Tô Thức viết tặng vợ bài thơ thiên cổ, khắc nỗi nhớ thương vào thiên thu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau khi đến Mật Châu nhậm chức, Tô Thức có một giấc mơ đặc biệt. Giấc mơ ấy để lại ấn tượng mạnh mẽ trong ông, gợi cảm hứng cho ông viết nên bài thơ lưu danh thiên cổ.

Giấc mộng đưa Tô Thức vượt qua hơn ngàn dặm đường trở về cố hương, gặp lại người vợ yêu mà ông ngày đêm thương nhớ. Nàng đang ngồi chải đầu điểm trang trước cửa sổ, gương mặt vẫn trẻ trung như năm nào. Ông giật mình tỉnh dậy và nhận ra tất cả chỉ là mơ, những giọt nước mắt nóng hổi cứ thế theo nhau lăn dài trên má. Lúc ấy, người vợ kết tóc của ông đã qua đời được hơn 10 năm, nhưng nỗi tiếc thương quá lớn khiến Tô Thức vẫn không khỏi xót xa mỗi khi nhớ về nàng.

Đây chính là bài thơ nổi tiếng “Giang Thành Tử”, kể về giấc mộng đêm ngày 20 tháng Giêng năm Hy Ninh thứ tám (năm 1075):

Giang Thành Tử

Thập niên sinh tử lưỡng mang mang,
Bất tư lường,
Tự nan vương.
Thiên lý cô phần,
Vô xứ thoại thê lương.
Túng sử tương phùng ưng bất thức,
Trần mãn diện,
Mấn như sương.

Dạ lai u mộng hốt hoàn hương,
Tiểu hiên song,
Chính sơ trang.
Tương cố vô ngôn,
Duy hữu lệ thiên hàng.
Liệu đắc niên niên trường đoạn xứ,
Minh nguyệt dạ,
Đoản tùng cương.

Bản dịch thơ của Nguyễn Chí Viễn:

Chục năm sống tháng thảy mơ màng,
Chẳng tư lường,
Tự tơ vương.
Ngàn dặm mồ trơ,
Khôn xiết nỗi thê lương.
Có gặp nhau chăng chưa dễ nhận,
Mặt đầy bụi,
Tóc pha sương.

Đêm qua hồn mộng chợt hồi hương,
Trước song hiên,
Tựa đài trang.
Im lặng nhìn nhau,
Chan chứa lệ hai hàng.
Chừng hẳn năm năm nơi đứt ruột,
Đồi thông quạnh,
Dưới đêm trăng.

Bài thơ trên làm theo thể Từ, có thể nói là chân tình sâu lắng, từng câu từng chữ đều đong đầy nỗi nhớ thương. Hơn 900 năm qua, trong những bài điếu văn còn lưu truyền, có thể nói duy chỉ có bài Từ này là tuyệt xướng.

Mối tình “hoán ngư”

Thời niên thiếu, Tô Thức theo học tại học viện Trung Nham ở quê nhà tại huyện Thanh Thần, núi Nga Mi, tỉnh Tứ Xuyên. Năm 19 tuổi (năm 1054), Tô Thức kết hôn với một tiểu thư khuê các kém ông 3 tuổi, thuộc dòng dõi thư hương. Nàng tên là Vương Phất, là con gái của thầy giáo dạy Tô Thức tại học viện Trung Nham.

Tô Thức và nàng Vương Phất nên duyên như “phỉ nguyền sánh phượng đẹp duyên cưỡi rồng”, như hạt châu liền chuỗi, như ngọc bích thành đôi. Câu chuyện tình yêu ấy sau này đã trở thành giai thoại lưu danh thiên cổ, gọi là: “Hoán ngư liên nhân” (cuộc tình ‘hoán ngư’).

Lúc ấy, bên bờ sông Mân Giang có ngôi chùa Trung Nham, gần đó có một hồ nước xanh hình bán nguyệt, sóng biếc lăn tăn, phong cảnh nên thơ hữu tình. Đây cũng là nơi mà chàng trai trẻ Tô Thức thường đến dạo chơi ngắm cảnh ngoài những giờ vùi đầu đọc sách. Dưới làn nước trong xanh, bầy cá thường ẩn mình bên dưới những tảng đá, nhưng mỗi khi có người vỗ tay gọi là đàn cá lại tung tăng bơi ra khỏi khe đá thay cho lời đáp.

