Các nhà nghiên cứu phát hiện vaccine COVID-19 liên quan đến nguy cơ sưng hạch bạch huyết cao hơn ở trẻ em

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nhà nghiên cứu nhận thấy vaccine COVID-19 của Pfizer và Moderna có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh hạch bạch huyết cao hơn.

Trong nghiên cứu mới, các nhà nghiên cứu ở Na Uy đã cho biết trẻ em được tiêm vaccine ngừa COVID-19 phải đối mặt với nguy cơ xảy ra một số tác dụng phụ cao hơn, bao gồm sưng hạch bạch huyết.

Theo bài báo, nguy cơ sốc dị ứng nghiêm trọng, sưng hạch bạch huyết và viêm tim tăng lên ở trẻ em từ 12 tuổi trở lên tiêm vaccine Moderna và Pfizer-BioNTech. Các nhà nghiên cứu cho hay những người ở độ tuổi 19 cũng có thể gặp tình trạng tương tự.

Trong các phân tích nhỏ, nguy cơ viêm ruột thừa cấp tính, động kinh và co giật cũng được phát hiện.

Các nhà nghiên cứu đã xem xét những thanh thiếu niên sinh từ năm 2002-2009 đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 vào năm 2021 hoặc 2022. Họ loại trừ những trẻ được tiêm vaccine sớm và cả những trẻ gặp vấn đề sức khỏe trong vòng 4 năm trước khi tiêm chủng.

Tổng số trẻ được đưa vào nghiên cứu cuối cùng là gần 500.000.

Sau đó, các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ Cơ quan Đăng ký Khẩn cấp của Na Uy đối với COVID-19, bao gồm các lần tiêm chủng và chăm sóc sức khỏe, để xem liệu có bất kỳ trường hợp nào nằm trong danh sách 18 kết quả có liên quan đến tiêm chủng hay không.

Sử dụng trẻ em chưa tiêm chủng làm tài liệu tham khảo, phân tích chủ yếu liên quan đến việc áp dụng mô hình được gọi là hồi quy Poisson để ước tính liệu có nguy cơ gia tăng xảy ra hậu quả như tình trạng viêm tim ở những người được tiêm chủng hay không.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng sau liều đầu tiên, những trẻ được tiêm vaccine ngừa COVID-19 có nguy cơ bị sốc phản vệ hoặc sốc dị ứng nghiêm trọng cao gấp 5 lần; sau liều thứ hai, nguy cơ sốc cao gần 10 lần. Rủi ro gia tăng xảy ra trong vòng hai ngày.

Dựa trên dữ liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các tổ chức khác, đây được xác định là khoảng thời gian rủi ro hoặc giai đoạn dễ xuất hiện tác dụng phụ nhất mà những người được tiêm chủng phải đối mặt.

Theo kết quả phân tích chính, sau liều thứ hai, trẻ được tiêm chủng cũng có nguy cơ mắc bệnh hạch bạch huyết cao hơn khoảng 2,5 lần trong vòng 14 ngày; hơn nữa, trong vòng 28 ngày kể từ liều thứ hai, nguy cơ bị viêm cơ tim và/hoặc viêm màng ngoài tim hoặc viêm tim cao gấp 7 lần.

Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba của vaccine đã phát hiện thấy nguy cơ mắc bệnh hạch bạch huyết tăng lên ở những người từ 16 tuổi trở lên.

Khi các nhà nghiên cứu mở rộng khoảng thời gian rủi ro trong một phân tích bổ sung, họ cũng nhận thấy nguy cơ viêm ruột thừa cấp tính tăng lên sau liều đầu tiên và thứ hai cũng như tăng nguy cơ mắc bệnh liệt dây thần kinh mặt.

Các phân tích phụ được phân tầng theo độ tuổi cũng cho thấy nguy cơ mắc bệnh động kinh và co giật gia tăng ở những người 18 và 19 tuổi trong vòng 28 ngày - khoảng thời gian rủi ro khi tiêm liều vaccine thứ hai.

German Tapia, cùng với Viện Y tế Công cộng Na Uy và các đồng tác giả của ông đã viết: “Hiểu biết về các tác dụng phụ có thể xảy ra sau tiêm chủng là rất quan trọng để cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro, cũng như để đưa ra các khuyến nghị về vaccine trong tương lai. Số lượng kết quả được quan sát và các mối liên quan có ý nghĩa thống kê nhìn chung thấp trong nghiên cứu này, với một số trường hợp ngoại lệ cần được theo dõi thêm”.

Các nhà khoa học cho biết cần tiến hành các nghiên cứu bổ sung để tìm hiểu những tác dụng phụ sau khi tiêm chủng ở trẻ em.

Bài viết được xuất bản trước bình duyệt trên medRxiv. Pfizer và Moderna đã không trả lời yêu cầu bình luận.

Theo Zachary Stieber - The Epoch Times
Bảo Vy biên dịch

Zachary Stieber là phóng viên cấp cao của The Epoch Times có trụ sở tại Maryland. Anh phụ trách đưa tin về nước Mỹ và thế giới.



BÀI CHỌN LỌC

Các nhà nghiên cứu phát hiện vaccine COVID-19 liên quan đến nguy cơ sưng hạch bạch huyết cao hơn ở trẻ em