Rác thải ĐTDĐ trong năm 2022 chất cao hơn 100 lần so với trạm vũ trụ quốc tế

Giúp NTDVN sửa lỗi

Số lượng điện thoại di động cũ thải ra trong năm 2022 lên tới 5,3 tỉ chiếc và có thể chất cao 50.000 km, gấp hơn 100 lần độ cao của Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).

Số liệu trên được chuyên trang khoa học công nghệ Phys dẫn kết quả nghiên cứu từ Hiệp hội quốc tế về xử lý và tái chế rác thải điện tử (WEEE) hôm 13/10 cho biết.

"5,3 tỉ trong số khoảng 16 tỉ điện thoại di động được sở hữu trên thế giới có thể bị vứt bỏ hoặc cất giữ trong năm 2022. Nó tạo ra lượng rác lớn ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe" - thông tin từ Phys nhấn mạnh.

Điện thoại di động dù chứa vàng, bạc, đồng, palladi và một số thành phần có thể tái chế khác nhưng hầu hết khi không được sử dụng, chủ nhân sẽ cất giữ, vứt đi hoặc đốt bỏ. Hành vi này của chủ sở hữu đã gây ra các vấn đề lớn về môi trường và sức khỏe.

Theo thống kê của Global E-waste Monitor năm 2020, điện thoại di động chỉ là một phần trong số 44,48 triệu tấn gồm rác thải điện tử không được tái chế hàng năm trên toàn cầu.

Núi rác điện tử không ngừng cao lên của thế giới

Từ nhiều thập kỷ trước, thế giới chứng kiến cuộc đua "đối mới hay là chết" ở lĩnh vực công nghệ. Kết quả là một danh sách dài các sản phẩm hữu ích và hào nhoáng ra đời. Tuy nhiên, tốc độ đổi mới quá nhanh khiến thiết bị công nghệ liên tục được thay mới, sinh ra hàng đống rác thải điện tử.

"Tốc độ phát triển quá nhanh, làm cho sự lỗi thời của các sản phẩm công nghệ diễn ra trong thời gian ngắn, đang làm mọi thứ tệ hơn. Mọi người giờ đây đổi máy tính sau mỗi ba tới bốn năm, còn điện thoại chỉ một tới hai năm", Jim Puckett, CEO Basel Action Network, một tổ chức giám sát rác thải điện tử có trụ sở tại Seattle, nhận xét. "Đó là một ngọn núi đang không ngừng cao lên".

Dữ liệu do Liên Hợp Quốc công bố 2020 cho thấy, thế giới đã tạo ra 53,6 triệu tấn chất thải điện tử năm 2019, nhưng chỉ 17,4% trong đó được tái chế. Số rác này chủ yếu được vận chuyển đến các nước đang phát triển, tạo nên gánh nặng cho những quốc gia này.

Năm ngoái, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo việc xử lý chất thải điện tử có thể gây ra một loạt "tác động xấu đến sức khỏe trẻ em", như thay đổi chức năng phổi, tổn thương DNA và tăng nguy cơ mắc một số bệnh mãn tính như ung thư.

Khoa học


BÀI CHỌN LỌC

Rác thải ĐTDĐ trong năm 2022 chất cao hơn 100 lần so với trạm vũ trụ quốc tế