Mất cân bằng giới tính: Việt Nam sẽ dư thừa 1,5 triệu nam giới vào năm 2023

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam năm 2022 ở mức cao, khoảng 113,7 bé trai trên 100 bé gái, được Tổng Cục Dân số đánh giá là "nghiêm trọng". Dự kiến Việt Nam sẽ có 1,5 triệu nam giới "dư thừa" vào năm 2034 và có thể lên tới 4,3 triệu vào năm 2050 nếu không giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

Theo Tổng Điều tra dân số năm 2022 do Tổng cục Thống kê thực hiện cho thấy tỷ lệ giới tính khi sinh là 113,7 bé trai/100 bé gái, năm 2020 là 112,1 bé trai/100 bé gái, năm 2019 là 111,5. Như vậy tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang tiếp tục tăng. Tình trạng mất cân bằng giới ở Việt Nam tuy muộn hơn so với các nước nhưng tăng nhanh và lan rộng.

Hiện cả nước có 21 tỉnh, thành phố có tỷ số giới tính khi sinh cao hơn mức trung bình cả nước, như Sơn La (117), Nghệ An (116,6), Hà Nội (112)… Trong khi đó, nhiều tỉnh miền Tây Nam Bộ có tỉ số dưới 108.

Theo thông tin được ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng Cục trưởng Dân số, Bộ Y tế cho biết tại Kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam. Hiện tại tại nhiều địa phương, sự chênh lệch giới tính khi sinh cao hơn bình quân cả nước.

Nguyên nhân khiến chênh lệch giới tính khi sinh tăng do tâm lý của mỗi gia đình thích con trai và mong có con trai. Các gia đình này lạm dụng công nghệ khoa học và hiện tại pháp luật chưa thực thi nghiêm, làm trầm trọng tình trạng này.

Giới chuyên gia dự báo nếu tình trạng này không được giải quyết thì dự kiến Việt Nam sẽ có 1,5 triệu nam giới "dư thừa" vào năm 2034 và có thể lên tới 4,3 triệu vào năm 2050. Điều này sẽ tác động trực tiếp, sâu sắc vào cơ cấu dân số và dẫn đến những hệ lụy sâu rộng, lâu dài cho các vấn đề xã hội.

Việc mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ để ảnh hưởng xấu, nghiêm trọng tới cấu trúc dân số Việt Nam trong tương lai. Ngoài ra, tác động của hiện tượng này liên quan đến quá trình hình thành và cấu trúc gia đình, đặc biệt là hệ thống hôn nhân.

Nam giới trẻ tuổi sẽ bị dư thừa so với nữ do tỷ lệ nữ giới đang giảm dần trong cùng một thế hệ và kết quả là họ có thể phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng khi tìm kiếm bạn đời. Nam giới có thể trì hoãn hôn nhân hoặc gia tăng tỷ lệ sống độc thân do tình trạng thiếu phụ nữ trong độ tuổi kết hôn.

Hiện tại công tác dân số đang đối mặt với nhiều thách thức lớn. Tuổi thọ bình quân của người Việt Nam tăng nhanh đạt 73,6 tuổi vào năm 2021, cao hơn mức trung bình trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, số năm trung bình sống khỏe mạnh chỉ 64 tuổi. Tầm vóc, thể lực của người Việt chậm cải thiện. Chất lượng dân số thấp, phân bố dân số và quản lý di cư còn nhiều bất cập, dân số già nhanh...

Lý Ngọc tổng hợp

Việt Nam Xã hội

Mất cân bằng giới tính: Việt Nam sẽ dư thừa 1,5 triệu nam giới vào năm 2023