Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đối mặt rủi ro nhiễm phóng xạ từ các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một tổ chức nhân quyền có trụ sở tại Seoul cho biết trong một báo cáo công bố vào thứ Ba (21/2) rằng bãi thử hạt nhân dưới lòng đất của Triều Tiên đã phát tán chất phóng xạ qua mạch nước ngầm, có thể gây nguy hiểm cho hàng chục nghìn người Triều Tiên cũng như người Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc.

Theo Chính phủ Mỹ và Hàn Quốc, từ năm 2006 – 2017, Triều Tiên đã bí mật tiến hành 6 vụ thử vũ khí hạt nhân tại xã Punggye-ri, nằm ở huyện Kilju, ở vùng núi của tỉnh Bắc Hamgyong.

Hàng trăm nghìn người có nguy cơ bị nhiễm phóng xạ

Nghiên cứu của “Nhóm Công tác Tư pháp Giai đoạn Quá độ” (Transitional Justice Working Group - TJWG) của Hàn Quốc cho biết, các chất phóng xạ có thể lan qua mạch nước ngầm đến 8 thành phố và quận ở gần địa điểm hạt nhân tại Punggye-ri, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hơn một triệu người Triều Tiên sinh sống ở vùng lân cận. Nguồn nước ngầm này được người dân sử dụng cho cuộc sống hàng ngày, bao gồm cả nước uống.

Báo cáo của nhóm có nhan đề: "Lập bản đồ về nguy cơ ô nhiễm nước ngầm và ảnh hưởng từ chất phóng xạ bãi thử hạt nhân xã Punggye-ri, Triều Tiên" (Mapping the Risk and Effect of Radioactive Contamination of Groundwater Sources from the Punggye-ri Nuclear Test Site in North Korea).

Theo hãng Reuters, báo cáo nhận định rằng vật chất phóng xạ rò rỉ từ bãi thử nghiệm Punggye-ri có thể lan rộng ra bên ngoài thông qua nguồn nước ngầm. Điều này đặt hàng trăm nghìn người dân sống ở gần đó nằm trong vùng ảnh hưởng.

Theo dữ liệu điều tra dân số năm 2008 của Triều Tiên, tổng dân số của 8 thành phố và quận là khoảng 1,08 triệu người.

Nếu giả định khoảng 50% trong tổng 1,08 triệu dân thuộc 8 thành phố và quận sống gần cơ sở hạt nhân này bị ảnh hưởng, thì con số sẽ là 540.000 người, nếu 25% bị ảnh hưởng thì số người là 270.000 người.

Báo cáo cũng cho thấy rằng các nước láng giềng Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản có thể gặp rủi ro một phần do các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản được nhập lậu từ Triều Tiên.

Được thành lập vào năm 2014, nhóm TJWG làm việc với các chuyên gia hạt nhân, chuyên gia y tế và những người đào tẩu Triều Tiên, đồng thời sử dụng thông tin tình báo nguồn mở và các báo cáo của chính phủ và Liên Hợp Quốc trong nghiên cứu của nhóm. Nghiên cứu được hỗ trợ bởi “Quỹ Dân chủ Quốc gia” (National Endowment for Democracy), một tổ chức phi lợi nhuận được tài trợ bởi Quốc hội Mỹ.

“Báo cáo này có ý nghĩa quan trọng trong việc chỉ ra rằng các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên có thể đe dọa quyền sống và sức khỏe của không chỉ người dân Triều Tiên mà còn của những người ở Hàn Quốc và các nước láng giềng khác”, trưởng nhóm và đồng tác giả Hubert Young-hwan Lee cho biết.

Trong hình ảnh tài liệu này do News1-Dong-A Ilbo cung cấp, địa điểm thử nghiệm hạt nhân Punggye-ri bị phá hủy vào ngày 24/5/2018 tại Punggye-ri, Triều Tiên. Triều Tiên đã tháo dỡ cơ sở thử nghiệm hạt nhân của họ tại Punggye-ri trước các phương tiện truyền thông quốc tế. (Ảnh: News1-Dong-A Ilbo/Getty Images)

Các nước láng giềng quan ngại

Vào năm 2015, cơ quan an toàn thực phẩm của Hàn Quốc đã phát hiện trong nấm nhím (hydnum repandum) nhập khẩu có mức độ đồng vị phóng xạ cesium cao gấp 9 lần mức tiêu chuẩn. Những loại nấm nhím này được bán dưới dạng sản phẩm của Trung Quốc, mặc dù nguồn gốc thực tế của chúng là từ Triều Tiên.

Trung Quốc và Nhật Bản đã tăng cường giám sát phóng xạ và bày tỏ lo ngại về khả năng phơi nhiễm sau các vụ thử hạt nhân trước đây của Triều Tiên nhưng không công khai cung cấp thông tin về thực phẩm bị nhiễm xạ.

