Chiến tranh thông tin: Trọng tâm trong quá trình tái cấu trúc quân đội Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong tiến trình cải tổ quân đội, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang hướng tới việc củng cố vị thế cạnh tranh với Hoa Kỳ trên lĩnh vực chiến tranh thông tin.

Năm 2023 đã diễn ra những điều chỉnh nhân sự quan trọng của ĐCSTQ, tập trung vào các vị trí lãnh đạo cấp cao. Nổi bật là việc miễn nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc và Tư lệnh Lực lượng Tên lửa Chiến lược Ngụy Phượng Hòa.

Bên cạnh đó, chỉ riêng trong tháng 12/2023, đã có 9 quan chức cấp cao liên quan đến lĩnh vực mua sắm quốc phòng và Lực lượng Tên lửa bị miễn nhiệm.

Năm nay, Quân Giải phóng Trung Quốc (PLA) đang tiến hành đợt tái cơ cấu toàn diện nhằm nâng cao hiệu quả chiến đấu. Điều này tiềm ẩn những rủi ro an ninh đáng kể đối với Hoa Kỳ, Đài Loan và các quốc gia khác bị ĐCSTQ nhắm mục tiêu.

Một trong những biến động quan trọng nhất năm nay là việc giải thể Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược (SSF). Được thành lập trong đợt cải cách quân đội năm 2015, SSF đã sáp nhập các năng lực chiến tranh không gian, mạng, điện tử và tâm lý của PLA.

Thay thế SSF sẽ là Lực lượng Hỗ trợ Thông tin (ISF) mới được thành lập. Theo mô tả của Thời báo Hoàn Cầu, cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc, ISF đóng vai trò "then chốt trong việc thúc đẩy trình độ phát triển cao của quân đội và giành chiến thắng trong chiến tranh hiện đại”.

ISF được giao phó nhiệm vụ mở rộng, bao gồm tác chiến lấy mạng lưới làm trung tâm, tác chiến điện tử, hoạt động thông tin, cũng như các hoạt động tác chiến không gian và phòng thủ không gian.

Theo phát ngôn viên Ngô Khiêm của PLA, việc thành lập ISF mang ý nghĩa sâu sắc và lâu dài đối với hiện đại hóa quốc phòng và lực lượng vũ trang, đồng thời góp phần thực hiện hiệu quả các sứ mệnh và nhiệm vụ của quân đội trong thời đại mới.

Sự ra đời của ISF là một thành tố chiến lược mới của PLA. Điều này phù hợp với mục tiêu của ĐCSTQ trong việc mở rộng năng lực quân sự vượt ra ngoài phạm vi lục địa và biển đảo.

ISF cho phép PLA tham gia tác chiến tại các chiến trường xa xôi, vượt đại dương và thậm chí vươn ra cả không gian vũ trụ. Việc tái cơ cấu quân sự này diễn ra đồng thời với những khó khăn của nền kinh tế Trung Quốc và những thách thức của ĐCSTQ trong việc gia tăng ảnh hưởng trên trường quốc tế.

Theo Tổng Bí thư Tập Cận Bình, ISF đóng vai trò “hỗ trợ then chốt trong việc phối hợp xây dựng và vận hành hệ thống thông tin trên không gian mạng". Gần đây, các cuộc tấn công mạng do các thực thể Trung Quốc thực hiện đã gia tăng đáng kể, khiến Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) phải ban hành cảnh báo về các cuộc tấn công tiềm ẩn nhằm vào cơ sở hạ tầng trọng yếu của Hoa Kỳ.

Giám đốc FBI Wray tuyên bố, ĐCSTQ coi mọi lĩnh vực của xã hội, kinh tế và quân đội Hoa Kỳ là mục tiêu tấn công. Ông cảnh báo thêm rằng ĐCSTQ có thể vô hiệu hóa cơ sở hạ tầng dân sự trong các cuộc tấn công như vậy nhằm gieo rắc nỗi sợ hãi và “làm suy yếu ý chí tự vệ của nước Mỹ".

ISF hoạt động dưới sự lãnh đạo của Trung tướng Tất Nghị (Bi Yi), nguyên Phó Tư lệnh Lục quân PLA và SSF trước đây. Trung tướng Li Wei, nguyên Chính ủy SSF, hiện giữ chức vụ tương tự trong ISF. Đáng chú ý là sự vắng mặt của Tướng Ju Qiansheng, nguyên Tư lệnh Lực lượng Hỗ trợ, trong lễ thành lập ISF tại Ủy ban Quân sự Trung ương. Theo các nguồn tin, ông Ju đang bị điều tra về tội tham nhũng.

