Trong mất mùa đói kém, vợ bán thân cứu chồng mưu sinh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Người vợ bán thân cứu chồng khỏi chết đói, liệu sau này hai vợ chồng còn có thể trùng phùng đoàn tụ hay không?

Vào thời nhà Thanh, ở phủ Thanh Châu (nay là Ích Đô, Sơn Đông, Trung Quốc) có một vị thư sinh tên là Liễu Hồng Đồ. Khi anh vừa mới kết hôn ít lâu thì trong vùng xảy ra thiên tai, mùa màng thất bát, người đói nằm la liệt khắp nơi. Liễu Hồng Đồ không cách nào mưu sinh, đành phải dẫn vợ đi khắp nơi xin ăn, đến đâu họ cũng thấy những đoàn người hành khất đông như kiến cỏ.

Vài ngày trôi qua mà hai vợ chồng vẫn chưa có gì bỏ bụng, cả người đói lả, họ rầu rĩ ôm nhau khóc thút thít. Chị vợ nói: “Nếu bán thiếp đi thì chàng vẫn còn có cơ may sống tiếp, còn giữ thiếp lại thì cả hai ta đều phải chết, như thế chẳng phải quá bi thảm hay sao?”. Liễu Hồng Đồ cảm thấy thương tâm không biết trả lời ra sao, chỉ lắc lắc đầu nguầy nguậy rồi ôm vợ vào lòng khóc lóc một hồi.

Lát sau, một chiếc xe từ phía xa chạy tới, trên xe không có hàng hóa mà chỉ toàn những nam và nữ. Thì ra là chiếc xe buôn người!

Chị vợ gọi với theo: “Đại ca đang đẩy xe kia ơi, hai vợ chồng tôi túng quẫn quá, đã mấy ngày trời chẳng có miếng cơm ăn. Thôi thì, tôi nguyện bán mình để cầu kế sinh nhai vậy”.

Kẻ buôn người thấy chị vợ trẻ trung xinh đẹp, tuy có hơi gầy một chút nhưng vẫn còn nét xuân thì, liền hỏi Liễu Hồng Đồ rằng muốn bán giá bao nhiêu? Liễu Hồng Đồ hai mắt đỏ hoe không cất nên lời, chị vợ nhanh nhảu đáp: “Chỉ cần trả mười xâu tiền, tôi sẽ đi theo anh”. Kẻ buôn người nói: “Mức giá này cao quá, năm xâu tiền là khả dĩ rồi”.

Người đi đường chứng kiến cảnh này đều cảm thông với hai vợ chồng, mỗi người đều góp một lời thuyết phục, mãi đến cuối cùng kẻ buôn người mới đồng ý trả tám xâu tiền. Chỉ vợ đặt tiền vào tay chồng và nói: “Thiếp sinh ra đã gầy gò bé nhỏ, cha mẹ đều thương yêu gọi thiếp là Nhất Nẫm Kim (một nắm vàng), ai ngờ hôm nay lại phải làm món hàng trao tay cho người khác. Liễu Lang à Liễu Lang, có số tiền này cả hai ta đều sống, không có số tiền này sẽ chết. Thiếp mừng cho chàng có thể sống tiếp, chỉ xin chàng đừng uổng phí một đời này. Thiếp nguyện bán thân cứu mệnh, hy vọng chàng sẽ không quên thiếp”.

Liễu Hồng Đồ khóc thất thanh: “Lẽ nào ta và nàng phải vĩnh biệt từ đây? Thê tử bé nhỏ của ta, liệu sau này hai ta còn có ngày được trùng phùng hay không?”.

Kẻ buôn người thúc giục mãi nhưng cả hai vợ chồng vẫn ôm nhau quyến luyến không rời, kẻ buôn người phải chạy đến kéo thiếu phụ ra đẩy lên xe và xô Liễu Hồng Đồ ngã xuống đất, sau đó vung roi quất ngựa chạy thật xa. Liễu Hồng Đồ với tay nhìn theo bóng hình của vợ rồi khóc nấc lên, anh đành nuốt nước mắt vào lòng rồi thất thểu đi lên phía bắc.