Nhiều chuyên gia bên ngoài cũng bày tỏ lo ngại về những rủi ro sức khỏe tiềm ẩn từ nguồn nước bị ô nhiễm. Tuy nhiên, Triều Tiên đã bác bỏ những lo ngại đó (mặc dù không cung cấp bằng chứng), nói rằng không có rò rỉ vật chất nguy hại nào sau các vụ thử hạt nhân trước đây của họ.

Trong hình ảnh do News1-Dong-A Ilbo cung cấp, các thành viên của giới truyền thông đứng ở lối vào một đường hầm trước buổi lễ phá dỡ tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên vào ngày 24/5/2018 ở Punggye-ri, Triều Tiên.(Ảnh của News1-Dong-A Ilbo qua Getty Images)

Vào ngày 24/5/2018, Triều Tiên đã mời các phóng viên nước ngoài chứng kiến ​​việc nước này phá hủy một phần đường hầm tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri, tuy nhiên họ đã tịch thu máy dò phóng xạ của các phóng viên.

Kể từ năm 2018 trong bối cảnh quan hệ xuyên biên giới tan băng, Bộ Thống nhất của Seoul, cơ quan xử lý các vấn đề liên Triều, đã ngừng kiểm tra mức độ phơi nhiễm phóng xạ của những người đào tẩu.

Nhưng vào năm 2017 và 2018, khi 40 người Triều Tiên đào thoát khỏi khu vực xung quanh Punggye-ri được kiểm tra phóng xạ, cho thấy ít nhất 9 người trong số họ có biểu hiện bất thường. Tuy nhiên, Bộ Thống nhất của Seoul cho biết họ không thể xác định liệu có mối liên hệ trực tiếp nào với cơ sở hạt nhân hay không.

Báo cáo cho biết hơn 880 người Triều Tiên đã trốn thoát khỏi những khu vực này kể từ năm 2006.

Nhóm nhân quyền kêu gọi nối lại quá trình kiểm tra mức độ phơi nhiễm phóng xạ của những người đào thoát, đồng thời tổ chức cuộc điều tra quốc tế về rủi ro phóng xạ ở các cộng đồng lân cận khu hạt nhân Punggye-ri.

Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết họ sẽ xem xét khởi động lại hoạt động kiểm nghiệm phơi nhiễm phóng xạ nếu bất kỳ người đào tẩu nào báo cáo các vấn đề về sức khỏe và yêu cầu hỗ trợ về phơi nhiễm phóng xạ.

Seoul và Washington cho rằng Bình Nhưỡng có thể đang chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân lần thứ 7.

Một nghiên cứu cho thấy nước ngầm bị ô nhiễm và các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản nhập lậu 'có thể đe dọa quyền sống và sức khỏe' của hàng nghìn người.

Trung Quốc và Nhật Bản đã tăng cường giám sát bức xạ và bày tỏ lo ngại về khả năng phơi nhiễm sau 6 vụ thử hạt nhân trước đó của Triều Tiên.

Màn hình TV chiếu bản tin về một vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên, tại một nhà ga ở Seoul, Hàn Quốc, hôm 18/2/2023. (Ảnh: Anthony Wallace/AFP/Getty Images)

Triều Tiên vẫn tăng cường phóng tên lửa

Cảnh báo mới về bãi thử hạt nhân được đưa ra trong bối cảnh có dấu hiệu cho thấy Triều Tiên, một trong những quốc gia bị cô lập nhất thế giới, đang chuẩn bị nối lại các vụ thử vũ khí hạt nhân.

Năm 2017, người đứng đầu cơ quan thời tiết của Hàn Quốc nói với các nhà lập pháp ở Seoul rằng nếu Triều Tiên kích nổ một thiết bị hạt nhân mạnh khác tại Punggye-ri, sự việc có thể gây mất ổn định cho khu vực thử nghiệm trên núi và đủ để gây rò rỉ chất phóng xạ.

Triều Tiên đã phóng hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn vào vùng biển phía đông hôm thứ Hai (20/2), khiến Tokyo phải triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Động thái trên diễn ra trong bối cảnh em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, bà Kim Yo Jong, cảnh báo về việc có thể 'biến Thái Bình Dương thành trường bắn'.

Vụ phóng mới nhất diễn ra sau vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa hôm thứ Bảy (18/2) kèm theo những cảnh báo của Triều Tiên về việc sẽ tung đòn phản ứng mạnh mẽ chưa từng có đối với các cuộc diễn tập quân sự giữa Mỹ và Hàn Quốc mà Triều Tiên coi là cuộc diễn tập xâm lược.

Chỉ vài giờ sau vụ phóng tên lửa ngày 20/2, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết, Seoul đã đơn phương áp đặt các lệnh trừng phạt đối với 4 cá nhân và 5 thực thể liên quan đến các hoạt động bất hợp pháp hỗ trợ phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên và trốn tránh các lệnh trừng phạt.

Huyền Anh tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đối mặt rủi ro nhiễm phóng xạ từ các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên