Khủng hoảng nợ Trung Quốc: Bùng phát nợ xấu - dịch vụ thu hồi nợ ‘thắng lớn’ - hệ thống tài chính rạn nứt, lung lay

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cảnh báo về khủng hoảng nợ tại Trung Quốc được đưa ra, khi nhiều công ty cho vay nhỏ của Trung Quốc đang phải đối mặt với hậu quả khó khăn sau nhiều năm mở rộng tín dụng một cách vô kỷ luật, gian lận và tham nhũng.

Vào thứ Năm (ngày 13/8), ông Guo Shuqing - Chủ tịch Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc, cho biết các ngân hàng của nước này phải giải quyết khoản nợ xấu trị giá 3,4 nghìn tỷ nhân dân tệ (489,5 tỷ USD) vào năm 2020 - báo hiệu một rủi ro lớn đối với hệ thống ngân hàng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Bùng phát nợ xấu

Khoản nợ xấu này đánh dấu mức tăng khổng lồ 1,1 nghìn tỷ nhân dân tệ (từ 2,3 nghìn tỷ nhân dân tệ vào năm 2019) và giá trị của các khoản nợ xấu có thể còn cao hơn vào năm 2021.

Trong một cuộc phỏng vấn với Tân Hoa Xã, ông Guo cho rằng sự gia tăng các khoản nợ xấu (NPL) - các khoản nợ sắp vỡ nợ hoặc gần như không trả được - sẽ gây áp lực rất lớn lên đất nước, các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ và khu vực.

Cú sốc dịch viêm phổi Vũ Hán đã ảnh hưởng xấu đến rất nhiều công ty và sự phục hồi của các khoản cho vay xấu được cho là “không thể tránh khỏi”. Nhiều ngân hàng nhỏ của nước này đang phải đối mặt với việc bùng phát nợ xấu, sau nhiều năm mở rộng tín dụng vô kỷ luật, cũng như các trường hợp gian lận và tham nhũng.

Theo số liệu thống kê chính thức từ Ủy ban quản lý, tỷ lệ nợ xấu ở Trung Quốc thuộc hàng thấp nhất thế giới. Các khoản nợ xấu tiềm ẩn, nếu bị lộ ra, có thể dễ dàng “quét sạch” lợi nhuận ngân hàng và làm xói mòn cơ sở vốn. Trong nửa đầu năm nay, lợi nhuận tổng hợp của các ngân hàng Trung Quốc lần đầu tiên giảm trong hơn một thập kỷ - giảm 9,4% xuống 1 nghìn tỷ nhân dân tệ trong nửa đầu năm, theo dữ liệu của chính phủ Trung Quốc.

Ngân hàng Baoshang, có trụ sở tại thành phố Baotou của Nội Mông, đã không công bố bất kỳ báo cáo thường niên nào kể từ năm 2016 và được chính quyền tiếp quản vào tháng 5 năm 2019. Sau hơn một năm kiểm tra, ngân hàng này bị phát hiện ra là đã bịa đặt dữ liệu tài chính, và phải nộp đơn phá sản - đánh dấu sự thất bại đầu tiên của ngân hàng ở Trung Quốc trong hơn 20 năm. Ngoài ra, ngân hàng đã cho vay nội bộ khoản vay trị giá lên đến 156 tỷ nhân dân tệ (22,5 tỷ USD).

Công ty Tomorrow thuộc sở hữu của nhà tài phiệt Xiao Jianhua, có tất cả các khoản vay “không hoạt động”, khiến các nhà chức trách Trung Quốc phải vào cuộc để bảo lãnh cho ngân hàng cho vay là Ngân hàng Hengfeng vào năm ngoái.

Có ít nhất bốn vụ phá sản ngân hàng đã được báo cáo tại Trung Quốc trong năm nay - tất cả đều xảy ra tại các tổ chức tín dụng cho vay nhỏ trong khu vực. Tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng thương mại nông thôn là 4,22% theo thống kê chính thức của Trung Quốc.

Cải cách các ngân hàng vừa và nhỏ

Năm ngân hàng địa phương ở tỉnh Sơn Tây phía bắc Trung Quốc cũng dự kiến ​​sẽ hợp nhất thành một ngân hàng. Tuy nhiên, vẫn còn những lo ngại về các ngân hàng nhỏ của Trung Quốc.

Raymond Yeung, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng ANZ, cho biết các ngân hàng nhỏ, thường thuộc sở hữu của chính quyền địa phương, đặc biệt chịu rủi ro khi thanh toán các dự án chỉ định của chính quyền địa phương và doanh nghiệp nhà nước.

Trong cuộc phỏng vấn với Tân Hoa xã, ông Guo nói thêm: “Việc cải cách các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ là chìa khóa để cải thiện tính lành mạnh và ổn định của hệ thống tài chính tổng thể”.