Chiếc xe buôn người chạy suốt ngày đêm, dọc đường có rất nhiều người ngã giá muốn mua vị cô nương trẻ trung kiều diễm. Kẻ buôn người cho rằng nàng là món hàng quý hiếm nên đòi giá cao, kết quả không cách nào bán được.

Một ngày, chiếc xe đến Tân Thành (nay thuộc Hà Bắc), trong thôn có một võ sinh tên là Vương Phụng Sơn, gia cảnh rất giàu có, tính tình lại hào sảng, phóng khoáng, đặc biệt vô cùng hiếu thuận với mẹ già. Tuy rằng năm ấy mất mùa đói kém, nhưng người dân trong thôn nhờ có Vương Phụng Sơn hào hiệp cứu trợ mà được sống yên bình.

Vương Phụng Sơn mở một quán trọ ở ngay lối vào làng. Hôm ấy, xe của kẻ buôn người đến Tân Thành nghỉ trọ trong quán nhà họ Vương. Vương Phụng Sơn thoạt nhìn đã biết người thiếu phụ kia không phải là kẻ thấp hèn, hơn nữa phong thái cử chỉ còn có vẻ cao sang nền nã, trong ánh mắt chất chứa đầy tâm tư khiến người đối diện phải động lòng thương xót. Vương Phụng Sơn lo sợ nàng sẽ lưu lạc vào chốn lầu xanh, liền nói với kẻ buôn người rằng: “Vị cô nương này thật có nhan sắc”.

Kẻ buôn người đáp: “Nếu ngài thích, sao không giữ cô ấy ở lại? Chỉ cần trả mức giá xứng đáng thì cô nương ấy sẽ thuộc về ngài”.

Vương Phụng Sơn về nhà nói với mẹ, nhưng bà liền phản đối. Vương Phụng Sơn nói riêng với mẹ: “Không phải là con ham mê nữ sắc, mà chỉ đồng cảm với cảnh ngộ của cô ấy mà thôi. Mẹ à, mẹ có thể chấp nhận cô ấy làm con gái nuôi của mẹ không?”. Vương mẫu gật đầu đồng ý.

Được lời như cởi tấm lòng, Vương Phụng Sơn liền quay trở lại quán trọ và nói với thiếu phụ rằng, nhà họ Vương đã coi cô là con gái nuôi, vị thiếu phụ dập đầu cảm kích. Từ đó, Vương mẫu đối đãi với thiếu phụ như con gái vậy. Sau này, bà ngỏ ý muốn tìm một tấm chồng xứng đáng cho cô, nhưng thiếu phụ chỉ khẽ lắc đầu, cô nguyện đem cả đời phụng dưỡng mẫu thân cho tròn đạo hiếu. Mẹ của Vương Phụng Sơn cảm thấy mãn nguyện vì từ nay đã có một người chăm lo cho bà.

(Ảnh: Pixabay)

Lại nói, hôm ấy Liễu Hồng Đồ thất thểu đi lên phía bắc, dự định sẽ đến vùng Quan Đông, nhưng vì quan huyện có lệnh cấm nên anh đành phải trở lại Sơn Đông theo đường cũ.

Thời gian thấm thoắt đã sang hè, năm nay được mùa, khắp nơi người ta ra đồng thu hoạch hoa màu. Trên đường vận chuyển không tránh khỏi làm rơi rớt chỗ này, thất thoát chỗ kia, có người bèn mướn Liễu Hồng Đồ đi nhặt nhạnh những bông lúa sót lại trên đường. Anh vừa đi vừa làm thuê kiếm cái ăn bỏ bụng, cứ như vậy một năm sau anh mới về đến gần cố hương.

Khi đi qua Tân Thành, Liễu Hồng Đồ dừng chân trong quán trọ nhà họ Vương. Đêm ấy mưa to gió lớn, ngoài đồng ngập một màu trắng xóa, sân trong quán trọ cũng đọng đầy nước. Liễu Hồng Đồ dậy sớm, liền tiện tay cầm cây chổi tre quét sạch sân và các lối ra vào.

