Thuốc hối hận hiệu nghiệm nhất thế giới

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tuổi 20 ham chơi khiến tuổi 30 bất lực; tuổi 30 bất lực khiến tuổi 40 không thành tựu; tuổi 40 không thành tựu tạo nên tuổi 50 thất bại; tuổi 50 thất bại làm nên một cuộc đời tầm thường vô dụng.

Một tạp chí đã từng thực hiện một cuộc khảo sát bằng bảng câu hỏi với những người già trên 60 tuổi: Điều gì khiến bạn hối tiếc nhất?

Tạp chí liệt kê ra danh sách 10 điều mọi người có xu hướng hối tiếc trong cuộc sống để người trả lời lựa chọn.

Sau khi thống kê các bảng câu hỏi hợp lệ được trả về, người ta thu được kết quả như sau:

  1. Vị trí đầu: 92% số người hối tiếc vì đã không nỗ lực chăm chỉ khi còn trẻ khiến họ không làm nên được gì.
  2. Vị trí thứ hai: 73% số người hối hận vì đã chọn sai nghề khi còn trẻ.
  3. Vị trí thứ 3: 62% số người hối hận vì đã không giáo dục con cái đúng cách.
  4. Vị trí thứ tư: 57% số người hối hận vì đã không trân trọng người bạn đời của mình.
  5. Vị trí thứ năm: 45% số người hối hận vì đã không đối xử tốt với cơ thể của họ.

Như người xưa nói, cơ hội đến chớp mắt, nếu bạn không nắm bắt kịp thời, bạn sẽ bỏ lỡ nó và hối tiếc

Cả một đời dài như vậy, ai mà không có vài điều tiếc nuối trong lòng.

Khấu Chuẩn, một danh tướng thời Bắc Tống, đã có một kỳ văn lưu truyền đời đời, nguyên văn chỉ có 6 câu và 42 chữ, nhưng ông đã nói ra tất cả sáu điều hối tiếc lớn trong cuộc đời. Sau khi đọc xong không khỏi cảm thán rơi lệ.

Vô số người coi nó như một tác phẩm kinh điển, luôn dùng để xem xét nội tâm bản thân.

Lục hối minh

Quan hành tư khúc, thất thời hối.
Phú bất kiệm dụng, bần thời hối.
Nghệ bất thiếu học, quá thời hối.
Kiến sự bất học, dụng thời hối.
Túy phát cuồng ngôn, tỉnh thời hối.
An bất tương tức, bệnh thời hối.

Tạm dịch:

Làm quan thì tư lợi, gian lận, lúc sa chân rồi hối hận.
Khi giàu có không tiêu dùng tiết kiệm, lúc nghèo thì hối hận.
Nếu không nhân lúc còn trẻ học một nghề, đến khi có tuổi sẽ tự nhiên hối hận.
Thấy được kỹ năng bản thân có mà không học, tới lúc cần dùng thì hối hận.
Sau khi uống rượu say buông lời cuồng ngông, lúc tỉnh lại hối hận.
Khi khỏe mạnh không nghỉ ngơi, khi đau ốm thì hối hận.

Quan hành tư khúc thất thời hối.

Làm quan thì tư lợi, gian lận, lúc sa chân rồi hối hận

Dù ở thời cổ đại hay thời hiện đại, không dùng quyền lực mưu đồ lợi ích cá nhân, ngay thẳng, và chính trực, đó là những yêu cầu cơ bản của một vị quan.

Làm người cũng giống như làm quan, tâm cần công bằng như cái cân, không được tuỳ tiện khinh trọng, tâm cần tĩnh như nước, không được dễ dàng lung lay.

Mạnh Tử nói: “Nhìn lên không hổ với trời, nhìn xuống không thẹn với đất”.

Mạnh Tử (Ảnh: Tranh chân dung thời nhà Nguyên, Bộ sưu tập của Bảo tàng Cố Cung Quốc gia)
Mạnh Tử (Ảnh: Tranh chân dung thời nhà Nguyên, Bộ sưu tập của Bảo tàng Cố Cung Quốc gia)

Điều đó để nói với chúng ta rằng làm người xử thể không thể để hổ thẹn với trời đất, hổ thẹn với lương tâm bản thân, làm người phải ngay thẳng rõ ràng, không thẹn với lương tâm.

Có như thế mới không hối tiếc.

Phú bất kiệm dụng bần thời hối.

Khi giàu có không tiêu dùng tiết kiệm, lúc nghèo thì hối hận.

