Làm quan thanh liêm, sáng soi cùng nhật nguyệt

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhà tể tướng đơn sơ

Nơi ở của tể tướng Vương Đán hết sức đơn sơ. Tống Chân Tông lệnh cho quan phủ xây cất dinh thự mới.

Vương Đán rập đầu từ chối nói: ‘Đây là căn nhà của cha hạ thần để lại. Khi ấy chỉ đủ che gió tránh mưa, nay hạ thần đã tu sửa có phần hơi quá. Mỗi khi nhớ tới cha, hạ thần đều thấy xấu hổ trong lòng, đâu dám làm phiền tới triều đình nữa chứ?’

Làm quan thanh liêm có thể sáng soi cùng nhật nguyệt

Khi Dương Vạn Lý đảm nhiệm chức Huyện thừa huyện Linh Lăng (nay thuộc Hồ Nam), từng lấy thân phận như đệ tử để lễ bái Ngụy Quốc Công Trương Tuấn. Khi ấy, Trương Tuấn vừa bị biếm chức đi xa, tâm tình phiền muộn, nên đóng cửa từ chối tiếp kiến Dương Vạn Lý.

Dương Vạn Lý lại thỉnh cầu Trương Thức (1133~1180, tự Kính Phu) giới thiệu, chờ mấy ngày sau mới được tiếp kiến.

Dương Vạn Lý quỳ xuống xin thỉnh giáo, Trương Tuấn nói với ông: ‘Những quý nhân, hào phú tôn quý trong những năm Nguyên Phù thời Triết Tông (1098~1100), tới nay còn mấy người vẫn sống? Chỉ có danh tính của Trâu Chí Nguyên là còn lưu vào dòng sử, có thể cùng nhật nguyệt sáng soi!’

Dương Vạn Lý nghe những lời ấy, khắc cốt ghi tâm, cả đời làm quan thanh liêm chính trực.

Chú thích: Trâu Chí Nguyên người Bắc Tống, tên là Hạo, tự Chí Nguyên. Đỗ tiến sĩ năm Nguyên Phong, làm quan tới chức Hữu Chính Ngôn thời Triết Tông. Thời Huy Tông nhậm chức Binh Bộ Thị Lang, Long Đồ Các Trực Học Sĩ. Làm quan thanh liêm chính trực. Có tác phẩm “Đạo hương tập” nên thế nhân gọi ông là Đạo Hương tiên sinh.

Nguồn gốc câu thành ngữ ‘Châu về Hợp Phố’

Mạnh Thường thời Đông Hán (là danh nhân, không phải là Mạnh Thường Quân), người Thượng Ngu, tự Bá Chu. Ông được thăng làm Thái thú quận Hợp Phố (nay thuộc Quảng Tây).

Địa khu Hợp Phố không trồng lương thực, nhưng ở biển có nhiều châu ngọc, đường thủy thông với quận Giao Chỉ.

Thái thú trước ông tham lam vô đáy, lệnh khai thác, cướp bóc cạn kiệt trân châu, thế là trân châu dần dần dời đi, sang địa giới Giao Chỉ. Do vậy mà các thương khách không đến Hợp Phố nữa, dẫn đến bách tính vùng đó mất kế sinh nhai.

Mạnh Thường sau khi nhậm chức liền cho trừ bỏ tệ nạn cũ, hết lòng thương dân, làm quan liêm chính.

Thực thi chưa đầy một năm sau, nguồn trân châu lại được phục hồi, thương lái lưu thông, kinh tế phồn vinh.

Do vậy, dân chúng coi ông như một vị Thần làm lên kỳ tích ‘Châu về Hợp Phố’, tiếng lành đồn xa, sau này trở thành câu thành ngữ nhiều người biết đến.

“Độc lập sứ quân”

Bùi Hiệp là người huyện Giải thời Bắc Tống (nay là Vận Thành Nam, Sơn Tây), tự Tung Hòa. Làm quan tới chức Công Bộ Trung Đại Phu. Được tiếng là vị quan thanh liêm cần kiệm.