Vương Phụng Sơn vừa đến quán trọ liền tròn mắt ngạc nhiên khi thấy sân vườn đã được dọn dẹp sạch sẽ, anh liền hỏi: “Là ai đã quét dọn sân đến mức không còn một vệt bùn nào như thế vậy?”.

Liễu Hồng Đồ đáp: “Sáng nay tôi dậy rất sớm, vì rảnh rỗi không có việc gì làm nên tôi quét sân một chút”.

Vương Phụng Sơn lại hỏi: “Cậu là người ở đâu?”.

Liễu Hồng Đồ trả lời: “Tôi họ Liễu, là người Thanh Châu. Tôi rời quê hương cũng một thời gian rồi, hiện tôi đang dự định sẽ quay về”.

Vương Phụng Sơn cười nói: “Tôi trông cậu thật có tướng phú quý đó”.

Liễu Hồng Đồ nói: “Tôi ăn mặc rách rưới thế này mà anh còn trêu chọc tôi? Nhưng với tôi, có thể lo liệu được một nơi nghỉ chân là đã quý lắm rồi”.

Vương Phụng Sơn liền nói: “Ồ, vậy là cậu vẫn chưa về nhà ngay? Chỗ tôi đang cần người, cậu nghĩ sao nếu ở lại quán trọ này giúp tôi làm chút việc vặt?”.

Liễu Hồng Đồ nói: “Đa tạ huynh, tôi rất sẵn lòng”.

Vương Phụng Sơn rất vui vẻ, liền để Liễu Hồng Đồ quản lý quầy trước sảnh, ban ngày thì dọn dẹp phòng khách, tối đến thì sắp xếp phòng trọ cho khách mới đến. Liễu Hồng Đồ vừa biết chữ lại giỏi tính toán sổ sách nên rất được trọng dụng. Vương Phụng Sơn vô cùng tín nhiệm, không coi anh là người làm thuê mà đối đãi với anh như anh em kết nghĩa, còn Liễu Hồng Đồ cũng coi Vương Phụng Sơn như huynh trưởng của mình, dần dà hai người trở thành anh em thân thiết.

Cứ như thế trải qua hơn hai năm. Ngày thường khi rỗi rãi vô sự, Liễu Hồng Đồ luôn tận dụng thời gian đọc sách, làm văn. Đến kỳ thi Hương sang năm, Liễu Hồng Đồ nói với Vương Phụng Sơn rằng: “Xin phép huynh cho tôi về thăm nhà một chuyến, tôi đi ước chừng tầm một tháng sẽ quay lại đây”.

Vương Phụng Sơn nhiệt tình giúp anh chuẩn bị hành lý, hơn nữa lại tặng cho anh bộ y phục và đôi giày mới cùng với rất nhiều tài vật khác. Liễu Hồng Đồ từ biệt Vương Phụng Sơn rồi lên đường, trước tiên anh đi về phía đông, sau đó chuyển sang phía nam đến trường thi để tham gia khảo thí. Sau khi hoàn thành kỳ thi anh mới trở lại nhà họ Vương, lúc này Vương Phụng Sơn vẫn tưởng rằng Liễu Hồng Đồ vừa từ Thanh Châu quay lại.

Lúc ấy sắp đến tiết Trùng Dương, tỉnh Sơn Đông thông thường công bố kết quả khảo thí trong vòng ba, bốn ngày. Liễu Hồng Đồ đếm ngón tay tính từng ngày, trong tâm hồi hộp chờ tin. Nào ngờ, vì Tân Thành vẫn chưa mở khoa thi nên phải đợi mãi, đợi mãi mới có tin tức. Thông cáo viết rằng người đỗ đầu bảng thuộc địa khu Thọ Quang, Liễu Hồng Đồ nghe tin bỗng thất vọng tràn trề. Anh lững thững một mình ra cửa thôn, đi đi lại lại dưới cây hòe, trong lòng đăm chiêu suy nghĩ.

Bất chợt, từ phía xa có hai người hổn hển đi tới ngồi nghỉ dưới gốc cây. Liễu Hồng Đồ đoán rằng họ là những người truyền tin, liền hỏi: “Hai vị từ đâu đến?”.

