Nên làm gì khi vợ chồng không nói chuyện với nhau?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôn nhân khó tránh khỏi lúc vợ chồng va chạm, mâu thuẫn khiến hai người không muốn nói chuyện với nhau. Tuy nhiên, tình trạng hai vợ chồng không muốn nói chuyện với nhau, cảm thấy không có gì để nói kéo dài thì bạn cần khắc phục ngay. Bởi điều đó cho thấy rằng, hôn nhân của bạn đang có vấn đề rồi đó.

Như chúng ta đã biết, giao tiếp là yếu tố cần thiết và quan trọng trong cuộc sống mỗi người, để có thể xây dựng, duy trì một mối quan hệ bền lâu, đặc biệt trong cuộc sống hôn nhân. Nhiều đôi vợ chồng nhìn bề ngoài có vẻ như rất hạnh phúc, gia đình ấm êm, hòa thuận nhưng thực chất bên trong lại là hai người hai thế giới, chìm trong thế giới “im lặng” đến đáng sợ.

Trong gia đình nhỏ của hai vợ chồng mà giờ đây cả hai lại không ai đoái hoài tới ai, khiến cho bầu không khí trong gia đình trở nên nặng nề, u ám. Khi hai người đã không buồn nói chuyện với nhau thì cuộc hôn nhân đã bắt đầu rạn nứt, hơn thế là tan vỡ - “ly hôn” nếu cả hai không kịp thời sửa chữa.

Để có thể cứu vãn cuộc hôn nhân có dấu hiệu rạn nứt, bạn hãy tham khảo các cách sau:

Tôn trọng sự khác biệt

Trong công việc hay tiếp xúc với mọi người, từ thân quen cho đến lạ lẫm ta có thể giao tiếp lịch thiệp với họ vì có sự tôn trọng nhau. Trong hôn nhân lại càng cần sự tôn trọng nhau, vợ chồng cần phải biết cách chấp nhận những sự khác biệt của nhau và hạ bớt cái tôi của mình như vậy hạnh phúc mới bền lâu. Gia đình ấm êm bởi chồng biết tôn trọng vợ, vợ biết quý trọng chồng, con cái kính trọng bố mẹ… Bởi mỗi người là cá thể độc lập, có quan điểm, ý kiến, sở thích riêng của mình và họ luôn mong muốn được người khác chấp nhận, tôn trọng những điều đó.

Bất kỳ ai, người chồng hay người vợ đều cảm thấy hạnh phúc khi được là chính mình, được người mình yêu thương hiểu và tôn trọng thì không còn điều gì khiến họ buồn phiền nữa.

Đừng nên quá bảo thủ ý kiến của bản thân, khăng khăng tự cho mình là đúng, mà hãy học cách lắng nghe, tôn trọng những mong muốn, những ý kiến đóng góp của bạn đời, đôi lúc những lời khuyên đó sẽ giúp bạn trở nên tốt hơn rất nhiều. Bởi trước mỗi một vấn đề nào đó, người ngoài cuộc luôn nhìn rõ những thiếu sót hơn người trong cuộc.

Nhận lỗi, sửa bản thân

Việc vợ chồng không muốn nói chuyện với nhau xuất phát từ nhiều lý do. Nếu muốn cứu vãn cuộc hôn nhân của mình, trước tiên bạn cần bình tĩnh để tìm ra nguyên nhân khiến cả hai bắt đầu im lặng và lạnh nhạt với nhau. Sau đó, cả hai cùng nhau tìm ra biện pháp để giải quyết vấn đề, vun đắp lại hạnh phúc gia đình.

Để có thể “đánh tan” sự im lặng này thì bạn cần là người chủ động nhận lỗi và hòa giải. Không phải nhận lỗi hời hợt, cho qua chuyện mà bạn cần thật sự nhận ra lỗi của mình. Bạn cho điều gì là quan trọng nhất: Gia đình hay cái tôi của mình, bạn chọn gì thì điều đó sẽ quyết định hành động của bạn.

Để có thể “đánh tan” sự im lặng này thì bạn cần là người chủ động nhận lỗi và hòa giải. (Ảnh: pexels)
Để có thể “đánh tan” sự im lặng này thì bạn cần là người chủ động nhận lỗi và hòa giải. (Ảnh: pexels)

Trước bất cứ một vấn đề, mâu thuẫn nào đó xảy ra thì chắc chắn có lỗi của cả hai người. Một bàn tay không thể tạo ra tiếng vỗ, vợ hay chồng bạn có nói những lời tổn thương, im lặng và lạnh nhạt với bạn thì cũng cần xét lại mình, hướng vào nội tâm mình tìm xem: Có phải thời gian gần đây, bạn cũng hờ hững với bạn đời, chính trong tâm bạn cũng có sự nhàm chán, không còn yêu thương quan tâm người ấy như thuở đầu nữa...