Như có câu nói: Tiết kiệm tiết chế chính là nguồn gốc của đạo rộng lớn; thích hoang phí phóng túng, chính là cội nguồn của đức lụn bại.

Trong “Vịnh sử”, Lý Thương Ẩn, một nhà thơ nổi tiếng thời nhà Đường, đã từng cô đọng những suy nghĩ sâu sắc nhất của ông về gia đình và xã hội: “Nhìn vào lịch sử đất nước và gia đình của các bậc tiên hiền, nó được làm nên bởi sự cần cù, tiết kiệm và bị phá vỡ bởi sự xa hoa”.

Cách xây dựng gia đình hưng thịnh không thể tách rời đức tính cần cù, tiết kiệm, làm người cũng như vậy.

Chỉ có giữ gìn tiết kiệm, tránh xa hoa, lãng phí, chúng ta mới có thể giữ gìn hạnh phúc, mới có thể biết đủ làm vui, mới có thể dụng tâm cảm nhận vẻ đẹp của chính bản thân cuộc sống.

Nghệ bất thiếu học, quá thời hối

Nếu không nhân lúc còn trẻ học một nghề, đến khi có tuổi sẽ tự nhiên hối tiếc.

Bác tôi thường dạy tôi: “Con phải chăm chỉ học, tìm một chuyên ngành mà con thích, đừng học như bác, cả đời chỉ đứng gác cổng”.

Nếu không nhân lúc còn trẻ học một nghề, đến khi có tuổi sẽ tự nhiên hối tiếc (Ảnh: pixabay)
Nếu không nhân lúc còn trẻ học một nghề, đến khi có tuổi sẽ tự nhiên hối tiếc (Ảnh: pixabay)

Thì ra hồi nhỏ bác tôi nghịch ngợm, không thích học hành, nên đến làm gác cổng cho một công xí nghiệp nhỏ.

Thấy bác tốt tính lại thông minh, hóm hỉnh, lãnh đạo xí nghiệp đã đề nghị bác trở thành công nhân kỹ thuật, nhưng bác lại từ chối vì cảm thấy làm kỹ thuật quá mệt đầu.

Kết quả là 17 năm trôi qua, xí nghiệp nhỏ đã trở thành công ty lớn, bác vẫn là người gác cổng.

Tôi đã thấy câu này trên mạng: Tuổi 20 ham chơi khiến tuổi 30 bất lực; tuổi 30 bất lực khiến tuổi 40 không thành tựu; tuổi 40 không thành tựu tạo nên tuổi 50 thất bại; tuổi 50 thất bại làm nên một cuộc đời tầm thường vô dụng.

Tôi cũng cảm nhận sâu sắc điều đó.

Đúng như người ta thường nói, trẻ tuổi không nỗ lực, đến già bi thương. Nhiều người tuổi trẻ không chịu làm gì, đến tuổi trung niên vẫn không làm nên được gì, lúc này mới tỉnh ngộ ra, tiếc rằng nếu như lúc đầu đặt tâm học nghề thì đã không tới mức này.

Kiến sự bất học, dụng thời hối

Thấy được kỹ năng bản thân có mà không học, tới lúc cần dùng thì hối hận.

Có người từng nói: Khi bạn 15 tuổi, bạn nghĩ rằng bơi rất khó nên bạn đã từ bỏ việc bơi lội. Khi bạn 18 tuổi, khi một người bạn thích rủ bạn đi bơi, bạn chỉ có thể nói rằng tôi không biết bơi. Năm 18 tuổi, bạn cảm thấy tiếng Anh khó khăn và từ bỏ tiếng Anh, ở tuổi 28, có một công việc rất tốt nhưng đòi hỏi phải nói tiếng Anh, bạn chỉ có thể nói, tôi không thể.

Trong giai đoạn đầu đời, càng ngại phiền phức, càng lười học, sau này bạn sẽ càng có khả năng bỏ lỡ nhiều cơ hội quý. Nó thực sự là như vậy.

Trong giai đoạn đầu đời, càng ngại phiền phức, càng lười học, sau này bạn sẽ càng có khả năng bỏ lỡ nhiều cơ hội quý (Ảnh: pexels)
Trong giai đoạn đầu đời, càng ngại phiền phức, càng lười học, sau này bạn sẽ càng có khả năng bỏ lỡ nhiều cơ hội quý (Ảnh: pexels)

Trải qua mỗi sự việc, người ta có cái nhìn rộng hơn, và xã hội là một trường học suốt đời.

