Lời khuyên khi đầu tư chứng khoán: Tin tưởng vào quỹ chỉ số và đừng hy vọng đánh bại thị trường

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong cuộc sống, bạn thường muốn trở nên giỏi hơn hầu hết mọi người… Nhưng sau khi đọc hết bài viết này, bạn nên muốn mình ở mức trung bình khi nói đến đầu tư chứng khoán!

Bạn nên hài lòng với mức lợi nhuận trung bình trong đầu tư chứng khoán! Tốt hơn là đạt được hiệu suất ngang với thị trường chứ không phải là đánh bại thị trường. Trong cuộc sống, bạn thường muốn trở nên giỏi hơn hầu hết mọi người… Nhưng sau khi đọc hết bài viết này, bạn nên muốn mình ở mức trung bình khi nói đến đầu tư chứng khoán!

Xin hãy tập trung

Phần tiếp theo có thể không phải là phần thú vị nhất của cuốn sách, nhưng chúng có thể là phần quan trọng nhất, vì vậy… hãy tập trung.

Trong lịch sử, lợi nhuận trên thị trường chứng khoán Mỹ trung bình đạt khoảng 8,5% hàng năm. Vì vậy, như bạn đã thấy từ ví dụ lãi kép, cuốn sách này sẽ sử dụng 8,5% làm mức trung bình. Điều đó không có nghĩa là không có sự xê dịch trong các năm, nhưng về lâu dài, 8,5% là mức trung bình gần đúng. [Bài viết này sử dụng góc nhìn của một nhà phân tích Mỹ].

Đầu tư chủ động

Tất cả các nhà đầu tư đều có quyền lựa chọn phong cách đầu tư khi cố gắng đạt được hoặc vượt qua mức trung bình đó: chủ động hoặc thụ động. “Đầu tư chủ động” là một chiến lược trong đó một quỹ đầu tư (hoặc người quản lý quỹ) cố gắng đạt kết quả vượt trội hơn thị trường; mục tiêu của quản lý chủ động là đánh bại thị trường hoặc một tiêu chuẩn cụ thể. Chiến lược này dành cho những người nghĩ rằng họ thông minh hơn những người khác.

Đầu tư thụ động

“Quản lý thụ động” hoặc “đầu tư theo chỉ số” là một phương pháp đầu tư trong đó mục tiêu của quỹ là sánh ngang với kết quả hoạt động của thị trường (hoặc sánh ngang với kết quả của một lĩnh vực, ngành hoặc khu vực cụ thể trong toàn bộ thị trường), càng tương đương càng tốt, hơn là cố gắng đánh bại nó. Việc đầu tư theo chỉ số thực hiện điều này bằng cách đầu tư vào cùng một loại chứng khoán theo tỷ lệ giống như thị trường hoặc lĩnh vực. Có hàng ngàn quỹ chỉ số có sẵn để theo dõi các thị trường, lĩnh vực, ngành công nghiệp hoặc khu vực cụ thể. Các chỉ số đại diện cho các mức tiêu chuẩn. Ví dụ về các chỉ số của Mỹ mà bạn thấy trên TV hoặc trực tuyến là:

  • Trung bình Công nghiệp Dow Jones (đại diện cho 30 công ty lớn nhất và nổi tiếng nhất tại Mỹ)
  • Standard & Poor’s (S&P) 500 (đại diện cho 500 công ty lớn nhất Mỹ)
  • Russell 2000 (đại diện cho các công ty nhỏ nhất ở Mỹ)
  • Nasdaq Composite (theo dõi các công ty niêm yết trên Nasdaq, nghiêng về các công ty công nghệ)
  • Wilshire 5000 (đây là chỉ số toàn thị trường của Mỹ bao gồm tất cả các công ty)
  • EAFE (đại diện cho các thị trường quốc tế “châu Âu, châu Úc và Viễn Đông”)

Cuốn sách này nhằm mục đích thuyết phục bạn rằng bạn nên tuân theo chiến lược đầu tư thụ động. Các chuyên gia khuyên các nhà đầu tư rằng không thể liên tục đánh bại thị trường mà không làm tăng rủi ro. Ý tưởng này được gọi là "giả thuyết thị trường hiệu quả" - nó nói rằng bản thân thị trường là hiệu quả và hoạt động của nó dựa trên tất cả thông tin về cổ phiếu có sẵn, vì vậy việc đánh bại thị trường mà không chịu thêm rủi ro là điều không thể.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng có một số điểm bất thường (những điều khác với những gì bình thường hoặc dự kiến) trên thị trường có thể tạo cơ hội để đánh bại thị trường trong thời gian ngắn - nhưng về lâu dài thì thị trường vẫn sẽ hoạt động hiệu quả.

Từ “liên tục” ở trên được nhấn mạnh vì đó là điểm mấu chốt. Trong bất kỳ khoảng thời gian nhất định nào, hoặc thậm chí trong một ngày, ai đó có thể chọn một cổ phiếu và đánh bại thị trường… nhưng người đó sẽ phải làm điều đó ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, để thực sự vượt lên dẫn đầu. Một giao dịch, một ngày hoặc thậm chí một năm không khiến ai đó trở thành một nhà đầu tư thành công.

Biểu đồ bên dưới cho thấy các quỹ theo chỉ số thụ động đánh bại các quỹ được quản lý chủ động như thế nào trong khoảng thời gian 5 năm (biểu đồ này cho thấy 5 năm kết thúc vào năm 2017, nhưng kết quả sẽ tương tự trong gần như bất kỳ khoảng thời gian 5 năm nào). Tỷ lệ phần trăm cho thấy có bao nhiêu quỹ được quản lý chủ động đánh bại tiêu chuẩn cho danh mục của họ. Và, nhân tiện, những kết quả này hiển thị tất cả các quỹ, ngay cả các quỹ đã đóng cửa trong khoảng thời gian đó. (Kết quả của họ có thể tệ đến mức họ phá sản – quá tệ đối với những người nghĩ rằng họ thực sự thông minh hơn thị trường và đã đầu tư vào những quỹ đó.)

Lời khuyên khi đầu tư chứng khoán: Tin tưởng vào quỹ chỉ số và đừng hy vọng đánh bại thị trường
Biểu đồ: Tỷ lệ phần trăm các quỹ chủ động có thể đánh bại mức tiêu chuẩn trong 5 năm kết thúc vào 2017. Cột màu xanh lá cây: khu vực vốn hóa lớn. Cột màu vàng: khu vực vốn hóa vừa. Cột màu đỏ: khu vực vốn hóa thấp. Cột màu tím: khu vực quốc tế. Cột màu xanh dương: thị trường mới nổi. Cột màu vàng: bất động sản. (Ảnh: Rob Pivnick)

Các số liệu thống kê chính xác khác nhau tùy thuộc vào năm và loại tài sản, nhưng trung bình, khoảng 70–90% quỹ không thể đánh bại thị trường. Chỉ 10–30% quỹ có thể đánh bại thị trường năm này qua năm khác.

Đừng cố gắng phán đoán sự lên xuống của thị trường

Cách tiếp cận đầu tư thụ động cũng có nghĩa là bạn cũng không nên cố gắng đầu tư dựa trên việc phán đoán sự lên xuống của thị trường. Nhiều người có thể cố gắng thuyết phục bạn rằng bạn có thể tham gia thị trường vào những thời điểm thuận lợi… và thoát ra trước những thời điểm tồi tệ… sau đó quay trở lại trước đợt tăng giá tiếp theo. Họ sẽ nói rằng không nên đầu tư vào mọi thời điểm. Thập kỷ đầu tiên của những năm 2000 có rất nhiều thăng trầm, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi một số người không ủng hộ chiến lược mua và nắm giữ cổ phiếu. Nhưng câu hỏi mà bạn phải tự hỏi mình là “Bạn có nghĩ rằng mình đủ thông minh để tính toán diễn biến của thị trường không?” Câu trả lời là không. Nếu bạn là một nhà đầu tư dài hạn, bạn không nên cố gắng xác định chu kỳ lên xuống của thị trường.

Trên thực tế, hầu hết các nhà đầu tư bỏ lỡ những thời điểm tốt chính xác bởi vì họ tham gia và rút khỏi thị trường không đúng thời điểm vì họ nghĩ rằng họ có thể tính toán sự lên xuống. Trong khoảng thời gian 20 năm kết thúc vào năm 2017, các nhà đầu tư chứng khoán chỉ kiếm được 5% một năm do việc xác định thời điểm một cách tệ hại, thấp hơn gần 4% so với chiến lược mua và nắm giữ (và mức trung bình lịch sử của thị trường).

