10 loại thực phẩm dễ gây ngộ độc, xử lý thế nào trước khi ăn? (Phần 1)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhiều nguyên liệu bổ dưỡng, thơm ngon nhưng nếu không được xử lý đúng cách, chúng rất dễ gây ngộ độc, hoặc thậm chí gây tử vong.

Bài viết này phân loại ra 10 loại nguyên liệu dễ bị ngộ độc, nguyên nhân gây ngộ độc và cách phòng tránh:

1. Đậu cô-ve

Chiều dài của hạt đậu cô-ve khoảng 10-15cm, một số có có hình dạng tương đối dẹp, trong khi một số lại tương đối tròn.

Đậu cô-ve chưa chín có chứa phytohemagglutinin và saponin, có thể gây ngộ độc, buồn nôn và nôn, tức ngực, hồi hộp, đổ mồ hôi lạnh, tay chân lạnh, tê bì chân tay, ớn lạnh và các triệu chứng khác.

  • Biện pháp phòng tránh:

Khi nấu, đầu tiên bạn chần đậu với nước sôi hơn 10 phút rồi mới chế biến.

2. Đậu tây

Có nơi gọi đậu tây là đậu thận, có lẽ vì hình dạng bên ngoài của nó rất giống với quả thận.

Đậu tây được chia làm hai loại: đậu đỏ và đậu trắng. Đậu đỏ có hàm lượng lectin cao hơn, trong khi đậu trắng chỉ chứa khoảng 1/3, nếu nấu không kỹ sẽ bị ngộ độc.

  • Biện pháp phòng tránh:

Ngâm đậu trước ít nhất 5 giờ rồi đổ nước ra. Sau đó cho nước và đậu vào nồi, đun trên lửa lớn trong ít nhất 30 phút. Hãy nhớ rằng việc đun trên lửa nhỏ là không tốt.

3. Sữa đậu nành chưa nấu chín

Chất trypsin có trong đậu nành sống sau khi vào dạ dày có thể ức chế hoạt động bình thường của trypsin trong cơ thể, gây kích thích đường tiêu hóa, từ đó xuất hiện các triệu chứng ngộ độc như buồn nôn, nôn, đau bụng, chướng bụng và tiêu chảy.

  • Biện pháp phòng ngừa:

Sữa đậu nành khi đun sôi sẽ có bọt, hớt bọt, tiếp tục đun sôi kỹ và để sôi thêm khoảng 5 phút.

Nếu bạn mua một gói sữa bột đậu nành đã được xử lý khử hoạt tính enzym ở nhiệt độ cao, thì có thể uống trực tiếp bằng cách pha với nước ấm.

Nếu bạn sử dụng máy làm sữa đậu nành, chương trình được thiết lập bởi máy cũng có thể đảm bảo khử hoạt tính enzym ở nhiệt độ cao. Thời gian đun chỉ quan trọng khi bạn tự làm sữa bằng phương pháp thủ công.

4. Khoai tây mọc mầm, xanh và hư hỏng

Khoai tây nảy mầm, xanh và hư hỏng có hàm lượng solanin tăng lên đáng kể.

Solanin là một ancaloit rất bền với nhiệt. Nó chỉ bị phân hủy ở nhiệt độ cao từ 230-280°C, còn đối với các phương pháp nấu ăn hàng ngày như luộc, chiên… đều rất khó làm giảm hàm lượng của nó.

Nếu hấp thụ quá nhiều solanin sẽ gây ra trầy xước, bỏng rát trong miệng và cổ họng, buồn nôn, nôn mửa, co thắt dạ dày, đau bụng trên và các triệu chứng khác, cũng như chóng mặt, mệt mỏi, khó chịu, mờ mắt, lú lẫn...

  • Biện pháp phòng tránh:

#1. Mua khoai tây nguyên vẹn và bảo quản ở nơi mát, tối và khô ráo, vì nhiệt độ cao, ánh sáng và độ ẩm sẽ thúc đẩy sự hình thành solanin.

Tuy nhiên, bạn đừng cho khoai tây vào tủ lạnh, nhiệt độ thấp dưới 8℃ sẽ thúc đẩy quá trình chuyển hóa tinh bột thành đường, điều này sẽ làm tăng sản xuất acrylamide khi nấu nướng.

Cơ quan An toàn Thực phẩm Châu Âu, Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm Vương quốc Anh, và cả Cơ quan Lương thực Quốc gia Thụy Điển đều khuyến nghị vấn đề trên.

#2. Đối với khoai tây có ít mầm, trước khi nấu bạn hãy làm sạch các mắt mầm và gọt bỏ một phần da xung quanh chúng.

Đối với khoai tây có vỏ xanh thì gọt bỏ vỏ nhiều hơn trước khi nấu, đồng thời gọt bỏ những phần có vết thâm. Bạn cũng có thể thêm một ít giấm để phá hủy solanin trong khi nấu ăn.

#3. Nếu vẫn còn vị đắng sau khi nấu, hoặc có cảm giác nóng trong miệng, bạn hãy ngừng ăn.

5. Hạnh nhân đắng

Hạnh nhân đắng có chứa cyanogenic glycoside, bản thân nó không độc, nhưng sau khi ăn có thể chuyển hóa thành axit hydrocyanic độc hại, gây buồn nôn, sốt, nhức đầu, khát nước, buồn ngủ, đau cơ khớp và các triệu chứng khác, thậm chí tử vong.

  • Biện pháp phòng tránh:

#1. Để loại bỏ vị đắng và giải độc trước khi ăn, bạn nên luộc qua nước sôi khoảng 1-2 phút, ngâm nước lạnh để nguội, gọt vỏ rồi ngâm với nước ấm khoảng 60℃ trong 7 ngày, thay nước 1-2 lần mỗi ngày.

Nói chung, mất rất nhiều thời gian và công sức để ăn một quả hạnh nhân.

#2. Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland khuyên rằng, tốt nhất bạn không nên ăn trực tiếp, nếu phải ăn thì người lớn không nên ăn quá 2 hạt/ngày, trong khi đó, trẻ em tuyệt đối nên tránh.

#3. Nhân của đào, mận, táo, anh đào và quả dâu tây cũng chứa một lượng nhỏ cyanogenic glycoside, và bạn không nên ăn chúng.

#4. Măng sống và sắn cũng chứa cyanogenic glycoside, nên luộc măng trong 3 phút trước khi nấu, sắn cần gọt vỏ và mở nắp khi nấu, ngoài ra bạn nên ăn ít.

-> Xem tiếp: 10 loại thực phẩm dễ gây ngộ độc, xử lý thế nào trước khi ăn? (Phần 2)

Hoàng Tuấn
Theo Aboluowang



BÀI CHỌN LỌC

10 loại thực phẩm dễ gây ngộ độc, xử lý thế nào trước khi ăn? (Phần 1)