Theo ông Cao Vệ Đông, nhà nghiên cứu cấp cao đã nghỉ hưu tại Học viện Nghiên cứu Hải quân PLA, đợt tái cơ cấu PLA đang diễn ra sẽ tạo điều kiện cho việc "triển khai tốt hơn" các hệ thống vệ tinh, mở rộng phạm vi chiến tranh sang không gian mạng và tăng cường khả năng tác chiến điện tử của quân đội Trung Quốc.

Phát biểu tại Hội nghị chuyên đề Hải quân Tây Thái Bình Dương ở Thanh Đảo, ông Cao nhấn mạnh rằng việc tái cơ cấu này phù hợp với mục tiêu hiện đại hóa PLA của Chủ tịch Tập Cận Bình, vốn nhấn mạnh vào việc cải thiện khả năng tác chiến trong các điều kiện "tin học hóa" của chiến tranh hiện đại.

Một báo cáo do AU công bố khẳng định rằng ĐCSTQ coi "thông tin hóa" là yếu tố quyết định để giành chiến thắng trong chiến tranh hiện đại. Quan điểm này được ông Tập Cận Bình nhấn mạnh trong tuyên bố về ISF của PLA, khi ông tuyên bố: "Trong chiến tranh hiện đại, thông tin đóng vai trò then chốt để giành chiến thắng. Chiến tranh hiện đại là cuộc đối đầu giữa các hệ thống và phía nào nắm giữ ưu thế thông tin sẽ giành được quyền chủ động".

Trung Quốc hiện có bốn lực lượng quân sự: Lục quân, Hải quân, Không quân và Lực lượng Tên lửa; cùng bốn đơn vị: Lực lượng Hàng không Vũ trụ, Lực lượng Không gian Mạng, Lực lượng Hỗ trợ Thông tin và Lực lượng Hỗ trợ Hậu cần Chung.

Báo cáo trình bày tại Đại hội 20 của ĐCSTQ đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của hệ thống thông tin mạng và sự phối hợp giữa các quân chủng, lực lượng của PLA trong công cuộc hiện đại hóa quân đội. Theo đó, ISF sẽ đóng vai trò then chốt trong việc giám sát sự phối hợp của các hệ thống thông tin mạng PLA, góp phần nâng cao hiệu quả tác chiến của PLA với tư cách là một lực lượng quân sự hiện đại.

Theo các nhà nghiên cứu AU, việc PLA thành lập ISF là một phần trong nỗ lực áp dụng và sử dụng cách tiếp cận thông tin của quân đội Hoa Kỳ. Mặc dù PLA đang nỗ lực thu hẹp khoảng cách với Washington, nhưng Mỹ vẫn duy trì "lợi thế trong chiến tranh thời đại thông tin mà PLA mong muốn".

AU khuyến nghị Mỹ và các đồng minh cần liên tục cải tiến và tích hợp chiến tranh thông tin giữa các lực lượng để duy trì lợi thế này. Duy trì vị thế dẫn đầu đòi hỏi đầu tư liên tục vào tiến bộ công nghệ, một lĩnh vực mà Trung Quốc đang nhanh chóng bắt kịp. Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư liên tục để duy trì ưu thế.

Việc thành lập Lực lượng Hỗ trợ Thông tin cho thấy PLA đang nỗ lực thu hẹp khoảng cách về chiến tranh thông tin với quân đội Hoa Kỳ. Tuy nhiên, bước tiến này vẫn chưa đủ để san bằng khoảng cách với Mỹ.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch

Tiến sĩ Antonio Graceffo là nhà phân tích kinh tế Trung Quốc đã có hơn 20 năm làm việc tại châu Á. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng MBA của Đại học Giao thông Thượng Hải; và hiện đang theo học ngành quốc phòng tại Đại học Quân đội Mỹ. Ông là tác giả của cuốn sách "Beyond the Belt and Road: China’s Global Economic Expansion" (Đằng sau Vành đai và Con đường: Sự mở rộng kinh tế toàn cầu của Trung Quốc).



BÀI CHỌN LỌC

Chiến tranh thông tin: Trọng tâm trong quá trình tái cấu trúc quân đội Trung Quốc