Nhưng nếu bạn có thể tránh được những ngày tồi tệ thì sao? Nếu bạn nghĩ rằng bạn có thể xác định sự lên xuống của thị trường và bỏ qua tất cả những ngày tồi tệ, thì đó đúng là một viễn cảnh tươi đẹp. Nhưng nếu bạn thoát khỏi thị trường không đúng thời điểm, bạn cũng sẽ bỏ lỡ những đợt phục hồi lớn. Nếu bạn bỏ lỡ chỉ 10 ngày tốt nhất trong cùng khoảng thời gian 20 năm trên, lợi nhuận trung bình hàng năm của bạn sẽ giảm xuống còn 3,5%. Bỏ lỡ 30 ngày tốt nhất và bạn sẽ chịu lỗ.

Hầu như các nhà đầu tư không thể dự đoán thành công thị trường để nắm bắt những giai đoạn tốt và tránh giai đoạn xấu. Hãy nhớ rằng, các chuyên gia có nhiệm vụ làm việc này và được trả tiền cho việc đó cũng không thể làm được điều này 70 - 90% thời gian! Tại sao bạn nghĩ bạn có thể làm được? Tuy nhiên, để chắc chắn, nếu bạn nghĩ rằng mình thông minh hơn thị trường và tất cả những chuyên gia đó, thì ít nhất hãy biết bạn đang đi ngược lại điều gì và đưa ra quyết định lý tính nếu muốn trở thành một nhà đầu tư chủ động. Và đừng quên… phí giao dịch sẽ làm giảm lợi nhuận của bạn nhiều hơn khi bạn tiến hành giao dịch liên tục.

Cắt giảm chi phí của quỹ

Hy vọng rằng bạn tin rằng cố gắng đánh bại thị trường là một trò chơi ngu ngốc. Vì vậy, hãy tiến thêm một bước và tìm cách tăng lợi nhuận nhiều hơn nữa. Chúng ta làm điều này bằng cách loại bỏ hoặc giảm các khoản phí phải trả cho các quỹ.

Trong cuộc sống, người ta thường nói rằng “tiền nào của nấy”. Điều này KHÔNG áp dụng cho đầu tư chứng khoán! Các quỹ chi phí thấp hơn thực sự hoạt động tốt hơn các quỹ chi phí cao hơn. Mỗi USD trả thêm cho phí quản lý hoặc hoa hồng giao dịch chỉ đơn giản là một USD bị lãng phí.

Lời khuyên khi đầu tư chứng khoán: Tin tưởng vào quỹ chỉ số và đừng hy vọng đánh bại thị trường
Biểu đồ: so sánh kết quả sau 30 năm của khoản đầu tư 100.000 USD với lợi tức 8,5%. Đường màu đen: quỹ không phải trả phí. Đường màu xanh dương: quỹ tính phí 0,25%. Đường màu đỏ: quỹ tính phí 1,25%. Trục ngang: số năm. Cột dọc: số tiền thu được. (Ảnh: Rob Pivnick)

Biểu đồ trên đây cho thấy chi phí ảnh hưởng đến lợi tức đầu tư như thế nào. Biểu đồ cho thấy mức tăng trưởng trong 30 năm của khoản đầu tư 100.000 USD với giả định lợi nhuận hàng năm là 8,5%. Đường màu đen hiển thị lợi nhuận cho quỹ mà chúng ta không phải trả bất kỳ khoản phí nào; đường màu xanh lam cho thấy các quỹ chi phí thấp chỉ tính phí 0,25% (mức trung bình đối với các quỹ thụ động); và đường màu đỏ đại diện cho tỷ lệ chi phí cao hơn là 1,25% (đây cũng là mức chi phí trung bình đối với các quỹ được quản lý chủ động). Bạn sẽ lãng phí gần 280.000 USD khi đầu tư vào các quỹ có chi phí cao hơn so với các quỹ chỉ số chi phí thấp!! [quỹ chủ động so với quỹ thụ động] Vì vậy, bạn có thể tăng lợi nhuận của mình bằng cách đánh bại thị trường, nếu bạn nghĩ mình có thể. Hoặc bạn có thể giảm chi phí của bạn. … Hãy quyết định cái nào dễ hơn! Liệu bạn có đủ kỹ năng để đánh bại thị trường khi đa phần các chuyên gia đều không thể làm điều đó trong thời gian dài (thậm chí có kết quả chỉ ngang với một chú khỉ bị bịt mắt)?

