'Gói quà tài chính' ông Tập cho Hong Kong: Lây nhiễm thêm rủi ro từ đại lục sang xứ cảng thơm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm Hong Kong vào ngày 30/6 và 1/7 để tham gia hai sự kiện. Ngành tài chính đang loan tin rằng, chuyến đi này là để tặng "gói quà" tài chính trước tình hình nền kinh tế Hong Kong đang trượt dốc, dòng vốn nước ngoài lần lượt đội nón ra đi sau khi đặc khu thực thi Luật An ninh Quốc gia và các chính sách chống Covid-19 nghiêm ngặt.

Tân Hoa Xã ngày 25/6 đưa tin, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tham dự lễ kỷ niệm 25 năm ngày Hong Kong được trao trả và lễ nhậm chức của chính quyền Hong Kong khóa 6. Chuyến thăm gần nhất của Tập Cận Bình tới Hong Kong là vào ngày 1/7/2017, nhân kỷ niệm 20 năm Hong Kong được bàn giao chủ quyền và lễ nhậm chức của Đặc khu trưởng Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga).

Ngày 27/6, hãng truyền thông Hong Kong Sing Tao Daily dẫn nguồn tin cho biết ông Tập Cận Bình sẽ không ở lại qua đêm mà sẽ trở về Thâm Quyến trong ngày.

Một bộ phận công dân Hong Kong bày tỏ không hài lòng với chuyến thăm Hong Kong của ông Tập. Đối với họ, đây chỉ là một màn trình diễn chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Vì họ cho rằng lực lượng cảnh sát và chính quyền Hong Kong vốn sống phụ thuộc vào người đóng thuế, nhưng lại hao phí tiền mồ hôi nước mắt của nhân dân để biểu diễn màn này. Nó hoàn toàn trái ngược với dân ý của người Hong Kong.

Ngoài ra, ngành tài chính cũng lan truyền thông tin rằng, chuyến thăm tới Hong Kong của ông Tập Cận Bình có thể là để mang tặng các "gói quà" tài chính sau

Thứ nhất, mở rộng nền tảng giao dịch chứng khoán tại Hong Kong Stock Connect (nền tảng cho phép giao dịch chứng khoán xuyên biên giới hạn giữa Hong Kong và Trung Quốc đại lục) và đưa vào các công ty niêm yết chéo (Cross-Listing). Niêm yết chéo là việc một công ty niêm yết cổ phiếu trên một hoặc nhiều sàn giao dịch chứng khoán nước ngoài bên cạnh sàn giao dịch trong nước. Ví dụ: sau khi niêm yết ở Hoa Kỳ, công ty đó tiếp tục niêm yết ở Hong Kong, nó có thể huy động vốn ở một thị trường khác và nhà đầu tư cũng có thể có thêm một kênh để mua bán cổ phiếu.

Thứ hai, tạo một kênh thuận tiện để cổ phiếu có liên hệ mật thiết với Đảng cộng sản Trung Quốc (còn gọi là Cổ phiếu khái niệm Trung Quốc) quay trở lại niêm yết tại Hong Kong. Từ tháng 3 tới nay, Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) đã công bố danh sách 139 công ty dự kiến bị hủy niêm yết (99 công ty) và được xác nhận hủy niêm yết (40 công ty). Đây đều là các công ty niêm yết cổ phiếu có liên hệ mật thiết với ĐCSTQ, chiếm 43% tổng số cổ phiếu khái niệm của Trung Quốc được niêm yết tại Mỹ. Trong tương lai, cổ phiếu khái niệm của Trung Quốc có thể sẽ tập trung dồn về Sở Giao dịch Chứng khoán Hong Kong.

Gói quà này thực chất đang làm lây nhiễm thêm rủi ro từ đại lục vào trung tâm tài chính quốc tế của Hong Kong, vốn đang ngày càng xa sút do can thiệp của Bắc Kinh. Khi mối quan hệ tài chính giữa Trung Quốc đại lục và Hong Kong gia tăng, rủi ro bị trừng phạt từ Mỹ đối với doanh nghiệp của ĐCSTQ lan sang xứ cảng thơm, rủi ro tiền tệ, rủi ro nợ xấu của Bắc Kinh cũng tìm tới Hong Kong, lan tỏa nhanh hơn ở xứ sở này.

