Tướng trẻ Chu Du làm thế nào để lão tướng Trình Phổ tâm phục khẩu phục

Giúp NTDVN sửa lỗi

“Tam quốc diễn nghĩa” tả Chu Du là người khí độ hẹp hòi, ghen tức tài năng Gia Cát Lượng, đã nói ra câu: “Trời đã sinh ra Du, sao còn sinh ra Lượng”. Thực tế Chu Du có phải dạng người như vậy không? 

Hai vị thiếu niên anh hùng Tôn Sách và Chu Du, gặp nhau muộn, kết nghĩa anh em, từ đó Tôn Sách chuyển cả gia quyến tới ở nhờ nhà Chu Du. Trong một năm ở nhà Chu Du, được Chu Du tương trợ, Tôn Sách đã chiêu mộ được nhiều anh hùng hào kiệt cùng các năng nhân dị sĩ khắp vùng sông Hoài, và Trường Giang, dần hình thành lên tập đoàn quân sự chính trị do Tôn Sách đứng đầu, nhưng ngay sau đó lại xảy ra một sự việc khiến cho hai anh em phải chia tay, đường ai nấy đi.

Mỗi người có đường riêng của mình

Năm 191, cha của Tôn Sách là Tôn Kiên nhận lệnh của Viên Thuật dẫn quân đánh Lưu Biểu ở Kinh Châu, giáp trận không may Tôn Kiên bị trúng tên của quân sĩ Hoàng Tổ - một tướng của Lưu Biểu, mà mất mạng, tiếc thay cho vị tướng lừng lẫy một thời. Dũng tướng Tôn Kiên năm ấy mới 36 tuổi, ai ngờ tráng chí chưa thành thân đã mất. Tôn Sách 17 tuổi kế nghiệp cha, Tôn Sách thầm dự tính: Trước tiên cố gắng phục hưng gia nghiệp, cần tổ chức một đội binh mã riêng trong khu vực của mình, sau đó là báo thù cho cha.

Nhưng Tôn Sách khi ấy thân cô thế cô, cơ bản không có khả năng đối kháng Lưu Biểu, cho nên ông đã đưa ra một quyết định: bỏ qua bước thứ nhất, đầu quân cho Viên Thuật, làm một danh tướng dưới trướng Viên Thuật. Cho nên Tôn Sách đã rời nhà Chu Du, lần biệt ly này, đôi bạn chí thân mỗi người một ngả.

Viên Thuật <Tranh cổ thời Thanh năm 1906>

Khởi binh trợ giúp Tôn Sách

Năm 197, do phản đối Viên Thuật tự xưng Thiên Tử, không cùng chí hướng mưu lược, nên Tôn Sách mang theo đội quân của mình thoát ly về Giang Đông, sau này lại được triều đình Đông Hán công nhận, chính thức lập ra đội quân riêng.

Một lần, Chu Du đi thăm ông chú là Thái thú Đơn Dương, đúng lúc ấy Tôn Sách dẫn quân vượt sông Trường Giang đến Lịch Dương. Tôn Sách lập tức cho người đem thư đến Chu Du, Chu Du nhanh chóng dẫn binh mã ra nghênh đón. Tôn Sách trông thấy Chu Du thì hết sức vui mừng, như thể vừa được uống viên ‘Định tâm hoàn’ vậy. Tôn Sách nói: “Được người anh em giúp đỡ thì đại sự chắc thành rồi!”

Quả nhiên, dưới sự phò tá của Chu Du, hai vị hào kiệt cùng nhau tác chiến, liên tiếp công chiếm nhiều thành trì, hai vị anh hùng tuổi trẻ kinh qua những trận chiến đó mà lập dựng uy danh.

Ngay sau đó, Chu Du lại phò tá Tôn Sách đánh chiếm Hoành Giang, Đương Lợi, Mạt Lăng, Khúc A, khí thế như chẻ tre, tiến quân thần tốc, thu gom được đội quân lên tới mấy vạn người, giao cho Chu Du thống lĩnh quay về Đan Dương.

Nhưng chức vị Thái thú Đan Dương của chú Chu Du nắm giữ không lâu, vì khi ấy Viên Thuật đã tự xưng Hoàng đế, để củng cố thế lực nên Viên Thuật đã phái em mình là Viên Dật thay thế chú của Chu Du.

Lúc này, Viên Thuật đã nghe nói Chu Du là một vị tướng tài năng, nên muốn lôi kéo Chu Du làm tướng của mình, nhưng Chu Du có con mắt nhìn xa trông rộng, thấy Viên Thuật là người tham lam vô đáy, là một bạo quân hung tàn, không thể thành đại sự, nên đành đối phó, làm một chức huyện trưởng quanh quẩn trông coi.

