Tại sao doanh nhân thành đạt nước ngoài có thân hình chuẩn, còn ‘sếp lớn’ ở Việt Nam thường có ‘bụng bia’?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Việc đánh giá ngoài hình người khác là điều hết sức tế nhị và nhạy cảm, nhưng có một thực tế cần phải được nhìn nhận, đó là dường như doanh nhân thành đạt nước ngoài có thân hình chuẩn đẹp, còn các lãnh đạo ở Việt Nam thường có ‘bụng bia’.

Tất nhiên, “cân nặng” không dùng để đánh giá tài năng hay vị trí của một người. Nhưng rõ ràng về mặt sức khoẻ, điều này có ảnh hưởng không nhỏ đối với một người làm lãnh đạo. Điều này có khả năng liên quan đến chứng thừa cân, béo phì hoặc mỡ trong máu.

Vòng bụng to đồng nghĩa với làm việc kém hiệu quả?

Theo một nghiên cứu mới được thực hiện bởi tờ Wall Street Journal (Mỹ), việc có một thân hình béo hay gầy thực sự gây ảnh hưởng tới các CEO. Theo đó, việc tăng thêm vài kg hay có vòng bụng to hơn mức bình thường bị cho là có gây ảnh hưởng tiêu cực tới năng lực lãnh đạo và khả năng chịu áp lực công việc của các giám đốc điều hành.

Theo dữ liệu khảo sát của Trung tâm Lãnh đạo sáng tạo (Center for Creative Leadership - CCL) cho biết, các CEO có vòng bụng lớn và chỉ số BMI (body-mass-index) vượt chuẩn thường bị xem là có xu hướng làm việc kém hiệu quả hơn.

Còn Giáo sư Barry Posner của Trường kinh doanh Leavy, thuộc Đại học Santa Clara (Mỹ) cho rằng: mặc dù không thể biết được cân nặng chính xác của bất kì CEO nào trong số 500 CEO của các công ty lớn nhất nước Mỹ, nhưng mọi người luôn có một ấn tượng không mấy tích cực về một người sếp “bụng béo”.

Tất nhiên, việc đánh giá ngoài hình người khác là điều hết sức tế nhị và nhạy cảm, cũng không phải là tiêu chuẩn được chấp nhận nơi công sở. Nhưng, đây là vấn đề liên quan đến sức khoẻ và không thể xem thường.

Đối diện với áp lực căng thẳng và thời gian làm việc kéo dài thì vấn đề thể chất cũng quan trọng ngang với các yếu tố khác.

Doanh nhân nước ngoài làm sao để ‘giữ dáng’?

Vấn đề thư giãn kết hợp với duy trì thể lực, sức khỏe tốt là yếu tố không thể thiếu trong đời sống của người phương Tây.
Vấn đề thư giãn kết hợp với duy trì thể lực, sức khỏe tốt là yếu tố không thể thiếu trong đời sống của người phương Tây.

Dù không thường xuyên được nhắc tới trong lịch trình hoạt động hằng ngày, song những lãnh đạo cao cấp của các tập đoàn lớn luôn có thời gian dành riêng để rèn luyện thể chất như: bơi lội, chạy bộ, chơi golf…

Các vị CEO ở phương Tây rất nhiều tài năng, cũng bận rộn không ngừng với công việc, nhưng đối với họ, việc duy trì một thân hình “chuẩn” cũng quan trọng không kém việc điều hành công việc kinh doanh. Vấn đề thư giãn kết hợp với duy trì thể lực, sức khỏe tốt là yếu tố không thể thiếu trong đời sống của người phương Tây.

Nhìn sâu hơn vào đời tư của họ, thì dường như những cá nhân tài năng này ngoài những giờ "cân não" căng thẳng, còn có một đời sống vô cùng lành mạnh, tích cực với những thú vui thể thao, ăn uống và sinh hoạt điều độ.

Họ có xu hướng giải quyết công việc trong các cuộc họp, gặp mặt đối tác thảo luận thay vì “họp trên bàn nhậu”.

Ngay cả khi đi phỏng vấn tuyển dụng, một câu hỏi bắt buộc cho ứng viên chính là: “Bạn biết chơi/đam mê một môn thể thao nào không?"

