Triều Tiên phóng tên lửa rơi vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản sau cảnh báo đáp trả Mỹ - Hàn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo giới chức Nhật Bản và Hàn Quốc, Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) xuống vùng biển nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản vào thứ Bảy (18/2), sau khi Bình Nhưỡng cảnh báo rằng các cuộc diễn tập quân sự Mỹ - Hàn sắp tới sẽ phải đối mặt với những phản ứng ‘mạnh mẽ và dai dẳng chưa từng có’.

Phát biểu với báo giới hôm 18/2, phát ngôn viên của chính phủ Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho biết, Triều Tiên "đã phóng một tên lửa đạn đạo ICBM" bay trong 66 phút trước khi hạ cánh xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, Yasukazu Hamada, nhận định rằng tên lửa có tầm bắn 8.700 dặm (14.000 km), tức là nó có khả năng vươn tới bất cứ nơi nào trên lục địa Mỹ.

Quân đội Hàn Quốc cho biết trong một tuyên bố rằng các nguồn tin tình báo đang phân tích kỹ lưỡng các thông số kỹ thuật chi tiết của tên lửa và đường bay của nó.

Tên lửa đạn đạo được Triều Tiên phóng vào khoảng 5 giờ 22 phút chiều (giờ địa phương) ngày 18/2 từ một địa điểm ở Sunan, gần sân bay quốc tế của Bình Nhưỡng và cũng là nơi quân đội Triều Tiên đã tiến hành phần lớn các vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa trong những năm gần đây, theo Bộ tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS).

Đài KCNA cho biết tên lửa ICBM bay 4.015 giây, xa 989 km, đạt tầm cao 5.768 km.

Họ tuyên bố thêm rằng tên lửa được phóng theo quỹ đạo cao để tránh bay qua các nước láng giềng.

Màn hình hiển thị chương trình truyền hình kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Triều Tiên tại Ga xe lửa Seoul, Hàn Quốc, hôm 9/2/2023 do hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin. (Ảnh: Chung Sung-Jun/Getty Images)

Mỹ: Vụ phóng không gây ra 'mối đe dọa tức thì’

Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ đã xác minh vụ phóng tên lửa của Triều Tiên nhưng tuyên bố rằng vụ phóng không gây ra "mối đe dọa tức thì" và Hoa Kỳ đang "tham vấn chặt chẽ" với các đồng minh gồm Nhật Bản và Hàn Quốc.

"Hoa Kỳ lên án mạnh mẽ các hoạt động này và kêu gọi Triều Tiên kiềm chế không có thêm hành vi bất hợp pháp và gây bất ổn hơn nữa”, theo một tuyên bố từ Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ.

"Mặc dù chúng tôi đã đánh giá rằng sự cố này không gây ra mối đe dọa tức thì đối với người dân, lãnh thổ của Hoa Kỳ hoặc các đồng minh của chúng tôi, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi tình hình. Cam kết bảo vệ Hàn Quốc và Nhật Bản của Hoa Kỳ vẫn được duy trì kiên định”.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết Tokyo đang hợp tác chặt chẽ với Washington và Hàn Quốc về vụ phóng, mà ông gọi là "hành động gây hấn làm gia tăng sự khiêu khích đối với trật tự quốc tế".

Vụ phóng tên lửa diễn ra sau khi Bộ Ngoại giao Triều Tiên cảnh báo Mỹ và Hàn Quốc sẽ phải đối mặt với những phản ứng "mạnh mẽ và dai dẳng chưa từng có" vào thứ Sáu (17/2), sau khi Hàn Quốc thông báo về một loạt cuộc tập trận quân sự với Mỹ nhằm nâng cao khả năng đối phó với các mối đe dọa ngày càng tăng của Triều Tiên.