Tô Thức nói với thầy Vương Phương: “Mỹ cảnh nên có mỹ danh”. Thầy Vương Phương gật đầu, bèn mời các bậc văn nhân nho sĩ đến đặt tên cho hồ nước. Mọi người hiến kế hiến sách, nói tới nói lui, tên đặt ra rất nhiều, ví dụ như “Hí ngư trì” (ao chơi cá), “Quan ngư đường” (ao xem cá), v.v. nhưng thảy đều là những cái tên thông tục, vẫn chưa thể khiến người ta vừa ý. Cuối cùng, Tô Thức đề xuất cái tên “Hoán ngư trì” (ao gọi cá), mọi người đều trầm trồ khen hay.

Đúng lúc ấy, một nha hoàn mang đến tờ giấy đỏ, nói là tiểu thư Vương Phất đặt tên cho hồ nước. Mọi người mở ra xem rồi cùng ồ lên tấm tắc. Vì sao vậy? Thì ra, tên gọi viết trên tờ giấy cũng là ba chữ “Hoán ngư trì”! Cả nhóm văn nhân vô cùng kinh ngạc tán thán, ai cũng cho đó là “bất mưu nhi hợp, vận thành song bích” (không hẹn mà gặp, ngọc hợp thành đôi).

苏东坡在唤鱼池边的手迹(网络图片)
Ba chữ viết tay “Hoán ngư trì” của Tô Thức(Ảnh: Internet)

Sau này, ba chữ viết tay “Hoán ngư trì” của Tô Thức được khắc lên vách tường đỏ bên bờ hồ. Mỗi chữ cao khoảng 3 trượng, nét chữ đẹp uyển chuyển. Người đời sau còn đắp tượng của Tô Thức và Vương Phất bên bờ Hoán Ngư Trì gần chùa Trung Nham, huyện Thanh Thần để ghi nhớ giai thoại thiên thu này.

Trước song hiên, tựa đài trang

Giữa Tô Thức và nàng Vương Phất còn có một câu chuyện lãng mạn giống như trong truyền thuyết.

Chuyện kể rằng, Tô Thức vốn là cậu học trò xuất sắc nhất của sư phụ Vương Phương, tính cách của ông vô cùng cởi mở, hào phóng. Một lần, Tô Thức say rượu trong tiệc mừng thọ thầy giáo, ông đã ngủ lại một đêm trong nhà thầy Vương Phương. Sáng hôm sau, ông dậy sớm bước tản bộ trong hậu hoa viên, khi đi ngang qua một ô cửa nhỏ, ông thấy sư muội Vương Phất đang soi gương trang điểm. Trong khoảnh khắc, phong thái dịu dàng, nét đẹp duyên dáng và khuôn mặt mỹ lệ của nàng đã phản chiếu vào hồ nước trong tâm hồn Tô Thức, khuấy động lên những gợn sóng lăn tăn. Tô Thức hái một bó hoa trắng và nhẹ nhàng ném vào ô cửa sổ. Vương Phất ngỡ ngàng ngắm nhìn loài hoa mà nàng yêu thích nhất. Loài hoa ấy có màu trắng sữa, ngào ngạt hương thơm, hình dáng như chim phượng đang bay, tên gọi là Phi Lai Phụng.

Tình yêu nhẹ nhàng và thầm kín giữa đôi bạn trẻ cứ thế lớn dần, sau này hai người vui kết lương duyên, đã dệt nên một cuộc hôn nhân mỹ mãn. 20 năm sau, hình ảnh người thiếu nữ “trước song hiên, tựa đài trang” đã trở thành câu thơ bất hủ trong bức thư tình cuối cùng mà Tô Thức viết tặng nàng – bài điếu từ “Giang Thành Tử”.

Sau khi Vương Phất qua đời, Tô Thức đã cho khắc tấm văn bia tưởng nhớ nàng, trên đó không kể đến tri thức tài hoa mà chỉ có yêu thương nồng đượm. Trong những năm bên nhau, hai vợ chồng thập phần ân ái, chàng chàng thiếp thiếp, phu xướng phụ tùy. Vương Phất thường dành cả ngày trong thư phòng làm bạn cùng chồng đọc sách, có lúc Tô Thức ngẫu nhiên quên mất nội dung nào đó, nàng sẽ nhắc lại cho ông. Đôi khi Tô Thức hỏi về những cuốn sách khác, nàng thường nói tóm lược lại những gì bản thân biết, tri thức uyên thâm của nàng không khỏi khiến ông trầm trồ thán phục. Thử nghĩ xem, nàng chỉ là phận nữ nhi nhưng lại có thể đưa ra gợi ý cho đại văn hào Tô Thức! Người ta có câu: “Chân nhân bất lộ tướng, lộ tướng bất chân nhân”, câu nói ấy phải chăng cũng đúng khi nói về nàng?