Khi nhậm chức, Chu Du thấy địa phương phát sinh nạn đói nghiêm trọng, bách tính đói khổ không nhận được sự giúp đỡ nào từ Viên Thuật, Chu Du rất muốn phát chẩn cứu đói, nhưng nạn đói thực quá nghiêm trọng, cảm thấy lực bất tòng tâm. Chu Du thấy Viên Thuật không quan tâm gì đến việc sống chết của dân chúng, cứ giương mắt nhìn bách tính chết đói, người như vậy sẽ tàn lụi nhanh thôi, thế là Chu Du tìm cơ hội vứt bỏ chức quan, về với Tôn Sách.

Lập công dựng nghiệp

Sau khi Đổng Trác và bè đảng bị giết, cuối cùng Tào Tháo nắm triều đình Đông Hán, giúp Thiên tử để lệnh chư hầu. Năm 198, để lôi kéo Tôn Sách đối kháng với hai anh em Viên Thuật, Viên Thiệu, Tào Tháo phong Tôn Sách làm Ngô Hầu, nhậm chức tướng quân thảo trừ nghịch tặc. Từ đây, Tôn Sách danh chính ngôn thuận chấp chính Giang Đông.

孙策(图片:维基)
Tôn Sách (Ảnh: wikipedia)

Một ngày, Tôn Sách nghe tin có Chu Du đến đầu quân, vui mừng lên ngựa tự thân nghênh đón, đồng thời lập tức phong Chu Du làm Kiến Uy Trung Lang tướng, cho cắt cử hai nghìn người làm thuộc hạ của Chu Du, ban cho 50 ngựa chiến, đồng thời cho xây cất nhà riêng, ban tặng lớn như vậy khi ấy không ai bì được.

Tôn Sách nói: “Chu Công Cẩn tài hoa kiệt xuất hơn người, là bạn cùng ta từ thủa nhỏ, có nghĩa tình sinh tử chi giao. Khi trước ở Đan Dương, nhờ có Chu Du chiêu binh, giúp đỡ tiền bạc mua thuyền bè, thì ta mới có thành tựu hôm nay, nay ta có chút lễ nhỏ, cũng không đủ báo đáp ân xưa!”

Thế là, người em kết nghĩa Chu Du 24 tuổi, bắt đầu tỏa sáng dải Giang Đông.

Từ đó, Chu Du phò tá Tôn Sách nam chinh bắc chiến, đánh Kinh Châu, chiếm huyện Hoàn, thảo phạt Giang Hạ, bình định Dự Chương, Lư Lăng, giúp Tôn Sách mở rộng cơ nghiệp của nhà họ Tôn. Sau này, Tào Tháo nghe danh Chu Du tài năng kiệt xuất, nên phái Tưởng Cán đi thuyết khách Chu Du, khuyên Chu Du về hàng Tào Tháo. Tưởng Cán là người cùng quê An Huy với Chu Du, lại là người quen cũ, Tưởng Cán là danh sĩ có tài thuyết khách, ai ngờ vừa tới doanh trại quân Ngô thì Chu Du đã đoán ra được ý đồ, chưa đợi Tưởng Cán mở lời, Chu Du biểu đạt rõ lòng mình là muốn báo đáp ân tình của Tôn sách, cùng Tôn gia có họa cùng chia, có phúc cùng hưởng.

Lời Chu Du khiến Tưởng Cán vô cùng thán phục, Tưởng Cán quay về nói với Tào Tháo về Chu Du: “Trang nhã độ lượng chí lớn, không ngôn từ nào có thể nói được”.

Ý tứ muốn nói: Chu Du là người có tấm lòng rộng lớn, khí độ bất phàm, trung trinh kiên định với gia tộc Tôn Sách, là người không thể bị lay động bởi những lời du thuyết.

孫權稱帝時說:「孤非周公瑾,不帝矣。」(圖片:網絡/〔唐〕閻立本/希望之聲合成)
Tôn Quyền nói, nếu không có Chu Du thì ông không thể lên ngôi Hoàng đế. (SOH tổng hợp)

Đối nhân xử thế, phong độ quảng đại

Chu Du không vì người ta du thuyết mua chuộc mà cải biến chí khí tiết tháo của mình, đó là do ông có tín tâm, chủ ý vững vàng không gì lay chuyển. Trong “Tam quốc chí - Ngô thư - Chu Du truyện” có nói về Chu Du rằng: “Tâm tính quảng đại, rộng lượng được lòng người, duy có Trình Phổ là bất hòa”.

Là cũng nói Chu Du tính tình trong sáng, khí độ quảng đại, quan hệ tốt với mọi người, vậy Trình Phổ là ai? Tại sao Chu Du lại không hợp với ông ta?

Nguyên Trình Phổ là một vị lão tướng của Đông Ngô, ông là công thần phò tá Tôn Kiên, Tôn Sách, Tôn Quyền, có thể nói ông là nguyên lão tam triều. Khi đó ông không phục Chu Du, nghĩ Chu Du là kẻ hậu sinh, một bước lên quan, lại còn nhậm chức đại tướng quân, còn trên cả mình, cho nên lúc nào ông cũng đối phó với Chu Du, thậm chí còn công khai làm nhục Chu Du. Nhưng Chu Du trước sau như một, không mang hận trong lòng, không tìm cách trả miếng, thậm chí hạ mình mời Trình Phổ nghị bàn quân cơ đại sự.