Ngoài ra còn có các “gói quà” khác như thuế cổ tức, giao dịch bằng đồng nhân dân tệ trong Hong Kong Stock Connect, Hong Kong Stock Connect hủy bỏ hoặc giảm ngưỡng đầu vào 500.000 nhân dân tệ, đơn giản hóa quy trình mở tài khoản Hong Kong và thời gian biểu thông quan cho các nhà đầu tư đại lục.

Tuy nhiên, những thứ được gọi là "lợi ích" này không giúp ích gì cho nền kinh tế đang sa sút và địa vị trung tâm tài chính quốc tế đang lung lay của Hong Kong.

Bộ trưởng Tài chính Hong Kong Trần Mậu Ba (Paul Chan Mo-po) ngày 6/6 cho biết, do tác động của các yếu tố từ cả bên trong lẫn bên ngoài, kinh tế Hong Kong đã xấu đi đáng kể trong quý đầu năm nay; nhưng xét thấy nền kinh tế đang dần phục hồi, nhà chức trách đã hạ thấp dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế năm nay của Hong Kong xuống 1 đến 2%.

Trong báo cáo của Hội đồng Lập pháp về tình hình hiện tại của nền kinh tế Hong Kong, ông Trần cho hay GDP thực tế trong quý I đã giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông nói rằng, do nhu cầu của toàn cầu suy giảm, thêm vào đó là sự gián đoạn chuỗi cung ứng xuyên biên giới do bùng phát COVID-19, tổng kim ngạch xuất khẩu của địa phương trong quý đầu tiên đã giảm 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái; tương tự, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ giảm 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dưới tác động của dịch bệnh và các biện pháp chống dịch liên quan, nhu cầu nội địa của Hong Kong cũng suy giảm đáng kể trong quý I: chi tiêu tiêu dùng cá nhân ghi nhận mức giảm thực tế so với cùng kỳ năm ngoái là 5,5%; mức đầu tư kinh doanh so với cùng kỳ năm ngoái cũng giảm 8,4%.

Bloomberg đưa tin ngày 24/6, nhiều nguồn tin tiết lộ rằng, vào đầu tháng 6, Văn phòng Liên lạc (Hong Kong Liaison Office) – cơ quan chính thay mặt Bắc Kinh giám sát chính quyền Hong Kong – đã gửi lời mời tham dự hội nghị đến các phòng thương mại nước ngoài. Mục đích là để trưng cầu ý kiến về các vấn đề như phát triển kinh doanh ở Hong Kong và Trung Quốc đại lục, phục hồi nền kinh tế Hong Kong, v.v.

Các phòng thương mại nước ngoài tham gia kiến nghị nhất trí rằng, phải mau chóng chấm dứt các biện pháp cách ly và phòng chống COVID-19. Họ cho biết, cuộc họp này đánh dấu một sự thay đổi lớn trong cách thức giao tiếp với các phòng thương mại nước ngoài của quan chức Trung Quốc. Có thể thấy chính quyền Bắc Kinh đang bày tỏ rằng họ thực sự quan tâm đến việc tìm hiểu nhu cầu của các công ty nước ngoài.

Theo các nguồn tin, cuộc họp được trao đổi bằng tiếng Anh và kéo dài trong một tiếng rưỡi. Các quan chức Trung Quốc đã đặt 5 câu hỏi trong thư mời, một trong số đó là đưa ra "đề xuất" về cách chính quyền Hong Kong có thể làm để cải thiện môi trường kinh doanh địa phương. Trong khi những câu còn lại tập trung vào các vấn đề kinh tế ở Trung Quốc đại lục.

Các quan chức ĐCSTQ có mặt tại hội nghị chủ yếu là lắng nghe, trong khi các nhân viên khác đang ghi chép. Không rõ liệu các quan chức Bắc Kinh có đưa ra biện pháp tương ứng dựa trên khuyến nghị của các phòng thương mại nước ngoài hay không.

Cuộc họp này được tổ chức trước khi tân Đặc khu trưởng Hong Kong Lý Gia Siêu (John Lee Ka-chiu) nhậm chức. Kể từ sau khi Hong Kong thực thi Luật An ninh Quốc gia, địa vị của xứ cảng thơm trên trường quốc tế ngày một xa sút. Ông Lý sẽ tiếp quản một trung tâm tài chính nằm biệt lập với thế giới.

Đông Phương

(Theo Vision Times)



BÀI CHỌN LỌC

'Gói quà tài chính' ông Tập cho Hong Kong: Lây nhiễm thêm rủi ro từ đại lục sang xứ cảng thơm