Các nhà khoa học hồi sinh 'virus zombie' 48.500 năm tuổi trong băng, phát hiện nó vẫn có thể lây nhiễm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nghiên cứu của một các nhà khoa học quốc tế cho thấy sự tan băng vĩnh cửu có thể gây ra một mối đe dọa sức khỏe cộng đồng mới. 

Theo Fox News, trong một bài báo vẫn chưa được đánh giá ngang hàng được đăng lên kho lưu trữ bioRxiv, các nhà nghiên cứu người Pháp, Nga và Đức cho biết họ đã hồi sinh và phát hiện ra 13 virus “zombie" mới được phân lập từ 7 mẫu băng vĩnh cửu cổ đại khác nhau ở Siberia, Nga.

Trong đó, đáng chú ý là có một loại virus đã ngưng hoạt động và bị đóng băng trong gần 50.000 năm. Ngoài ra, các tác giả phát hiện ra rằng các mầm bệnh này vẫn có thể lây nhiễm sau hàng chục nghìn năm.

Vì mọi loại virus đều yêu cầu phát triển một loại vaccine, thuốc kháng virus hoặc một sự điều trị y tế cụ thể, nên bài báo cho biết lo ngại về nguy cơ các hạt virus cổ đại vẫn có thể lây nhiễm và lưu hành trở lại do sự tan chảy của các lớp băng vĩnh cửu cổ đại là điều hợp lý.

Hơn nữa, các tác giả đã viết rằng nguy hiểm sinh học liên quan đến việc hồi sinh các virus có trong nước, đất, chất thải và bụi này là "hoàn toàn không đáng kể" so với việc tìm kiếm virus cổ đại trực tiếp từ xác voi ma mút, tê giác lông mượt hoặc ngựa thời tiền sử được bảo quản trong băng vĩnh cửu.

Đồng thời, bài báo cho biết thêm rằng sự tan chảy của lớp băng vĩnh cửu có niên đại hơn 50.000 năm trong tương lai cũng có thể sẽ giải phóng thêm các loại virus chưa biết khác.

Các tác giả cảnh báo, một số "virus zombie" này có thể gây nguy hiểm cho con người. Và trên thực tế, việc lớp băng vĩnh cửu tan chảy đã từng cướp đi sinh mạng của con người.

Năm 2016, một trẻ em tử vong và hàng chục người phải nhập viện sau đợt bùng phát bệnh than ở Siberia. Các quan chức tin rằng đợt bùng phát bắt đầu do một đợt nắng nóng làm tan lớp băng vĩnh cửu và người ta khai quật được một xác tuần lộc bị nhiễm bệnh than trong đợt dịch từ nhiều thập kỷ trước.

Nhóm nghiên cứu cho biết thêm: "Những loại virus này có thể lây nhiễm trong bao lâu sau khi tiếp xúc với các điều kiện ngoài trời (ánh sáng cực tím, oxy, nhiệt độ) và khả năng chúng gặp và lây nhiễm một vật chủ phù hợp trong khoảng thời gian đó như thế nào vẫn chưa thể ước tính được. Nhưng rủi ro chắc chắn sẽ tăng lên trong bối cảnh trái đất nóng lên khiến quá trình tan băng vĩnh cửu sẽ tiếp tục tăng tốc và nhiều người sẽ đến Bắc Cực sinh sống sau các dự án công nghiệp”.

Ngoài ra,các nhà khoa học từ lâu đã cảnh báo rằng băng vĩnh cửu tan chảy sẽ góp phần gây ra biến đổi khí hậu do quá trình này cũng giải phóng các khí nhà kính bị mắc kẹt trong băng như khí mê-tan.

Văn Thiện



BÀI CHỌN LỌC

Các nhà khoa học hồi sinh 'virus zombie' 48.500 năm tuổi trong băng, phát hiện nó vẫn có thể lây nhiễm