Từ khi ông nhậm chức Thái thú quận Hà Bắc (trị sở nay là Bình Lục, Sơn Tây), nghiêm cách yêu cầu bản thân thực hành tiết kiệm, thức ăn hàng ngày chỉ có đậu, mạch cùng chút dưa muối.

Một lần, Bùi Hiệp cùng các quan châu quận bái yết Vũ Văn Thái - Văn đế Bắc Chu. Văn Đế lệnh cho Bùi Hiệp đứng riêng ra một chỗ, rồi nói với chúng thần: ‘Bùi Hiệp làm quan thanh liêm chính trực, xứng đáng là bậc nhất trong thiên hạ, trong số các khanh, ai có đủ liêm trực như ông ấy thì có thể đứng đó cùng với Bùi Hiệp.’

Quần thần đứng chôn chân tại chỗ, trầm mặc không lời.

Từ đó về sau, Bùi Hiệp được thế nhân tôn kính gọi ông là ‘Độc lập sứ quân’ (vị sứ quân đứng một mình).

Lễ vật là một đôi giày vải

Lý Viễn Am thời nhà Minh, làm quan thanh liêm, sinh hoạt cần kiệm, ngoài lương bổng triều đình, không tơ hào một chút.

Trịnh Đạm Tuyền là một môn sinh đắc ý của Lý Viễn Am, làm quan nhiều năm ở Nam Kinh, mỗi dịp năm mới, đều tới thăm thầy, thành kính thăm hỏi, nhưng chỉ là nhưng câu hỏi thăm xã giao, chứ không dám dâng thầy lễ vật.

Vào một buổi chiều, Trịnh Đạm Tuyền ngồi cùng thầy Lý trò chuyện rất lâu. Trong ống tay áo ông có giấu một đôi giày vải, do dự hồi lâu vẫn chưa dám đưa ra.

Lý Viễn Am phát hiện ra, hỏi: ‘Tay áo con giấu cái gì vậy?’

Trịnh Đạm Tuyền đáp: ‘Hiền thê nhà con, biết thầy sống thanh khổ, tự tay khâu đôi giày vải, bảo con mang tới biếu thầy.’

Lý Viễn Am bèn nhận đôi giày vải, xỏ ngay vào chân, lễ vật ông nhận trong cả cuộc đời mình, chỉ có một đôi giày vải này mà thôi!

Ngọc dạ quang, ai có thể làm bẩn được?

Trần Vô Kỷ, người Bành Thành thời Bắc Tống (nay là Từ Châu, Giang Tô), tên Sư Đạo, tự Vô Kỷ. Từng nhậm chức Thái học bác sĩ, Mật thư tỉnh chính tự. Ông làm quan vô cùng thanh liêm chính trực, về sau vì kiên định không nhận ban tặng, bị rét cóng mà chết. Tác phẩm để lại có “Hậu sơn tập”, “Hậu sơn thi thoại”…

Phó Nghiêu Dũ (xem chú thích) biết Trần Vô Kỷ sinh hoạt bần khổ, từng mang bạc tiền chuẩn bị tới giúp, nhưng sau khi cùng Trần Vô Kỷ đàm thoại, thì không dám đưa bạc ra nữa.

Ôi! Ngọc dạ quang sở dĩ có thể phát sáng trong đêm tối, không phải bởi ở cự ly gần, mà bởi bản thân tự có ánh quang. Làm người như Trần Vô Kỷ, ai có thể làm ô nhiễm được ông đây?

Chú thích: Phó Nghiêu Dũ người Bắc Tống. Từng nhậm chức Giám sát ngự sử, Trung thư thị lang. Tư Mã Quang khen ngợi ông là người có đủ ba đức lớn: Thanh khiết, chính trực, dũng cảm, hiếm thấy trên đời.

(Theo “Tạc phi am nhật toản” của Trịnh Tuyên thời nhà Minh).

Chuyển tải từ mạng Chánh Kiến

Lục Chân - Epoch Times
Thái Bình biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Làm quan thanh liêm, sáng soi cùng nhật nguyệt