Tài chính eo hẹp, nhiều nhân viên cổ cồn trắng Bắc Kinh chuyển sang mua đồ ở chợ bán buôn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khi nền kinh tế Trung Quốc suy thoái và mức tiêu dùng suy yếu, ngày càng nhiều nhân viên cổ cồn trắng (người lao động trí thức, chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó, sử dụng trí tuệ, kiến thức làm công cụ làm việc) ở Bắc Kinh không còn đến các cửa hàng bán lẻ mà chuyển sang chợ bán buôn để săn hàng và tìm cách tiết kiệm tiền.

Reuters đưa tin hôm 11/9, trước kia cô Amy Zhang ở Bắc Kinh thường mua đồ thời trang hàng hiệu trong các trung tâm mua sắm, nhưng do nền kinh tế Trung Quốc bất ổn nên vị giáo viên 35 tuổi này và những người thuộc tầng lớp trung lưu khác như cô đã chuyển sang mua sắm tại khu chợ bán buôn nổi tiếng nhất Bắc Kinh - Đại Liễu Thụ Hâm Quan.

Đại Liễu Thụ Hâm Quan là một khu phức hợp rộng lớn với hàng nghìn gian hàng bán mọi thứ từ quần áo, giày dép tới phụ kiện..., thường được khách du lịch, học sinh, sinh viên, người lao động nhập cư và người về hưu lui tới để mua hàng giá rẻ.

Giờ đây, những người mua sắm giàu có một thời cũng đang nhảy vào cuộc săn lùng hàng giá rẻ. Điều này đã làm nổi bật lên mức chi tiêu yếu của các hộ gia đình ở Trung Quốc, nó đã trở thành lực cản lớn đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

“Tôi từng rất thích mua quần áo hàng hiệu”, cô Zhang nói khi đang chọn đồ từ đống quần áo có giá từ 15 đến 50 nhân dân tệ (50 - 165 nghìn VND). Cô cũng nói rằng, “một số người bạn của tôi lo lắng rằng sẽ mất việc, điều này cũng ảnh hưởng tới tôi" .

Bà Lu, một người mua sắm 45 tuổi muốn giấu tên, trả lời phỏng vấn cho hay: “Tôi đến đây mua quần áo giá rẻ để tiết kiệm chi phí sinh hoạt”.

Do lương hưu ở Trung Quốc hầu như không thay đổi và thị trường việc làm rất bất ổn, hơn 1/5 thanh niên Trung Quốc vẫn thất nghiệp và một số đơn vị đang cắt giảm lương của nhân viên, những hiện tượng này khiến niềm tin và khả năng chi tiêu của các gia đình Trung Quốc bị sụt giảm.

Trong tháng 8, giá tiêu dùng ở Trung Quốc chỉ tăng 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái, trái ngược hẳn với tình trạng lạm phát gia tăng ở hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới sau dịch bệnh.

Bà Becky Liu, người đứng đầu phòng chiến lược vĩ mô Trung Quốc tại Ngân hàng Standard Chartered, cho biết: “Đây thực sự là một vấn đề về niềm tin, nhưng vấn đề là hiện tại không có cách nào đặc biệt tốt để giải quyết nó”, “nếu muốn khôi phục niềm tin thì hoặc là phải kích thích đáng kể ngành bất động sản, hoặc là phải trực tiếp cung cấp tiền mặt cho các hộ gia đình, nhưng tôi nghĩ hiện tại còn chưa có những lựa chọn này”.

Tuy nhiên, hành vi săn lùng hàng giá rẻ của những nhân viên cổ trắng này lại mang lại lợi ích cho những người buôn bán nhỏ ở khu phức hợp Đại Liễu Thụ Hâm Quan.

Một người bán hàng ở độ tuổi 50 cho biết, cửa hàng của bà ở trong chợ có quá nhiều khách hàng và bà đang phải nỗ lực để duy trì cửa hàng trực tuyến của mình: “Tôi quá bận, tôi phải từ chối yêu cầu của khách hàng trực tuyến. Bởi vì không có thời gian để sắp xếp việc giao hàng”.

Một người bán hàng khác họ Wang cho biết, phần lớn thời gian cửa tiệm của ông có quá nhiều khách và tự ông phải đứng bên ngoài cửa hàng để quan sát khách. Ông nhận thấy rằng một số khách hàng của mình là người có tiền: "Một trong những khách hàng của tôi là một phụ nữ giàu có. Trước kia bà ấy thường đi mua sắm ở Nhật Bản nhưng giờ lại đến cửa hàng của tôi".

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Minh Lý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Tài chính eo hẹp, nhiều nhân viên cổ cồn trắng Bắc Kinh chuyển sang mua đồ ở chợ bán buôn