Một người trong số họ đáp: “Chúng tôi từ Thanh Châu đến”.

Một người khác nói: “Thời vận thật là xui xẻo, có nói ra cũng chỉ e người ta sẽ cười thôi. Chúng tôi làm mọi cách mới có được chân báo tin mừng một tân cử nhân nên vội vã đến Thanh Châu, nào ngờ tìm khắp mọi nơi vẫn không thấy được người này, người trong vùng nói năm xưa mất mùa đói kém anh ta đã đưa người nhà đi rồi, không biết đã đi đâu về đâu. Anh nói xem, đó là người hay là quỷ?”.

Liễu Hồng Đồ suy nghĩ một lát, nói: “Trời sắp tối rồi, sao các anh không vào nghỉ trong quán trọ của tôi? Nghỉ ngơi lấy sức, biết đâu ngày mai lại gặp may?”.

Hai người đồng ý, liền theo chân Liễu Hồng Đồ vào nghỉ trọ trong quán nhà họ Vương.

(Ảnh: Pixabay)

Trời nhá nhem tối, khách khứa đều đã cơm no rượu say. Lúc này Liễu Hồng Đồ cầm bầu rượu đến gặp hai vị tân khách và nói: “Hai người anh em đi đường mệt nhọc, chi bằng uống một bát rượu cao lương nóng hổi rồi nghỉ ngơi lấy sức?”.

Ba người cùng vui vẻ uống rượu hàn huyên.

Liễu Hồng Đồ hâm nóng thêm một hũ rượu nữa và hỏi: “Các anh đến Thanh Châu báo tin mừng cho vị tân cử nhân nào vậy, anh ta họ gì?”.

Một người đáp: “Họ Liễu”.

Liễu Hồng Đồ lại hỏi: “Các anh có gì làm căn cứ không?”.

Anh ta đáp: “Có cái dải màu xanh lam cắt ra từ Thảo bảng”.

Liễu Hồng Đồ ngỏ ý muốn xem một chút, người kia ngập ngừng có chút không sẵn lòng, nhưng anh bạn đi cùng anh ta nói thêm vào: “Giờ chúng ta đã là bằng hữu rồi, cậu cứ để anh ấy xem xem thì có làm sao đâu?”.

Vị kia liền tháo dây, mở tờ điệp văn ra. Trên đó viết: “Thứ 40, Liễu Hồng Đồ, Thanh Châu phủ, Lẫm Thiện sinh”.

Liễu Hồng Đồ thấy tên mình rành rành ra đó, không giấu nổi nỗi xúc động nước mắt tuôn như mưa.

Vị này hỏi: “Người anh em, hà cớ gì lại bi thương như thế? Vị tân cử nhân này là họ hàng trong gia tộc của anh à?”.

Liễu Hồng Đồ đáp: “Không phải”.

Vị ấy lại hỏi: “Vậy chẳng lẽ là huynh đệ trong nhà anh sao?”.

Liễu Hồng Đồ nói: “Cũng không phải. Người có tên trên bảng này là em của anh trai tôi, cũng là chú của cháu tôi”.

Hai người kia vội đứng dậy chắp tay nói: “Có lẽ nào anh chính là tân cử nhân sao?”.

Liễu Hồng Đồ đáp: “Thật hổ thẹn, chính là tại hạ!”.

Vương Phụng Sơn nghe tin vội vàng đến và hỏi rốt cuộc là chuyện gì. Liễu Hồng Đồ liền kể lại đầu đuôi câu chuyện, rằng anh xin phép về thăm nhà nhưng trên thực tế là lên tỉnh dự thi, đến nay đã trúng cử. Vương Phụng Sơn vô cùng vui mừng, liền sai người về báo tin cho Vương mẫu. Bà Vương mừng quá, liền cho mở tiệc rượu chiêu đãi, mời tất cả dân làng đến ăn mừng.