Triều Tiên tiến hành một cuộc duyệt binh quy mô lớn phô diễn số lượng kỷ lục tên lửa đạn đạo liên lục địa và đầu đạn hạt nhân, trong đó có vũ khí mà các nhà phân tích cho rằng có thể là một tên lửa nhiên liệu rắn mới. Ảnh chụp màn hình tại Ga xe lửa Seoul, Hàn Quốc, hôm 9/2/2023. (Ảnh: Jung Yeon-je/AFP/Getty Images)

Vũ khí hạt nhân - Thanh kiếm báu của Triều Tiên

Vụ phóng tên lửa hôm 18/2 của Bình Nhưỡng là vụ đầu tiên kể từ vụ thử vũ khí tầm ngắn vào ngày 1/1. Vụ phóng này diễn ra sau khi Triều Tiên phô diễn vũ khí quân sự tại lễ duyệt binh quy mô lớn ở thủ đô Bình Nhưỡng.

Cuộc duyệt binh có sự xuất hiện của tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) được biết đến là lớn nhất của Triều Tiên, mang tên Hwasong-17. Ngoài ra, còn có tên lửa siêu thanh và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm.

Năm ngoái, Triều Tiên đã lập một kỷ lục mới về các cuộc thử nghiệm quân sự, khi phóng hơn 70 tên lửa đạn đạo, một số có khả năng vươn tới lục địa Mỹ.

Quốc gia này cũng đã tiến hành một loạt vụ phóng mà họ cho là mô phỏng các cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào các mục tiêu ở Hàn Quốc và Hoa Kỳ. Bình Nhưỡng tuyên bố rằng các vụ phóng là để trả đũa việc các đối tác nối lại các cuộc tập trận quân sự chung quy mô lớn, vốn đã bị thu hẹp trong những năm gần đây.

Triều Tiên đã tăng cường các cuộc tấn công hạt nhân, với việc Bình Nhưỡng thường xuyên đe dọa tấn công hạt nhân phủ đầu vào nước láng giềng phía nam và Hoa Kỳ vì nhận thấy các mối đe dọa đối với an ninh của nước này.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên, Kim Jong Un, đã kêu gọi "tăng theo cấp số nhân" năng lực hạt nhân của nước này. Ông ủng hộ việc sản xuất thêm các đầu đạn hạt nhân, sản xuất hàng loạt vũ khí hạt nhân chiến thuật trên chiến trường và phát triển các tên lửa đạn đạo liên lục địa tiên tiến hơn.

Triều Tiên cáo buộc Washington và Seoul lên kế hoạch tiến hành hơn 20 vòng tập trận quân sự và coi các đối thủ là "những tên tội cố ý phạm phá vỡ hòa bình và ổn định khu vực" trong một tuyên bố đưa ra hôm 17/2.

Chiến sự Ukraine đẩy Nhật Bản và Hàn Quốc cân nhắc phát triển vũ khí hạt nhân
Vụ phóng tên lửa đạn đạo Hwasong-12 từ một địa điểm không được tiết lộ ở Triều Tiên vào ngày 29/08/2017. (Ảnh: Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA)/STR/AFP qua Getty Images)

Triều Tiên: 'Tập trận chung Mỹ - Hàn sẽ phải đối mặt với phản ứng mạnh mẽ và dai dẳng chưa từng có'

Cáo buộc được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Hàn Quốc tiết lộ rằng vào giữa tháng 3, nước này sẽ thực hiện một khóa huấn luyện chung kéo dài 11 ngày trên máy tính với Mỹ để mô phỏng các mối đe dọa hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Thứ trưởng phụ trách chính sách quốc phòng của Hàn Quốc, Heo Tae-keun cũng cho biết, Washington và Seoul sẽ tiến hành các cuộc tập trận chung vào tháng 3 với quy mô lớn hơn so với những cuộc tập trận được tổ chức trong những năm gần đây.

