Người phụ nữ gặp vấn đề bất thường khi tiếp xúc gần với trạm phát sóng 5G

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tình trạng bất thường của một phụ nữ Thụy Điển đã dấy lên mối lo ngại về rủi ro của công nghệ 5G.

Tháng trước, trong một báo cáo của các nhà nghiên cứu tại Quỹ Nghiên cứu Môi trường và Ung thư (ECRF) cho hay, một phụ nữ người Thụy Điển ở tuổi trung niên đã phát triển các triệu chứng suy nhược sau khi trạm 5G được lắp đặt gần căn hộ trên tầng hai của cô (cách khoảng 60m). Trước đó, cô cho biết bản thân là người có sức khỏe tốt.

Các nhà nghiên cứu cho biết, đây là trường hợp thứ ba như vậy được ghi nhận.

Kết quả nghiên cứu được công bố trên Annals of Clinical and Medical Case Reports. Theo đó, công nghệ không dây thế hệ thứ năm (5G) đang được triển khai trên toàn thế giới, “mặc dù trước đây chưa có bất kỳ nghiên cứu nào về tác động tiêu cực có thể có của công nghệ này đối với sức khỏe và môi trường”.

Kết quả là, việc tiếp xúc với bức xạ vi sóng đã “tăng lên đáng kể trên toàn thế giới”. Bức xạ vi sóng là các tần số nằm trong khoảng từ 300 megahertz đến 300 gigahertz trong phổ tần số vô tuyến (RF). Trong môi trường thành phố, tần số được sử dụng cho 5G hiện ở băng tần 3,5 GHz.

Mãi cho đến gần đây, các nghiên cứu về ảnh hưởng sức khỏe có thể xảy ra do tiếp xúc với tần số 5G hầu như không tồn tại.

Trong một nghiên cứu được công bố vào tháng 10 năm 2022, động vật được cho tiếp xúc với tần số 5G là 3,5 GHz trong hai giờ mỗi ngày, năm ngày một tuần, liên tục suốt một tháng. Sự phơi nhiễm đã gây ra tình trạng stress oxy hóa và gia tăng thoái hóa các tế bào thần kinh ở vùng hải mã của não, ngoài ra còn làm giảm nồng độ irisin, một loại hormone có mối tương quan tích cực với việc giảm cân và chức năng nhận thức lành mạnh.

Trong trường hợp nghiên cứu được nhắc ở đầu bài viết, người phụ nữ nhanh chóng phát triển một loạt các triệu chứng suy nhược sau khi trạm 5G được lắp đặt. Những triệu chứng này bao gồm nhức đầu; chóng mặt và các vấn đề về thăng bằng; rối loạn chức năng nhận thức, bao gồm mất trí nhớ, nhầm lẫn và mất tập trung; lo lắng; ho; chảy máu mũi; rối loạn chức năng tiết niệu và da, bao gồm bầm tím tự phát và phát ban da.

Ăng-ten 5G được lắp đặt trên mái của một tòa nhà ba tầng liền kề và chiếu về phía căn hộ của cô ở tầng hai. Trước đây có một ăng-ten 4G ở cùng một vị trí, nhưng chỉ khi thay thế bằng ăng-ten 5G, người phụ nữ mới có các triệu chứng nghiêm trọng. Ăng-ten 4G đã bị loại bỏ ngay sau khi triển khai 5G.

Người phụ nữ cho biết khi cô chuyển đến một căn hộ khác không gần trạm 5G, tất cả các triệu chứng nhanh chóng biến mất, nhưng chúng quay trở lại trong vòng 24 giờ sau khi cô về căn hộ của mình.

Con chó của người phụ nữ cũng có dấu hiệu ốm yếu sau khi lắp đặt trạm 5G. Được biết, nó đã bị tiêu chảy ngay sau khi ăng-ten 5G xuất hiện. Tình trạng này biến mất khi họ chuyển đến căn hộ khác không có 5G, nhưng lại xuất hiện khi họ trở về căn hộ của mình.

Ngoài ra, con chó cũng không muốn vào lại căn hộ sau khi được đưa ra ngoài đi dạo.

Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng “5G phát ra các xung bức xạ vi sóng lặp đi lặp lại cao” với các xung bức xạ lớn hơn theo cấp số nhân so với các thế hệ trước, bao gồm cả 4G.

Trong vòng một phút, các nhà nghiên cứu đã đo microwatts và phát hiện những đột biến đáng kể tại cửa sổ phòng khách của người phụ nữ.

Bức xạ cao còn được tìm thấy trong phòng tắm, cao nhất là ở bồn tắm, nơi gần cửa sổ nhất. Bức xạ RF thấp hơn đáng kể được đo trong phòng ngủ, nơi không nằm trực tiếp trong đường truyền từ trạm gốc.

Mặc dù các nhà nghiên cứu đã sử dụng máy đo thương mại (Safe and Sound, Pro II) ở mức tối đa, nhưng mức độ phơi nhiễm là phi nhiệt và thấp hơn nhiều so với hướng dẫn do Ủy ban Quốc tế về Bảo vệ Bức xạ Không ion hóa (ICNIRP) khuyến nghị.

Tiền sử rối loạn phơi nhiễm

Bệnh RF hoặc bệnh tật do tiếp xúc với lò vi sóng lần đầu tiên được báo cáo vào những năm 1960 và 1970 ở các nước Đông Âu. Mọi người thường bị các triệu chứng liên quan đến sự gián đoạn hệ thống thần kinh, tim mạch và nội tiết.