Vợ chồng có mối quan hệ rất đặc biệt, hai người chính là tấm gương phản chiếu lẫn nhau. Nhưng theo thời gian thì “quen quá hóa nhàm”, lại càng không còn để ý đến cảm xúc và tôn trọng nhau như thuở đầu, chưa kể còn thể hiện cái tôi hết mức. Trong cuộc sống vợ chồng, thắng thua không phải là điều quan trọng, bạn “ăn thua” với người bạn đời của mình để làm gì?

Một trong hai người, ai nhận lỗi trước không chứng minh rằng người đó là sai, là có lỗi mà chính là họ trân trọng gia đình, yêu thương bạn, họ phóng hạ được cái tôi và bao dung người bạn đời.

Vì thế, thay vì liên tục tranh luận, trách móc, giận hờn, hơn thua với nhau thì cách tốt nhất chính là chủ động nhận lỗi và xin lỗi đối phương. Chính sự chủ động và chân thành của bạn, cũng đủ giúp người kia cảm thấy được an ủi, đồng thời cũng nhận ra lỗi của mình ở đâu. Đôi khi, cần “một cái đầu lạnh và trái tim ấm” là vì thế.

Để có một cuộc hôn nhân hạnh phúc, bền vững thì cần sự cố gắng của cả hai, cần nhiều yếu tố và một trong những điều quan trọng đó là sự nhường nhịn, bao dung và vị tha. Bởi vậy, bạn đừng quá “cứng đầu” trong các cuộc tranh luận, nếu bạn thực sự muốn níu giữ và vun đắp cho cuộc hôn nhân này.

Lựa chọn đúng thời điểm

Mọi việc sẽ có kết quả khác nhau khi được thực hiện ở thời điểm khác nhau. Chẳng ai thích nghe người khác trò chuyện vào những lúc mệt mỏi, bận rộn hay công việc đang cần hoàn thành gấp, dù những chuyện đó là quan trọng. Bởi lúc đó thân tâm của họ đang chịu nhiều áp lực, không muốn hay thậm chí không đủ chỗ để dung chứa thêm điều gì.

Bản thân chúng ta cũng vậy, không thích bị người khác làm phiền khi căng thẳng, áp lực. Ví như đã ăn no rồi nhìn những món dù hấp dẫn đến đâu cũng không thèm và không thấy vị ngon nữa. Nói chuyện riêng tư của hai người thì không nên nói ra ở chốn đông người hoặc khi gia đình đông đủ.

Bản thân chúng ta cũng vậy, không thích bị người khác làm phiền khi căng thẳng, áp lực. (Ảnh: pexels)
Bản thân chúng ta cũng vậy, không thích bị người khác làm phiền khi căng thẳng, áp lực. (Ảnh: pexels)

Do đó, dù bạn có đang cảm thấy tồi tệ thế nào cũng cần kiềm chế và lựa chọn thời điểm, hoàn cảnh thích hợp để có thể nói chuyện nhiều hơn với vợ hoặc chồng của mình. Bạn có thể tâm sự, trò chuyện trước khi đi ngủ, giúp nhau cùng thư giãn xua tan mệt mỏi, cùng nhau nhỏ to những mẩu chuyện và cảm xúc hàng ngày để cả hai thấu hiểu, yêu thương nhau nhiều hơn.

Chú ý lời nói, giọng điệu và cử chỉ khi giao tiếp

Chúng ta đều bị thu hút và ưa thích khi nghe một giọng nói hay, nhẹ nhàng uyển chuyển. Đặc biệt, giọng nói cũng thể hiện thái độ tình cảm, tính cách của một người, chồng vợ khi nói chuyện với nhau, bạn đừng cau có hay tỏ thái độ mặt nặng mày nhẹ, mỉa mai… Đối phương sẽ cảm thấy khó chịu, không muốn nghe bạn nói, hiệu quả giao tiếp sẽ không đạt.

Với một vấn đề rất căng thẳng nhưng được nói nhẹ nhàng, dễ nghe thì người nghe vẫn tiếp thu được. Khi người chồng hoặc người vợ muốn góp ý, chia sẻ vấn đề nào đó cho người kia, nhẹ nhàng chỉ ra điều đúng đắn cần làm so với việc chỉ trích họ đang làm sai, thì họ cũng gật đầu và sửa lại ngay. Nếu cùng một vấn đề đó bạn cau mày, chì chiết nói đi nói lại... họ sẽ phản kháng dù cho việc đó họ làm không đúng nhưng cũng không muốn sửa vì lời bạn nói làm tổn thương họ.

