Nga bất ngờ nối lại thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm thứ Tư (2/11), Nga cho biết nước này sẽ tiếp tục nối lại thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine. Thỏa thuận do Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc làm trung gian đã bị đình chỉ vào cuối tuần trước, động thái mà giới quan sát cho rằng sẽ gây ra nạn đói trên toàn cầu.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết, họ đã nhận được đảm bảo từ Ukraine rằng Kyiv sẽ không sử dụng hành lang ngũ cốc ở Biển Đen cho các hoạt động quân sự chống lại Nga.

"Liên bang Nga cho rằng các bảo đảm nhận được vào thời điểm hiện tại là đủ để nối lại việc thực hiện thỏa thuận ngũ cốc", một tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga cho biết.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy nói rằng, điều quan trọng là phải đứng lên chống lại "sự hung hăng điên cuồng của Nga nhằm gây mất ổn định thương mại quốc tế".

Ông Zelenskyy cho biết trong bài phát biểu trong video hàng đêm: "Sau tám tháng được gọi là hoạt động quân sự đặc biệt của Nga, Điện Kremlin đang yêu cầu sự đảm bảo an ninh từ Ukraine".

"Đây thực sự là một tuyên bố đáng chú ý. Nó cho thấy cuộc xâm lược của Nga đã thất bại như thế nào và Ukraine mạnh mẽ như thế nào khi chúng ta tiếp tục duy trì sự đoàn kết của mình".

Thỏa thuận ngũ cốc được ký kết cách đây 3 tháng đã xoa dịu cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu bằng cách dỡ bỏ lệnh phong tỏa trên thực tế của Nga đối với Ukraine, một trong những nhà cung cấp ngũ cốc lớn nhất thế giới. Việc Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc trong tuần này làm dấy lên lo ngại về cuộc khủng hoảng lương thực ngày càng tồi tệ và giá cả tăng cao.

Giá lúa mì, đậu nành, ngô và hạt cải dầu giảm mạnh trên thị trường toàn cầu sau tuyên bố của Nga, làm giảm bớt lo ngại về tình trạng khủng hoảng lương thực.

Thỏa thuận 'không mấy chắc chắn'

Ông Andrey Sizov, người đứng đầu Công ty tư vấn nông nghiệp Sovecon, cho biết quyết định của Moscow là "một sự thay đổi khá bất ngờ" nhưng thỏa thuận vẫn còn chưa chắc chắn. Bởi vì, không rõ thỏa thuận có được gia hạn sau ngày 19/11 hay không.

Một nhà ngoại giao châu Âu thông báo tóm tắt về các cuộc đàm phán hạt cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin có khả năng lợi dụng nhu cầu gia hạn thỏa thuận như một cách để đạt được đòn bẩy và chiếm ưu thế trong hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ diễn ra từ ngày 13/11 đến ngày 16/11 ở Indonesia.

Ông Zelenskyy đã gửi lời cám ơn tới Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc vì đã tạo điều kiện cho các tàu chở ngũ cốc tiếp tục xuất cảng, sau khi Nga tuyên bố rút khỏi thỏa thuận vào hôm thứ Bảy tuần trước (29/10).

Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ ATV, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết, ông và ông Zelenskyy đã thảo luận về việc xuất khẩu ngũ cốc tới các nước châu Phi. Trước đó, ông Putin đã đề nghị xuất khẩu ngũ cốc tới các nước như Djibouti, Somalia và Sudan trước, vì những nơi này đang cần lương thực hơn bao giờ hết.

Nga đình chỉ tham gia vào thỏa thuận nói rằng họ không thể đảm bảo an toàn cho các tàu dân sự đi qua Biển Đen sau một cuộc tấn công vào hạm đội của họ. Ukraine và các nước phương Tây gọi đó là cái cớ giả để "tống tiền", sử dụng các mối đe dọa đối với nguồn cung cấp lương thực toàn cầu.

Trận chiến ở Kherson

Các lực lượng Ukraine gần đây đã giành lại được phần lãnh thổ ở phía đông và phía nam. Phía Moscow đã tìm cách làm chậm đà tiến công của Kyiv bằng cách tăng cường các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái nhắm vào mạng lưới năng lượng của Ukraine.

Hôm 2/11, chính quyền thủ đô Kyiv đã bắt đầu ngưng khẩn cấp hệ thống phát điện sau khi mức tiêu thụ điện tăng đột biến, chính quyền khu vực cho biết.

Động thái này là cần thiết để "tránh những tai nạn lớn đối với thiết bị điện", một tuyên bố cho biết. Trước đó, các cuộc tấn công của Nga làm hư hại nặng hệ thống lưới điện trong và xung quanh thủ đô Ukraine.

Nga cho biết, nước này nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng như một phần của cái mà họ gọi là "hoạt động quân sự đặc biệt" nhằm làm suy yếu quân đội Ukraine và loại bỏ những gì họ nói là mối đe dọa tiềm tàng chống lại an ninh của Nga.

Thường dân Ukraine đã phải hứng chịu tình trạng cắt điện và thiếu nước trên khắp đất nước trong những tuần gần đây. Moscow phủ nhận việc cố tình nhắm mục tiêu vào dân thường, mặc dù cuộc xung đột đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng, hàng triệu người phải di tản và khiến một số thành phố của Ukraine tan hoang.

Ở khu vực phía nam Kherson, nơi các lực lượng Ukraine đang tiến hành một cuộc phản công chống lại lực lượng Nga, các nhà chức trách do Nga hậu thuẫn đã tiến hành thuyết phục người dân sơ tán, quân đội Ukraine cho biết trong một tuyên bố trên Facebook vào ngày 2/11.

Những người dân đã phối hợp với lực lượng chiếm đóng đang di tản, tuyên bố cho biết.

Cư dân của thị trấn Nova Zburivka ở vùng Kherson được phép di tản trong ba ngày. Phía Nga thông báo rằng, việc sơ tán là điều bắt buộc kể từ ngày 5/11.

Reuters đã không thể xác minh các báo cáo chiến trường.

Trong khi đó, hôm 2/11, Mỹ cho biết họ có thông tin cho thấy Triều Tiên đang bí mật cung cấp cho Nga một số lượng "đáng kể" đạn pháo cho nỗ lực chiến tranh tại Ukraine.

Phát ngôn viên an ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby không cung cấp bằng chứng nhưng ông nói trong một cuộc họp báo rằng, Triều Tiên đang cố gắng che giấu các lô hàng bằng cách chuyển chúng qua các quốc gia ở Trung Đông và Bắc Phi.

Huyền Anh



BÀI CHỌN LỌC

Nga bất ngờ nối lại thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc