Việt Nam phản đối Trung Quốc đưa tàu khảo sát quần đảo Hoàng Sa

Giúp NTDVN sửa lỗi

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định, mọi hoạt động tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không có sự cho phép của Việt Nam đều 'vô giá trị và bất hợp pháp'.

Tại họp báo chiều 8/7, trả lời cầu hỏi của báo chí trước thông tin về tàu nghiên cứu Đại học Tôn Trung Sơn của Trung Quốc sẽ được đưa tới Biển Đông, cụ thể là quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, trong tháng 10/2021 nhằm "thúc đẩy thăm dò các vùng biển giàu tài nguyên", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: "Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như các quyền hợp pháp với vùng biển Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về luật biển năm 1982 (UNCLOS)".

Bà Hằng khẳng định: "Mọi hoạt động thăm dò, nghiên cứu khoa học và khảo sát vùng biển Hoàng Sa mà không có sự cho phép của Việt Nam là xâm phạm chủ quyền và các quyền liên quan của Việt Nam, bất hợp pháp và vô giá trị".

Hôm 6/7, báo South China Morning Post (SCMP) loan tin, tàu nghiên cứu Đại học Tôn Trung Sơn được coi là "phòng thí nghiệm di động cỡ lớn trên biển". Truyền thông Trung Quốc thông tin, con tàu sẽ đến khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào tháng 10/2021, để nghiên cứu "hơi ẩm ở vùng ranh giới phía tây Biển Đông cũng như các vùng biển lân cận nhằm có thể cung cấp hỗ trợ khoa học trong phòng chống thiên tai".

Tàu tàu nghiên cứu Đại học Tôn Trung Sơn dài 113m, rộng 19,4m với lượng giãn nước 6.880 tấn, là tàu nghiên cứu lớn nhất của Trung Quốc. 760m² mặt sàn trên tàu dành cho các phòng thí nghiệm cố định, hơn 610m² dành cho 10 phòng thí nghiệm di động kiểu container. Tàu có một sàn đáp trực thăng để chuyển người và thiết bị, đồng thời cho phép vận hành máy bay không người lái (UAV) để mở rộng phạm vi quan sát khoa học trên không, mặt biển và đáy biển. Một radar thời tiết dạng mảng pha sẽ được lắp trên tàu vào năm 2022.

Trung Quốc nói rằng các nghiên cứu hàng hải sẽ phục vụ lợi ích cộng đồng, song các nước ven Biển Đông nghi ngờ điều này. Trung Quốc đơn phương vẽ ra "đường 9 đoạn" nhằm nêu yêu sách chủ quyền phi lý với phần lớn diện tích Biển Đông. Ngoài chiếm đóng trái phép Hoàng Sa, Trung Quốc còn chiếm đóng trái phép nhiều thực thể thuộc Trường Sa của Việt Nam.

Trước đó, vào 24/6, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam khi nước này cho tàu trinh sát, máy bay đến hoạt động tại đá Chữ Thập ở Trường Sa, đồng thời gắn thẻ tên các loại thực vật ở quần đảo Hoàng Sa.

Việt Nam Chính trị

Việt Nam phản đối Trung Quốc đưa tàu khảo sát quần đảo Hoàng Sa