Các công ty đòi nợ của Trung Quốc ‘thắng lớn’ khi dịch viêm phổi Vũ Hán phá hủy nền kinh tế

Các cơ quan thu hồi nợ phải thuê thêm nhân viên để đáp ứng nhu cầu lớn, khi tỷ lệ nợ tiêu dùng quá hạn đang gia tăng và việc thu hồi trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Số lượng người vay tiêu dùng ngày càng tăng vì người dân mất thu nhập trong một nền kinh tế bị tàn phá bởi dịch viêm phổi Vũ Hán và căng thẳng Mỹ-Trung (Ảnh: getty)

Đó không phải là một dấu hiệu tốt cho bất kỳ nền kinh tế nào khi những công ty thu hồi nợ “bùng nổ”. Whole Scene Asset Management, một công ty thu hồi nợ có trụ sở tại tỉnh Hồ Nam, miền Trung Trung Quốc, có kế hoạch tăng gấp đôi số nhân viên lên 400 người trong năm nay khi mở rộng sang các thành phố mới.

Zhang Haiyan, người sáng lập công ty cho biết: “Các công ty đòi nợ đang mọc lên như nấm. Và với các khoản nợ xấu tăng trong năm nay, mọi người đang có thêm những ‘bàn tay mới”.

Công ty “đối thủ” Bricsman cũng đang tăng cường tuyển dụng, hy vọng sẽ tăng số lượng nhân viên từ 400 đến 500 người lên khoảng khoảng 1.000 người trong năm nay sau khi đạt được thỏa thuận “thu các khoản vay tiêu dùng quá hạn” cho Ngân hàng Minsheng Trung Quốc.

Khi số lượng người vay tiêu dùng ngày càng tăng vì người dân mất thu nhập trong một nền kinh tế bị tàn phá bởi dịch viêm phổi Vũ Hán và căng thẳng Mỹ-Trung, một làn sóng gia tăng “các khoản cho vay khó thu hồi” đang làm dấy lên lo ngại giữa những người cho vay - cả tại các công ty tài chính tiêu dùng chuyên nghiệp và các ngân hàng truyền thống - và thậm chí cả những người đòi nợ.

Joe Zhang, cựu phó chủ tịch của công ty thu nợ lớn nhất Trung Quốc là YX Asset Recovery, cho biết Trung Quốc đang ở giữa “cuộc khủng hoảng nợ bùng phát”.

Ông nói thêm, tỷ lệ quá hạn đối với nợ tiêu dùng đang tăng cao và việc thu hồi các khoản vay đó trở nên khó khăn hơn nhiều, ước tính rằng tại một số tổ chức cho vay tiêu dùng phi ngân hàng, các khoản cho vay bị “mất nợ” có thể là 30% đến 50%.

Một đánh giá nội bộ của Ngân hàng Thượng Hải cho thấy tỷ lệ nợ xấu đối với nợ tiêu dùng đã tăng vọt trong quý I/2020. Nợ tiêu dùng của Trung Quốc đã tăng vọt trong 5 năm qua, một phần là do các ngân hàng tranh nhau phát hành thẻ tín dụng, và khoản nợ này hiện đã tăng gấp đôi lên 17,6 nghìn tỷ nhân dân tệ (2,5 nghìn tỷ USD).

Tài chính tiêu dùng trên Internet, vốn chỉ được quản lý lỏng , cũng đã tăng trưởng “chóng mặt” 400 lần, lên gần 8 nghìn tỷ nhân dân tệ kể từ năm 2014, theo Trường Quản lý Quảng Hoa.

Ngoài ra, nợ hộ gia đình Trung Quốc, bao gồm các khoản thế chấp và cho vay tiêu dùng không có bảo đảm, đã tăng lên mức tương đương gần 60% GDP (từ mức 18% vào năm 2008 - đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu).

Giám đốc công ty tài chính tiêu dùng Shanghai ShangCheng cho biết: “Hầu hết các công ty tài chính tiêu dùng phi ngân hàng được cấp phép ở Trung Quốc đều thua lỗ trong nửa đầu năm, và cần bơm vốn để duy trì hoạt động hoặc họ sẽ phải đối mặt với áp lực thanh khoản”.

Thiện Nhân

Tham khảo các nguồn

https://www.scmp.com/economy/china-economy/article/3097229/chinas-top-bank-regulator-sees-surge-bad-loans-straining?utm_source=Twitter&utm_medium=share_widget&utm_campaign=3097229

https://www.scmp.com/news/china/article/3097213/chinas-debt-collection-firms-flourishing-coronavirus-batters-economy?utm_source=Twitter&utm_medium=share_widget&utm_campaign=3097213



BÀI CHỌN LỌC

Khủng hoảng nợ Trung Quốc: Bùng phát nợ xấu - dịch vụ thu hồi nợ ‘thắng lớn’ - hệ thống tài chính rạn nứt, lung lay