cầu do thám Trung Quốc là "lố bịch và cuồng loạn" trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken vào ngày 18/2. Điều này đã đẩy mối quan hệ Mỹ - Trung đến bờ vực sụp đổ, đồng thời hâm nóng mối quan hệ Mỹ - Đài Loan, mở đường cho một loạt các cuộc gặp cấp cao giữa hai nước này.

Khí cầu do thám Trung Quốc đã vi phạm không phận Mỹ khi bay qua nước này vào cuối tháng 1 trước khi bị quân đội Mỹ bắn hạ trên Đại Tây Dương vào đầu tháng 2. Vụ việc đã làm gia tăng căng thẳng giữa hai quốc gia. Kết quả là Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã hủy bỏ chuyến thăm dự kiến tới Trung Quốc.

Ngoại trưởng Antony Blinken phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich (MSC) 2023 ở Munich, Đức, ngày 18/2/2023. (Ảnh: Johannes Simon/Getty Images))

Chính quyền Trung Quốc vẫn khẳng định rằng khinh khí cầu nêu trên được thiết kế cho mục đích dân sự và đã bị gió thổi bay chệch hướng rồi mới "đi lạc" vào không phận Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Washington tuyên bố rằng đó chắc chắn là một khinh khí cầu do thám vì khung gầm khổng lồ của khí cầu này có gắn các thiết bị điện tử.

Theo các chuyên gia, sự cố khinh khí cầu đã đẩy sự tin tưởng lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc đến bờ vực sụp đổ, từ đó củng cố quan hệ Mỹ - Đài Loan.

Một vở kịch chính trị

Ông Vương Quân Đào (Wang Juntao), Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ Trung Quốc đề cập đến nhận xét gay gắt của ông Vương Nghị: “Tôi cho rằng giờ đây ông ấy đã cạn lời để biện minh cho sự cố khí cầu, và ông ấy chỉ đang diễn một vở kịch chính trị”.

Ông Vương Quân Đào nhấn mạnh rằng, ông Vương Nghị không nắm quyền chỉ huy và sẽ không có quyết định nào được đưa ra cho đến khi lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden có cuộc điện đàm chính thức.

"Ông Vương Nghị đã có sự chuẩn bị sẵn sàng khi đến [Hội nghị An ninh Munich], nhưng tôi tin rằng ông ấy đến đó để tạo cơ hội cho ông Tập Cận Bình. Nếu bây giờ ông Tập mềm mỏng hơn với Mỹ, Mỹ có thể coi thường ông ấy. Do đó, giờ đây ông Tập để cho ông Vương Nghị thách thức và gây khó dễ cho Hoa Kỳ".

Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Trung Quốc Vương Nghị phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich 2023 (MSC), ngày 18/2/2023 tại Munich, Đức. (Ảnh: Johannes Simon/Getty Images)

Ông Vương Quân Đào cũng là một nhà nghiên cứu khí cầu thời tiết. Ông nói với The Epoch Times rằng dữ liệu chính xác hơn về khí tượng học của Trung Quốc đang nằm trong tay quân đội của ĐCSTQ và được phân loại là tài nguyên chiến lược quốc gia.

"Những dụng cụ tốt hơn cũng nằm trong tay quân đội. Vì vậy, ngay cả khi đó là khinh khí cầu thời tiết có khả năng bay bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc và xuyên suốt không phận Hoa Kỳ, thì nó phải thuộc về quân đội chứ không phải thuộc về dân thường".

Ông Phạm Thế Bình (Shih-Ping Fan), một Giáo sư tại Khoa Nghiên cứu Đông Á, Đại học Sư phạm Quốc gia Đài Loan nói với The Epoch Times vào ngày 19/2 rằng chuyến thăm Bắc Kinh theo kế hoạch của ông Blinken vốn được coi là cơ hội để hàn gắn mối quan hệ Mỹ - Trung, "nhưng sự cố khinh khí cầu đã khiến Hoa Kỳ nảy sinh rất nhiều lo ngại và ngờ vực về ĐCSTQ. Sự tin tưởng lẫn nhau giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc hiện đang trên bờ vực sụp đổ".

Ông cho hay, ĐCSTQ vốn hy vọng rằng mối quan hệ Mỹ - Trung sẽ được cải thiện trước kỳ họp lưỡng hội của nước này vào tháng Ba. Tuy nhiên, khi những kỳ vọng đã được đáp ứng thì họ lại đổ lỗi cho Hoa Kỳ. Đó là kích động và thất vọng.

Kỳ họp lưỡng hội hầu như luôn dẫn đến một cuộc cải tổ trong giới chính trị tinh hoa của ĐCSTQ.

Ông Phạm Thế Bình giải thích: “Công chúng Hoa Kỳ có thể cho rằng giả thuyết về mối đe dọa của ĐCSTQ có phần hơi phóng đại. Tuy nhiên, sau sự cố khinh khí cầu, họ bắt đầu tin rằng ĐCSTQ là mối đe dọa đối với Hoa Kỳ”.

Ông cũng nhận định rằng, sự cố khinh khí cầu vô hình trung đã khiến công chúng Mỹ tăng sự đồng cảm và ủng hộ đối với Đài Loan, cũng như cải thiện mối quan hệ Mỹ - Đài Loan.

"Quan hệ Mỹ - Trung hiện nay khá lạnh nhạt, trong khi quan hệ Mỹ - Đài Loan đang nóng lên. Điều này đã tạo ra một sự tương phản rõ rệt".

Tổng thống Paraguay Mario Abdo Benitez (phải) và Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn duyệt đội danh dự trong lễ đón tại Văn phòng Tổng thống ở Đài Bắc vào ngày 16/2/2023. (Ảnh: Sam Yeh/AFP/Getty Images)

Sự cố khí cầu mở đường cho các chuyến viếng thăm cấp cao Mỹ - Đài Loan

Sau sự cố khi khinh khí cầu do thám Trung Quốc bị Mỹ bắn hạ hôm 4/2, quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc, ông Michael Chase, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng chuyên trách Trung Quốc, đã thực hiện chuyến thăm hiếm hoi tới Đài Loan vào ngày 17/2.

Chưa dừng lại ở đó, một phái đoàn lưỡng đảng do Dân biểu Hoa Kỳ Ro Khanna dẫn đầu đã đến thăm Đài Loan từ ngày 19/2 đến ngày 23/2.

Đặc biệt, hôm 21/2, Ngoại trưởng Đài Loan Ngô Chiêu Nhiếp (Joseph Wu) đã có chuyến thăm hiếm hoi tới Washington. Tại đây, ông đã có cuộc gặp với Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jon Finer và Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: Sự cố khí cầu đẩy quan hệ Mỹ - Trung đến bờ vực, hâm nóng quan hệ Mỹ - Đài Loan