Như câu nói “thế sự động minh giai học vấn, nhân tình luyện đạt tức văn chương”, nghĩa là: Nhìn rõ thế sự đều là nhờ học vấn, tình người luyện đạt rồi thì tự viết thành văn chương.

Cách đối nhân xử thế là kiến ​​thức mà mọi người vẫn đang học cả đời.

Khi gặp sự việc thì để ý và học hỏi, sẽ khiến con người ta trưởng thành hơn, còn những người mắc lỗi không ghi nhớ, giấu giếm khi gặp vấn đề khó khăn, thì chỉ có thể hối hận mà thôi.

Nếu không học hỏi, bạn sẽ bỏ lỡ cơ hội. Khi mọi chuyện kết thúc, tâm trí tự nhiên trống rỗng, bất lực và buồn phiền vô ích.

Túy phát cuồng ngôn, tỉnh thời hối

Sau khi uống rượu say buông lời cuồng ngông, lúc tỉnh lại hối hận.

Người xưa nói: “Tửu tráng túng nhân đảm” (rượu làm người ta can đảm). Nhiều người khi vào bàn rượu uống say sưa, trông có vẻ hào sảng, nhưng sau khi say lại không kiềm chế được cảm xúc, nói năng lảm nhảm, nôn mửa khắp nơi, thậm chí còn làm những việc không thể cứu vãn được.

Ngày hôm sau khi tỉnh táo, nhớ lại những việc ngày hôm qua, họ không khỏi cảm thấy xấu hổ.

Chúng ta cần biết rằng cái gọi là “văn hóa bàn rượu” của người ngày nay, đều là xem những người say khướt như những kẻ ngu ngốc, cần gì phải cho là tửu lượng cao mà tranh cái danh hão nhất thời.

Một khi đã uống nhiều rượu vào thì không kiểm soát được, nói ra những lời ngông cuồng, làm mất thể diện, sau khi tỉnh táo lại có hối hận cũng đã muộn.

Một khi đã uống nhiều rượu vào thì không kiểm soát được, nói ra những lời ngông cuồng, làm mất thể diện, sau khi tỉnh táo lại có hối hận cũng đã muộn (Ảnh: pexels)
Một khi đã uống nhiều rượu vào thì không kiểm soát được, nói ra những lời ngông cuồng, làm mất thể diện, sau khi tỉnh táo lại có hối hận cũng đã muộn (Ảnh: pexels)

An bất tương tức, bệnh thời hối

Khi khỏe mạnh không nghỉ ngơi, khi đau ốm thì hối hận.

Nhà văn người Áo nổi tiếng Stefan Zweig từng nói: “Một người khi còn trẻ, luôn nghĩ rằng bệnh tật và thần chết sẽ chỉ tìm đến người khác”.

Nhưng kết quả là gì?

Trong nửa đầu cuộc đời, bao nhiêu người nghĩ rằng cách tốt nhất để bảo vệ gia đình là kiếm thật nhiều tiền; thì nửa cuối cuộc đời, họ mới nhận ra rằng để phá huỷ một gia đình, chỉ cần một trận ốm là đủ.

Sự suy tính danh lợi, sự vất vả tầm thường, rốt cuộc không quan trọng bằng sức khỏe, trên đời sinh tử mới là hệ trọng.

Dù cuộc đời không có thuốc hối hận nhưng vẫn có biện pháp “dự phòng”:

Làm người chính trực ngăn ngừa sự sa đọa;
Cuộc sống thanh đạm có thể ngăn chặn sự đổ vỡ của gia đình;

Tuổi trẻ nỗ lực trẻ có thể ngăn ngừa tiếc nuối;
Học bất cứ lúc nào có thể ngăn chặn sự ngu dốt;

Thận trọng khi uống rượu có thể ngăn ngừa tai họa;

Chăm sóc cơ thể có thể ngăn ngừa bệnh tật.

Cuộc đời dài như vậy, ai mà không có ít nhiều tiếc nuối trong lòng. Nhưng nếu bạn có thể luôn ghi nhớ sáu điểm này, bạn sẽ ít phải hối tiếc hơn trong tương lai.

Trên đời không có “liều thuốc cho hối hận”, vì vậy hãy nỗ lực trở nên tốt nhất từ ​​bây giờ!

Minh An
Theo Aboluowang



BÀI CHỌN LỌC

Thuốc hối hận hiệu nghiệm nhất thế giới