Các chuyên gia về lãnh đạo doanh nghiệp, hoặc các nhà tuyển dụng nhân sự cấp cao xem điều này như là yếu tố bắt buộc cần có - đối với những người có tham vọng trở thành “sếp lớn” trong các công ty, tập đoàn ở Mỹ.

Việt Nam cần thay đổi tư duy ‘sếp càng lớn bụng càng to’

Việt Nam cần thay đổi tư duy ‘sếp càng lớn bụng càng to’
Việt Nam cần thay đổi tư duy ‘sếp càng lớn bụng càng to’

Văn hoá Việt Nam nói riêng hay ở Châu Á nói chung, bị ảnh hưởng khá nhiều bởi lối suy nghĩ “Sếp càng lớn bụng càng to”, khiến chúng ta thường dễ liên tưởng ngay đến một người đàn ông trung niên “bệ vệ” với chiếc “bụng bia” khổng lồ.

Văn hóa “bàn công việc trên bàn nhậu” dường như trở thành một thói quen, thậm chí là “luật bất thành văn” của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp.

Sếp càng lớn thì đồng nghĩa với việc tiệc tùng, gặp gỡ càng nhiều, đôi khi thời gian dùng bữa với đối tác còn nhiều hơn thời gian ăn cơm ở nhà với vợ con, người thân. Ngoài ra, bia rượu luôn là thứ không thể thiếu trong mỗi dịp “gặp gỡ” như vậy và được coi là điều không thể trốn tránh. Do vậy, rất khó để bắt gặp hình ảnh “một vị sếp” có thân hình cân đối với vẻ ngoài lịch lãm, phong độ cùng bước chân nhanh nhẹn.

Ở Việt Nam, cũng từng có dự luật không để cảnh sát giao thông (CSGT) có “vòng bụng lớn” ra đường làm nhiệm vụ. Nội dung về dự luật này được Cục Cảnh sát giao thông đường bộ (Bộ Công an) công bố.

Số đo vòng bụng có thể không nói lên chất lượng và đạo đức công vụ của CSGT, nhưng rõ ràng trong các tình huống khẩn cấp như truy bắt tội phạm, giải cứu người gặp nạn hay giải quyết các công việc cần sức bền và sự nhanh nhạy, thì một CSGT “bụng bự” khó lòng đáp ứng cho được.

Thừa cân nơi công sở là một biểu hiện ‘tiêu cực’

Trên thực tế, thừa cân, béo phì trong công sở là một biểu hiện “tiêu cực”. Hình ảnh một nhà lãnh đạo bụng to, béo phì sẽ là một thông điệp về sự thiếu kiểm soát, và đại diện cho một lối sống kém lành mạnh, thiếu khoa học.

Nhiều người dành hầu hết thời gian mỗi ngày cho công việc, từ bỏ thói quen tập luyện thể dục thể thao, thậm chí là hy sinh cả thời gian dành cho gia đình, con cái và các kỳ nghỉ cá nhân… xem đây như một kiểu “cống hiến hết mình cho sự nghiệp”.

Nhưng việc những doanh nhân thành đạt, người nổi tiếng chết vì đột quỵ, ung thư, áp lực công việc, cuộc sống… đã gióng lên một hồi chuông khiến chúng ta phải thay đổi lối sống và cách nhìn nhận về các giá trị nhân sinh quan trong cuộc sống. Jim Cantalupo của McDonald’s: đột tử năm 2004 chỉ sau 16 tháng nhậm chức vì một cơn nhồi máu cơ tim; Steve Jobs - "huyền thoại" của Apple cũng ra đi khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp vì căn bệnh ung thư…

Dù gì đi nữa, cần nhớ rằng các CEO là đại diện cho hình ảnh của doanh nghiệp, do đó, duy trì một lối sống cân bằng, một thân hình cân đối, khỏe mạnh cũng phản ánh sự lành mạnh, tích cực trong công việc và cuộc sống.

Đông Mai



BÀI CHỌN LỌC

Tại sao doanh nhân thành đạt nước ngoài có thân hình chuẩn, còn ‘sếp lớn’ ở Việt Nam thường có ‘bụng bia’?