Báo cáo: Chính sách ‘Xóa sổ dịch bệnh’ của ĐCS Trung Quốc là rủi ro lớn nhất năm 2022

Giúp NTDVN sửa lỗi

Eurasian Group, một cơ quan tư vấn rủi ro chính trị của Mỹ, đã công bố báo cáo "10 dự đoán rủi ro hàng đầu thế giới năm 2022" và chỉ ra rằng, chính sách ‘Xóa sổ dịch bệnh’ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là rủi ro lớn nhất toàn cầu năm 2022.

Theo Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đưa tin, báo cáo dự đoán của Eurasia Group công bố ngày 3/1 cho biết, mặc dù Châu Âu và Trung Quốc đều bị ảnh hưởng bởi đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), nhưng so với chính sách “sống chung với virus” của phương Tây, chính sách “xóa sổ dịch bệnh” hà khắc của ĐCSTQ mới tạo thành rủi ro lớn nhất toàn cầu, bởi vì chính sách này có thể làm trầm trọng thêm gián đoạn chuỗi cung ứng trên thế giới và áp lực lạm phát gia tăng.

Ông Ian Bremmer, Chủ tịch Eurasia Group cho biết, tỷ lệ tiêm chủng cao và phương pháp điều trị hiệu quả đã làm giảm tỷ lệ nhập viện và tỷ lệ tử vong, tình hình dịch bệnh ở phương Tây và các nước mở cửa khác có thể sẽ có chuyển biến tốt trong vài tuần tới, nhưng ở Trung Quốc thì khác. Khả năng sống chung với loại virus "cực dễ lây lan nhưng khó gây tử vong" hoàn toàn trái ngược với chính sách xóa sổ của ĐCSTQ.

Ông Bremmer cho rằng, chính sách xóa sổ sẽ không có tác dụng, tuy nhiên ĐCSTQ sẽ kiên trì thực hiện nó, điều này có nghĩa là ĐCSTQ sẽ thực hiện phong tỏa và cách ly nghiêm ngặt hơn, từ đó ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế và đương nhiên hiệu quả cũng sẽ rất tồi tệ.

Trong báo cáo, ông Bremmer và đồng Chủ tịch Cliff Kupchan của Eurasia chỉ ra rằng, chính sách xóa sổ dịch bệnh của ĐCSTQ không những không kiểm soát được sự lây nhiễm, mà còn có thể dẫn đến một đợt bùng phát trên quy mô lớn hơn, điều này cũng sẽ đòi hỏi các biện pháp ngăn chặn chặt chẽ hơn.

Việc áp dụng quá nhiều biện pháp phòng dịch hà khắc sẽ dẫn đến sự hỗn loạn kinh tế và sự can thiệp của nhà nước nhiều hơn. Theo đó, chuỗi cung ứng trên thế giới cũng bị gián đoạn nhiều hơn.

Ông Bremmer và ông Cliff Kupchan nói rằng, việc hạn chế vận chuyển, dịch bệnh bùng phát và tình trạng thiếu hụt nhân lực, nguyên liệu và thiết bị sẽ trở nên tồi tệ hơn bởi chính sách “không covid” của ĐCSTQ.

Mặc dù những hạn chế về cung ứng ​​được kỳ vọng sẽ giảm bớt trong năm nay, nhưng việc gián đoạn chuỗi cung ứng trong nhiều ngành vẫn sẽ tiếp tục. Như vậy lạm phát cũng sẽ duy trì trong phạm vi lớn hơn trên toàn thế giới.

Trong báo cáo này, những thách thức mà ĐCSTQ phải đối mặt được liệt kê là rủi ro lớn thứ 4. Nội dung chỉ ra rằng, Bắc Kinh phải đối mặt với nhiều thách thức khác nhau trong việc thực hiện lời cam kết của ông Tập Cận Bình là “làm cho Trung Quốc mạnh lên”, trong đó bao gồm các cuộc phản công ngày càng mạnh mẽ từ phương Tây, mô hình tăng trưởng kiệt quệ của Trung Quốc, nền kinh tế mất cân bằng và đòn bẩy nợ quá mức, cũng như tốc độ già hóa nhanh chóng của dân số.

Đồng thời, những biện pháp cần thiết để thực hiện chính sách xóa sổ dịch bệnh đã buộc các quan chức phải rút lại một số mục tiêu cải cách, ví dụ như việc kiểm soát rủi ro tài chính. Điều này sẽ dẫn đến những lỗ hổng lớn hơn trong lĩnh vực kinh tế.

Tuy nhiên, ĐCSTQ cũng không ngại đánh đổi mọi giá để thực hiện chính sách "Zero covid".

Trước đó có thông tin rằng, vào lúc 7h tối ngày 1/1, bên ngoài Bệnh viện Cao Tân Tây An, một thai phụ 8 tháng phải chờ đợi trong cái lạnh âm độ vì cần giấy xét nghiệm PCR âm tính để được nhập viện. Hai tiếng sau, cô bị băng huyết nặng và sảy thai. Vụ việc đã khiến người dân Đại lục vô cùng phẫn nộ.

Xem thêm: Thảm cảnh Tây An: Thai nhi 8 tháng chết lưu vì bệnh viện bắt sản phụ đợi kết quả PCR

Hôm 5/1, cư dân mạng "Thái Dương Hoa Hoa Hoa" cho biết, bệnh tim của bố cô đột nhiên phát tác nhưng rất nhiều bệnh viện ở Tây An không tiếp nhận chữa trị, cuối cùng ông đã qua đời.

Ông Vương Đan, nhà hoạt động ủng hộ dân chủ từng tham gia Sự kiện Lục Tứ (ngày 4/6/1989) cho biết trên Facebook hôm 5/1 rằng, trên mạng liên tục xuất hiện các tin tức và video tiêu cực sau khi Tây An phong tỏa thành phố. Thông tin cho thấy chính quyền ĐCSTQ đã sử dụng các thủ đoạn cưỡng chế vô nhân đạo để hoàn thành chính sách “xóa sổ dịch bệnh”.

Cư dân mạng Trung Quốc bắt đầu gọi chính sách “Zero Covid” khắc nghiệt ở Tây An là “cuộc khủng hoảng thứ hai” vì cho rằng nó nguy hại không kém Covid-19. Một cư dân mạng viết: "Ở Tây An ngày nay, bạn có thể chết vì đói, chết vì bệnh tật [khác], nhưng không thể chết vì virus corona".

Minh Anh

Theo The Epoch Times

 



BÀI CHỌN LỌC

Báo cáo: Chính sách ‘Xóa sổ dịch bệnh’ của ĐCS Trung Quốc là rủi ro lớn nhất năm 2022