Sạt lở khắp nơi: Chuyên gia nói ‘quả bom nổ chậm’ đã được kích hoạt

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tình trạng sạt lở đất đá đang diễn ra ở nhiều nơi khi Việt Nam bắt đầu vào mùa mưa bão. Ngoài nguyên nhân do thiên tai, một số chuyên gia cho rằng còn có lỗi của con người trong đó.

Sau vụ sạt lở nghiêm trọng ở đèo Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, khiến 3 cảnh sát giao thông và một người dân bị vùi lấp vào cuối tháng 7, một số khu vực khác của tỉnh này cũng xuất hiện tình trạng sụt lún.

Và Lâm Đồng chỉ là một trong số nhiều tỉnh thành của Việt Nam xuất hiện tình trạng lũ quét và sạt lở, khiến gần 20 người thiệt mạng và hàng chục tuyến đường bị chia cắt kể từ đầu mùa mưa bão đến nay.

Nhiều người đổ lỗi cho những thảm họa trên là do yếu tố thời tiết.

Ông Nguyễn Hà Lộc - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lâm Đồng - ngày 4/8 cho rằng tình trạng sạt lở đất trên địa bàn tỉnh này thời gian qua là do mưa lớn tác động đến nền đất yếu.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Trọng Hồng - cựu Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, không đồng tình, cho rằng cần phải nhắc đến yếu tố quản lý của con người, chứ đừng mãi đổ lỗi cho thiên tai.

Trong một cuộc phỏng vấn với kênh VTC News, ông Hồng đã chỉ ra 2 nguyên nhân chủ chốt dẫn đến tình trạng sạt lở, sụt lún đồi núi ở Tây Nguyên thời gian qua.

Thứ nhất là tình trạng chuyển đổi đất rừng sang trồng cây lâu năm, phá rừng làm đất ở, xây nhà cửa, công trình.

Thứ hai là việc phạt núi làm đường, thiết kế độ dốc không hợp lý cũng gây sạt lở đất, đá về mùa mưa.

Ông Hồng nói: "Đừng đổ lỗi cho trời mưa lớn vì vùng Đà Lạt, Lâm Đồng, vốn dĩ nhiều mưa trong mùa này. Mưa lớn không phải nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở, nó chỉ đang kích hoạt quả bom nổ chậm".

Ông nói thêm rằng những điểm sạt lở ở Tây Nguyên phần lớn đều không còn rừng nguyên sinh, thay vào đó là đồi núi trơ trọi hoặc lưa thưa vài cây lấy gỗ, cây ăn quả. Đây là những loại cây có vòng đời ngắn, dưới gốc chưa kịp hình thành thảm thực vật đã bị chặt hạ.

Vị cựu thứ trưởng từng phụ trách phòng chống thiên tai này cáo buộc rằng việc phá rừng ở Tây Nguyên để trồng cây lấy gỗ và cây ăn quả đang gây hậu quả khôn lường, mà vốn đã được cảnh báo từ hàng chục năm trước.

Ông Hồng cho biết rừng cao su, cà phê và cây ăn quả chỉ có hiệu quả về mặt kinh tế và che bóng mát, chứ ít tác dụng ngăn lũ lụt, sạt lở đất đá, còn rừng tự nhiên mới có thảm thực vật dày để thấm nước và giữ nước.

Phản ứng trước ý kiến cho rằng mất rừng tự nhiên có thể trồng lại, ông Vũ Trọng Hồng cho biết nhận định đó không đúng.

Ông nói: "Phải mất nửa thế kỷ lá rừng rụng xuống, hình thành thảm thực vật dày 1 mét thì mới giữ được nước. Còn nếu rừng mất lớp mùn, thảm thực vật, nước sẽ trôi tuột đi tạo thành lũ gây sạt lở đất đá".

Theo ông Trần Tân Văn - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết các hoạt động của con người như làm đường, hồ thuỷ lợi, hay thuỷ điện, khiến cho các sườn dốc đồi, núi bị mất chân, nên khi mưa sẽ gây nguy cơ sạt lở. Tình trạng sạt lở ở Tây Nguyên vừa qua phản ánh rất rõ điều này.

Ông nói: "Khi con người tác động vào tự nhiên càng nhiều, thì chính chúng ta phải gánh những hậu quả càng lớn, do tự nhiên phản ứng lại”.

Ông Văn cho biết hiện tượng sạt lở, xói lở giờ đây không chỉ xuất hiện ở Tây Nguyên, khu vực miền núi phía Bắc, miền Trung, mà còn xuất hiện ở cả đồng bằng.

Ví dụ, tuần trước khoảng hơn chục chiếc ô tô đỗ ở tuyến đường bê tông tại xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, bị bùn đất sạt lở vùi lấp.

Ông Văn cho biết, nền địa chất ở Sóc Sơn khá tốt, đồi núi thoải, thảm thực vật tốt, nhưng do việc xây dựng nhà cửa, khu nghỉ dưỡng với mật độ cao rào chắn, xây be mọi hướng, nên khi mưa lớn thì nước chỉ còn một đường thoát duy nhất, gây nên hiện tượng vừa qua.

Ông cảnh báo rằng, nếu việc phá thảm thực vật, xây dựng công trình dân sinh tiếp tục diễn ra, khả năng khu vực này sẽ tiếp tục xuất hiện sạt lở, lũ quét, ngập lụt.


Sạt lở khắp nơi: Chuyên gia nói ‘quả bom nổ chậm’ đã được kích hoạt