Hôm ấy, Vương mẫu và thiếu phụ đang chuẩn bị cỗ bàn trong phòng bếp thì người hầu bưng chậu đi vào, vừa đi vừa nói: “Anh Liễu làm thuê ở đây thật kín tiếng, suốt hai năm qua chẳng ai biết anh là một học trò. Đúng là Trời không phụ lòng người, giờ anh đã hiển quý rồi! Mọi người thấy không, trên yết thị viết rành rành đó: cử nhân mới trúng cử đích thị là Liễu Hồng Đồ”.

Mọi người trong phòng bếp ồ lên cười sảng khoái, chỉ riêng thiếu phụ là xúc động đến mức run rẩy làm rơi đôi đũa trong tay.

Vương mẫu đứng cạnh đó thấy vậy, thầm nghĩ: “Con nuôi ta đã phát thệ không lấy chồng, hôm nay vừa nghe thấy cái tên Liễu Hồng Đồ liền kích động như vậy… Chẳng lẽ thấy người ta vinh hiển liền động tâm, đã bị danh lợi dụ hoặc rồi hay sao?”.

Vương mẫu chờ con trai quay về liền hỏi: “Cậu Liễu kia đã có vợ chưa?”.

Vương Phụng Sơn đáp: “Nhà không có, lẽ nào lại còn có vợ?”.

Thiếu phụ đang xoa bóp lưng cho mẹ nuôi, liền hỏi thêm vào: “Anh ấy là người Thanh Châu phải không?”.

Vương Phụng Sơn đáp: “Đúng vậy”.

Đến tối, Vương mẫu nói riêng với thiếu phụ: “Từ khi con phụng dưỡng ta đến nay đã được mấy năm rồi, ta thấy con thực sự rất hiếu thuận, ngay cả con gái ruột cũng không thể chăm sóc mẹ mình được như thế. Nhưng mà con à, yến tiệc trăm năm rồi cũng tàn, đời người cũng sẽ có lúc, khi ấy con cần có bờ vai mà nương tựa. Nay ta muốn tìm cho con một tấm chồng tốt, con thấy thế nào? Con không cần phải quá câu nệ vào những việc trước kia, nào có con gái nhà ai ở mãi phòng khuê mà chết già được đâu?”.

Thiếu vụ trước nay vốn kín đáo cẩn trọng, nghe những lời ấy nàng đã hiểu ý Vương mẫu là gả nàng cho Liễu Hồng Đồ, chỉ là bà không trực tiếp nói ra mà thôi. Nàng nhỏ nhẹ đáp rằng: “Ý của mẹ con xin nghe”.

Vương Phụng Sơn nghe mẹ kể, liền ngỏ ý với Liễu Hồng Đồ. Liễu Hồng Đồ ngửa mặt lên trời than rằng: “Sống mà phải rời xa nhau còn thê lương hơn cả chết mà chia lìa nhau. Trong nạn đói phải bán vợ mưu sinh, nỗi đau ấy đến nay vẫn còn nhức nhối trong lòng tôi, những lời nói trước lúc chia tay vẫn còn văng vẳng bên tai tôi. Cho dù hôm nay tôi lấy vợ mới, nhưng chỉ sợ rằng ở chân trời góc bể kia vẫn còn một mối ân tình chưa thể trả. Chao ôi, những kẻ bạc tình trên đời này, nào có ai bạc bẽo như ta!”.

Vương Phụng Sơn nói: “Liễu đệ đừng suy nghĩ nhiều quá như thế làm gì, người vợ sau này chẳng qua chỉ là để có con cháu nối dõi mà thôi. Liễu đệ nếu cứ cố chấp mãi vào quá khứ, đối với ái tình trung trinh không thay lòng như thế, ngộ nhỡ sau này đàn vỡ người vong, không có con cháu lo việc hương hỏa, thì chẳng phải sẽ lưu lại nỗi ân hận cả đời hay sao? Đệ cứ cân nhắc kỹ, xem cái nào nặng, cái nào nhẹ!”.

Liễu Hồng Đồ nói: “Cảm tạ lòng tốt của Vương huynh, đệ không dám bất cẩn phụ lòng. Đúng là tình cảnh đã đến nỗi này, chẳng còn lựa chọn nào khác. Nhưng đệ có lời nói trước, nếu sau này tìm lại được thê tử, vợ chồng lại được trùng phùng đoàn tụ, thì hy vọng người vợ mới này sẽ chấp nhận chịu thiệt lui về phía sau”.