Các quỹ được quản lý chủ động cuối cùng quay trở lại mức trung bình nhưng họ tính phí cao hơn nhiều. Các quỹ chỉ số tính phí thấp hơn nhiều so với các quỹ được quản lý chủ động và chúng cũng mang lại mức lợi nhuận trung bình của thị trường. Vì vậy, nếu tất cả các khoản đầu tư cuối cùng đều tạo ra lợi nhuận như nhau, tại sao bạn phải trả nhiều tiền hơn cho các quỹ được quản lý chủ động? Sử dụng quỹ chỉ số/đầu tư thụ động sẽ giúp bạn kiếm được nhiều tiền hơn vì nó mang lại lợi nhuận tương tự như đầu tư chủ động với chi phí thấp hơn nhiều.

Chi phí không đi cùng hiệu quả hoạt động

Một biểu đồ cuối cùng để nhấn mạnh quan điểm rằng không phải lúc nào bạn cũng nhận được những gì tương ứng với số tiền của bạn. Các cột màu đỏ biểu thị các quỹ có chi phí cao nhất và các cột màu xanh lam biểu thị các quỹ có chi phí thấp nhất cho các loại tài sản khác nhau trong khoảng thời gian mười năm kết thúc vào năm 2017. Trong mọi danh mục, quỹ chi phí thấp có kết quả tốt hơn quỹ chi phí cao!

Lời khuyên khi đầu tư chứng khoán: Tin tưởng vào quỹ chỉ số và đừng hy vọng đánh bại thị trường
Biểu đồ: lợi nhuận hàng năm của 2 loại quỹ cho 10 năm kết thúc vào năm 2017. Cột màu đỏ: quỹ tính phí cao nhất (¼ cao nhất). Cột màu xanh: quỹ tính phí thấp nhất (¼ thấp nhất). Các lĩnh vực trên trục ngang lần lượt là: cổ phiếu vốn hóa cao, cổ phiếu vốn hóa trung bình, cổ phiếu vốn hóa thấp, trái phiếu lợi tức cao, trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp. (Ảnh: Rob Pivnick)

Bài học 1: Đầu tư theo chỉ số; đừng là một kẻ ngốc và cố gắng đánh bại thị trường!

Bài học 2: Đừng cố gắng xác định sự lên xuống của thị trường—bạn không thể! Mua và nắm giữ cổ phiếu là chiến lược dài hạn tốt nhất.

Bài học 3: Đừng chạy theo lợi nhuận - Duy trì chiến lược đầu tư đa dạng

Bạn không nên kỳ vọng rằng kết quả trong quá khứ của một khoản đầu tư từ năm ngoái sẽ tiếp tục trong năm tới. Trên thực tế, hầu hết các cổ phiếu và quỹ đánh bại thị trường trong quá khứ thường sẽ không làm được như vậy trong tương lai.

Bài học 4: Thị trường luôn trở lại mức trung bình.

Bài học 5: Giảm thiểu chi phí, đầu tư vào các quỹ chỉ số chi phí thấp.

Đoạn trích này được lấy từ cuốn sách “Hướng dẫn Đầu tư dành cho Thanh niên: Hướng dẫn Thực tế về Tài chính để Giúp Thanh niên Lập kế hoạch, Tiết kiệm và Tiến lên” của tác giả Rob Pivnick.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả Rob Pivnick là một nhà đầu tư, doanh nhân, luật sư, nhà đầu tư bất động sản nhà ở và người ủng hộ truyền bá kiến thức tài chính. Tác giả Rob điều hành công ty luật của riêng mình và trước đây là Tổng Cố vấn cho một công ty đầu tư bất động sản tư nhân và đã làm việc tại một công ty luật trong danh sách AmLaw 200 cũng như một đơn vị nội bộ tại Goldman Sachs and Co.



BÀI CHỌN LỌC

Lời khuyên khi đầu tư chứng khoán: Tin tưởng vào quỹ chỉ số và đừng hy vọng đánh bại thị trường