Vì thế, để gia đình đầm ấm, hai người nên nói chuyện với nhau nhiều hơn, mỗi người nên thay đổi, điều chỉnh cách nói chuyện của mình. Cách cư xử và thái độ thể hiện trong lời nói, đối với bạn đời cũng là thước đo cho sự tôn trọng lẫn nhau. Nếu nhận được sự dịu dàng, tôn trọng và chân thành thì chắc chắn đối phương sẽ dành cho bạn những điều tương ứng.

Có thể bạn nghĩ hai vợ chồng suốt ngày chạm mặt nhau (có những cặp ở nhà cùng làm việc), sáng đi làm tối về, còn bao áp lực nơi làm việc, mệt lắm rồi, thời gian đâu mà nói chuyện... Nói chuyện ở đây cũng cần biết cách và chọn lọc chuyện nào nên nói chuyện nào không nên, để tránh sự nhàm chán và mệt mỏi trong cuộc sống hàng ngày. Hãy mang lại cho nhau những năng lượng tích cực.

Chúng ta đều bị thu hút và ưa thích khi nghe một giọng nói hay, nhẹ nhàng uyển chuyển. (Ảnh: pexels)
Chúng ta đều bị thu hút và ưa thích khi nghe một giọng nói hay, nhẹ nhàng uyển chuyển. (Ảnh: pexels)

Ngoài ra, khi nói chuyện bạn không nên độc thoại và đặt ra những câu hỏi đóng mà thay vào đó là câu hỏi mang tính gợi mở, tương tác. Khi bạn đang gặp một vấn đề chưa có cách giải quyết, bạn có thể nhẹ nhàng hỏi: “Trong tình huống này nếu là anh/em sẽ làm thế nào nhỉ?”... Điều này sẽ giúp hai người hiểu rõ hơn về suy nghĩ, quan điểm của nhau và xây dựng được sự gắn kết, thoải mái trong khi trò chuyện. Khi đã hiểu nhau sẽ thích trò chuyện và có rất nhiều chuyện để nói.

Luôn có ý thức nghĩ cách ‘hâm nóng’ tình cảm vợ chồng

Hôn nhân là một hành trình cần sự vun đắp, cố gắng của cả hai người để cùng nhau trải qua những sóng gió, thăng trầm và hạnh phúc trong cuộc sống. Khác với lúc yêu nhau vô tư, vì hôn nhân còn có thêm trách nhiệm với nhau, gia đình và con cái cùng rất nhiều các vấn đề cần phải lo toan. Những bộn bề cuộc sống khiến nhiều cặp chồng vợ dần quên đi những giây phút mặn nồng dành cho nhau, cả hai đều bị cuốn theo guồng đó và không còn quan tâm đến cảm xúc của nhau, trò chuyện với nhau.

Luôn làm mới bản thân, trau dồi kiến thức để tình yêu luôn có sự tươi mới và hấp dẫn. (Ảnh: pexels)
Luôn làm mới bản thân, trau dồi kiến thức để tình yêu luôn có sự tươi mới và hấp dẫn. (Ảnh: pexels)

Thêm vào đó, chung sống lâu ngày với nhau khó tránh khỏi những lúc cảm thấy nhàm chán, vì thế, bạn hãy luôn tìm cách để “giữ lửa” cho chính cuộc hôn nhân của mình, tạo sự mới mẻ để không cảm thấy tẻ nhạt trong chính tổ ấm của mình. Cả hai có thể dành cho nhau những khoảng trời riêng, cùng nhau nấu ăn, đi dạo, dã ngoại hay đi du lịch… quan trọng hơn nữa là luôn làm mới bản thân, trau dồi kiến thức để tình yêu luôn có sự tươi mới và hấp dẫn.

Tìm đến sự hỗ trợ của chuyên gia tâm lý

Sau khi, bạn đã làm đủ mọi cách rồi mà không thấy hiệu quả thì hãy tìm đến chuyên gia tâm lý tình cảm hôn nhân gia đình nhờ họ tư vấn, giúp đỡ. Chuyên gia sẽ hướng dẫn cho bạn về những cách giải quyết xung đột trong hôn nhân, cách quản lý cảm xúc, căng thẳng để đời sống vợ chồng luôn giữ được sự hòa thuận và hạnh phúc.

Tố Như



BÀI CHỌN LỌC

Nên làm gì khi vợ chồng không nói chuyện với nhau?