Vương Phụng Sơn trở về kể lại cho mẫu thân và em gái nuôi, bà Vương gật đầu và đưa mắt nhìn thiếu phụ. Nhưng thiếu phụ chỉ mỉm cười, trong lòng nàng hiểu hơn ai hết rốt cuộc gương vỡ rồi cũng lành, chia ly rồi sẽ có ngày trùng phùng đoàn tụ.

Ngày hoàng đạo đã đến, chiếc kiệu rực rỡ rước dâu trong tiếng trống tiếng nhạc tưng bừng, các chàng trai bê đồ sính lễ, các cô gái mặc áo choàng thổ cẩm cầm hoa. Hôn lễ vô cùng long trọng, chú rể Liễu Hồng Đồ trên ngực đeo hoa, đầu đội mũ miện, lưng thắt đai xanh, chàng chậm rãi mở khăn đỏ trùm đầu của tân nương. Cô dâu nhìn thấy chú rể không giấu được vẻ mặt vui mừng, khẽ mỉm cười ý tứ. Liễu Hồng Đồ không nhìn kỹ, nhưng trong tâm thầm nghĩ: “Vị nữ nhân này sao lại giống vợ mình thế nhỉ?”.

Đến đêm khi khách khứa về hết, tân lang cầm nến bước vào phòng hoa chúc, anh không hiểu vì sao tân nương lại bưng mặt khóc. Liễu Hồng Đồ ngắm khuôn mặt nàng liền kinh ngạc hỏi: “Nàng có phải là Nhất Nẫm Kim - người vợ trước đây của ta không?”.

Thiếu phụ nói: “Từ khi hai ta chia tay đến nay, lang quân, chàng vẫn ổn chứ?”.

Liễu Hồng Đồ nhận ra vợ mình, không khỏi khóc nấc lên. Cả đêm ấy hai vợ chồng thắp sáng đèn, cùng nhau ôn lại nỗi khổ chia ly, trong lòng trăm mối buồn vui lẫn lộn, cảm giác mơ hồ như trải qua một đời. Sáng hôm sau, thị nữ đến dọn phòng thì phát hiện hai chiếc gối uyên ương thấm đầy nước mắt...

Liễu Hồng Đồ chỉnh lại y phục rồi ra gặp Vương Phụng Sơn. Anh quỳ xuống một lúc lâu cảm tạ và nói: “Đại ân đại nghĩa của huynh, đệ nguyện cả đời khắc cốt ghi tâm”.

Vương Phụng Sơn kinh ngạc hỏi là chuyện gì, vợ chồng Liễu Hồng Đồ bèn kể lại câu chuyện gương vỡ lại lành của hai người. Vương mẫu nghe tin cũng rất cao hứng, trong lòng thầm nghĩ: “Ta vẫn luôn thắc mắc cô gái này cớ sao không bao giờ tùy tiện nói cười, đến hôm nay ta mới biết vì sao”.

Sau này, Liễu Hồng Đồ và vợ chuyển đến sống Tân Thành, anh đối đãi với Vương mẫu như với mẹ vợ, và coi nhà họ Vương là gia đình thứ hai của mình. Vương Phụng Sơn cũng coi anh như em rể, giúp anh chiêu sinh và mở trường dạy học ở quê nhà.

Nhớ lại những năm đói kém thời nhà Thanh, thiên tai hạn hán, cây cối chết ngả chết nghiêng, hoa màu cũng khô héo. Biết bao người phải phơi thây nơi hoang vu đồng nội, trở thành thức ăn cho kền kền và chim ưng. Những sự việc đau lòng như chồng bán vợ, mẹ bán con, tứ bề ly tán đâu đâu cũng có... Trong ngàn vạn gia cảnh bất hạnh ấy, có lẽ chưa có ai may mắn hơn Liễu Hồng Đồ.

Theo Thái Nguyên - Epoch Times
Minh Tâm biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Trong mất mùa đói kém, vợ bán thân cứu chồng mưu sinh