Các cuộc điều tra quốc tế đối với những người lao động bị phơi nhiễm, bao gồm cả quân nhân Hoa Kỳ, cho thấy việc tiếp xúc với lò vi sóng ở mức độ thấp gây ra các triệu chứng như mệt mỏi, chóng mặt, nhức đầu, rối loạn giấc ngủ, lo lắng và các vấn đề về chú ý và trí nhớ.

Một đánh giá với nhiều nghiên cứu trên người và động vật cũng kết luận rằng, việc tiếp xúc với bức xạ RF/vi sóng ở mức độ phi nhiệt “có thể gây ra rất nhiều phản ứng sinh lý và thần kinh khác nhau một cách đáng ngạc nhiên”.

Tình trạng này được gọi là hội chứng bệnh tần số vô tuyến hoặc hội chứng vi sóng. Các hiệu ứng phi nhiệt (các hiệu ứng không liên quan đến sự tích tụ nhiệt) chủ yếu phụ thuộc vào sự biến điệu hoặc dao động của tín hiệu cũng như cường độ cực đại và trung bình.

Vấn đề với các tiêu chuẩn an toàn RF hiện tại

Theo James Lin, giáo sư danh dự tại Khoa Kỹ thuật Điện và Máy tính tại Đại học Illinois–Chicago, cách cân nhắc các ảnh hưởng từ bức xạ RF đối với sức khỏe con người đang có những vấn đề nghiêm trọng.

Trong một bài báo đăng trên Tạp chí Environmental Research vào tháng 4, ông Lin nói rằng biện pháp giới hạn an toàn khi tiếp xúc với bức xạ RF, vốn được hầu hết các quốc gia trên thế giới áp dụng, vẫn dựa trên nhiệt cấp tính hoặc hiệu ứng nhiệt xuất hiện trong thời gian ngắn kể từ khi tiếp xúc, do đó không thể đưa ra kết luận chính xác về tác động của việc tiếp xúc lâu dài.

Các hướng dẫn về giá trị tham chiếu dựa trên nhiệt độ được ICNIRP, một tổ chức tư nhân tự bổ nhiệm có trụ sở tại Đức, thiết lập. Với sự hỗ trợ của ngành, ICNIRP đã định vị mình để trở thành cơ quan quốc tế thống trị trong việc đánh giá bằng chứng khoa học về tác động tiêu cực của bức xạ RF đối với sức khỏe.

Các nhà nghiên cứu tại Quỹ Nghiên cứu Môi trường và Ung thư viết: “Các hướng dẫn của họ đã bác bỏ tất cả những bằng chứng khoa học về các tác động phi nhiệt, mặc dù ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy tác động có hại dưới mức ICNIRP. Việc đánh giá phi khoa học đó là vì lợi ích của ngành, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai 5G và xã hội không dây”.

Trong bài báo trên Tạp chí Environmental Research gần đây, giáo sư Lin, vốn là cựu thành viên lâu năm của ICNIRP, đã kết luận: “Có những điểm bất thường đáng kể trong các hướng dẫn và tiêu chuẩn bảo vệ an toàn sức khỏe giả định này. Một số giới hạn an toàn không liên quan, gây tranh cãi và không có cơ sở khoa học chứng minh từ quan điểm an toàn và bảo vệ sức khỏe cộng đồng”.

Năm 2019, 258 nhà khoa học trường điện từ (EMF) từ 58 quốc gia đã kêu gọi Liên hợp quốc áp đặt lệnh cấm triển khai 5G cho đến khi đánh giá được các tác động sức khỏe của nó.

Trong đơn kháng cáo, các nhà khoa học cho biết:

“Công nghệ truyền thông không dây đang nhanh chóng trở thành một phần không thể thiếu trong mọi lĩnh vực kinh tế. Nhưng ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học về tác hại đối với con người, thực vật, động vật và vi khuẩn do tiếp xúc với những công nghệ này”.

“Theo ý kiến ​​của chúng tôi, những hậu quả bất lợi đối với sức khỏe do con người tiếp xúc lâu dài và không tự nguyện với các nguồn EMF không ion hóa đang bị các tổ chức y tế quốc gia và quốc tế bỏ qua, bất chấp việc chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu [ban hành lệnh cấm] cũng như các câu hỏi của nhiều nhà khoa học, bác sĩ y khoa và những người ủng hộ có liên quan khác”.

“Điều này cấu thành một sự vi phạm rõ ràng về nhân quyền, theo định nghĩa của Liên Hợp Quốc”.

(*) Ảnh chủ đề: 5G-Funkturm mit 5G | Christoph Scholz | Flickr

Theo David Charbonneau từ The Epoch Times
Chấn Hưng biên dịch

David Charbonneau, Tiến sĩ, là một nhà báo tự do, người cũng đã dạy văn học và viết lách ở cấp đại học trong 25 năm. Ngoài The Epoch Times, bài viết của anh đã xuất hiện trên The Defender, Medium, cùng các nền tảng in ấn và trực tuyến khác. Là một người ủng hộ nhiệt thành cho quyền tự do y tế, ông sống và làm việc tại Pasadena, California.



BÀI CHỌN LỌC

Người phụ nữ gặp vấn đề bất thường khi tiếp xúc gần với trạm phát sóng 5G