Chu Du. (Tranh: zhengjian)

Người ta thường nói: “Nhật cửu kiến nhân tâm” (ở lâu biết lòng người), Chu Du sau này không những khiến cho Trình Phổ tâm phục khẩu phục, mà còn khiến lão tướng Trình Phổ càng ngày càng kính trọng Chu Du. Trình Phổ còn khen: “Làm bạn với Chu Công Cẩn, như được uống rượu ngon, say lúc nào không biết.”

Về sau có thành ngữ: “Ẩm thuần tự túy” (uống rượu ngon, say lúc nào không biết) là từ điển cố này.

Đại chiến Xích Bích: Chu Lang hùng tài đại hiển

Trận đại chiến Xích Bích nổi tiếng trong lịch sử lấy ít thắng nhiều, đã đưa tài năng quân sự của Chu Du lên tầng cao mới, khiến tên tuổi ông tiếng thơm muôn đời. Đấy chính là chiến dịch có tính quyết định, vì trận Xích Bích đã dẫn đến hình thành thế chân vạc Tam Quốc. Không có Chu Du, trận chiến Xích Bích không thể thắng lợi, thậm chí còn không có trận Xích Bích. Vì lúc đó Lưu Bị do Gia Cát Lượng phò tá không có thực lực có thể đánh thắng quân Tào.

Mùa xuân năm 208, Chu Du dẫn đại quân chiếm lĩnh Giang Hạ. Tháng 9, đại quân Tào Tháo cũng đoạt được Kinh Châu. Quân đội Đông Ngô và quân Tào cùng dàn quân, một bên ở Giang Nam, một bên dàn quân Giang Bắc, cuộc đại chiến diễn ra. Tào Tháo có hùng tâm nhất thống thiên hạ, và dẫn đại quân 80 vạn, quyết chí thôn tính Đông Ngô.

Đối diện với đại quân Tào Tháo áp sát biên giới, nội bộ Đông Ngô xuất hiện hai phái chủ hòa và chủ chiến. Phái chủ hòa cho rằng Tào Tháo danh chính ngôn thuận, hơn nữa sức mạnh quân sự cường thịnh, Đông Ngô sẽ không chống đở nổi một trận.

Nhưng Chu Du, người được Tôn Quyền triệu về lại ra sức chủ trương chống tào. Khác với “Tam Quốc diễn nghĩa” miêu tả Gia Cát Lượng khẩu chiến quần nho, và Chu Du bị trúng kế khích tướng kế của Gia Cát Lượng, trong chính sử có chép, Chu Du dốc sức dẹp bàn tán của quần thần, đồng thời tiến hành phân tích sâu sắc tinh tế.

Trước tiên Chu Du nói với Tôn Quyền: “Tướng quân Thần võ hùng tài, và lẫm liệt của cha anh, cát cứ Giang Đông, đất rộng mấy ngàn dặm, tinh binh đủ dùng, anh hùng lạc nghiệp, xứng đáng tung hoành thiên hạ”. Và tiếp đến chỉ ra, quân Tào không giỏi thủy chiến, hơn nữa, mùa đông giá lạnh, ngựa không lương thảo, binh sỹ xa xôi đến, không hợp thủy thổ, ắt sẽ sinh bệnh, mà đây là đại kỵ trong việc dụng binh.

Ông còn nói với Tôn Quyền, quân Tào không đáng sợ, ông chỉ cần 5 vạn tinh binh, là có thể đảm bảo giành chiến thắng. Tôn Quyền nghe xong vô cùng mừng rỡ, nói: “5 vạn tinh binh nhất thời khó mà lo đủ, hiện nay chọn được 3 vạn, mời tướng quân và Tử Kính, Trình Phổ đi nghênh địch”. Chu Du lập tức được phong làm Chủ soái tá đô đốc, dẫn quân ngược dòng Trường Giang lên phía tây, chuẩn bị hợp quân với quân của Lưu Bị, cùng nhau đối phó với Tào Tháo.

Cuộc chiến sau đó cũng đã chứng minh tài năng quân sự trác tuyệt, tầm chình độc đáo và mưu lược đại đảm của Chu Du. Chu Du dẫn 3 vạn quân thủy binh tự mình đi nghênh chiến đại quân 15 vạn của Tào Tháo, dùng 1 chọi 5, mà vẫn “phá tan giặc mạnh đương trong nói cười”, khiến quân địch “Giặc kia khói diệt tro bay”.

Thái Bình
(Tổng hợp từ SOH, DKN)

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Tướng trẻ Chu Du làm thế nào để lão tướng Trình Phổ tâm phục khẩu phục