Trong khi các đồng minh coi các cuộc tập trận quân sự giữa Mỹ và Hàn Quốc về bản chất là phòng thủ, thì Triều Tiên đã tố cáo đây là các cuộc tập trận cho một cuộc xâm lược tiềm tàng.

Trong khi Hoa Kỳ và Hàn Quốc đã giảm quy mô và số lượng các cuộc tập trận quân sự chung trong những năm gần đây để ủng hộ nỗ lực ngoại giao của cựu Tổng thống Donald Trump đối với Triều Tiên, thì cả Hàn Quốc và Nhật Bản gần đây đều tìm cách tăng cường năng lực phòng thủ của mình với lý do là để đối phó với mối đe dọa hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Trong một bước đột phá từ triết lý tự vệ tuyệt đối sau Thế chiến II, Nhật Bản đã công bố một kế hoạch an ninh quốc gia mới vào tháng 12/2022 bao gồm tên lửa hành trình và các cuộc tấn công phủ đầu.

Ngoài ra, Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền của Nhật Bản hôm 17/2 đã ủng hộ kế hoạch của chính phủ trong việc nới lỏng các hạn chế về việc sử dụng vũ khí quân sự đối với máy bay không người lái xâm phạm không phận Nhật Bản.

Mỹ công bố ảnh trục vớt khí cầu do thám Trung Quốc
Hải quân Mỹ đang tiến hành trục vớt xác khinh khí cầu do thám tầm cao của Trung Quốc ở ngoài khơi bờ biển Myrtle Beach, Nam Carolina, hôm 5/2/2023. (Ảnh: Hải quân Hoa Kỳ)

Nhật Bản 'bật đèn xanh', cho phép bắn hạ khinh khí cầu do thám

Hôm thứ Năm (16/2), Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã đề xuất cho phép Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) bắn hạ các khinh khí cầu và máy bay không người lái nước ngoài gây ra mối đe dọa cho đất nước và người dân Nhật Bản.

Điều này được đưa ra sau khi Bộ này tiết lộ vài ngày trước đó rằng họ "đặc biệt nghi ngờ" về việc các khinh khí cầu do thám của Trung Quốc đã nhiều lần bay qua không phận Nhật Bản trong những năm gần đây.

Ngày 8/2, chính quyền Nhật Bản tuyên bố nước này đang điều tra các sự cố trên không trong quá khứ. Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố Mỹ đang chia sẻ thông tin tình báo với hàng chục quốc gia sau khi phát hiện chương trình khinh khí cầu do thám của Trung Quốc nhắm vào ít nhất 40 quốc gia trên thế giới.

"Chúng tôi đã chia sẻ thông tin với hàng chục quốc gia trên thế giới”, ông Blinken cho biết vào thời điểm đó.

"Chúng tôi làm như vậy vì Hoa Kỳ không phải là mục tiêu duy nhất của chương trình khinh khí cầu do thám của Trung Quốc. Chương trình này đã vi phạm chủ quyền của các quốc gia trên khắp năm châu", Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh.

Ngày 13/2, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby cho biết chương trình khinh khí cầu do thám có liên quan đến quân đội Trung Quốc và nhắm vào "các đồng minh và đối tác thân cận nhất" của Mỹ, trong đó điển hình là Nhật Bản.

Theo tờ The Yomiuri Shimbun, chính sách mới được thông qua của Nhật Bản sẽ cho phép nước này sử dụng vũ khí để bắn hạ máy bay không người lái và khinh khí cầu gây nguy hiểm cho giao thông hàng không dân dụng, ngay cả khi làm như vậy không phải là hành vi tự vệ chính đáng.

Nhật Bản cho biết họ sẽ tính đến sự an toàn của công dân và các chuyến bay của máy bay dân sự trước khi phê chuẩn bất kỳ việc sử dụng vũ khí nào bắn hạ máy bay không người lái xâm phạm không phận nước này.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Triều Tiên phóng tên lửa rơi vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản sau cảnh báo đáp trả Mỹ - Hàn