Với Tô Thức, Vương Phất là giai nhân tri kỷ, là đóa hoa mỹ lệ mang đến hương thơm cho giấy mực. Nơi thư phòng ấy, nàng đã làm bạn cùng ông bên song cửa sổ lạnh lẽo, cùng ông trải qua niềm vui đèn sách, bước bên ông trên mỗi chặng đường...

Lắng nghe sau rèm

Sau này, Tô Thức liên tiếp đỗ trong các kỳ thi và được phong quan, hai vợ chồng lại cùng nhau rời quê nhà lên đường nhậm chức.

Tô Thức tính tình khoáng đạt, không câu nệ tiểu tiết, đối nhân xử thế cũng không chút phòng bị hay đề phòng. Vương Phất trẻ hơn Tô Thức về tuổi đời, nhưng nếu nói về năng lực nhìn thấu nhân tâm thì nàng lại chín chắn hơn Tô Thức rất nhiều. Nàng thường nhắc Tô Thức cần phải thận trọng trong mọi sự.

Mỗi khi có khách đến nhà, Vương Phất lại lặng lẽ lui về sau bức bình phong và lắng nghe cuộc trò chuyện giữa chồng và khách. Chỉ cần nghe một đôi lời họ nói, nàng có thể hiểu tâm tư cũng như nhìn thấu tính cách và ngôn hành của họ. Sau khi khách ra về, nàng lại phân tích cặn kẽ cho Tô Thức, ví dụ như: “Người này ăn nói rất trôi chảy, trước hết thăm dò chí hướng của chàng rồi lại thuận theo ý chàng mà nói. Loại người như vậy, chàng hà tất phải giao thiệp với họ làm chi?”.

Có người muốn nhờ cậy, họ đối đãi với Tô Thức vô cùng thân mật. Vương Phất nói: “Người vừa mới làm quen đã rất nhanh tỏ ra thân thiết, vậy thì cũng rất nhanh sẽ trở nên lạnh lùng xa cách. Thiếp e rằng kiểu người như vậy không thể duy trì quan hệ được lâu dài”. Sau khi Vương Phất nói ra những lời này, Tô Thức nhận ra rằng nàng chính người vợ hiền tuyệt vời nhất mà ông có trong đời.

Mười năm sinh tử lưỡng mang mang

Kết hôn được 11 năm, tình cảm của hai người sâu nặng như trời biển, Vương Phất cũng vì Tô Thức mà sinh hạ con trai lớn là Tô Mại. Thật đáng tiếc khi cuộc hôn nhân nồng thắm ấy chỉ kéo dài vỏn vẹn 11 năm. Sau đó, Vương Phất mắc trọng bệnh và qua đời khi đang ở kinh thành, bỏ lại Tô Thức với nỗi xót xa không thể nào nguôi ngoai. Lúc ấy nàng chỉ 27 tuổi, Tô Thức cũng vừa 30 tuổi.

Sau đó, Tô Thức đưa linh cữu của vợ trở về chôn cất tại quê nhà – đó là thôn Khả Long, An Trấn hương, huyện Bành Sơn, phía đông bắc thành My Châu, tỉnh Tứ Xuyên, cách mộ cha mẹ của ông khoảng 8 bước về phía tây bắc. Tô Thức cảm thán rằng từ nay vợ yêu đã có thể gặp lại cha mẹ dưới suối vàng, chỉ có ông là âm dương cách biệt, thật đáng buồn thay! Ông nói: “Ta vĩnh viễn không còn ai để dựa vào được nữa. Tuy nàng đã đi rồi, nhưng ta đã từng có nàng làm vợ, vậy còn có gì đáng để bi thương đây? Hỡi ôi, buồn thay!”.

Dưới chân núi nơi chôn cất cha mẹ ông và Vương Phất, Tô Thức đã tự tay trồng ba mươi ngàn cây thông, để nỗi tương tư của ông hóa thân thành rừng xanh. Năm tháng qua đi, trải bao gió táp mưa sa, những cây thông ấy vẫn thay ông canh giữ cho những người thân yêu…

Minh Hạnh
Theo Trình Thư Ngữ - Sound of Hope



BÀI CHỌN LỌC

Tô Thức viết tặng vợ bài thơ thiên cổ, khắc nỗi nhớ thương vào thiên thu