Mọi thứ chúng ta nhìn thấy đều là hình ảnh của 15 giây trước trong 'quá khứ', nghiên cứu tiết lộ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nhà nghiên cứu từ Đại học California, Berkeley, đã phát hiện ra rằng thay vì cố gắng cập nhật hình ảnh trong tầm nhìn theo thời gian thực, bộ não hiển thị cho chúng ta hình ảnh tại thời điểm 15 giây trước “trong quá khứ”.

Theo các nhà nghiên cứu, cơ chế này được gọi là “trường liên tục”, giúp cho hình ảnh mà chúng ta nhìn thấy ổn định hơn.

Giáo sư David Whitney, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Nếu bộ não của chúng ta luôn cập nhật hình ảnh theo thời gian thực, thế giới sẽ là một nơi hỗn loạn với những biến động liên tục về bóng tối, ánh sáng và chuyển động, và lúc nào chúng ta cũng sẽ cảm thấy như mình đang bị ảo giác”.

Thay vào đó, “bộ não của chúng ta giống như một cỗ máy thời gian”, tác giả chính, Tiến sĩ Mauro Manassi giải thích.

Manassi nói thêm: “Nó kiên trì đưa chúng ta trở lại quá khứ. Nó giống như việc chúng ta có một ứng dụng hợp nhất dữ liệu hình ảnh đàu vào của chính mình cứ sau 15 giây thành một lần hiển thị để chúng ta có thể xử lý cuộc sống hàng ngày”.

Trong nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu cơ chế đằng sau hiện tượng mù thoáng qua, một thuật ngữ được các nhà tâm lý học sử dụng để mô tả việc con người ta có khuynh hướng bỏ lỡ những thay đổi ngay tức thì trong tầm mắt.

Nhóm nghiên cứu đã tuyển dụng khoảng 100 người tham gia. Sau đó những người này sẽ được xem video cận cảnh các khuôn mặt biến đổi trong 30 giây.

Để đảm bảo sẽ có ít manh mối về những thay đổi, các hình ảnh không bao gồm đầu hoặc lông mặt, và chỉ hiển thị mắt, lông mày, mũi, miệng, cằm và má.

Sau khi xem đoạn video dài 30 giây, những người tham gia được yêu cầu xác định khuôn mặt cuối cùng mà họ nhìn thấy.

Kết quả cho thấy những người tham gia gần như nhất quán chọn khuôn mặt trong khung hình ở nửa chừng video, thay vì khung hình cuối cùng.

Giáo sư Whitney nói: “Có thể nói rằng bộ não của chúng ta đang trì hoãn. Có quá nhiều việc nếu liên tục cập nhật hình ảnh, vì vậy nó gắn vào quá khứ bởi vì quá khứ là một dự báo tốt cho hiện tại”.

Ông nói thêm: “Chúng ta tái chế thông tin từ quá khứ vì nó nhanh hơn, hiệu quả hơn và ít việc hơn”.

Theo các nhà nghiên cứu, phát hiện này cho thấy não bộ hoạt động với độ trễ nhẹ khi xử lý các kích thích thị giác. Điều này có cả ý nghĩa tích cực và tiêu cực.

Tiến sĩ Manassi giải thích: “Sự chậm trễ là rất tốt để ngăn chúng ta cảm thấy bị ảnh hưởng bởi dữ liệu đầu vào thị giác trong cuộc sống hàng ngày, nhưng nó cũng có thể dẫn đến hậu quả liên quan đến sống chết khi cần độ chính xác trong phẫu thuật”.

Ông nói thêm: “Ví dụ, bác sĩ X quang sàng lọc các khối u và bác sĩ phẫu thuật cần có khả năng nhìn thấy những gì trước mắt họ trong thời gian thực; nếu bộ não của họ có thành kiến về những gì họ nhìn thấy cách đây chưa đầy một phút, họ có thể bỏ lỡ điều gì đó”.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu trấn an rằng chúng ta không phải bị mù theo nghĩa đen.

Giáo sư Whitney nói thêm: “Đây chỉ là việc hệ thống thị giác chậm chạp trong việc cập nhật có thể khiến chúng ta bị mù trước những thay đổi tức thì vì nó bám vào ấn tượng đầu tiên của chúng ta và kéo chúng ta về quá khứ. Tuy nhiên, cuối cùng, cơ chế trường liên tục hỗ trợ trải nghiệm của chúng ta về một thế giới ổn định”.

Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Science Advances.

Văn Thiện

Khoa học Nhân thể


BÀI CHỌN LỌC

Mọi thứ chúng ta nhìn thấy đều là hình ảnh của 15 giây trước trong 'quá khứ', nghiên cứu tiết lộ